Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 24 Tháng 1 2022 06:24

Hoán cải và làm chứng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hoán cải và làm chứng


25.1.2022 Thứ Ba
Thánh Phaolô, Tông Đồ trở lại

2 Sm 6:12-15,17-19; Tv 24:7,8,9,10; Mc 3:31-35

HOÁN CẢI VÀ LÀM CHỨNG

Chúng ta biết ông sinh ra và sống tại Tạcxô. Cuối chương 9 cho biết ông sẽ trở lại quê hương sau khi chạy trốn khỏi Giêrusa-lem thời bị bách hại. Sinh ra tại Tạc-xô, nghĩa là tại thành phố ngoại giáo, trong vùng phát tán Do thái; ông không phải là Do thái gốc Paléstin như các tông đồ khác. Đặc tính của ông là mang hai nền văn hóa.

Ông là Do thái và rất Do thái. Ông gắn bó thâm sâu với luật Do thái và thuộc về nhóm Pha-ri-sêu, ông tuân giữ rất nghiêm nhặt và kỹ lưỡng lề luật mà ông coi là chính yếu cho đời sống của mình. Ong được nhào nặn trong tinh thần Cựu Ước và thuộc nằm lòng Sách thánh. Phaolô mang nặng văn hóa Do thái mặc dầu không sinh ra và lớn lên tại đó.

Nhưng đồng thời ông chịu ảnh hưởng văn hóa Hylạp và Lamã. Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết ông là công dân La-mã; đàng khác ông nại đến tư cách nầy để xin được xét xử bởi Xêda tại Rôma (Rôma biểu tượng trung tâm của đế chế) để chứng tỏ rằng Kitô giáo đã tưới gội toàn thể thế giới nơi có con người sinh sống.

Như vậy, là công dân Rôma, có văn hóa Hylạp, biết những gì tạo nên nền văn hóa nầy, am hiểu triết lý Hylạp ngay cả tiến xa trong lãnh vực này bằng mò mẫm như diễn từ của ông tại Athen minh chứng. Lãnh hội được hai nền văn hóa, ông cố gắng bằng sức mạnh của những sự kiện làm nên một duy nhất tính nào đó cho chính mình khi đứng giữa hai nền văn hóa. Người ta hiểu vai trò chìa khóa mà Phao-lô nắm giữ để giúp Kitô giáo đi từ cuống rốn Do thái nơi mà ông đã được đào tạo đi đến một điều khác hoàn vũ hơn, đi từ cơ chế tôn giáo của một dân tộc đến đức tin cho mọi dân tộc khác.

Ông là trung gian đáng chú ý, điều đó không phải dễ và ông đã phải trả giá vì những kẻ thù từ phía người Do-thái cũng như từ phía các dân ngoại. Tuy nhiên vừa bám rễ trong lịch sử Do thái vừa bám rễ trong đời sống Hy La, điều đó đã cho Phao-lô hoàn tất vai trò tông đồ dân ngoại mà ông đã được kêu gọi. Thời điểm xảy ra cuộc gặp gỡ trên đường Đamát, chúng ta biết rằng Phaolô là một kẻ bách hại cuồng nhiệt các môn đệ của Chúa Giêsu.

Lần đầu tiên Phaolô được nhắc đến trong Công Vụ Các Tông Đồ, là thành viên tham gia cuộc ném đá thánh Têphanô (một trong bảy phó tế được các tông đồ đặt tay), ông giữ áo choàng cho những kẻ ném đá Têphanô. Hai lần khác, ở đầu sách Công Vụ, Phao-lô được coi là kẻ theo đuổi không ngơi nghỉ các môn đệ của Chúa Giê-su mà ông có thể xác định ở Giê-ru-sa-lem nơi có khá đông người Ki-tô hữu. Vào đầu chương 9 ông tự cho mình sứ mệnh đi đến Đa-mát để tiếp tục lùng bắt. Ông ác cảm với người Kitô hữu đến nỗi ông muốn theo đuổi họ mọi nơi họ quy tụ, để ngăn chặn họ xâm chiếm vùng phát tán Dothái, vào thời đó, nhất là ở Tiểu Á; chính vì lý do đó mà Phaolô muốn đi đến Đamát, ông có trong tay thư của lãnh đạo Dothái giáo tại Giêrusalem để thi hành “chính sách mà ông muốn”: chính sách đàn áp bắt bớ, và để mang tù nhân về Giêrusalem, là những ai đón nhận “Đường”, theo cách gọi của Sách Công Vụ Tông Đồ, con đường (mỹ danh từ để chỉ Giáo Hội phôi thai).

Có thể nói rằng nửa đời về trước Phaolô là một người Biệt phái chính cống, kiêu căng, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau Phaolô là một vị Tông Đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như chính Ngài thú nhận: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” và xác tín: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Rm 8, 35-39). Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Ngài hăng say loan báo Tin Mừng ở Giêrusalem, các vùng Bắc Á, vượt biển sang châu Âu 4 lần để truyền giáo và chịu tử đạo tại Roma.

Phaolô không ngần ngại kể “tôi đã bị lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cr 11, 23-27). Tất cả vì Tin Mừng và vì phần rỗi của anh chị em mình.

Khám phá nhân cách, nhân tính của Phao-lô đã mời gọi chúng ta đảm trách nhân tính của mình, tiếp nhận, đón chào nó như một ân huệ được ban cho chúng ta, mà chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa và làm sinh ích cho tha nhân. Chúng ta sẽ thấy điều gì xảy đến cho Phaolô trên đường đi. Ghi chú « lên đường » sẽ cho chúng ta khám phá thêm một cấu tố của nhân cách của Phao-lô ; ông là con người hành trình, luôn chuyển động, tóm lại : một tông đồ đăng trình.

Phaolô đã gặp Chúa Giêsu trên đường, ông đã không rời bỏ lộ trình bao giờ nữa. Ông liên tục hành trình, di chuyển, đi về phía trước, đi tới, vạch kế hoạch, tiếp tục loan báo Tin Mừng đến mút cùng trái đất.

Kinh nghiệm về sự hoán cải của Thánh Phaolô hướng chúng ta lên Thập giá của Đức Kitô và cuộc Phục Sinh của Người. Ở đó, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng của Sự Thật – Tình Thương, không ngừng “chiếu xuống” mỗi người chúng ta và giữa lòng Hội Thánh.

Một khi đã gắn bó với Đức Kitô, chúng ta biết đặt Ngài làm mục tiêu tối hậu trong cuộc chinh phục tâm linh. Biết sống cho giây phút hiện tại bằng niềm tin tuyệt đối: Thiên Chúa sẽ hành động ! Như lời Thánh Phaolô đã chia sẻ: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3, 13-14).

Sống theo gươngThánh Phaolô, chúng ta sẽ lạc quan trên hành trình tìm Chúa. Đó là con đường lâu dài và và thử thách, để từ đó, ta có thể khám phá Thiên Chúa và ý định của Ngài qua những dấu chỉ trên bản thân và cộng đồng. Vấn đề là, ta hãy để cho Thiên Chúa hành động và mau mắn đáp trả tích cực lời mời gọi sống đời chứng nhân Tin Mừng.

Huệ Minh

Read 238 times Last modified on Thứ ba, 25 Tháng 1 2022 18:08