Print this page
Thứ năm, 07 Tháng 5 2020 14:16

Gót sen hồng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  GÓT SEN HỒNG ...


Khi nói đến việc chăm sóc sắc đẹp, phái nữ thường chỉ quan tâm đến việc chăm sóc da mặt, vóc dáng, mái tóc, đôi tay mà quên đi một bộ phận cũng quan trọng không kém đó là đôi chân. Một đôi chân sần sùi, gót chân nứt nẻ chắc chắn sẽ làm cho ai đó mất đi sự tự tin.

Gót sen xem ra cũng đẹp nếu như biết nâng niu và cũng đáng yêu lắm chứ ! Cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh cũng đã "tô" một chút cho gót sen hồng trong Ru Tình của ông :

... Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ
Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá
Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa Thu
Ru khi mùa mưa tới, ru em mãi yêu người
Ru em hoài bé dại, một hồn thơm cây trái
Ru em chờ em nói, trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy, ru tình à ..ơi
Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng
Ru bay tà áo rộng, vượt tình tôi chấp cánh ...

Đâu đó trong văn chương cũng diễn tả bước chân đi của phụ nữ : "Tiếng vàng vội gọi con hầu, Gót sen nhè nhẹ dạo mau về nhà."

Gót sen trong văn chương và nhạc tình họ Trịnh là như vậy. Gót sen của em rất đẹp để cho tôi ru và gót chân nhẹ để cho tôi trân trọn. Trong Kinh Thánh, ta lại bắt gặp không phải gót sen mà là gót đạp người khác trong trang Tin Mừng mà Thầy Giêsu như trối trăng với các môn đệ : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.

Thật thế, Chúa Giêsu dùng hình ảnh gót chân xem ra rất gần trong cuộc sống. Khi không hài lòng con gì đó, người ta hay dùng gót chân để chà đạp. Với con người mình không ưa hay là kẻ thù thì tự nhiên tâm lý con người hay chà đạp người khác. Từ chà đạp đây không dừng ở gót chân mà bằng nhiều cung cách khác nữa.

Lời Chúa Giêsu nói xem ra đăng đắng sao sao í : "Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh". Và đâu đó thì cũng tương tự như câu này : "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy".

Chấm chung một chén, cùng chia cơm sẻ bánh là những ngữ nghĩa để nói đến tình thân nghĩa thiết giữa thầy và trò như Thầy Giêsu và các môn đệ. Thế nhưng rồi, ta vẫn có thể nới rộng ra trong tương quan giữa chồng và vợ, giữa con cái và cha mẹ, giữa anh em với nhau, giữa những người thân với nhau.

Cảm nghiệm chua xót mà Chúa Giêsu nhắc nhớ các môn đệ xưa chắc có lẽ mỗi người chúng ta đều hơn một lần nếm thử. Có những người đầu ấp tay gối, có những người chung tình chung lối và trao cho nhau cả cuộc đời nhưng đến một lúc nào đó lại quay lưng.

Đọc, nghe lời Chúa nói như thế này trong ta trào tràn nhiều tâm tư, nhiều suy nghĩ. Thế nhưng trên tất cả mọi sự, ta hãy suy nghĩ và hành động tích cực chứ đừng chỉ dừng lại ở chỗ trả thù hay dùng chiêu "mắt đền mắt răng đền răng" như luật cũ.

Dẫu biết rằng môn đệ bội bạc, dẫu biết rằng bị người đời chê bai và đem treo lên cây thập giá thế nhưng rồi Chúa vẫn tha và tha cho đến tận cùng. Tâm tình tha thứ và lời mời gọi yêu thương của Chúa vẫn như còn vang vọng cho đến ngày hôm nay.

Ngày hôm nay, giữa những nổi trôi của cuộc đời, không thiếu những người mà như người đời thường nói "ăn cháo đái bát" hay "không có nhân có nghĩa" nên chăng ta thanh thản và bình an với họ. Ngay cả Chúa Giêsu mà còn bị huống hồ gì là mỗi người chúng ta.

Và cũng đừng quên quy luật nhân quả trong cuộc đời. Khi ta giơ chân đạp người khác có ngày ta đạp phải gai hay người khác cũng sẽ đạp lại chúng ta. Tốt hơn hết hãy mềm lòng, hãy tha thứ và yêu thương như Chúa đã yêu chúng ta.

Phải chăng đứng trước nhân tình thế thái như vậy, ta hãy xin Chúa thêm ơ cho chúng ta để chúng ta đừng bao giờ giơ gót đạp người khác, nhất là người cùng chấm chung một chén và cùng sẻ chia một bánh với ta. Dĩ nhiên không phải dễ nhưng nhờ ơn Chúa ta sẽ sống được lời mời gọi của Chúa.

Hãy để cho đôi chân ta là gót sen hồng cho đời ta phơi phới. Hãy chăm chút gót chân ta nhẹ nhàng trên mỗi bước đi của cuộc đời, Ngày mỗi ngày, ta giơ gót đạp người khác hay khoe gót sen hồng là lựa chọn sống của mỗi người chúng ta. Nếu như chúng ta khe khẽ bước từng bước chân trên cuộc đời và bước nhẹ bên đời người khác chắc chắn lòng chúng ta mãi mãi bình an.

Người Giồng Trôm

Read 587 times Last modified on Thứ sáu, 08 Tháng 5 2020 08:11

Latest from Ban Biên Tập