Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 12 Tháng 3 2020 12:10

Yêu cho đến cùng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Yêu cho đến cùng


Thứ Sáu 13.3
Mt 1, 33-43. 45-46

YÊU CHO ĐẾN CÙNG

Ðối với người Israel, vườn nho là một hình ảnh rất quen thuộc. Các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia, Edêkiel thường dùng hình ảnh này để ám chỉ dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn và chăm sóc để trở thành dân riêng của Người. Chúa Giêsu cố ý đưa hình ảnh quen thuộc ấy vào trong phần mở đầu của dụ ngôn trên đây.

Cách diễn tả của Chúa Giêsu chắc chắn làm cho người nghe nhớ đến lời ngôn sứ Isaia nói về sự bất trung của dân Israel. Cách mở đầu bài giảng như thế khiến cho các thượng tế và kỳ mục phải ở trong tư thế chuẩn bị đối phó, bởi vì họ đang là những nhà lãnh đạo của dân Israel, đang quản lý vườn nho của Thiên Chúa. Và sau phần mở đầu, Chúa Giêsu tấn công ngay vào vị thế đó của họ. Chúa gọi họ là những tá điền, mà lại là những tá điền bất nhân bất nghĩa. Người nói thẳng với họ: "Tôi nói cho các ông hay, Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân khác với mục đích làm cho Nước ấy sinh hoa lợi."

Qua dụ ngôn này Ngài ví ông chủ như là Chúa Cha. Vườn nho là tất cả những tâm hồn khao khát theo Chúa, là Giáo Hội. Những tá điền canh tác là các tư tế, thủ lãnh trong dân. Các đầy tớ đi thu hoa lợi là các tổ phụ, các ngôn sứ. Còn con trai yêu dấu của chủ là chính Ngài

Qua dụ ngôn người làm vườn nho sát nhân, không những Chúa Giêsu ám chỉ đến cái chết dã man mà các Thượng tế và Biệt phái sẽ gây ra cho Ngài, nhưng Ngài còn loan báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện cho Ngài. Với sự phục sinh âý, Thiên Chúa như tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, yếu đuối đã trở thành sức mạnh, thất bại biến thành khơi nguồn của ân ban. Chúa Giêsu đã gói ghém tất cả các mạc khải ấy trong câu trích từ Tv 118: “Chính viên đá thợ xây loại bỏ, đã trở nên viên đá góc tường”. Cái bị loại bỏ đã trở thành chuẩn mực, cái yếu đuối đã trở thành sức mạnh, cái điên dại đã trở thành lẽ khôn ngoan, cái chết đã trở thành cửa ngõ và khởi đầu nguồn sống mới.

Chúa Giêsu muốn cho các thính giả đang nghe Ngài cũng như các đọc giả hôm nay, những người đang tìm kiếm Ngài, bước theo Ngài thấy được tình yêu Thiên Chúa đối với con người, Thiên Chúa luôn yêu thương con người và yêu thương đến cùng.

Người đã yêu thương tuyển chọn và chăm sóc dân Người thật chu đáo (Mt 21,33), sai các Ngôn sứ đến để nâng đỡ, dẫn dắt họ. Nhưng tất cả đều bị dân Người bội phản, bất trung, đối xử tàn bạo khủng khiếp (Mt 21, 35-36). Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn yêu thương đợi chờ và cuối cùng sai chính Con Một yêu dấu của Người (Mt 21, 37), là Ngôi lời Nhập thể đến, Ngài đã dùng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài để bảo vệ, cứu chuộc dân Ngài, tái tạo dân mới, một dân biết làm cho nước Thiên Chúa sinh hoa lợi ( Mt 21, 43).

Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương con người đến tột cùng. Một tình yêu mà xét trên bình diện con người tự nhiên có thể nói là tình yêu mù quáng “Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (I Ga 4, 10). Nhưng xét trên bình diện siêu nhiên chúng ta mới thấy được tình yêu vô biên, nhiêm mầu của Thiên Chúa.Vì không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu. Hơn nữa Ngài đành mất tất cả miễn là để cứu chúng ta, để chúng ta được sống (1Ga 4, 9). và sống dồi dào, sung mãn, hạnh phúc.

Ngài còn ban cho mỗi người chúng ta một hoàn cảnh khác nhau với thời giờ, tài năng, sức khỏe, nghị lực, ý chí, trí hiểu khác nhau để chúng ta sống hạnh phúc và tiếp tục công trình dựng xây nước Chúa. làm cho nước Thiên Chúa sinh hoa lợi (Mt 21, 43). Vậy nếu hôm nay Thiên Chúa đến thu hoach mùa màng và đòi tính sổ với ta. Chúng ta sẽ tiếp đón Ngài với tâm tình nào? Và trả lời với Ngai thế nào về cách sống của chúng ta hiện nay?

Vườn nho đã được trao cho những tá điền biết làm sinh hoa kết quả. Thực sự những trái nho ở đây là những hoa trái nước trời. Dân tộc được tuyển chọn trước đã thất bại. Một dân khác đã lãnh nhận vườn nho và sẽ không làm ông chủ thất vọng.

Và rồi khi thoạt nghe dụ ngôn trên đây, chúng ta có thể nói nó chẳng ăn nhập gì đến mình cả. Chúa Giêsu hiện trước các thượng tế và các kỳ mục Do Thái thời xưa chứ Ngài đâu khiển trách chúng ta. Chúng ta đâu có dính dự gì vào chuyện của họ. Chúng ta đâu có giết các ngôn sứ của Thiên Chúa, chúng ta đâu có xử tử Chúa Giêsu.

Thế nhưng, nếu chịu khó xét cho kỹ thì chúng ta phải giật mình vì chúng ta đã có những phản ứng chẳng khác gì họ, có khác chăng là trong một bối cảnh khác và với hành động như vậy, chúng ta không giết các ngôn sứ, nhưng chúng ta bỏ ngoài tai những lời giảng dạy của các vị, chúng ta không kết án tử Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đẩy Người ra ngoài lề cuộc sống chúng ta. Nếu chịu khó xét mình, không khéo chúng ta lại tìm thấy hình ảnh của các thượng tế và kỳ mục của Israel nơi bản thân chúng ta.

Bức tranh này, tuy có thể tối tăm, nhưng sau cùng lại chứa đầy hy vọng. Người ta thấy ở đây chương trình của Thiên Chúa, Ngài muốn nhân loại sinh nhiều hoa trái, không bao giờ được thất vọng do những quản lý xấu. Thiên Chúa không bao giờ chịu thất bại do sự quản lý đồi tệ của con người. Ngài tái lập lại rất dễ dàng và trao lại cho những người khác công việc đã bị hư hại.

Những kẻ bất trung đã làm hỏng việc, nhưng nước Thiên Chúa thì vẫn bất diệt, vì tất nhiên Ngài sẽ thực hiện lại, và phúc cho ai được Ngài dùng để thực hiện lại công việc của nước trời.

Mùa Chay là mùa hông ân và là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại những hồng ân mà Thiên Chúa yêu thương đã ban tăng cho chúng ta mà dâng lời tri ân cảm tạ. Đồng thời là thời gian chúng ta dừng lai để suy nghĩ và xét lại bản thân chúng ta đã sử dụng hồng ân ấy thế nào để ăn năn sám hối, xin lỗi về những thiếu sót của mình với Chúa với Giáo Hội, Giáo xứ và anh chị em xung quanh.

Huệ Minh

Read 538 times Last modified on Thứ năm, 19 Tháng 3 2020 08:58