Print this page
Thứ tư, 15 Tháng 4 2020 07:21

Cẩn trọng với lăn tăn và Hiệu ứng đám đông

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CẨN TRỌNG VỚI LĂN TĂN và HIỆU ỨNG ĐÁM ĐÔNG


Ông bà ta vẫn thường dùng câu nói “việc nhà thì nhác còn việc chú bác thì siêng” để muốn ám chỉ những người thày lay, những người lo chuyện của người khác còn ngược lại, gia đình mình thì không. Trong Tin Mừng, ta bắt gặp khuôn mặt "thày lay" ngay trong gia đình của Maria và Mácta.

Là con người, dĩ nhiên Thầy Giêsu cũng cần ăn uống, cũng cần nghỉ dưỡng để rồi ghé vào gia đình thân quen chị em Maria chơi. Thế nhưng rồi hình như ăn uống không phải là chuyện quan trọng mà Chúa Giêsu nhắm đến. Chuyện Chúa Giêsu cần nơi các môn đệ, nơi những người theo Chúa và nơi gia đình Maria - Mácta - Lazarô đó chính là chuyện lắng nghe lời Chúa.

Có lẽ biết Mácta không vui, có lẽ biết rằng sẽ không hài lòng khi nghe nhưng rồi đến lúc phải nói. Chúa Giêsu xem ra cũng nhẫn nhịn lắm nhưng rồi buộc lòng phải nói : "Mácta ! Mácta ! Con lăn tăn nhiều chuyện quá !". Mácta đã không như Maria để chọn phần tốt nhất là lắng nghe lời Chúa mà cứ lo ba cái chuyện linh tinh. Vì lăn tăn nên Mácta làm cho Thầy không vui nên Thầy mới nói.

Câu chuyện Mácta chắc có lẽ vẫn còn ý nghĩa, vẫn còn giá trị trong cuộc đời của chúng ta, nhất là ngày hôm nay vì lẽ ta dễ lăn tăn trong đời mình.

Với những phương tiện thông tin đại chúng như hiện tại, chỉ cần mở máy vi tính, mở điện thoại là biết bao nhiêu thông tin hiện ra ngay trước mắt. Điều đầu tiên khi đón nhận nguồn tin thì mỗi người cần xác định tin đó thật hay giả và chuyện quan trọng hơn cả là chuyện đó có ảnh hưởng đến đời tôi không ? có ảnh hưởng đến gia đình tôi không và đặc biệt là ảnh hưởng đến ơn cứu độ của tôi không ?

Như Mácta, ngày hôm nay, con người dễ dính vào cái chuyện lăn tăn. Nhiều khi chuyện đó chả dính dáng gì đến đời mình nhưng rồi mình bị cuốn theo những tin ấy và đa phần là tin giả, tin thất thiệt để cuốn dư luận.

Ngày nay, nhiều người phải thốt lên sau những dòng tin là "thật như giả mà giả như thật". Điều này cũng dễ hiểu vì nhiều người vui vẻ để người khác lừa cũng như dắt mũi một cách ngon lành. Tiếc thay và cười thay là những chuyện đó chả dính dáng gì đến ... nồi cơm nhà mình. Nồi cơm nhà mình mình không lo nhưng cứ thích đi lo chuyện nhà người khác.

Những ngày này, khi xã hội rơi vào cảnh cách ly, giãn cách xã hội chính là lúc cũng như thời gian con người dễ nhiễm virus Mácta trong mình. Nghĩa là có nhiều chuyện chả dính gì đến đời mình nhưng chuyện gì mình cũng xía vào.

Chuyện quan trọng của những ngày này đó chính là lặng thinh để đọc những dấu chỉ thời đại cũng như nhìn lại niềm tin của mình trước những thử thách. Những ngày này cũng như những ngày tới đây cuộc sống càng ngày càng khó khăn nhất là với những người nghèo. Kèm theo đó là thử thách của luân thường đạo lý và nhất là đời sống đức tin. Rất dễ lung lay khi "xa Chúa" (không đến dự Lễ tập trung) và khi gặp thử thách gian nan.

Là phận người, chúng ta dễ cuốn vào vòng xoáy của tin tức để rồi chuyện cần làm ta không làm và ta làm những chuyện không phải chuyện của ta.

Nhớ lại tâm tình của Thánh Phaolô. Vào thời Giáo Hội sơ khai, tông đồ Phaolô nghe biết có một số tín hữu ở lười biếng làm việc vì nghĩ rằng sắp đến tận thế, ngài đã viết thư khuyên họ như sau: "Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2 Tx 3,10-13).

Kèm theo chuyện lăn tăn, con người ngày nay dễ vướng vào hiệu ứng đám đông.

"Gần đèn thì sáng, chọn bạn mà chơi !" Ai cũng biết bạn bè của mình ăn chơi be bét thì mình cũng là đứa ăn chơi như vậy. Nếu bạn bè của mình là những người tri thức, hay sống vì cộng đồng, sống vì xã hội hay đi làm từ thiện thì ta khó làm những kẻ giết người, sát nhân hàng hoaọt hay làm chuyện tai quái được. Đó là lý do người ta chọn khu sáng sủa văn minh hàng xóm tri thức chứ ít ai chọn khu tối tăm ẩm thấp vô thấy tụm năm tụm ba hút hút chích chích vì ta biết nếu ta sống quanh người tri thức thì con cái ta không làm điều xấu được. Nếu ta sống trong khu toàn ăn cướp, gần kẻ cướp và bạn bè của ta là những người cướp thì một là người đó thành kẻ cướp hay bị cướp mà thôi.

Hiệu ứng đám đông là vậy !

Không phải đám đông sai trái là mình làm theo để tránh sự lạc lỏng. Không phải thấy người ta vượt đèn đỏ là mình vượt đèn đỏ. Không phải thấy ai bán đồ đểu thì mình cũng bán đồ đểu. Không phải thấy ai cũng ăn thì mình cũng ăn vì mình không ăn cũng có người khác ăn. Không phải thấy người khác nguyền rủa người khác là mình phải vào nguyền rủa người khác. Cuối cùng lương tâm của ta, con cái của ta biết ta làm gì ? Sẽ trở nên vô nghĩa nếu ta biện minh "đám đông thế này thế kia, tôi đâu muốn thế này, đâu muốn thế kia ..."

Hãy dũng cảm để đứng lên bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải dù lẻ loi khi bảo vệ lẽ phải trước đám đông sai trái. Bởi vì có khi bạn là nguồn động viên, là người chỉ cho đám đông thấy đám đông bị sai nhưng cần hơn cả là đóng góp trong cung cách bác ái Kitô giáo. Những việc ta làm là những ngọn đuốc sáng soi sáng cho người khác. Thấy đèn đỏ hãy dừng lại để nhiều người dừng lại theo. Hãy là người liêm khiết thì xung quanh sẽ có người liêm khiết. Ta hãy là ngọn đuốc và đừng đợi ngọn đuốc nào cả, đừng để đám đông tác động đến ta. Nếu không ta cũng sẽ trở thành thành viên của đám đông sai trái đó thôi.

Hết sức cẩn thận chứ không thì ta cũng sẽ dễ rơi vào chuyện lăn tăn như Mácta ngày xưa khi Chúa khiển trách cũng như hiệu ứng đám đông vào trong người mình.
Người Giồng Trôm

Read 528 times Last modified on Thứ sáu, 17 Tháng 4 2020 06:33

Latest from Ban Biên Tập