Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 09 Tháng 12 2021 18:27

Pharisiêu Cứng Lòng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Pharisiêu Cứng Lòng


10 07 Tm Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng.

(Tr) Đức Trinh Nữ Maria Lôretô.

Mt 11, 16-19

Pharisiêu Cứng Lòng

Ngày 31/10/2019, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích ra sắc lệnh xác lập: lễ nhớ tuỳ chọn Đức Trinh nữ Maria Loreto được ghi vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Roma và được mừng vào ngày 10/12 mỗi năm.

Sắc lệnh viết: “Sự tôn kính Nhà Thánh Loreto, có từ thời Trung cổ, là nguồn gốc của đền thánh đặc biệt này, và ngày nay nhiều khách hành hương vẫn đến để nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Thiên Chúa nhập thể cho chúng ta.

“Đền thờ này gợi lại mầu nhiệm Nhập thể và thúc đẩy tất cả những ai đến thăm viếng được cảm nhận “thời gian viên mãn”, khi Thiên Chúa sai Con của Người, sinh bởi một người nữ và qua cả lời thiên thần loan báo trong Tin Mừng lẫn lời xin vâng đáp lại của Đức Trinh Nữ. Được bao phủ bởi Thánh Thần, người tôi tớ khiêm nhường của Chúa đã trở nên ngôi nhà của Thiên Chúa, hình ảnh tinh khiết nhất của Giáo hội thánh thiện.”

“Tại Nhà Thánh, trước hình Mẹ của Đấng Cứu Thế và của Giáo hội, các thánh và các chân phước đã đáp lại tiếng gọi của riêng mình, những bệnh nhân đau đớn đến khẩn cầu và được an ủi, dân Chúa đã bắt đầu ca ngợi và cầu nguyện với Mẹ bằng kinh cầu Loreto vốn được phổ biến trên toàn thế giới. Đặc biệt những người di chuyển bằng máy bay tìm thấy nơi Mẹ là đấng bảo trợ trên trời.

Dưới ánh sáng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban sắc lệnh với thẩm quyền của ngài, thiết lập lễ nhớ tuỳ chọn Đức Trinh nữ Maria Loreto được ghi vào lịch Roma ngày 10/12, ngày lễ tại Loreto và được mừng mỗi năm.

Do đó, lễ nhớ mới phải được ghi vào tất cả các lịch, sách phụng vụ Thánh Lễ và phụng vụ các Giờ kinh; những bản văn phụng vụ liên quan kèm theo sắc lệnh này và các bản dịch, được chuẩn nhận bởi các Hội đồng Giám mục, sẽ được phổ biến sau khi được Bộ này xác nhận.

Kiêu ngạo, mù lòa là căn bệnh của những người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là óc phê phán chủ quan và họ cứ tưởng mình sáng hóa ra lại chẳng thấy gì. Vì nếu người mù biết mình tối thì họ sẽ cố gắng tìm hiểu sự việc trước mắt khi không nhìn được sự khác. Còn người chủ quan và phiến diện thì muôn đời sẽ tăm tối trước chân lý, vì khi chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý mà họ cứ tưởng là đã đạt được chân lý để rồi cứ thế mà cố chấp trước những vẻ đạp của chân lý. Họ chẳng khác gì năm người mù đi xem voi, người thì cho con voi là cái cột đình to tướng, kẻ lại nói con voi là chiếc quạt khổng lồ, người khác lại cho con voi là quả núi đồ sộ.

Khi thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho nhãn hiệu là bị quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết án là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện nên người Do Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi. Với cái nhìn phiến diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ nít ngồi nơi phố chợ: "Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa. Chúng tôi than vãn sao các bạn không than khóc?" Chính vì thế mà ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng nhận ra: "Ngài đã đến trong nhà Ngài nhưng người nhà đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài".

Chúa Giêsu đã phải than phiền, trách móc những kẻ khôn ngoan giả thời Ngài. Thế hệ mà Ngài đã đến, rao giảng lời Chân lý, nhưng họ đã trở thành người khuyết tật của đôi tai, đôi mắt, thành những kẻ cứng lòng tin. Rao giảng thế nào, họ cũng chẳng tin. Nếu Gioan Tẩy Giả đến sống khắc khổ, mời gọi ăn năn sám hối, thì họ lại lên án Gioan là người bị quỷ ám.

Ngược lại, Chúa Giêsu đến, cùng đồng bàn, cùng ăn, cùng uống trong nhịp đời của họ, thì họ lại ta thán, chỉ trích Ngài là kẻ mê ăn mê uống, bạn bè với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài ví thế hệ chai lì ấy như cái lũ trẻ con chơi trò múa hát giữa phố chợ. Nhóm này thổi sáo, nhưng nhóm kia không thèm nhảy múa; nhóm này than vãn, nhóm khác tỉnh queo, không than không khóc. Đề nghị thế nào, họ cũng chẳng làm theo, bởi cái “cứng lòng” đã chi phối hết tất cả. Họ đã không tin Ngài.

Chúa Giêsu đã phản ứng lại và chỉ rõ cho thấy sự giả tạo của những kẻ khôn ngoan thông thái thời ấy. Cái khôn ngoan mà họ tự hào, dương oai tự đắc, thật ra là sự dốt nát, vì nó không chỉ bảo cho họ con đường sống, con đường nhận ra Đấng Thiên Sai. Sự chai lì trong tâm hồn đã phá đổ hạnh phúc, mà lẽ ra, con người có quyền được thừa hưởng.

Chúa Giêsu đến, Ngài đem lời của Tin Mừng cứu độ và ngỏ với con người. Chỉ những ai khôn ngoan thật mới nhận ra Ngài, mới nghe được tiếng Ngài. Ngài đã đồng kiếp người, trong những cái nhỏ nhoi nhất để chia san, để cùng sống với những cung bậc của nhịp đời con người đang sống với. Giữa những sai lầm của con người, Thiên Chúa lên tiếng, chỉ dạy, kêu gọi con người sám hối, trở về, tin vào Ngài để đón nhận ơn cứu rỗi. Ngài hướng dẫn, chỉ ra con đường của sự thật, con đường đi đến hạnh phúc trường sinh. Kẻ khôn ngoan thực phải là người rất tinh tế để nhận ra Ngài, Thiên Chúa của lòng mình. Sự khôn ngoan ấy sẽ giúp con người có được lòng khiêm tốn, mở ra để đón nhận chân lý và trở về với Thiên Chúa.

Một cuộc trở về với niềm tin. Niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy sẽ đưa con người đến cánh cửa của Chân Lý, của hạnh phúc thật. Niềm tin ấy sẽ vực dậy con người từ những hố cách ngăn của tội lỗi, xoa dịu những vết đau hằn sâu trong tâm hồn. Niềm tin vào Thiên Chúa cho con người hy vọng sống tròn đầy, chờ đợi ngày hạnh phúc vĩnh cửu. Niềm tin ấy hướng dẫn con người đi trên nẻo đường ngay chính, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay tại trần thế và ngưỡng vọng về đời sau.

Niềm tin vào Thiên Chúa, phải là điều căn bản của người Kitô hữu. Niềm tin ấy phải được thể hiện một cách sống động, hiện thực, cụ thể. Tin trong lòng, và tuyên xưng ngoài miệng chưa đủ, nhưng còn phải sống niềm tin ấy bằng cách thức riêng của mỗi cảnh đời chúng ta đang có.

Trong Giáo Hội ngày nay cũng không thiếu những trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái. Ðức Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua Giáo Hội, thế mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng giới thiệu Ðức Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho hợp với chủ trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô khác với chủ trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc bôi nhọ làm sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.
Huệ Minh

Read 248 times Last modified on Thứ sáu, 10 Tháng 12 2021 10:39