25 16 X Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên.
St 17,1.9-10.15-22; Mt 8,1-4.
Chữa người phong cùi
Bệnh phong là một những thứ bệnh khủng khiếp nhất mà loài người chúng ta mắc phải: da thịt người mắc bệnh lở loét; khi bị nặng, vết thương sẽ lõm vào da thịt; tình trạng mất cảm giác sẽ xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể; sau đó các bắp thịt tiêu đi; nếu ở giai đoạn bị nặng, các ngón tay và ngón chân sẽ rụng dần.
Chúng ta hãy cảm thông và cầu nguyện cho những người bệnh phong, và nếu có thể, chúng ta hãy giúp đỡ san sẻ. Bởi vì chính chúng ta là những người được nâng đỡ trước tiên, khi chúng ta nghĩ tới những người cùng khổ. Thật vậy, khi liên đối với người cùng khổ, chúng ta sẽ tương đối hóa những nỗi khổ của chúng ta, chúng ta thấy nhẹ nhàng hơn, chúng ta có thể ra khỏi mình để hướng về những người bất hạnh hơn; và năng động này sẽ làm cho chúng ta tự do hơn, thanh thoát hơn, bình an hơn.
Chúng ta vừa nói đến sự đau đớn tột cùng trong thân xác ; nhưng người bệnh phong còn chịu một sự đau khổ còn lớn hơn nữa là bị cách ly khỏi môi trường sống bình thường, khỏi nhà của mình, khỏi những người thân yêu, và có khi còn bị bỏ rơi luôn, không được ai nhìn nhận nữa, như Lề Luật trong sách Lê-vi truyền lệnh: “Người mắc bệnh phong phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 46). Như thế, người bị bệnh vừa đau khổ trong thân xác và vừa đau khổ về tinh thần, vì thiếu tình thương và sự liên đới.
Với bài tường thuật Chúa Giêsu chữa người phong hủi. Bệnh phong được người Do Thái coi như là một chứng bênh đặc biệt trầm trọng. Lời khẩn cầu của người bệnh chứng tỏ một niềm tin tưởng phi thường: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Anh ta gán cho ý muốn của Chúa Giêsu một quyền lực to lớn. Lời khẩn cầu này cũng vừa là một thách đố vừa chứng tỏ lối xử sự trước đây của Chúa Giêsu đã gây ra ấn tượng nào và thức tỉnh những niềm chờ mong nào. Chúa Giêsu hành động như Thiên Chúa: chỉ cần Người muốn một điều là điều ấy được thực hiện. Người phong hủi được chữa lành tức khắc.
Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật may mắn vì đã gặp được Đấng đang tìm anh để chạnh lòng thương anh. Thật vậy, khi gặp người phong cùi này, Chúa Giêsu đã không tránh xa, mà ngược lại, Ngài đã đến gần và chạm vào anh để anh được sạch. Không những thế, Ngài còn phục hồi nhân phẩm cho anh khi truyền cho anh đi báo với Tư Tế để được hòa nhập với cộng đồng. Xem thấy Chúa làm, chúng ta cũng được mời gọi noi gương bắt chước Chúa Giêsu hãy ra tay đón nhận và cứu giúp những ai đang lầm than khốn khổ.
Theo đó, tình thương của chúng ta không chỉ là một chút rung động trong tâm hồn nhưng phải được cụ thể hóa nơi chính đôi tay của mình. Muốn được như vậy, chúng ta hãy xin với Chúa cho đôi chân biết đi tới, đôi tay biết vươn xa, và nhất là trái tim biết rộng mở, để đón nhận những anh chị em đau khổ, bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác, hầu xoa dịu những đau khổ mà anh chị em chúng ta đang phải gánh chịu. Chỉ có thế, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Thầy Giêsu.
Ta thấy Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.
Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta ngừng đặt câu hỏi: tại sao lại bệnh tật, tại sao lại đủ mọi khổ đau, phải chăng là hình phạt? Bởi vì, càng đặt câu hỏi, chúng ta sẽ càng bị dồn vào ngõ bí và tự làm khổ mình. Nhưng, Lời Chúa mời gọi chúng ta thả mình vào tình thương và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô. Thật vậy, Ngài chạnh lòng thương người bệnh phong và chữa anh lành bệnh, một cách vô điều kiện; anh chỉ cần bày tỏ lòng ước ao thôi: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Phép lạ chữa bệnh này mang lại cho chúng ta niềm hi vọng thật bao la cho loài người và từng người tật nguyền chúng ta. Thật vậy, trước khi nói lời chữa lành: “tôi muốn, anh hãy được sạch”, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh. Thế mà, đụng vào người cùi, theo luật là bị ô uế cả trong thân xác lẫn tâm hồn.
Và đó chính là cách Chúa Giêsu chạnh lòng thương và chữa lành chúng ta. Đó là bày tỏ sự cảm thông và tình thương của Thiên Chúa đối với loài người đau khổ của chúng ta, với nỗi đau khổ của mỗi người chúng ta, nhưng không phải bằng cách lấy đi đau khổ, nhưng là mang vào mình đau khổ của con người (x. Mt 8, 7 và Rm 8, 3 ; 2Cr 5, 21 ; Gl 3, 12).
Trước khi đáp lời loài người đau khổ, Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, nhận lấy đau khổ của con người làm của mình. Mầu nhiệm Nhập Thể là như thế, Con Thiên Chúa mang lấy thân phận con người, một thân phận ở mức độ thấp nhất, cùng khổ nhất, cùng tận nhất về mọi phương diện.
Mỗi người trong chúng ta có thể không bị phong cùi thể xác, nhưng rất có thể chúng ta đang bị phong cùi trong tâm hồn, chúng ta hãy noi gương người phong cùi, mạnh dạn đến với Chúa, hãy mở rộng tâm hồn cho Đấng đầy yêu thương đụng chạm tới mình, để Ngài chữa lành tâm hồn phong hủi của chúng ta với đầy những thói hư tật xấu, những tội lỗi, những khô khan nguội lạnh, những thờ ơ với Chúa và vô cảm với anh chị em.
Huệ Minh