Print this page
Thứ tư, 21 Tháng 10 2020 08:20

Chối nhưng không bỏ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chối nhưng không bỏ


22 06 X Thứ Năm tuần 29 Mùa TN.

Ep 3,14-21; Lc 12,49-53

Thánh Gioan-Phaolô II, Gh.

Is 52,7-10; Ga 21,15-17

CHỐI NHƯNG KHÔNG BỎ

Ðức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng thứ 264 (1978-2005) của Giáo hội Công Giáo.

Ngài là giáo hoàng người Ba Lan duy nhất cho đến nay và là giáo hoàng đầu tiên không phải dân Ý kể từ thế kỷ 16 (giáo hoàng Adrian VI 1522-1523 dân Hòa Lan). Triều đại 26 năm của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dài thứ nhì, chỉ sau Đức Giáo hoàng Piô IX giữa thế kỷ 19 (32 năm, 1846-1878).

Đức Gioan Phaolô II, như một Tiến sĩ, đã xuất bản 5 cuốn sách: “Bước qua ngưỡng cửa Hy vọng” (tháng 10.1994); “Hồng ân và Mầu nhiệm: kỷ niệm 50 linh mục” (tháng 11.1996); “Trittico romano” - những bài suy niệm dưới hình thức thơ văn (tháng 3.2003); “Hãy đứng dậy, chúng ta cùng đi!” (tháng 5.2004); “Ký ức và Căn tính” (tháng 2.2005).

Ngài qua đời tại Vatican ngày 02.04.2005, lúc 21:37 (gần hết ngày thứ Bảy, bước vào Ngày Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót).

Từ chiều hôm ấy cho đến lễ an táng của ngài vào ngày 08.04, đã có hơn ba triệu khách hành hương đến Roma để kính viếng ngài, dù phải xếp hàng chờ đợi cả 24 giờ mới có thể vào được bên trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Ngày 28.04 sau đó, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã miễn chuẩn thời gian chờ đợi 5 năm sau ngày qua đời để khởi sự thủ tục phong chân phước và phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II. Thủ tục này đã được chính thức khai mở vào ngày 28.06.2005 do Đức Hồng y Camillo Ruini, Tổng Đại diện coi sóc giáo phận Roma. Và Thánh lễ phong Thánh cho ngài được cử hành vào lúc 10g (3g chiều Việt Nam), ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót 27.4.2014.

Trở về với trang Tin Mừng nói về Chúa gọi Phêrô và chọn ông làm thủ lãnh Giáo Hội, thường gợi lên những câu hỏi như: "Tại sao Chúa báo cho Phêrô hai lần hãy chăn dắt chiên mẹ và một lần hãy chăn dắt chiên con?" Như vậy, có phải là chăn chiên mẹ khó hơn chăn chiên con hay không?

Hoặc giả như chăn chiên con không quan trọng bằng, vì con ngoan hay hư là tại mẹ, nên chỉ cần chăn dắt chiên mẹ đi đúng đường rồi chiên con đi theo là đủ. Ở đây không đi vào chi tiết về chiên mẹ hay chiên con, nhưng qua đoạn Phúc Âm trên mà chúng ta thấy được nhiều quí giá về bài học lãnh đạo trong Giáo Hội rất đáng chúng ta quan tâm.

Trước hết, Chúa Giêsu hỏi ba lần: "Này anh Simon con ông Joan, con có yêu mến Thầy không? Và ba lần Phêrô đáp con yêu mến Thầy" (Ga 21,15-17), và cũng ba lần Chúa Giêsu nói: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". Ðiều đó cho chúng ta biết rằng tình thương không chỉ biểu lộ trong lòng mà con biểu lộ trong lời nói và hành động. Ðặc biệt đối với chúng ta, tình yêu với Thiên Chúa cần phải được thường xuyên hâm nóng và xác quyết bằng chính lời nói thành thực và sinh động trong chúng ta. Mỗi lần nghe giảng, đọc sách thiêng liêng, mỗi lần đọc kinh Lạy Cha hay kinh Tin Kính, đó là chúng ta xác quyết lại sự thần phục, sự hiện diện và biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu hỏi ba lần "con có yêu mến Thầy không?", đáp lại ba lần "có" cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phêrô, Chúa không đòi hỏi Phêrô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phêrô nói "con yêu mến Thầy". Như trước đây với Madalêna, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu như muốn nói: "Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu mến nhiều". Tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng gọi tình yêu, Chúa Giêsu đã không hỏi Phêrô con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa? Hay có bằng cấp gì? Tốt nghiệp đại học nào chưa? Song như có lần Chúa Giêsu nói: "Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta" thì bây giờ Ngài nói: "Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy".

Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yếu kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa.

"Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy". Lời mời gọi ấy nhắm vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, sau cùng là lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm liên đới đến vận mệnh phần rỗi của anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Ðức Tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông Ðồ truyền bá Tin Mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô những ba lần như thế, phải chăng để “xí xoá” đi ba lần ông đã chối bỏ Người? Đã hẳn Phêrô yêu mến Thầy, thế nhưng ông đã không dám tỏ ra tình yêu đó bằng hành động, bằng đời sống. Chúa hỏi Phê-rô “có yêu không”, điều đó có nghĩa là Chúa vẫn yêu Phêrô, Chúa đã tha thứ cho Phêrô, Chúa vẫn còn tín nhiệm Phêrô, và muốn ông đáp lại tình yêu của Chúa bằng tình yêu của chính ông. Đó chính là điều kiện để được Chúa tha thứ, và được trao phó sứ mạng: “Thầy biết con yêu mến Thầy"

Tin theo đạo Chúa không phải chỉ là theo một lý tưởng đạo đức làm người, ăn ngay ở lành như bất cứ tôn giáo nào khác, nhưng trên hết và trước hết, là đặt niềm tin tuyệt đối nơi Chúa Giê-su, và hết lòng yêu mến gắn bó với Ngài đến mức sẵn sàng hiến dâng mạng sống để phụng sự và sống theo giáo huấn của Ngài.
Huệ Minh

Read 313 times Last modified on Thứ năm, 22 Tháng 10 2020 12:21

Latest from Ban Biên Tập