Print this page
Thứ năm, 29 Tháng 3 2012 17:53

Sống Đạo Giữa Lòng Giáo Xứ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Giáo hội khuyến khích mọi giáo dân nên gia nhập và sinh hoạt trong một giáo xứ. Thật vậy giáo xứ không phải chỉ là nơi để giáo dân tới tham dự thánh lễ, nhưng còn hơn thế nữa, giáo xứ là:


Nơi để học hỏi những kiến thức giáo lý và cách thức sống đạo

Nơi để giáo dân tiếp nhận của ăn nuôi sống phần tâm linh, những hướng dẫn tinh thần, những hứng khởi và sức bật cho cuộc sống hằng ngày.

Mái nhà chung của nhiều giáo dân, nơi họ chia ngọt xẻ bùi, nâng đỡ nhau trong lúc buồn khổ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, chia xẻ tâm tình để vượt thắng những trắc trở trong cuộc sống, và chung vui trong những biến cố quan trọng chẳng hạn đám cưới.

Nơi các giáo dân gặp gỡ nhau hay kết bạn mới, cùng khuyến khích nhau để thăng hoa cộng đoàn, giúp cộng đoàn sống đạo tốt hơn và truyền đạo hiệu quả hơn. Là một thành viên trong giáo xứ, các giáo dân được khuyến khích góp phần mình để biến giáo xứ thành một mái gia đình chung ngày một tốt đẹp hơn. Sau đây là những đề nghị về cách sống đạo của những thành viên trong một giáo xứ: :

1. Coi mình là một thành viên của gia đình giáo xứ:
những thành viên trong gia đình đều có chung một lịch sử, truyền thống, niềm tin và một hệ thống giá trị luân lý. Vì thế, các thành viên dễ gắn bó với nhau và lo cho nhau như trong một đại gia đình. Giáo xứ bởi đó sẽ là tổ ấm cho các giáo dân. :

2. Tỏ lòng hiếu khách, giữ thái độ thân thiện cởi mở:
mỗi khi quý vị tới nhà thờ để dự thánh lễ hay các nghi thức, quý vị hãy nghĩ mình sắp sửa dự một bữa tiệc của đại gia đình. Vì thế, hãy đến chào đón, nói chuyện với những người đến tham dự, hãy tự giới thiệu mình, nói với họ và mời gọi họ tham gia về những chương trình của giáo xứ. Cũng nên có một thái độ ân cần thân thiện: chú ý đến người bên cạnh để ý xem họ cần gì; nếu bạn tới trước hãy ngồi vào giữa ghế; khen ngợi con cái của họ v.v…:

3. Dùng khả năng và những thứ Chúa ban cho để phục vụ giáo xứ:
Hãy cống hiến cho giáo xứ, những khả năng mà quý vị có được. Cho thí dụ: nếu quý vị giỏi về ca hát, hãy tham gia vào ca đoàn; nếu quý vị là thầy cô giáo, hãy tham gia chương trình dạy giáo lý; nếu có nhiều giờ rảnh rỗi, quý vị có thể giúp đưa Mình Thánh cho người đau ốm tại bệnh viện. Thật thế, giáo xứ sẽ cần đến khả năng và sự giúp đỡ của quý vị trong mọi lãnh vực. Giáo xứ cũng hoan nghênh quý vị nếu quý vị có sáng kiến tổ chức những sinh hoạt, nhóm hội, hay chương trình mới. Nhờ sự đóng góp của quý vị mà giáo xứ hoạt động hữu hiệu hơn. :

4. Tham gia những sinh hoạt trong giáo xứ:
Ngoài thánh lễ ra, các giáo dân cũng được khuyến khích các sinh hoạt khác trong giáo xứ, chẳng hạn những buổi cấm phòng, chầu đầu tháng, văn nghệ, tiệc mừng.v.v.. Nhờ sự tham dự các sinh hoạt này mà các thành viên trong giáo dân được nâng lòng đạo và thấy gắn bó nhau hơn. Đây cũng là dịp tốt để quý vị mời những vị khách tới làm quen với sinh hoạt cộng đoàn, đặc biệt là những người đã từ lâu không tham gia sinh hoạt trong bất cứ giáo xứ nào. Có lẽ họ còn ngần ngại khi được mời đi tham dự thánh lễ, nhưng họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn, khi được mời dự những sinh hoạt này. :

5. Đóng góp tài chánh:
Có lẽ quý vị đều biết số tiền phải trả cho căn nhà đang ở. Giáo xứ cũng cần tài chánh để trả cho những chi phí như điện nước bảo hiểm và những chương trình của giáo xứ. Việc đóng góp cho giáo xứ không phải chỉ là vấn đề trách nhiệm mà còn là một nghĩa vụ nữa. Thật thế, nếu nghĩ rằng mọi thứ chúng ta có đều là của Chúa ban cho, thì việc chúng ta đóng góp cho giáo xứ hằng tuần sẽ là một nghĩa vụ của người thụ ân là chính chúng ta. “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. (1Phêrô 4:10) :

6. Cầu nguyện cho giáo xứ:
Hãy cầu nguyện cho các cha cho những người trong giáo xứ và những nhu cầu của họ. Trong ý nghĩa của một đại gia đình, rất nhiều người cần đến lời cầu nguyện của quý vị. Bằng lời cầu nguyện, quý vị sẽ là nguồn trợ lực siêu nhiên cho những thành viên trong giáo xứ. Qua lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ tác động mãnh liệt trong đời sống cộng đoàn của giáo xứ, để giáo xứ trở thành một nơi sinh hoạt sống động và thánh thiện hơn. :

Có những hành vi hay thái độ làm giáo xứ khó phát triển tựa như cỏ lùng đè ép không cho lúa mì lớn lên, hãy tránh xa và tìm cách loại bỏ những thứ cỏ lùng sau đây : :

Ganh tị: Thái độ của những người cảm thấy bất an, sợ sệt, lo âu . Họ lo cho địa vị, vai trò của mình trong giáo xứ sẽ bị mờ nhạt vì giáo xứ đang có người nào đó mới nổi, sáng tạo hơn, tài giỏi hơn, làm việc hiệu quả hơn. Vì thế họ tìm mọi cách để dìm người khác xuống, và tệ hơn nữa, không chấp nhận người mới, ý kiến mới. :

Thái độ tiêu cực: Thái độ này bắt nguồn từ những người trong giáo xứ hay than phiền chê trách về bất cứ những gì xảy ra trong giáo xứ. Hãy khuyên họ nói thẳng với người có trách nhiệm. :

Tin đồn: Tin đồn nhảm là một loại tiêu cực nhắm vào một người hay một nhóm người trong giáo xứ. Mỗi giáo xứ thường có những người thích loan tin đồn nhảm. Khi làm thế, họ nghĩ rằng họ sẽ được chú ý tới nhiều hơn và chính họ cảm thấy mình được hả hê khi nói xấu về người khác. Hãy đối chất thẳng với những người này. Hỏi họ tại sao những người khác cần phải nghe chuyện của họ, hay hỏi họ những người khác cần phải làm gì để giúp người đang bị tin đồn bêu xấu. :

Độc quyền phục vụ hay độc tôn phe nhóm: Có những nhóm người lo những công việc giáo xứ trong một thời gian lâu đến nỗi họ chỉ làm việc với những người trong nhóm của họ. Họ không chấp nhận người mới bước chân vào lãnh địa phục vụ của họ. Họ muốn độc quyền phục vụ. Tệ hơn nữa, họ không biết là mình mắc phải tật xấu này. Trong trường hợp này, hãy nhắc nhở họ nên đón mời những người mới vì những người mới này có những tư tưởng mới và có khả năng làm giáo xứ tươi mát hơn với những sáng kiến và việc làm của họ. :

Thủ cựu: Có những người trong giáo xứ cứng nhắc không muốn thay đổi trong những hoạt động của giáo xứ. Tuy truyền thống là một điều đáng trân trọng, nhưng việc từ chối thay đổi sẽ làm giáo xứ chết dần chết mòn. Phải cố gắng tôn trọng những truyền thống, nhưng đồng thời cũng nên có những phương cách làm việc mới, và những hoạt động mới, với những con người mới để giáo xứ được thăng tiến trong vòng xoáy của thời đại.

“Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho?” (Tv 116:12) Chúng ta cám tạ Chúa vì bao hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta: sự sống, thời giờ, tài năng, của cải, gia đình.v.v... Chúng ta có nhiệm vụ phát triển, xử dụng cách khôn ngoan, và chia xẻ cho người khác những gì Chúa đã ban.Đây không phải là một lựa chọn nhưng là bổn phận của các tín hữu.

Lucas Quang

Read 4208 times Last modified on Chủ nhật, 03 Tháng 11 2013 14:15

Latest from Trần Đình Hoàng