Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 25 Tháng 9 2022 20:18

Người lớn nhất là người phục vụ tha nhân

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    NGƯỜI LỚN NHẤT LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ THA NHÂN


26.9 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Sáu Mùa Quanh Năm

G 1:6-22; Tv 17:1,2-3,6-7; Lc 9:46-50

NGƯỜI LỚN NHẤT LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ THA NHÂN

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng ghi lại sức mạnh của Danh Giêsu. Chính nhân danh Ngài mà một số người có thể xua trừ ma quỉ và chữa bệnh. Nhân Danh Chúa là một quyền hạn đã được trao ban cho các môn đệ Chúa Giêsu. Người ta chỉ có thể trừ quỉ và như vậy tiếp tục hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhờ quyền năng Ngài và lòng tin vào Ngài mà thôi. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã không lo ngại với những kẻ lén lút nhân danh Ngài để trừ quỉ, bởi vì khi hành động như thế, họ chỉ hành động với lòng tin vào quyền năng Ngài mà thôi.

Danh Chúa Giêsu không những có sức mạnh chữa lành bệnh và xua trừ ma quỉ, mà còn tạo được mối tương quan giữa con người . Chính nhân danh Ngài mà con người mới có thể tập họp để cầu nguyện; chính nhân danh Ngài mà con người phải tiếp rước những kẻ Ngài sai đi; chính nhân danh Ngài mà con người phải đón rước tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, hèn kém như các trẻ em. Chúa Giêsu nói: "Ai nhân danh Thầy mà đón tiếp trẻ nhỏ này là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy". Câu nói của Chúa Giêsu cho thấy được bản chất của Giáo Hội: Chúa Giêsu tiếp tục sống trong Giáo Hội Ngài, không như một vĩ nhân sống trong sự nghiệp mình và trong ký ức của dân tộc; Giáo Hội chính là một nối dài của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống bằng sức sống của Chúa Giêsu.

Người Kitô hữu không chỉ mang danh hiệu Chúa Giêsu, họ còn sống bằng chính sức sống của Ngài. Ngài tự đồng hóa mình với mỗi tín hữu. Người Kitô hữu nhân danh Ngài để hành động, đến độ họ có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

Các môn đệ bộc lộ bản tính trần tục, nặng tính ích kỷ, hẹp hòi của các ông khi băn khoăn tính toán xem ai là người lớn nhất. Trong lòng các ông còn chất chứa những tham vọng, ghen tương, khi thấy những người khác nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Ta hãy cùng suy niệm 2 ý tưởng sau:

Chúa muốn xóa tan những suy nghĩ của các môn đệ còn mang nặng tính toán trần thế. Ngài không khiển trách các ông về việc tranh giành ngôi thứ, vì Ngài đã gọi đã chọn các ông với tất cả thực chất những con người đầy tham vọng và yếu đuối, để rồi Ngài sẽ giúp các ông thắng vượt những thái độ tầm thường đó. Ngài nhẹ nhàng dạy các ông biết đâu là giá trị đích thực, đâu là cái làm cho con người trở thành người lớn trong Nước Trời, và cũng là cách sống của Ngài là khiêm tốn và phục vụ: "Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".

‘Em bé’ là hình ảnh những người người bé mọn, yếu thế, tầm thường, bị người đời khinh rẻ. ‘Em bé’ cần được bao bọc chở che và nâng đỡ, cần được đón tiếp, yêu thương, trân trọng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy.” Như vậy, đối với Chúa, người làm lớn phải là người sống khiêm nhường và biết phục vụ người khác, và đối tượng để phục vụ và yêu thương là những người bé nhỏ, nghèo hèn thấp kém trong xã hội.

Các môn đệ học được bài học “khiêm tốn và phục vụ” nơi Chúa Giêsu, khi Ngài yêu thương những người bé nhỏ, người bị khinh khi, người nghèo khổ, đặc biệt, khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các ông và khi Ngài hiến thân mình chịu chết trên thánh giá.

Gioan thưa với Chúa Giêsu: " Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con".

Thái độ của Gioan là một thái độ tự ái, bảo vệ một độc quyền của mình. Cả các môn đệ cũng có cùng tư tưởng cục bộ như vậy. Họ muốn giữ độc quyền. Họ độc quyền về Thiên Chúa, về Đức Kitô, độc quyền về đạo thật, về chân lý, về bác ái,… Họ muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm.

Thế nhưng, Chúa Giêsu có quan điểm hoàn toàn khác với các môn đệ: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”. Ngài không chấp nhận thái độ của các ông. Ngài thật bao dung và cởi mở hơn nhiều. Ngài có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Ngài mà trừ quỷ.

Thái độ cởi mở của Chúa Giêsu cảnh báo người Kitô hữu hôm nay cần nhìn lại sự khép kín và độc đoán của mình.

Không nên tách biệt những người theo Chúa và những kẻ không theo, Kitô hữu và dân ngoại. Vì, đâu chỉ người có đạo Chúa mới sống bác ái, làm từ thiện,…

Thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ lòng ích kỷ chứ không phải từ lòng đạo đức chân thật. Cần loại bỏ thái độ ích kỷ, ghen tương để cùng nhau chung xây thế giới và xã hội loài người tốt đẹp hơn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi người Kitô hữu hãy đi theo con đường của Chúa. Con đường của Chúa khác hẳn cách sống của người đời; đó là sống khiêm tốn và phục vụ tha nhân; đó là cởi mở, quảng đại và cộng tác, đối thoại với mọi người để xây dựng thế giới ngập tràn ánh sáng văn minh của tình thương, đề cao nhân phẩm của con người, đặc biệt quan tâm giúp đỡ những người bị đối xử bất công, những người nghèo khổ, yếu đuối.

Huệ Minh

Read 258 times Last modified on Thứ ba, 27 Tháng 9 2022 20:38