Print this page
Thứ sáu, 16 Tháng 8 2019 08:34

Hãy trở nên như trẻ nhỏ (Thứ bảy tuần 19 mùa thường niên)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  HÃY TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ


Chúa Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy đừng ngăn cản chúng vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19,14).


Trẻ con được Chúa Giêsu yêu thương và đưa ra làm mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: “Nếu các con không hóa nên trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời." "Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.” Tinh thần tu đức trẻ thơ là đơn sơ, phó thác, không cậy dựa vào sức riêng, nhưng đặt trọn tin tưởng vào Chúa.


Người Do Thái coi khinh trẻ nhỏ, vì chúng chưa đến hội đường để học cho nên chưa biết Luật Môisê. Trong chuyện này, các môn đệ cũng theo quan niệm khinh thường trẻ nhỏ như thế, cho nên khi người ta đem chúng đến với Chúa Giêsu thì các ông đuổi. Đó là thái độ khai trừ.


Các tông đồ la rầy các trẻ em đang khi Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng có lẽ do chúng đùa nghịch, hò la, nói năng gây ồn ào làm mất bầu khí trang nghiêm. Trẻ em thường rất vô tư, đơn sơ, hồn nhiên, ngay thẳng và không hề tính toán. Tận dụng cơ hội ấy, Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy trở nên giống trẻ thơ. Chúa không đòi người lớn trở lại làm trẻ em vì đó là điều bất khả kháng nhưng mời gọi họ mang lấy tinh thần đơn sơ, hiền lành, tín thác như trẻ em. Chúng ta còn có thể học đòi nơi các trẻ em một điều khác nữa: luôn tìm đặt câu hỏi khi không hiểu.


Một đứa trẻ thường nêu vấn đề của em cho cha mẹ, anh chị và những người lớn hơn mà chúng tin là biết được câu trả lời. Trong cuộc sống, tại sao chúng ta lại không hỏi Chúa về những gì đang xảy đến cho bản thân và những người xung quanh? Thiên Chúa là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6, 4) chắc chắn sẽ cho chúng ta câu trả lời thoả đáng. Điều quan trọng là chúng ta có đủ can đảm, tự tin và sẵn sàng vâng nghe điều Chúa chỉ dạy.


Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng. ”Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em, người lớn không được phép xâm phạm. Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em: “vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14).


Như thế trẻ em, tuy không có chỗ cao trong xã hội, nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời. Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ, và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn. Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng. Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài, vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ, phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18, 3-4). mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không. Như thế trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu. Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng.


Chúa Giêsu không đồng ý với thái độ khai trừ đó. Ngài bảo: “Cứ để trẻ em đến với Thầy và đừng ngăn cấm chúng.” Trẻ nhỏ và những người giống như chúng được Chúa đề cao không phải vì chúng khờ dại hay yếu ớt mà vì 2 lý do:


Chúng bị xã hội "khai trừ.” Mà ai bị người đời khai trừ thì Thiên Chúa lại che chở.


Chúng ngoan ngoãn lệ thuộc và tín nhiệm người lớn: trẻ nhỏ dễ nghe, dễ vâng lời. Hai điểm này khiến chúng trở thành những “người nghèo” được Thiên Chúa ưu ái.


Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta nghe hôm nay đề cập đến trẻ nhỏ trong một hoàn cảnh khác, với những Lời của Chúa Giêsu: “Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời.” Người ta dẫn các trẻ em đến với Chúa Giêsu để Ngài đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Đặt tay và cầu nguyện cho một người là nghi thức tôn giáo quen thuộc trong Do Thái giáo thời Chúa Giêsu. Những vị lãnh đạo tôn giáo và các Rabbi thường đặt tay và cầu nguyện cho những ai đến xin được chúc lành, họ cũng đặt tay trên trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng, mặc dù do phong tục người Do Thái thời đó, những trẻ nhỏ không có địa vị, không có giá trị gì, chỉ khi nào trẻ đến tuổi 12, nó mới được nhìn nhận có chỗ đứng trong cộng đoàn. Các môn đệ Chúa Giêsu lúc đó chưa thay đổi tâm thức, họ còn ngăn cản không cho người ta đem các trẻ nhỏ đến với Chúa.


Trẻ nhỏ là tương lai của Giáo hội, là những người giáo dân ngoan đạo, là những vị chủ chăn đạo đức, là những tu sĩ khiêm nhường… Giáo dục đức tin cho trẻ nhỏ, trở nên gương sáng và đồng hành cùng chúng là nhiệm vụ của mỗi người chúng ta. Nếu được nuôi dưỡng mỗi ngày, đến một lúc nào đó, đức tin ấy sẽ trở nên vững mạnh hơn, giúp Giáo hội ngày càng mở rộng đến mọi nơi.


Trẻ nhỏ xứng đáng được nhận tình yêu và sự chăm sóc, giáo dục, quan tâm của người lớn. Ấy vậy mà, trên thế giới ngày nay, những thiên thần đơn sơ ấy đang đối mặt với muôn vàn điều bất hạnh. Bạo lực tràn lan đã khiến rất nhiều trẻ nhỏ bị hành hung, đánh đập dã man; nền giáo dục thối nát, chạy theo đồng tiền đã dạy các em trở thành những kẻ vừa thực dụng lại vừa thiếu kiến thức; những tâm hồn trong sáng ấy bị vấy bẩn bởi những kẻ đồi bại, bất nhân… Có thể nói, chính sự thờ ơ, lãnh cảm, thiếu quan tâm của những người có trách nhiệm khiến các em không còn là những đứa trẻ hồn nhiên, đơn sơ nữa. Bên cạnh đó, những kẻ trực tiếp làm vấy bẩn tâm hồn và thể xác của các em càng đáng bị lên án hơn nữa.


Trẻ nhỏ là những thiên thần bé bỏng, đáng yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Ai cũng đã từng là trẻ nhỏ, từng có những ước mơ hồn nhiên, trong sáng, không ưu phiền, không lo toan, tính toán… Ai đã trưởng thành ít nhiều cũng tưởng nhớ đến thời thơ ấu ấy, muốn trở lại cuộc sống vô ưu ấy nhưng tiếc rằng, thời gian chỉ biết tiến, không biết lùi. Có thể nói, trẻ nhỏ gợi cho chúng ta nhớ về thời thơ ấu của chính mình, để chúng ta nhắc nhở bản thân phải trở nên đơn sơ, nhỏ bé.


Hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, đừng ngăn cản chúng. Xin Chúa giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm cao cả này, với ý thức rằng ân sủng và chúc lành của Chúa là kho tàng quí giá mà chúng ta có thể trao lại cho con cái chúng ta.

 

Huệ Minh

Read 435 times Last modified on Thứ ba, 20 Tháng 8 2019 07:18

Latest from Ban Biên Tập