Print this page
Thứ ba, 11 Tháng 2 2020 07:35

Lòng người xấu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lòng người xấu


12.2.2020

Mc 7, 14-23

LÒNG NGƯỜI XẤU !

Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, ta thấy Chúa Giêsu dạy ta biết đâu là nguồn gốc thâm sâu của những sự xấu xa và ô uế. Ngài dạy rằng tất cả những điều xấu đều không xuất phát từ bên ngoài, nhưng “chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế.” (Mc 7, 15).

Và điều này dường như không hợp với suy nghĩ thông thường của chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã giải thích rất cụ thể: “Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng” (Mc 7, 21-22). Như vậy, nguồn gốc thâm sâu nhất của sự xấu xa chính là lòng người.

Luật sạch và ô uế của các luật sĩ và biệt phái Do Thái dễ làm cho người ta bị rơi vào đời sống giả hình, vụ hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu lên án gắt gao thói vụ luật đó. Chẳng những nó không thể thanh tẩy tâm hồn mà còn làm cho con người ra cứng cỏi và ảo tưởng mình đã là công chính chỉ dựa vào hình thức bề ngoài.

Nhóm biệt phái thời Chúa Giêsu là nhóm chuyên để ý soi mói, lên án và trách móc người khác. Trong khi chính họ lại không quy hướng cuộc sống mình về Thiên Chúa mà luôn ảo tưởng, tự mãn với cái đạo đức giả hình của mình.

Vì vậy họ thường tìm cách bắt bẻ người khác, chú tâm đến những luật lệ bên ngoài còn chính họ, họ lại không “tu tâm” để chính họ được sạch và bình an. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo chúng ta về những ảnh hưởng của thế gian. Chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính cái tâm trong sáng của mình để tất cả những hành động, lời nói của chúng ta là những điều tích cực, mang lại niềm vui và bình an cho người khác.

Chúa Giêsu khẳng định: "Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế" (Mc 7, 15b). Các luật sĩ, biệt phái đề cao việc thanh sạch phần xác hơn cả sự thanh sạch tâm hồn. Họ cho rằng tay bẩn, chén dĩa bẩn làm cho con người ra ô uế, trong khi lại coi nhẹ cõi lòng, nơi chất chứa biết bao sự xấu xa, tội lỗi.

Trái lại, Chúa Giêsu muốn hướng người Do Thái đến sự thanh sạch bên trong tâm hồn hơn “luật sạch sẽ bên ngoài” của họ: “Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng” (Mc 7, 21-22).

Khi đối diện với sự xấu, ta thường đổ lỗi cho người khác hoặc cho ngoại cảnh. Vợ đổ lỗi cho chồng. Chồng đổ lỗi cho vợ. Cha mẹ đổ lỗi cho con cái. Con cái đổ lỗi cho cha mẹ... Chúng ta dễ trách cứ người khác, nhưng lại ít khi tự trách mình. Chúng ta muốn tề gia trị quốc bình thiên hạ, nhưng lại không chịu tu thân; muốn thay đổi thế giới, nhưng lại không muốn thay đổi mình.

Chúa Giêsu nhắc nhở ta hãy khoan tìm kiếm nguyên nhân từ bên ngoài, nhưng cần duyệt xét kỹ càng chính lòng mình, hầu nhận ra đâu là nguồn gốc của những điều xấu đã gây cho mình và cho người khác. Ngài cũng mời gọi ta từng bước tẩy trừ nó, và lấp đầy lòng mình bằng những nhân đức tốt lành, đặc biệt là đức mến mà thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13, 4-7)

Trong thực tế cuộc sống, ta thường đánh giá con người qua những gì quan sát được bên ngoài. Đôi khi cái bên ngoài trông rất tầm thường nhưng bên trong lại chứa đựng cả một kho tang vô giá ta không thấy được bằng quan sát bên ngoài mà ta chỉ có thể thấy được bằng cái tâm của mình. Do đó chúng ta cần phải điều chỉnh lại bằng cách xin Chúa giúp cho chúng ta có được cái nhìn thiện cảm về tha nhân để chúng ta biết nhìn sự thật nơi chính mình và luôn thể hiện những điều tốt đẹp qua cuộc sống của mình như những gì Chúa muốn dạy chúng ta.

Thật thế, con người nên tốt lành, thánh thiện hoặc xấu xa, tội lỗi đều bắt nguồn từ cõi lòng của con người, từ thái độ sống của con người có ý thức và tự do hay không, từ lòng yêu mến Chúa đích thực và yêu thương tha nhân cách chân thành hay giả dối, hình thức bề ngoài.

Huệ Minh

Read 423 times Last modified on Thứ tư, 12 Tháng 2 2020 10:03

Latest from Ban Biên Tập