Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 12 Tháng 10 2020 07:01

Hãy có lòng xót thương

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hãy có lòng xót thương


13 27 X Thứ Ba tuần 28 Mùa TN.

Gl 5,1-6; Lc 11,37-41

HÃY CÓ LÒNG XÓT THƯƠNG

Thói quen rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh ăn uống. Ngày nay tại các trường mẫu giáo, các cháu bé đều được dạy năm bước rửa tay trước khi ăn. Thậm chí các cháu còn biết bi bô hát theo tiết mục quảng cáo trên trên truyền hình : “chưa rửa tay là chưa được ăn đó nghe”.

Vậy tại sao Chúa Giê-su lại có vẻ đã không tuân thủ mà lại còn lên án một thói quen văn minh tốt lành như thế? Thực ra mục đích của Chúa Giê-su không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Ngài muốn lợi dụng cơ hội để dạy cho các ông Pha-ri-sêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực đó là “lòng nhân ái xót thương”.

Thực vậy đối với người Do-thái việc rửa tay hay những việc tẩy rửa khác không đơn thuần là để giữ vệ sinh mà là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn theo luật. Vì quá nệ luật nên họ lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái bên ngoài mà đánh mất điều quan trọng của tâm linh bên trong đó là Tình yêu, lòng nhân ái và xót thương; như đã có lần một kinh sư hỏi Chúa Giê-su “Trong các giới luật thì điều nào trọng nhất?”; và chúng ta đã biết câu trả lời của Chúa Giê-su: “Giới răn trọng nhất là : “Nghe đây hỡi Israel! Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…hãy yêu tha nhân như chính mình” (Mc 12, 28t). Hơn nữa, từ ‘bố thí’ theo nghĩa gốc của tiếng Hy-lạp là lòng xót thương.

Vì thế Chúa Giê-su đã nói: “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c.41) Lòng xót thương phát xuất từ tình yêu chứ không mang ý thương hại hay là khinh miệt, xem thường. Đó là tình yêu đã khiến Chúa Giê-su luôn chạnh thương khi đứng trước nỗi khổ đau của con người. Tình yêu, lòng xót thương đó có thể minh chứng sự trong sạch trong tâm hồn con người; như Chúa Giê-su là Đấng không hề phạm tội cũng chính là Đấng yêu thương không giới hạn.

Lời Chúa Giêsu nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Nó lại càng đúng cho con người hôm nay. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Người ta thích tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô, ham hố danh vọng, tiền tài. Người ta có thể an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần bên trong…. Và Đức Giê-su gọi đó là “Những mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ, nhưng bên trong lại lúc nhúc những giòi bọ” (Mt 23, 27t).

Vì thế, điều quan trọng là làm sao để tâm hồn mình được sạch vì “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa” (x. Tv. 23, 3 – 4). Và Đức Giê-su đã nói trong tin mừng hôm nay “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c.41) Hay nói khác hơn phải sống đơn thành trước Thiên Chúa và hãy có tinh thần yêu thương vị tha chia sẻ đích thực đối với đồng loại – Hãy có lòng xót thương!

Nhìn lại đời ta, ta cũng đã từng sống như những kinh sư Pharisêu giả hình, cũng mang trên mình cái “mác” của sự đạo đức nhưng bên trong tâm hồn lại khô khan nguội lạnh. Qua đó, Lời Chúa như nhắc nhở mỗi chúng ta cần canh tân đời mình, cần để cho Lời của Chúa đi sâu tận đáy tâm hồn chứ không chỉ giới hạn ở hình thức, lễ nghi bên ngoài, và để Lời Chúa biến đổi hầu mỗi ngày chúng ta nên giống Chúa hơn. Khi ấy, chúng ta mới trở thành người giữ đạo và sống đạo.

Một lần nữa, ta thấy đời sống Kitô hữu hiện nay dễ thấy kiểu sống đạo gắn với cái máy sinh hoạt nơi giáo xứ hay đoàn thể. Họ tham gia một cách tích cực và đều đặn, nhưng lại không chút bận tâm đến thái độ cá nhân của mình đối với Chúa; họ giữ đúng giới luật của Chúa và Hội thánh nhưng lại không có khả năng chấp nhận thánh ý Chúa khi gặp phải những nghịch cảnh trong cuộc sống. Họ tham dự thánh lễ chỉ để chu toàn bổn phận của một tín hữu, mà không có chút tương quan nào với Chúa. Họ ăn mặc tươm tất khi đến nhà thờ, nhưng lòng họ chẳng có chút tâm tình nào với Chúa, lắm lúc còn mang lấy tinh thần bực tức, thái độ giận hờn và tâm hồn tội lỗi đến với Chúa.

Trong thời đại này, giới kinh doanh luôn tìm mọi cách để cải tiến mẫu mã sao cho hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Không ít nhà sản xuất đã dùng mẫu mã để làm hoa mắt khách hàng. Trong cuộc sống, không biết tự bao giờ con người đã để mình bị cuốn theo những hình thức bên ngoài mà quên đi cốt lõi bên trong. Tệ hơn nữa, nhiều người dùng lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài để che đậy những âm mưu đen tối.

Và cũng từ đó nhiều người thực hành các việc đạo đức chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài hay biến nó thành lớp vỏ che đậy những dự tính đầy tà tâm. Tôn giáo đối với họ nặng về lễ nghi hơn là tâm tình với Thiên Chúa. Người ta tổ chức những cuộc lễ lớn, kiệu rước linh đình rất tốn kém nhưng lại từ chối giúp đỡ anh chị em đang túng thiếu. Trong khi đó, “Thiên Chúa muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ”(Mt 9,13)

Xin cho mỗi người chúng ta cảm được lời mời gọi của Chúa để ta sống lòng xót thương mà ta nhận được từ Chúa với anh chị em chúng ta.
Huệ Minh

Read 590 times Last modified on Thứ ba, 10 Tháng 11 2020 23:30