Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 13 Tháng 10 2019 06:42

Đừng đến với Chúa vì dấu lạ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đừng đến với Chúa vì dấu lạ

Thứ Hai Tuần XXVIII Thường Niên.

(Đ) Thánh Ca-lit-tô I (Callistus I), Giáo hoàng, Tử đạo.

Rm 1,1-7; Lc 11,29-32.

ĐỪNG ĐẾN VỚI CHÚA CHỈ VÌ DẤU LẠ


Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu lên án thái độ cứng lòng tin của những người Do Thái sống cùng thời với Người. Trong phần trước, chứng kiến sự kiện hiển nhiên tốt lành là Chúa Giêsu trừ một quỷ câm, dân chúng vẫn kết tội Người “dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ” (Lc 11,15). Nay, họ lại đòi người chứng minh thân phận và quyền năng của mình bằng dấu lạ. Quả là những người cứng lòng tin.


Ta thấy tâm thức của con người trong thời đại này thiên về thực dụng, vì thế, họ chỉ tin khi mắt thấy, tai nghe. Thái độ này trùng hợp với tâm thức của những người Pharisêu thời Chúa Giêsu.


Thật thế, sẵn có sự hiềm khích đối với Chúa Giêsu, vì thế, họ tận dụng mọi cơ hội để thử thách Ngài. Ta thấy hôm nay họ đòi hỏi Chúa Giêsu phải làm một dấu lạ để họ tin. Tuy nhiên, họ đã bị khước từ vì bản chất của phép lạ không nhằm thỏa mãn sự tò mò hay hiếu tri của con người, nên Chúa Giêsu đã không đáp ứng nhu cầu bất chính của họ.


Và nội dung và ý nghĩa của phép lạ không nằm ở việc thỏa mãn trong sự thách thức, mà là ngang qua phép lạ, người đón nhận sẽ có tâm tình sám hối, thay đổi đời sống và có mối tương quan thân mật, tin tưởng nơi Thiên Chúa và có tấm lòng bao dung với tha nhân. Sự biến đối này được khởi đi từ tâm tình khiêm tốn và sẵn sàng làm mới lại đời sống cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.


Thực trạng ngày nay của mỗi người chúng ta hẳn rất giống với người Pharisêu khi xưa! Thường thì chúng ta hay xin Chúa cho mình làm ăn phát đạt, mà không hề để ý đến cách kinh doanh của mình! Có khi kinh doanh bất chính nhưng vẫn xin Chúa cho thuận buồn xuôi gió! Hay cộng tác vào những chuyện trái với luân thường đạo lý, nhưng lại xin được bình an! Hoặc xin Chúa chữa lành bệnh tật nhưng đời sống không có gì thay đổi...! Đôi khi cũng có những người thách thức Chúa như những Pharisêu khi xưa!


Ta thấy Chúa Giêsu cảm thấy buồn khi dân Do Thái đến với Người không phải vì tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nhưng là tìm lợi ích từ những phép lạ. Người cũng không thể tiếp tục dằn lòng đối với sự thơ ơ của họ trước giáo huấn của Người, vốn vượt trên mọi sự khôn ngoan thế gian, vì là Lời phát xuất từ Chúa Cha để ban ơn cứu độ. Chúa Giêsu còn lo lắng bởi sự chai đá nơi con tim của họ, chậm hoán cải và đóng kín trước lời mời gọi thay đổi tâm tình, thay đổi cuộc sống.


Dẫu thế, ta đều biết rằng, những lời nghe như trách cứ đó lại là những lời biểu lộ một tình yêu sâu xa. Chúa Giêsu đã tiếp tục thi ân giáng phúc cho dân Do Thái, và cho cả nhân loại mà đỉnh cao là tình yêu tha thứ trên thập giá. Người còn dùng nhiều cách để Lời được tiếp tục âm vang trên môi miệng của những kẻ được sai đi, để con người được đón nhận ơn cứu độ. Và Người vẫn mãi tiếp tục chờ đợi con người hối cải và sẽ ngay lập tức tha thứ cho họ bất chấp họ đã lỗi phạm nặng nề thế nào. Quả thật, dù con người có đối xử với Người thế nào đi nữa, Người vẫn luôn yêu thương.


Tuy nhiên, có hợp lẽ không nếu chúng ta ngày nay vẫn tiếp tục làm cho Chúa Giêsu phiền lòng? Đối với chúng ta, việc lãnh nhận các bí tích cùng các cử hành phụng vụ đã thực sự đi vào chiều sâu của tâm hồn hay chưa, hay chỉ mới là những cách thức để chúng ta tự trấn an lòng mình trước những đòi hỏi của bổn phận tôn giáo, hoặc chỉ để tìm kiếm những lợi ích theo lòng muốn của chúng ta? Có thể chúng ta cũng vướng vào tình trạng của dân Do Thái xưa khi chưa đón nhận Lời như là phương tiện cứu rỗi linh hồn chúng ta. Chúng ta có thể tự vấn: Lời Chúa có vị trí nào trong định hướng cuộc đời và nhất là, trong từng quyết định dù nhỏ bé của chúng ta.


Và thật quan trọng, một khi đã nhận thấy sự thiếu sót của mình trong mối tương quan với Chúa Giêsu và các giáo huấn của Người, lòng chúng ta có cảm thấy sự khao khát cần biến đổi cuộc đời, cần hoán cải tâm tình để quay về với Chúa? Không phải dân thành Ninivê, hay nữ hoàng Phương Nam kết tội chúng ta, nhưng chính những gì chúng ta thực hiện trong sự lãng quên Thiên Chúa, sẽ kết tội chúng ta. Ta biết rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, nhưng không vì thế mà chúng ta trở nên liều lĩnh, trái lại, chúng ta càng quyết tâm sống tốt theo lời mời gọi của Người, để xứng đáng với tình yêu đó.


Là Kitô hữu, chúng ta có thực sự đặt lòng tin của mình nơi Thiên Chúa mà không đòi hỏi Người phải tỏ chính mình ra bằng các dấu lạ không? Bản tính tò mò của con người khiến chúng ta thích tìm kiếm và trầm trồ trước những sự lạ lùng, những cuộc hiện ra hay những sứ điệp này sứ điệp nọ,… Tuy nhiên, có một phép lạ vĩ đại vẫn xảy ra hằng ngày mà mắt ta hằng chứng kiến, tai ta hằng lắng nghe nhưng đôi khi ta không quan tâm chú ý. Đó là việc bánh và rượu trên bàn thờ biến thành thịt và máu của Thiên Chúa, làm của dưỡng nuôi linh hồn ta. Không những thế, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu trong cuộc đời mỗi người; nhưng để có thể khám phá, chúng ta cần có lòng tin và tâm tình cầu nguyện.


Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhạy bén với ơn Chúa, để nhận ra một phép lạ vĩ đại, cả thể mà Ngài vẫn thường làm trên cuộc đời và trong cuộc sống của chúng ta, đó là tình yêu thương, sự bao dung của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Huệ Minh

Read 737 times Last modified on Thứ ba, 15 Tháng 10 2019 07:31