Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 22 Tháng 3 2022 10:27

Thiên Chúa là Đấng không làm sợ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG KHÔNG LÀM SỢ | Chuỗi Suy Niệm Mùa Chay 2022

 

TMĐP- Ước gì trong Mùa Chay, chúng ta siêng năng tìm đến Chúa Giêsu Thánh Thể để chiêm ngưỡng, thờ lạy Ngài, và được ánh mắt nhân hậu, thương xót của Ngài thanh tẩy, đổi mới.

Sợ ở đây là hãi sợ, kinh sợ, khiếp sợ; là tình trạng vắng bóng tình cảm khâm phục, tôn trọng, yêu mến của ta trước đe dọa của kẻ dã tâm nắm giữ bạo lực cố tình làm ta sợ để đạt mục đích sở hữu, thống trị ta của hắn.

Thực vậy, trong cuộc sống rất khó tránh khỏi những nỗi sợ. Có nỗi sợ thiên nhiên nổi giận làm lụt lội, hạn hán, sợ người thân phản bội, sợ cấp trên trù dập, sợ đồng nghiệp lật kèo tố cáo, sợ đàn em quay xe, trở mặt, sợ đồng hương, đồng đạo, đồng bào a dua, trở cờ. Người ta còn sợ những kẻ mạnh, có trong tay quyền lực và trong hồn lòng ganh ghét rắp ranh lấy đi hạnh phúc, chiếm đoạt cơ nghiệp, bịt kín đường sống, cấm vận tương lai, chà đạp nhân phẩm của mình.

Sợ cho mình, người ta còn sợ cho sự an toàn của gia đình, và an ninh của quê hương, thế giới khi đứng trước những nguy cơ bị sụp đổ, tiêu diệt vì tham vọng bất chính của một số lãnh đạo độc tài hiếu chiến đầy tham vọng xâm lăng, thống trị.

Ngoài những nỗi sợ gây ra cho nhau, những “nỗi sợ nhau”, người ta còn chung nhau nỗi sợ chết, vì chẳng ai thoát khỏi lưỡi hái bất ngờ, không hẹn trước của tử thần.

Tóm lại, con người có quá nhiều điều phải sợ, sống với rất nhiều người làm sợ, và lý do khiến con người sợ nhau, chính là lòng dạ ích kỷ tham lam, và tham vọng thống trị ở nhau. Bởi muốn sở hữu đến vô tận, người ta chiếm hữu đến tận cùng những gì có ở người khác bằng bạo lực làm sợ; muốn thống trị đến tận hang cùng ngõ hẻm của địa cầu, người ta sẵn sàng đẩy nhân loại vào tận cùng của sợ hãi cũng bằng bạo lực làm sợ. Và sợ là nỗi bất hạnh lớn hơn bất cứ nỗi bất hạnh nào của con người, vì là hậu quả của ganh ghét, sản phẩm của hận thù, giá đắt của bạo lực. Nói cách khác, sợ chính là kẻ thù của tình yêu, điều đáng kinh tởm của tình nghiã, nên không thể tồn tại trong tương quan Cha Con của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, như thánh Gioan tông đồ đã khẳng định: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4,18), như vợ chồng không thể khiếp vía, sợ hãi nhau, vì tình yêu đích thực mang lại cho họ hạnh phúc của lòng tin tưởng, và niềm vui của đời tín thác.

Vì con người sợ nhau, làm nhau sợ do lòng dạ ích kỷ, tham lam và tham vọng thống trị, mà Đức Giêsu đã dậy những ai muốn làm môn đệ Ngài phải bước đi trên con đường Từ Bỏ và Phục Vụ, vì chỉ khi dám “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, liều mất mạng sống mình” (x. Mt 16,24-25), chỉ khi sẵn sàng “phục vụ và hiến thân làm gía chuộc muôn người” như Đức Giêsu (x. Mt 20,28), người môn đệ mới thoát khỏi bóng tối sợ hãi, và không còn sợ , nhưng bình an trong tình yêu và “hưởng trọn vẹn niềm vui” của Đức Giêsu, Thiên Chúa (x. Ga 17,13).

Như thế, Thiên Chúa không bao giờ làm chúng ta sợ, nhưng giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ vô cùng kinh hoàng của kiếp người là “biết mình phải chết” khi “ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết” (Ga 3,16); Thiên Chúa cất đi nỗi sợ bị luận phạt đời đời khỏi chúng ta là những tội nhân đáng bị kết án hoả ngục qua lời hứa cứu độ: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17); Thiên Chúa không làm chúng ta sợ vì Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu của mẹ hiền yêu đứa con thơ như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15-16). Thiên Chúa ấy còn là Thiên Chúa chậm bất bình và rất đỗi khoan dung, Đấng nhân hậu, thương xót đến nỗi “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3).

Đức Giêsu suốt cuộc đời dương thế cũng chỉ loan báo Tin Mừng Bình An của Thiên Chúa tình yêu, Tin Mừng giải phóng con người khỏi mọi sợ hãi, như thiên sứ đã nói với các mục đồng thức đêm canh giữ đàn vật ngoài đồng trong đêm Giáng Sinh: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (Lc 2,10-11).

Tin Mừng ấy chính là từ nay con người không còn phải sợ, vì đã có Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót xuống thế làm người và ở giữa con người để yêu thương, an ủi, bênh đỡ, cứu chữa, ban bình an và sự sống đời đời. Ngài là “Chiên gánh tội, xóa tội trần gian” (Ga), và chết cho nhân loại được sống (x. Mt 20,28) ; là Đấng bảo đảm đời sống (x. Lc 12, 22-23), và bình an đích thực, bình an mà thế gian không cho được, vì là bình an của Thiên Chúa phục sinh (x. Ga 20, 19.26).

Vì thế, chúng ta không có lý do sợ hãi, nếu tin vào sức mạnh vô cùng của lòng thương xót Chúa, Đấng “đi tìm cho kỳ được con chiên bị lạc mất” (x. Lc 15,4-7); “đi tìm cho kỳ được đồng xu bị đánh rơi” (x. Lc 15,8-10); và ngày ngày ra đầu ngõ ngóng bóng con trở về (x. Lc 15, 11-32).

Chúng ta cũng đừng cho rằng “nói mãi về lòng thương xót Chúa là điều không nên, cường điệu lòng thương xót Chúa là việc không cần thiết”, trái lại, chúng ta phải ý thức và xác tín sứ vụ của chúng ta là loan báo và làm chứng Lòng Thương Xót Chúa, như Đức Maria trong kinh Tán Tụng đã không ca ngợi ai ngoài “Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót đã đoái thương phận nữ tỳ hèn mọn, và thương xót những ai kính sợ Người. Danh Người chí thánh chí tôn vì Người từ tâm, luôn nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và con cháu đến muôn đời” (x. Lc 1,46-55).

Thực vậy, vì quen lấy trái tim nhỏ bé, cõi lòng chật hẹp của mình làm thước đo lòng thương xót vô biên, vô cùng của Thiên Chúa, nên chúng ta có khuynh hướng ngăn cản, cấm vận lòng thương xót của Chúa, và bưc bội, khó chịu khi thấy Chúa thương người có tội và rộng lượng bao dung với những người chúng ta cho là bất xứng, đáng khai trừ, cần loại bỏ. Tin Mừng ghi lại hình ảnh những người Pharisêu đã khích bác Đức Giêsu khi Ngài ngồi ăn với những người thu thuế và tội lỗi (x. Mt 9, 10-13), hoặc chưng hửng, ngượng ngùng khi Ngài không hùa theo họ lên án ném đá người phụ nữ ngoại tình bị họ bắt qủa tang, nhưng nhẹ nhàng, tế nhị nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11).

Mùa Chay là hành trình đặc biệt Đức Giêsu dẫn chúng ta đi vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khi kêu gọi chúng ta “đừng sợ để Ngài đến gặp chúng ta, đừng sợ ánh mắt của Ngài nhìn chúng ta, vì Ngài yêu chúng ta”, nhất là đừng bắt chước nguyên tổ Ađam, Evà “trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa”, dù Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” (St 3,8-9); trái lại, hãy để Thiên Chúa “đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48), dù thân chúng ta đầy tội đáng phải chết, dù phận chúng ta nhơ nhớp, hèn mọn đáng xua đuổi, loại trừ, như Ngài đã âu yếm nhìn các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan khi gọi các ông đi theo Ngài (x. Mt 4,18-22); như Ngài đã nhân hậu nhìn các môn đệ hoảng hốt, sợ hãi khi sóng to gío lớn, thuyền đầy nước sắp chìm và trấn an các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27); như Ngài đã thương cảm nhìn Phêrô nhắc bảo: “Simôn, Simôn ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo ..”; “Thầy bảo cho anh biết, hôm này gà chưa kịp gáy, thì anh đã ba lần chối là không biết Thầy” (Lc 22,31.34); như Ngài đã xót xa nhìn Giuđa khi Ngài bị bắt và nói nhỏ với ông: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48); như Ngài đã thương xót “quay lại nhìn Phêrô” ngay lúc ông còn đang chối Ngài làm ông sực nhớ lời Ngài đã cảnh báo ông, và “ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22, 61.62); như Ngài đã khoan dung cố ngước mắt nhìn người gian phi cùng chịu đóng đinh và hứa với ông: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43); và như Ngài đã trìu mến nhìn bà Maria Mácđala vừa thút thít khóc vừa trả lời thiên thần: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” , và bất ngờ gọi tên bà “Maria!” (Ga 20,13.16).

Vâng, điều quan trọng chúng ta cần làm trong Mùa Chay là không sợ tìm đến Đức Giêsu “như mình là”, không sợ để đôi mắt nhân từ của Đấng Cứu Độ rất bao dung nhìn vào thân phận yếu đuối, tội lụy, xấu xa, vì lòng thương xót của Chúa có sức giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi lo sợ và ban cho chúng ta ơn Bình An phục sinh của Ngài.

Ước gì trong Mùa Chay, chúng ta siêng năng tìm đến Chúa Giêsu Thánh Thể để chiêm ngưỡng, thờ lạy Ngài, và được ánh mắt nhân hậu, thương xót của Ngài thanh tẩy, đổi mới.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/thien-chua-la-dang-khong-lam-so-chuoi-suy-niem-mua-chay-2022/

Read 334 times Last modified on Thứ tư, 23 Tháng 3 2022 11:03