Print this page
Thứ hai, 19 Tháng 8 2019 16:34

Cẩn thận với của cải

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    CẨN THẬN VỚI CỦA CẢI

 

Thứ Ba Tuần XX Thường Niên.
Thánh Bê-na-đô, viện phụ, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
Tl 6,11-24a; Mt 19,23-30.


Thánh Bênađô, qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1153 tại Claivaux, phong thánh năm 1174 và được tuyên bố là tiến sỹ Hội thánh năm 1830, đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên một phần lớn thế kỷ XII mà người ta mệnh danh cách chính đáng là “thời kỳ thánh Bernard ”. Vì thánh nhân thực sự là một trong những nhân vật chính của phương Tây Kitô giáo và mãi tới nay, vẫn thuộc số những vị thánh được yêu mến nhất.

Bênađô người Clairvaux sinh năm 1090 tại Fontaine-lès-Dijon, trong một gia đình lãnh chúa quyền quí. Thân phụ, ông Tescelin, là lãnh chúa Fontaine hiệp sỹ của quận công Bourgogne và thân mẫu, phu nhân Alets de Montbard, có nhiều con và con thánh. Bà Aleth sẽ được tôn phong là chân phước. Hai mươi ba tuổi, Bênađô quyết định trở thành tu sỹ dòng Xi-tô lúc ấy đang dưới quyền điều khiển của thánh Etienne Harding tu viện trưởng. Bề trên tu viện đang buồn bã vì thiếu thỉnh sinh tu dòng thì Bênađô tới, kéo theo ba mươi thanh niên quí tộc, trong đó một số là anh em. Ông bố và các anh em khác sẽ tiếp theo sau..

Sau ba năm tu tại Xi-tô, năm 1115, Bênađô được sai đến làm tu viện trưởng, thành lập dòng tại Clairvaux và sẽ làm bề trên tại đó cho đến lúc chết. Người chăm chú cuộc đời trong chiêm niệm nhưng đồng thời cũng chuyên tâm giảng thuyết và hoạt động, bươn chải khắp các nẻo đường nước Pháp, nước Đức và nước Ý, giảng rao về an bình, nhưng cũng tuyên truyền cho cuộc thập tự sinh thứ hai (Véjelay 1146) theo yêu cầu của Đức giáo hoàng Eugène III từng là tu sỹ Clairvaux. Suốt thời làm tu viện trưởng, thánh Bênađô chỉ chuyên trách về toàn dòng Xi-tô và đã thành lập sáu mươi tám nhà dòng mới. Cùng thời gian đó, trên hầu khắp châu Âu xuất hiện nhiều nhà dòng mới, đến nỗi năm 1153 khi thánh nhân qua đời, đã có tới ba trăm bốn mươi ba nhà. Vậy nên người ta có lý khi gọi Người là vị sáng lập thứ hai Dòng Xi-tô.

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ sau câu chuyện Chúa Giêsu nói về người thanh niên có nhiều của cải. Đối với Chúa, không phải có nhiều của cải là được vào Nước Trời. Của cải vật chất rất cần cho sự sống đời này nhưng có thể là một cản trở rất lớn cho sự sống đời đời. Chúa không hứa điều gì cho những người không chịu từ bỏ của cải nhưng Người hứa phần thưởng cho những ai biết từ bỏ mọi sự mà đi theo Người: "Họ sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp".

Sự giàu có lại khiến con người dễ xa rời Thiên Chúa bởi mê lầm, tự mãn. Mê lầm vì nghĩ rằng của cải là cứu cánh có thể thỏa mãn tất cả, đem lại sung sướng và hạnh phúc - tiền có thể làm cho họ đạt được danh vọng, vinh quang và mọi thú vui ở đời – bởi thế mà ‘có tiền mua tiên cũng được’; và cũng từ đó dẫn đến tự mãn không cần Thiên Chúa, và tồi tệ hơn nữa là họ có thể quay lưng lại với Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể đạt được những ước muốn bất chính của mình. Vì vậy mà Đức Giê-su nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được” (Lc 16,13). Vì tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, hữu dụng, nhưng ngược lại nó sẽ là ông chủ xấu xa, độc ác.

Của cải có sức thu hút và mê hoặc lòng người, bởi vì dường như nó có thể đáp ứng mọi nhu cầu và đời sống hưởng thụ của con người. Chẳng vậy mà người đời có câu: “có tiền mua tiên cũng được”, hay “tiền là tiên là phật…” Người có nhiều tiền của được gọi là người giàu. Theo quan niệm của người Do-thái cũng như quan niệm của nhiều người thì đó là những người được phúc.

Và ta thấy Chúa nói : “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu." (c. 30) Những kẻ ‘đứng chót’ ở đây – Đức Giêsu muốn nói đến những con người ‘nghèo’ của Tin mừng – những người sống khiêm tốn, chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào thế lực của giàu sang vinh hoa phú quí; họ là những kẻ được Thiên Chúa yêu thương, bênh vực và là những ‘người lớn’ trong nước trời (Lời kinh Magnificat).

Bởi vì họ lấy Chúa là sức mạnh, là gia nghiệp của đời mình. Họ là những người khôn ngoan biết tích lũy kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể đục khoét hơn là tìm kiếm của cải phù vân (Lc 12,33); họ hiểu ý nghĩa và vị trí của tiền của, biến nó thành phương tiện để thi hành ý Chúa chứ không coi nó là mục đích của cuộc đời. Vì thế, họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và nước trời sẽ là phần thưởng của họ. (c. 28. 29)

Lẽ thường ta thấy Tiền của có sức hút và mê hoặc con người - ‘Đồng tiền đi liền khúc ruột’ – do đó, để có thể làm chủ được nó, con người không được khinh suất, nhưng rất cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bởi thế mà Đức Giê-su đã nói: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." (c. 26) Với sự hướng dẫn và ơn Chúa ban, con người sẽ biết cách sử dụng tiền của để mưu cầu lợi ích cho mình và cho tha nhân, giúp phát triển xã hội ngày càng tươi đẹp, lành mạnh và phong phú.

Trong cuộc sống trần thế, có biết bao điều cám dỗ làm ta sống xa Chúa như của cải vật chất, thú vui trần gian. Thái độ của chúng ta thế nào? Chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ hay còn để tâm trí vướng bận với những điều trên? Chỉ khi chúng ta biết từ bỏ và sống theo lời Chúa dạy thì mới hi vọng đón nhận vinh phúc Nước Trời mà Người đã hứa ban.
Huệ Minh

Read 456 times Last modified on Thứ tư, 21 Tháng 8 2019 07:06

Latest from Ban Biên Tập