Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 09 Tháng 2 2022 08:01

Biết chết để biết sống

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  BIẾT CHẾT ĐỂ BIẾT SỐNG


Chỉ trong hơn một tuần lễ, có những cái chết để lại cho những người thân quen nỗi thương tiếc, bàng hoàng và thậm chí có thể nói là cay đắng như cái của Cha Giuse khi Cha đang thi hành sứ vụ mục tử của Cha. Không ai mong cũng như muốn đón nhận cái chết đau đớn như thế. Chết rồi. dĩ nhiên là cầu nguyện nhưng nhiều người cứ tiếc nuối, cứ muốn đi tìm nguyên nhân cho những sự từ giã cõi tạm này của người thân yêu có thể là tai nạn, đột quỵ, đau bệnh ...


Ai trong chúng ta chẳng một lần nghe nói về sự chết? Có điều là người ta thường không thích nghĩ về cái chết. Nhiều người theo kiểu tin dị đoan hay trốn tránh cái chết cho rằng nếu như không nói, không bàn về cái chết, thì nó sẽ không xảy ra.


Ắt hẳng nhiều người còn nhớ đến nhà tỷ phú Mỹ William Randoph Hearst, chủ nhân của nhiều tờ báo và phim trường ở Holywood thời trước thế chiến thứ hai. William Randoph Hearst đã tuyệt đối cấm các nhân viên của mình nhắc đến từ ngữ “chết” trước mặt ông. Và rồi dĩ nhiên rằng nếu như ai lỡ miệng nói ra thì bị đuổi việc.


William Randoph Hearst thông minh, tài giỏi, thành công, nhưng lại không dám đối diện với sự thật phũ phàng đó! Rồi cuối cùng Hearst cũng chết và để lại một toà lâu đài rộng lớn. Tòa lâu đài này trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở California.


Với người Việt thời xưa thường lại khác suy nghĩ của William Randoph Hearst. Nhiều người xưa đã sắm trong nhà mình chiếc áo quan mà sau này lớn lên tôi mới biết đó chính là chiếc phảng với 4 miếng ván có giá trị mà ở nhà quê ta thường thấy.


Có những người vui vẻ để đón nhận cái chết như đã trối trăng rằng làm đám tang như thế nào ? Tẩn liệm mặc đồ gì ? ... Có những người nghĩ mình sẽ sống thọ và được thọ nhưng không ai biết được ngày giờ mình ở cõi dương gian. Có những người xem chừng ra gọi là bệnh rề rề nhưng lâu chết. Ngược lại có những người xem chừng ra như là phương phi phốt phát cũng như đang tập thể dục để lo cho sức khỏe của bản thân nhưng cũng ra đi không bao giờ trở lại.


Đứng trước cái chết, nhiều suy tư được đặt ra. Đối với những kẻ không tin thì chết là hết! Là cái chung cuộc chẳng ai muốn đi tới. Nếu thế thì cái chết đáng sợ lắm, vì nó chấm dứt tất cả những ước mơ của đời này. Cát bụi trở về cát bụi, không còn gì để đi tiếp.


Với niềm tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Nó chỉ là khởi đầu của một hành trình đi vào cõi thiên thu. Sau cái chết tôi sẽ đi gặp gỡ Đấng Tạo Hoá, và tính sổ cuộc đời mình. Cùng đích của cuộc đời là được sống mãi với Thiên Chúa. Nếu tôi đã sống trong ân nghĩa của Ngài, thì chuyến đi cũng giống như trở về nhà của mình. Sinh ký tử quy, tôi trở về nhà để sống với Thiên Chúa, Đấng dựng nên tôi. Danh từ bình dân gọi đây là Nước Thiên Đàng, nơi không còn nước mắt, chỉ có niềm vui và hạnh phúc viên mãn.


Dầu vậy trong chuyến đi này, chúng ta cũng cần được thanh luyện, như vàng được thử trong lửa. Vì trong cuộc sống, ít nhiều có lần tôi cũng đã không sống trong ân sủng của Ngài, tôi đã để những quyến luyến của thế giới này làm chủ trái tim tôi, đóng những lớp bụi trần trên con người thật của tôi. Tôi sinh đến trong đời với hai bàn tay trắng, và khi ra đi, tôi cũng chẳng mang gì theo được ngoại trừ công phúc và tội lỗi. Giai đoạn thanh tẩy này gọi là Luyện Tội, nơi chúng ta được tái tạo lại theo hình ảnh của Thiên Chúa. “Lửa” luyện tội sẽ đốt cháy tất cả những lớp bụi bặm, sơn phết mà tôi đã tô vẽ cho mình trong cuộc sống.


Chúng ta không thật sự biết những người thân yêu đã qua đời của mình, lúc còn sống họ đã ngoan cố khước từ Thiên Chúa, hay họ đã lầm chẳng biết, nên chúng ta cần cầu nguyện cho họ. Đó là ý nghĩa của ngày lễ các đẳng linh hồn chúng ta mừng kính hôm nay. Cũng như ngày lễ các thánh, chúng ta nhớ đến những người đã khuất và bày tỏ sự hiệp thông với họ. Khi còn sống họ đã ít nhiều mang những vết thương trong linh hồn vì hậu quả của tội lỗi. Giờ đây, chúng ta xin cho họ được Thiên Chúa giầu lòng thương xót chữa lành các thương tích vì tội lỗi, để họ trở thành những tạo vật mới, đi vào cõi bất diệt với Đấng Tạo Hoá từ nhân.
Trong mỗi thánh lễ chúng ta cầu nguyện cho những linh hồn của ông bà cha mẹ, thân nhân bạn hữu, và kể cả những linh hồn không ai nhớ đến được chóng hưởng thánh nhan Chúa, nhưng hôm nay chúng ta nhớ đến họ một cách đặc biệt, vì đó cũng là số phận của phần lớn chúng ta.


Nhớ đến người chết để cầu nguyện cho kẻ sống cũng như ta dọn mình để sống như thế nào cho phải đạo.


Tại chùa Tô Châu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung tu hành đắc đạo.


Nhà sư thường hay bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ ba tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy, cười nói rằng: Người chế ra cái này dùng để làm gì?


   Nhà sư nói: Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ, người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì. Như ta đây mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong thâm tâm ta được yên ổn mà muôn nghìn sự tư lự đều lâng lâng sạch như không. Cái quan tài con này đủ thay lời huấn, lời giới của bậc nghiêm sư bài trâm, bài minh treo bên chỗ ngồi vậy.


   Người ta sở dĩ ham mê say đắm vào thanh sắc, danh, lợi hay liều lĩnh tàn nhẫn dám làm những việc gian ác là thường chỉ biết có cái sống ở trước mặt, chớ không chịu nghĩ tới cái chết đến ngay sau lưng. Cái chết vốn như con ma, ai cũng sợ, cũng ghét thật, nhưng cái chết lại chính là ông thầy, chính là bài thuốc chữa khỏi được bao nhiêu các thói tật xấu xa ở đời. Người ta mà đã để tâm nghĩ đến cái chết, thì tự khắc mất cả lòng tham, tan cả máu ghen, hoá hết cả mọi sự mê muội mà thành ra biết thương đời người, thương đời người thì mọi sự hay, dở, phải, trái ở đời không còn gì bận đến tâm, sống rất thư nhàn sung sướng và nhẹ nhàng vậy.


   Và rồi trong cuộc sống, cần có những cuộc thanh luyện để sau khi chết được vào hưởng Nhan Thánh Chúa như niềm mơ ước của những người tin vào Chúa. Thế nhưng cuộc thanh luyện không nhất thiết phải bắt đầu lúc hấp hối hoặc sau khi chết. Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Những đau khổ mà tôi đang gánh chịu, phải chăng cũng là một thứ luyện tội ngay tại thế gian này? Ai từng bị bệnh nan y đều có cảm nghiệm này. Từ lúc khám phá ra họ có tên trong sổ đen của thần Chết, nhất là sau khi bị bác sĩ nhà thương “chê”, cách nhìn của họ về cuộc sống thay đổi rất nhiều.


   Ai mà chẳng phải chết, nhưng liệu chúng ta muốn chết trong thanh thản an bình, hay chết trong sợ hãi, dằn vặt, nuối tiếc. Phải chăng những người dám đối diện với cái chết thì biết cách sống? Có lẽ muốn sống tốt hơn, phải hiểu cái chết. Nhưng xin chúng ta đừng để quá muộn, vì có những điều muốn sửa lại cũng chẳng được, vì sẽ chẳng còn thời gian.


Và như vậy, mỗi người nên chăng luôn biết mình chết để mình sống tốt hơn trong cõi tạm này
Lm. Anmai, CSsR

Read 376 times Last modified on Thứ hai, 14 Tháng 2 2022 19:01