04Thứ Năm Tuần II Mùa Chay
– Thánh Ca-xi-mia (Casimir).
– Thứ năm đầu tháng, ngày các Linh mục.
– Các bài đọc Lời Chúa: Gr 17,5-10; Lc 16,19-31.
ĐỪNG NHÌN VẺ BÊN NGOÀI
Lời Chúa ngày hôm nay cho thấy, Thiên Chúa không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn thấu tâm can. Ngài dựa vào những công việc đẹp, những hành động tốt lành mà chúng ta dành cho Chúa và cho nhau. Thật vậy, tác giả Luca diễn tả hai con người, hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau từ đời sống này cho đến đời sống sau. Họ khác nhau từ cách thức họ dành cho nhau và dành cho Chúa. Sự khác biệt, tương phản ấy khởi đi từ đời sống vật chất. Anh nhà giàu, vinh hoa phú quý, ngày ngày yến tiệc linh đình. Sống trong nhung lụa, thưởng thức sơn hào hải vị. Anh ta rất hạnh phúc và sung sướng với những gì mà mình đang có. Trái lại, anh nhà nghèo Lazaro, khố rách áo ôm, người đầy những ghẻ lở hôi thối, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đang đau đớn vì bệnh tật, mong được hưởng chút canh thừa cơm cặn từ ông chủ nhà này...
Thế rồi, đùng một cái, thánh Luca cho chúng ta thấy, cả hai khi sống đã khác nhau và khi chết, số phận lại đảo chiều. Anh nhà giàu xuống hỏa ngục, chịu đau đớn khổ sở kêu la. Trong khi đó, anh nhà nghèo lại hưởng hạnh phúc mát mẻ. Kinh thánh cho chúng ta biết, sỡ dĩ anh nhà giàu này xuống hỏa ngục vì khi sống ở trần gian, anh đã vô tâm, dửng dưng không quan tâm tới ai, anh chỉ biết đến mình. Anh không được phần phúc thiên đàng vì anh đã không đầu tư, không sống theo lời gọi mời của Chúa. Còn anh nhà nghèo Lazaro, Lazaro theo nghĩa Kinh thánh có nghĩa là được Chúa thương mến. Anh được hưởng phúc, diện kiến nhan Chúa. Chiêm ngưỡng hai nhân vật này, cho chúng ta có cái nhìn về đời sống đạo thực tế và những bài học luân lý.
Bài học thứ nhất, không phải cứ giàu có vật chất là không được lên Thiên đàng, vì có quan niệm cho rằng: người giàu vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Và vì thế mà người giàu coi như mình bị “chúc dữ”, đáng sa hỏa ngục trầm luân. Trái lại, bài học thứ hai là, không phải cứ nghèo về vật chất, an phận thủ thường, đương nhiên sẽ được hưởng nhan Chúa. Tệ hại hơn, với tính đố kỵ, kẻ nghèo, người thua thiệt thường lên mặt, tỏ vẻ mừng vui khi thấy kẻ thắng, người giàu “sa cơ lỡ bước”.
Như vậy, cả hai bài học này đều đáng bị lên án và không hợp với luân lý và suy nghĩ của người Ki-tô hữu. Những nghĩ suy như thế cũng không thích hợp với quan niệm Nước Trời.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương nhưng cũng rất mực công bằng vô cùng. Người ghét tội nhưng Người thương kẻ có tội. Người vui khi thấy kẻ có tội thật lòng thống hối ăn năn. Người còn vui hơn khi chứng kiến con người biết yêu thương và quan tâm đến nhau, xót thương nhau. Anh nhà giàu trong tin mừng Mát-thêu đã giữ luật “mến Chúa yêu người” rất hoàn trọn, anh muốn được nên trọn lành giống như Chúa; thế nhưng khi Ngài đề nghị anh bán tất cả tài sản cho người nghèo, anh đã bỏ đi. Anh không biết cảm thương người khác. Anh không thể nên trọn lành như Cha trên trời.
Trong lịch sử Giáo hội, chúng ta đã được chiêm ngưỡng rất nhiều những gương lành và việc làm nhân đức đáng để chúng ta suy nghĩ và noi theo. Một Phan-sinh từ bỏ hết tài sản cha mẹ cho để chọn lối sống nghèo thanh thoát. Một Đa-minh dành trọn cuộc đời để rao giảng Tin mừng cho người nghèo. Hay một Tê-rê-sa gày còm, ốm yếu rời bỏ đời sống an bình nơi tu viện để đến với những người đầu đường xó chợ...
Tất thảy họ đáng được hưởng niềm vui Nước Trời vì họ quan tâm, chia sẻ và đem Chúa đến cho người khác và đưa tha nhân về cho Chúa. Chúng ta, người Ki-tô hữu, những hậu duệ được thấm nhuần những việc lành của các ngài, đặc biệt là mẫu gương của Thầy Chí Thánh; người Ki-tô hữu trong ngàn năm thứ ba này cũng khát khao ra đi, đến với anh chị em của mình trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào. Nơi đây, trong mùa chay thánh này mọi người đều ước mong được hưởng nếm mật ngọt Nước Trời. Nơi đây, trong mùa chay thánh này mọi người cùng sống chung qua sự chia sẻ hiệp nhất.
Chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của Kinh Thánh là người hành khất Lagiarô, đang ngồi trước cổng nhà! Thiên Chúa tự giới thiệu mình trong con người của kẻ nghèo khó, ngồi tại cửa nhà chúng ta, để giúp chúng ta lấp đầy hố sâu to lớn mà người giàu có đã tạo ra. Lagiarô cũng là Chúa Giêsu, kẻ nghèo khó và là Đấng Cứu Thế tôi tớ, Đấng đã không được chấp nhận, nhưng Đấng mà cái chết đã hoàn toàn thay đổi mọi thứ từ gốc rễ. Và mọi việc thay đổi trong ánh sáng của cái chết của người nghèo khó. Thậm chí nếu nhà phú hộ nghĩ rằng ông ta có tôn giáo và đức tin, trong thực tế, thì ông ta đã không ở cùng với Thiên Chúa, vì ông đã không mở cửa cho người nghèo khó, như ông Giakêu đã làm (Lc 19:1-10).
Tình cảnh của nhà phú hộ và người hành khất. Hai thái cực của xã hội. Một mặt, sự giàu có thừa thãi; còn mặt khác, một người nghèo không cơm ăn, không quyền lực, mình đầy ghẻ chốc, không ai đoái hoài, ngó ngàng tới anh ta, ngoại trừ những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Vật ngăn cách giữa họ là cánh cổng đóng kín của nhà phú hộ. Về phần nhà phú hộ, không có sự chấp nhận cũng chẳng có lòng thương xót đến tình cảnh của người hành khất ngoài cửa nhà ông ta. Nhưng người hành khất thì có tên và nhà phú hộ thì không có. Có nghĩa là, người hành khất có tên mình được viết vào trong sách hằng sống, mà nhà phú hộ thì không. Tên của người hành khất là Lagiarô. Nó có nghĩa là Thiên Chúa cứu giúp.
Dụ ngôn được tạo nên để chúng ta nghĩ và suy gẫm. Vì lý do này, điều quan trọng là phải chú ý, ngay cả đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay có ba nhân vật. Người hành khất tên Lagiarô, nhà phú hộ vô danh và Tổ Phụ Abraham. Trong bài dụ ngôn, ông Abraham đại diện cho tư tưởng của Thiên Chúa. Nhà phú hộ vô danh đại diện cho hệ thống tư tưởng thống trị thời đó. Lagiarô đại diện cho tiếng khóc thầm lặng của những người nghèo khó vào thời của Chúa Giêsu và của tất cả mọi thời đại.
Và qua người hành khất, Thiên Chúa giúp cho nhà phú hộ có thể có tên trong sách hằng sống. Nhưng nhà phú hộ không chấp nhận việc được giúp đỡ bởi người hành khất, bởi vì cánh cổng nhà ông ta đóng kín. Khởi đầu của bài dụ ngôn này mô tả tình trạng, là một tấm gương trung thực của những gì đã xảy ra trong thời của Chúa Giêsu và thời ông Luca. Nó cũng là tấm gương của mọi việc đang xảy ra hiện nay trên thế giới!
Huệ Minh