Print this page
Thứ bảy, 04 Tháng 5 2019 07:32

Lòng yêu mến Chúa của Phêrô-Lòng yêu mến của chúng ta-Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Phục Sinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lòng yêu mến Chúa của Phêrô-Lòng yêu mến của chúng ta-Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Phục Sinh

Cv 5, 27b-32. 40b-41; Kh 5, 11-14; Ga 21, 1-14 hoặc 1-19

LÒNG YÊU MẾN CHÚA CỦA PHÊRÔ - LÒNG YÊU MẾN CỦA CHÚNG TA

Với và qua trang Tin Mừng mà ta vừa nghe, ta nhận thấy câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Tibêriade, xứ Galiêa, nơi các môn đệ đã quen thuộc với nghề đánh cá. Đây cũng là nơi các ông đã được Chúa báo trước rằng: Các ông sẽ gặp Ngài tại Galilêa.

Trang Tin Mừng (Ga 21, 1-19) thật là đẹp, đẹp về con người, vì các môn đệ tin Chúa đã sống lại ; đẹp về công việc, đi bắt cá suốt đêm không được gì, nay có mẻ lưới đầy cá; đẹp về thời gian, bởi đây là buổi bình minh của ngày thứ nhất trong tuần; đẹp về nơi chốn vì Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các ông ở trên bờ (Ga 21,4).

Nhìn lại theo nhiều nhà chú giải thì mẻ cá lạ lùng này chính là một hình ảnh tượng trưng cho Giáo Hội. Thực vậy, các môn đệ theo lời Chúa chỉ dạy đã hoạt động và ngay khi không có chút hy vọng gì thì cũng vẫn có thể quy tụ mọi người từ mọi nơi thành một cộng đoàn duy nhất, vì các ông đã làm theo lời Đấng đã sống lại. Con số 153 con cá được đưa ra ở đây cũng có thể góp phần làm nổi bật ý tưởng trên. Theo thánh Hiêrônimô thì các nhà động vật học hồi xưa phân biệt được 153 loại cá. Do đó con số này tượng trưng cho tất cả mọi thứ cá trong biển. Và như thế, dưới cái nhìn của các nhà chú giải thì mẻ lưới của các tông đồ sẽ quy tụ toàn thể gia đình nhân loại để làm thành một cộng đoàn duy nhất.

Suốt đêm hôm ấy các ông đã vất vả và cực nhọc mà chẳng đánh bắt được gì. Sáng đến, theo sự chỉ dẫn của một người lạ mặt trên bờ hồ, các ông đã đánh được một mẻ cá lớn. Mẻ cá lạ lùng này đã giúp các ông nhận ra Chúa Giêsu, Thầy của các ông. Người nhận ra Chúa đầu tiên cũng chính là Gioan, vị môn đệ được Ngài yêu thương.

Phêrô và các môn đệ khác đã vất vả cực nhọc suốt đêm mà chẳng bắt được một con cá nào, thế nhưng vào ban sáng, vâng theo lệnh truyền của Chúa, các ông đã thả lưới một lần nữa và đã có được một mẻ cá lạ lùng.

Điều kỳ lạ ở đây, xét cho cùng, chưa phải là mẻ lưới đầy cá. Điều kỳ diệu ở đây chính là các tông đồ hôm nay đã trở thành những con người khác rồi. Mới cách đây ít bữa, các ông ấy, nói chung, còn là những con người nhút nhát, thô thiển, mộc mạc lắm. Thế mà, hôm nay thật đường hoàng, dõng dạc, ung dung trước Công nghị Do Thái. Công nghị ấy, đến ông Giêsu nó còn giết được, cỡ như ông Phêrô và các bạn ông, nó coi ra gì.

Và rồi ta thấy Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu, phải chăng đó là do động lực của tình yêu? Còn Phêrô là người đầu tiên nhảy xuống biển để tiến đến với Chúa, phải chặng đó là do động lực lòng hăng say nhiệt thành? Còn Chúa Giêsu thì đã cẩn thận dọn bữa cho các ông, như cho những người con yêu dấu.

Một chi tiết hay là sau khi Thầy trò đã ăn điểm tâm xong, Người bắt đầu phỏng vấn thủ lãnh Phêrô để trao cho ông sứ vụ mới: "Này anh Simon, con ông Giona, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?". Thật tình, ông rất ngượng ngùng vì ông mới chối Thầy tới ba lần, mà giờ đây Người lại hỏi ông có yêu mến Thầy không? Mới phản bội mà giờ lại nói yêu thương, quả là rất khó khăn; hơn nữa. Người lại hỏi tới ba lần! Có lẽ Phêrô đang nhớ lại lời Chúa nói trước đây: "Kẻ nào được tha nhiều thì sẽ yêu nhiều hơn". Vâng, Chúa đã tha thứ cho Phêrô ngay lúc Người quay xuống nhìn ông từ trên dinh thượng tế, khiến nước mắt ông tuôn trào.

Ba lần chối Chúa thì ba lần Người cho ông cơ hội để nói lời yêu thương, để tuyên xưng lại niềm tin. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội: "Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy". Và cũng ba lần, Người trao cho ông sứ mạng cai quản Hội thánh của Người: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy".

Từ đó, Phêrô đích thực trở nên thủ lãnh của Giáo Hội, chăm sóc đoàn chiên của Thầy, và cuối cùng đã hiến mạng sống vì đoàn chiên. Phêrô đã chịu đóng đinh trên thập giá, để giữ vững niềm tin cho đoàn chiên, và để yêu thương đoàn chiên cho đến cùng, yêu "Như Thầy đã yêu".

Trong lần hiện ra này, Chúa Giêsu một lần nữa muốn thẩm định lại tình yêu và lòng trung thành của Phêrô trước khi trao phó hoàn toàn cho ông quyền dẫn dắt đòan chiên của Chúa. Chúa Phục sinh đã hỏi Phêrô đến ba lần: Simon con ông Gioan, con có yêu mến Thày hơn những người này không? Chúa Giêsu đã không đặt cho ông một điều kiện nào, không đòi ông phải có khả năng hay trình độ, mà Chúa chỉ muốn ông công khai bày tỏ lòng yêu mến của ông đối với Chúa.

Lòng có yêu mến Chúa, đương nhiên sẽ yêu mến anh chị em của mình, vì đó là Luật yêu thương của Chúa, nên có yêu Chúa thì Ngài mới cho chúng ta sức mạnh của Ngài mà gánh vác, mà chịu đựng, mà giữ vững được lòng tin cho đến trọn đời!?. Bởi nếu chúng ta không có sức và ơn Chúa ban thì tất cả chúng ta đây chẳng làm được việc gì cho nên!? Và ông Phêrô là một con người rất trung trực đã được Chúa Giêsu tuyển chọn để thay thế Ngài mà chăn dắt cả chiên mẹ lẫn chiên con của Thầy. Ông đã được Chúa tuyển làm Đầu của Hội Thánh từ thời tiên khởi và Hội Thánh ấy đã kiên cố, người theo càng ngày càng đông đảo, vững mạnh, và nổi bật của mọi thời đại, và cho đến ngày hôm nay.

Tiếc thay cho những ai không hiểu được một điều thật đơn giản là Một Giáo Hội vững mạnh và duy nhất của Thiên Chúa đã được hình thành từ thời Chúa Giêsu, rồi được trao phó cho ông Phêrô, và những người kế vị sau này; chúng ta gọi các ngài là Đức Giáo Hoàng. Mọi hội thánh khác có hình thức hao hao giống, tất cả đều là được biến đổi để phù hợp cho một lối sống thiếu đạo đức, rối đạo, thiếu sự khiêm nhường, thiếu đức bác ái, và nhất là không biết sống hy sinh, và không hiểu thế nào là đi con đường Thập Giá của Chúa.

Khi được hỏi đến ba lần phêrô cũng cảm thấy buồn, ông buồn không phải vì nghĩ rằng Thày không tin ông, nhưng ông buồn vì mỗi lần trả lời là mỗi lần ông biết rõ nhất về con người của mình, để ông không còn cậy dựa vào khả năng riêng của mình nữa, mà ngay cả đến tình yêu của ông đối với Chúa, ông cũng chỉ dám khiêm tốn để trài lòng ra với Chúa: Lạy Thày Thày biết mọi sư, Thày biết con yêu mến Thày. Trước sư khiêm tốn của ông Simon, Chúa Giêsu đã hoàn toàn tin nhiệm và tuyên bố: Con hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thày, tức là Simon có bổn phận không chỉ chăm lo cho những chiên con mà còn chăm lo cho cả các chiên mẹ và tất cả đều là chiên của Thầy chứ không phải là chiên của Phêrô.

Điều ta cần ghi nhận là vị trí tối thượng của Phêrô được đặt trên tình yêu tối thượng của ông đối với Đức Giêsu, bởi vì Người chỉ giao nhiệm vụ chăn chiên sau khi đã hỏi Phêrô là có yêu thương Người hơn những môn đệ khác không. Nơi ông, tình yêu đối với Đức Giêsu càng sống động, thì bản thân ông càng mất tầm quan trọng, ông càng phải săn sóc những ai được giao phó cho ông, ông phải dẫn họ đến với Đức Giêsu và giữ cho họ kết hợp với Người. Đức Giêsu hỏi Phêrô ba lần là ông có yêu mến Người không. Phêrô không khẳng định mạnh để trả lời; ông nhắc lại rằng, Đức Giêsu biết, và ông tuyên xưng chính tình yêu của ông. Lần thứ ba, ông buồn, vì ông nhớ lại chuyện chối Đức Giêsu ba lần. Nhưng Đức Giêsu đã tha thứ cho ông rồi. Bây giờ, khi ông đã trải nghiệm tối đa sự yếu đuối của bản thân, thì Đấng Phục Sinh giao phó nhiệm vụ mục tử cho ông. Lần thứ ba, ông trả lời thẳng thắn, ông không thể che đậy gì với Chúa, vì ở với Người, mọi chuyện được bảo đảm.

Nếu trước đây, ông đi theo Chúa để được thụ giáo với Người, thì bây giờ, ông theo Chúa để trở thành hiện thân của Người giữa thế gian. Có Chúa ở với ông, nên ông trở nên mạnh mẽ và can đảm. Đứng trước thày Thượng tế, Phêrô và các tông đồ đã khẳng khái tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta. Thiên Chúa cha ông chúng ta đã cho Đức Giêsu sống lại, Đấng mà các ông đã giết và treo Người trên thập giá”. Khi bị đánh đòn, các ông lại “hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” Bài đọc I). Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu đã giúp các ông có thêm nghị lực và nhiệt huyết để làm chứng về Người.

Chúa Phục sinh hiện đến và cho Phêrô một cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Sau khi đã cho các ông một mẻ lưới đầy cá và cùng ngồi ăn uống với các ông, Chúa đòi Phêrô phải công khai nói lên tình yêu của mình với Thầy Chí Thánh trước mặt các môn đệ khác. Chúa hỏi Phêrô con ông Giona, "con có yêu mến Thầy không?". Câu hỏi được lập lại ba lần như cơ hội cho Phêrô chuộc lại lỗi lầm vì tội ba lần chối Chúa. Chúa đã cho Phêrô cơ hội để nói lên lòng mình yêu mến Chúa. Chúa còn trao trọng trách cho Phêrô chăn dắt đàn chiên của Chúa, như dấu chỉ sự tín nhiệm mà Chúa đã ưu ái dành cho ông.

Và rồi cuộc đời của chúng ta đôi khi cũng giống như Phêrô năm nào. Đã nhiều lần chúng ta chối Chúa, bỏ Chúa để chạy theo danh lợi thú trần gian. Đã nhiều lần chúng ta xúc phạm tới tha nhân trong lời nói và hành động. Và chắc chắn cũng có nhiều lần chúng ta bị mặc cảm vì những hành động tội lỗi của mình. Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta. Chúa vẫn tạo cho chúng ta rất nhiều cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa vẫn muốn trao cho chúng ta rất nhiều trọng trách trong việc hướng dẫn anh em. Dù rằng chúng ta không xứng đáng. Dù rằng chúng ta vẫn còn đó bản tính xác thịt yếu đuối. Chúa không muốn chúng ta mãi mãi sống trong mặc cảm tội lỗi, nhưng hãy chuộc lại lỗi lầm, hãy hết mình phục vụ cho danh Chúa được cả sáng trên trần gian.

Huệ Minh

Read 568 times Last modified on Thứ ba, 07 Tháng 5 2019 06:57

Latest from Ban Biên Tập

Related items