Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 16 Tháng 7 2021 20:28

Nước mắt làm chúng ta nên một

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
NƯỚC MẮT LÀM CHÚNG TA NÊN MỘT

     Hiểu và được thấu hiểu là hai trải nghiệm giá trị nhất mà mỗi chúng ta cần biết và sống trong suốt cuộc đời. Đó là hai trong số những thử thách lớn nhất của mỗi người chúng ta. Vậy điều gì đã cản trở chúng ta hiểu biết lẫn nhau?

     Ngôn ngữ là một rào cản khá lớn. Theo WikiAnswers, có 6.913 ngôn ngữ được sử dụng trên toàn thế giới. Nếu bạn đã từng đi du lịch nước ngoài, có thể bạn đã từng nản lòng vì rào cản ngôn ngữ. Bạn không hiểu những gì người khác nói và họ cũng không hiểu bạn nói gì. Rất khó để đọc các bảng hiệu và menu nếu bạn không biết ngôn ngữ. Và quan trọng hơn chúng ta thật sự lo ngại khi mắc một căn bệnh nào đó trong lúc đang ở một đất nước xa lạ và gặp một bác sĩ bất đồng ngôn ngữ.

     Làm cách nào mọi người trên thế giới có thể hiểu biết lẫn nhau và liên kết thành một thể thống nhất, khi mà chúng ta không nói cùng một ngôn ngữ? Thực ra, chúng ta có cùng một ngôn ngữ. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, con người giao tiếp bằng lời nói chỉ khoảng 15% trong quá trình giao tiếp của họ. 85% còn lại là ngôn ngữ không lời. Ví dụ, vào ngày đầu tiên của năm học mới, trẻ em trong lớp biết giáo viên mới của chúng như thế nào trước khi người đó cất tiếng, trẻ em có thể nhận thái độ của giáo viên qua cái nhìn của họ.

     Chúng ta không chỉ trò chuyện với người khác bằng lời nói mà còn bằng cả toàn bộ cơ thể của chúng ta, đặc biệt là khuôn mặt. Những biểu cảm trên khuôn mặt của chúng ta nói lên rất nhiều điều với người đối diện. Như khi chúng ta cười thì người đối diện sẽ cảm nhận được sự thân thiện, hay khi chúng ta cau mày người khác sẽ hiểu sự không đồng ý của chúng ta, hay chỉ cần qua cái bắt tay với một người mà chúng ta có thể diễn tả sự cam kết.

   Có một cách mà hầu hết mọi người thuộc mọi quốc gia và chủng tộc đều hiểu được đó chính là nước mắt. Bất kể chúng ta đến từ quốc gia nào với ngôn ngữ khác biệt nhưng mỗi khi thể hiện sự đau khổ chúng ta thường dùng nước mắt để thể hiện nỗi buồn ấy. Khi một người thân yêu của chúng ta qua đời, chúng ta rơi lệ buồn; khi nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn của một ai đó, chúng ta rơi nước mắt. Khi chúng ta bị ốm hay bị thương, chúng ta biết cảm giác đau đớn là như thế nào. Rơi nước mắt có nghĩa là chúng ta đang thể hiện lòng trắc ẩn và đau khổ với nỗi đau của bản thân, của người khác.

     Chúng ta đôi khi cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm hay không được xem trọng. Vâng những người xung quanh chúng ta cũng có lúc kinh nghiệm về những điều ấy. Khi trò chuyện với một người đang gặp đau khổ thì giọt nước mắt nơi khóe mắt của chúng ta đang nói với người ấy biết rằng chúng ta hiểu và đồng cảm với họ.

     Có lẽ chúng ta chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh không chốn tựa nương, phải sống lang thang trên đường, ăn không đủ no, nhưng chúng ta có thể cảm nhận điều này như thế nào. Lòng trắc ẩn được thể hiện sẽ giúp người đang đau khổ có sức mạnh chiến đấu và không còn cảm thấy cô đơn.

     Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su biết và hiểu cảm giác của dân chúng. Ngài thấy họ giống như bầy cừu không có người chăn dắt, và Ngài chạnh lòng thương họ.

     Có một câu nói cổ, "Bạn không thực sự hiểu một người cho đến khi bạn xỏ và bước đi với đôi giày của họ." Để thực sự hiểu một người nào đó chúng ta cần rất nhiều thời gian, cần rất nhiều nỗ lực lắng nghe, cảm nhận, hỏi han, quan sát, chú ý, đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận để sẻ chia với họ bằng những giọt nước mắt.

     Sẽ không có chiến tranh nếu mỗi nhà lãnh đạo các quốc gia biết lắng nghe và hiểu được cảm nhận của phe đối lập. Họ sẽ nhìn thấy:

- những người đang cố gắng kiếm sống và nuôi gia đình,

- những người đang cố gắng vượt qua những căn bệnh nan y hay cảm giác mất mát trong tình yêu,

- những người muốn được tự do thể hiện quan điểm, tự do thờ phượng,

- trẻ em muốn được học tập và vui chơi trong môi trường an toàn,

- mọi người mong muốn được hạnh phúc, an bình và chấm dứt bạo lực.

     Chỉ cần bước về phía đối diện để cảm nhận, các nhà lãnh đạo sẽ hiểu, để hạ vũ khí xuống và làm tất cả để lau khô những giọt nước mắt khổ đau của người dân.

   Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta, chính Chúa Kitô đã phá bỏ những rào cản của sự thù địch. Chúa Kitô là Đấng tạo nên hòa bình, đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Phần mình, nhờ vào lòng nhân từ của Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta cần làm gì để phá bỏ lòng thù hận, xây dựng hòa bình và sẻ chia tình thương?

     Lòng nhân ái dẫn đến sự chữa lành.

         Lòng nhân ái tạo nên tình đoàn kết.

               Lòng nhân từ biến đổi tâm hồn chúng ta.

Nước mắt làm cho chúng ta trở nên đẹp hơn, khi những giọt nước mắt ấy được rơi xuống vì đau khổ của người khác. Arthur Shopenhauer có nói, "Lòng nhân ái là nền tảng cho đạo đức." Đạt Lai Lạt Ma đã nói, "Nếu bạn muốn làm cho người khác hạnh phúc, hãy thể hiện lòng từ bi. Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy thể hiện lòng từ bi." Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, chỉ đường cho chúng ta.

     Chúng ta tụ họp nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giê-su Nhân Lành, Người không chỉ dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, hòa giải và chữa lành chúng ta, mà Ngài còn hiến chính mạng sống cho chúng ta được sống.

Lm GB Nguyễn Thái Sơn,scj

Read 471 times Last modified on Thứ bảy, 17 Tháng 7 2021 13:03