TMĐP- Đức tin của chúng ta chỉ có thể lớn lên, nếu đời sống của chúng ta được hoà quyện nên một trong sự sống của Đức Giêsu; đức tin của chúng ta chỉ có thể sinh hoa kết trái sum xuê, nếu đời chúng ta được tháp nhập vào đời Đức Giêsu; đức tin của chúng ta chỉ có thể kiên vững, không gì có thể lay chuyển, bẻ gẫy, nếu chúng ta gắn kết trọn vẹn như cành gắn liền với cây.
Tin Mừng chúa nhật thứ ba mùa phục sinh kể lại biến cố hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau đã được đồng hành với Đức Giêsu phục sinh mà cả hai đều không biết. Mãi cho đến “khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,30-31). Và “ngay lúc đó, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn”. Còn hao ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường, và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.” (Lc 24,33-35).
Như thế, sau khi đã nhận ra người khách cùng đi trên đường, người khách đã vui lòng ở lại “vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn (Lc 24,29), rồi cùng dùng bữa tối với mình là Đức Giêsu, hai môn đệ này đã phấn khởi đi gặp các tông đồ và nhiều môn đệ khác đang tụ tập ở một nơi kín đáo vì sợ người Do Thái. Nhưng có một điều rất lạ, là dù đã nhận ra Đức Giêsu phục sinh trên đường Emmau, dù đã nghe các anh em khác cho biết Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với anh trưởng Simôn Phêrô, nhưng “ngay lúc các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”, thì “các ông lại kinh hồn bạt vía, tuờng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).
Tin Mừng Luca kể lại câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa, và cũng Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy hai môn đệ đã nhận ra Chúa này, và cả tông đồ Simôn Phêrô, người đã được Chúa phục sinh hiện ra, cả ba ông và tất cả các tông đồ, môn đệ khác có mặt hôm ấy đều sợ hãi tưởng là thấy ma, khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra giữa các ông.
Thật khó hiểu, và vấn đề được đặt ra là tại sao hai môn đệ vừa mới được đồng hành, được ăn chung, và nhận ra Chúa, như chính họ đã qủa quyết: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32) hôm nay cũng khiếp sợ, ngờ vực khi thấy Chúa hiện ra? Lý do nào đã khiến hai ông chóng quên hình dạng Đức Giêsu như vậy? Có thể vì sợ? Nhưng sợ ai ở nơi kín đáo chỉ có anh em môn đệ này? Không lẽ sợ cả những người mình vừa “thuật lại hết những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh?”.
Vấn nạn sẽ mãi khó hiểu, nếu Đức Giêsu không lên tiếng, sau khi trách tất cả các ông: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?” (Lc 24,38). Qua lời trách của Ngài, chúng ta nhận ra nguyên do đã không cho hai môn đệ vừa mới thấy Đức Giêsu ở làng Emmau nhận ra Ngài lúc này, đó là đức tin còn yếu ớt của hai ông: yếu ớt đến độ vừa mới đi chung, ăn cùng với Ngài đã quên hết bóng hình Ngài; vừa mới trò chuyện, nghe Ngài giải thích Kinh Thánh, đã không còn nhớ bất cứ điều gì Ngài nói; vừa mới phấn khởi với cõi lòng bừng cháy nay tim đã lạnh lùng, giá băng. Và câu hỏi sẽ không có giải đáp, nếu Đức Giêsu đã không nói với các ông: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?”
Nói với các ông điều này, Đức Giêsu cho các ông biết: các ông chỉ có thể tin vào Ngài, nếu đụng chạm đến Thân Thể Ngài; chỉ có thể xác tín Ngài là Đấng đã sống lại từ cõi chết, mà không còn ngờ vực, nếu rờ đuợc vào các vết thương trên Thân Xác Ngài; chỉ có thể tin Ngài là Thiên Chúa, nếu tháp nhập chính mình vào Xương Thịt của Ngài.
Để chứng minh điều Ngài vừa nói, Đức Giêsu đã “đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,41), cũng như bảo Tôma, người môn đệ có tiếng cứng lòng tin: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).
Thực vậy, đức tin của chúng ta chỉ có thể lớn lên, nếu đời sống của chúng ta được hoà quyện nên một trong sự sống của Đức Giêsu; đức tin của chúng ta chỉ có thể sinh hoa kết trái sum xuê, nếu đời chúng ta được tháp nhập vào đời Đức Giêsu; đức tin của chúng ta chỉ có thể kiên vững, không gì có thể lay chuyển, bẻ gẫy, nếu chúng ta gắn kết trọn vẹn như cành gắn liền với cây. Và để thực hiện được điều Thiên Chúa mong muốn trên, Đức Giêsu mời gọi chúng ta đụng chạm vào Ngài, rờ vào các thương tích trên Thân Xác chịu đóng đinh của Ngài, lấy tay thọc vào cạnh sườn bị đâm thủng của Ngài, bằng hiệp nhất nên một với Ngài trong bí tích Thánh Thể, khi ăn và uống Mình, Máu Ngài, như Ngài đã căn dặn: “Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20).
Sau cùng, như Tin Mừng Luca tiếp tục kể : Sau khi nghe những điều Đức Giêsu vừa nói, “các ông còn chưa tin vì mừng qúa, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy mà ăn trước mặt các ông”.
Thực ra, điều Ngài muốn nhắc nhở các ông, cũng là điều Ngài đang dặn dò chúng ta, những môn đệ của Ngài là “anh em đừng quên đến dự tiệc thánh được Thầy dọn ra cho anh em, vì chỉ ở tiệc thánh, với Lời Thầy, và Mình, Máu Thầy, anh em mới nhận ra Thầy là Thiên Chúa, mới có Thầy là Đấng Cứu Độ, mới thỏa thuê bơi lội trong Thầy là Tình yêu thương xót, mới “ được sống muôn đời, và được sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54), “vì ai ăn thịt và uống máu Thầy, thì ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/duoc-cham-vao-duc-giesu-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-3-phuc-sinh-nam-b/