Print this page
Thứ tư, 15 Tháng 1 2020 07:41

Lòng thương xót Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lòng thương xót Chúa


6/01/2020

Thứ Năm Tuần I Mùa Thường Niên

1 Sm 4, 1-11; Mc 1, 40-45

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Người mắc bệnh phong cùi trong xã hội Do thái xưa kia dù có sống thì cũng bị coi như đã chết. Họ bị coi là nhơ uế và tội lỗi (Ds 12, 10 – 15; Đnl 28, 27; 2 V 5, 25 – 27) và bị loại ra khỏi cộng đoàn để khỏi làm cho người khác bị nhơ uế theo (Lv 14, 45 – 46). Nếu họ được chữa lành khỏi căn bệnh đó, thì chẳng khác nào họ coi như đã chết mà nay được sống lại (Ds 12, 10 – 12; 2 V 5, 7).

Theo quan điểm Do Thái giáo, bệnh phong hủi là một sự ô uế cho xã hội. Người mắc bệnh phong hủi phải ở riêng, không được đến gần ai, và cũng không ai được đến với họ cho đến khi lành bệnh và được thanh tẩy theo nghi lễ. Thế nhưng, ở đây người hủi bất chấp lề luật, đã tiến đến bên Chúa Giêsu để xin Người chữa lành. Đứng trước nỗi đau thể xác và tinh thần của người phong hủi, Chúa Giêsu, thay vì phải xa lánh con bệnh kẻo bị ô uế, đã chạm đến anh ta để chia sẻ nỗi đau khổ cùng anh và chữa anh lành bệnh. Chúa thương anh không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động cụ thể. Đối với Chúa, không có vấn đề kỳ thị chủng tộc, bệnh tật, cấm kị, phân biệt giàu nghèo... Chúa là tất cả cho mọi người.

Và ta thấy vào thời Chúa Giêsu còn tại thế là thời bệnh phong cùi còn là bất trị, bệnh nhân bị phát giác sẽ bị đuổi ra khỏi làng và cũng không được bén mảng đến các con đường có người đi lại. Muốn xin ăn chỉ có thể để cái thúng bên vệ đường rồi đứng xa tầm người ta là có thể liệng đá tới, gào lên xin làm phúc. Đêm đêm lại phải chui vào hang hốc để tránh lạnh, và chẳng ai dám đến đó dọn dẹp giúp họ, mà họ thì chân tay lở loét dọn dẹp sao được, nên các nơi họ có thể trú, lại là chỗ bẩn thỉu hôi thối đem thêm đau khổ cho họ .

Không ai dám gần họ và họ cũng không dám liều lĩnh đến gần ai, người thân thì bỏ chạy vì sợ, người lạ thì lấy đá ném đuổi đi .

Được nghe về Chúa Giêsu, và cũng được thấy dung nhan hiền dịu của Chúa từ xa, nhờ lúc vắng người, anh chạy nhanh lại bên Chúa quì xuống van xin một cách khiêm nhường; Nếu ngài muốn Ngài có thề cho con được lành bệnh. Chúa giang tay đón anh nói: “Tôi muốn chứ Anh dược lành sạch ngay đi.”. Nhưng để được về làng và vào nhà, anh phải được các tư tế xem xét và chứng nhận là anh đã khỏi.

Và rồi ta thấy Chúa đã chữa lành cho một người phong cùi, nghĩa là đưa anh ta từ cõi chết trở về cõi sống. Với tất cả lòng chạnh thương trước nỗi khốn khổ của anh ta, Chúa đã sẵn sàng mở rộng vòng tay đón anh về lại cuộc sống. Đang khi mọi người sợ bị nhơ uế mà không dám tiếp xúc với anh ta, thì nay Chúa đã đưa tay ra và chạm đến anh. Cánh tay chất chứa lòng xót thương của Ngài đã nối kết giữa sự thánh thiện, tốt lành của Thiên Chúa với tình trạng bị coi là nhơ uế, tội lỗi của con người. Sự thánh thiện của Thiên Chúa đã thánh hóa tình trạng nhơ uế, tội lỗi của con người.

Và rồi ta thấy Trái tim của Chúa đã rung lên giai điệu đồng cảm trước nỗi đau của bệnh nhân. Ngài giơ tay sờ chạm đến anh và chữa lành cho anh. Theo luật Lêvi, ai mắc bệnh cùi sẽ bị nhiễm uế và ai đụng vào họ cũng bị nhiễm uế theo. Chúa Giêsu vẫn luôn tuân thủ lề luật, song đối với Ngài, việc chạm đến bệnh nhân không thể làm cho Ngài ra ô uế.

Dẫu rằng Chúa không khinh suốt lề luật, nhưng Chúa đã hành xử theo một lề luật mới, đó là luật của tình yêu, một thứ luật lệ vượt trổi trên tất cả mọi rào cản do con người thiết định. Người đàn ông bị bệnh đã ý thức được số phận hẩm hiu nơi mình. Anh đã đến với Chúa, không dám nài ép Chúa và chỉ thốt lên một ước muốn giản đơn : ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Mơ ước này biểu thị một động thái xác quyết và đầy tin tưởng, và anh ta còn nói tiếp theo : “Ngài có thể làm được việc này”. Đây là một hành vi đức tin, biểu tỏ sự khiêm tốn và rất chân thành.

Cuối cùng phép lạ đã xảy ra. Thánh Marcô muốn từ từ vén mở chân dung cứu thế nơi Đức Giêsu, mặc dầu nơi sách Tin Mừng thứ 2, tác giả vẫn hay đề cập đến điều mà các nhà chú giải vẫn thường đề cập đến, đó là ‘Bí Mật Thiên Sai’ (Messianic Secret). Phép lạ Chúa thực hiện không phải nhằm phô diễn một kỳ tích, nhưng để diễn bày lòng thương mến sâu tận của Thiên Chúa đối với con người. Người đàn ông mắc bệnh cùi là đại biểu cho cả một thế giới đang bị vi trùng Hansen thiêng liêng tấn công và hủy hoại tâm hồn dần dần. Chúa Giêsu luôn mở rộng tấm lòng đối với tất cả chúng ta, chỉ cần chúng ta đến với Ngài và thưa với Ngài tâm tình đơn sơ gống như anh cùi hôm nay : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”

Cách cầu xin của người phong cùi nay là một mẫu gương. Anh không dám xin Chúa làm theo ý muốn của anh, mặc dầu anh liều mang chạy đến là vì anh rất muốn được khỏi. Nhưng anh đã thưa: “Nếu Ngài muốn – Ngài có thể cho con được lành sạch”, lời ấy tỏ ra Đức Tin của anh nơi quyền năng phi thường của Chúa mà cũng nói lên lòng khiêm nhường của anh vì anh không dám xin điều mình muốn mà chỉ xin theo ý Chúa.

Khi chữa lành người phong hủi, Chúa Giêsu không chỉ chứng tỏ Ngài có quyền chữa lành mọi bệnh tật, giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi mà còn cho thấy Thiên Chúa luôn đồng cảm, chia sẻ và sẵn lòng cứu giúp khi con người cầu xin Ngài. Về phần mình, khi đứng trước những đau khổ và thử thách trong cuộc sống, chúng ta có được chữa lành hay không là tùy sự sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận Thiên Chúa của chúng ta.

Chúa Giêsu không phải là một nhà phù thủy tài ba, cũng không phải là một con người chuyên đi làm công tác từ thiện xã hội. Ngài là một thầy thuốc cao tay ấn và thang thuốc Ngài sử dụng chính là lòng thương xót đối với con người. Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.

Ngày nay, ta cũng học nơi người phong thái độ mau mắn đi làm chứng để bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đang liên tục ban muôn vàn ân sủng cho chúng ta. Muốn vậy, cần phải ý thức chúng ta đã và đang nhận được những ân huệ lớn lao nào.

Huệ Minh

Read 498 times Last modified on Thứ sáu, 17 Tháng 1 2020 06:27

Latest from Ban Biên Tập

Related items