2.1 Thánh Cả Basil và Grêgôriô Nazianzen, Gmtsht
1 Ga 2:22-28; Tv 98:1,2-3,3-4; Ga 1:19-28
SỐNG CHỨNG TÁ BẰNG ĐỜI SỐNG
Hôm nay Hội thánh cho chúng ta mừng chung hai thánh Basiliô Cả và Grêgoriô Nazianzênô trong một ngày. Sở dĩ Giáo Hội làm như vậy bởi vì cuộc sống của các ngài có những điểm chung thật thú vị.
Trước hết các ngài đã vào cuộc đời làm người ở cùng một nơi, tại Cappadocia và cha mẹ của các ngài đều là những người thuộc dòng giống quí phái, danh tiếng, có địa vị trong xã hội thời đó.
Các ngài đã được cha mẹ cho học cùng một trường tại kinh thành Athènes nổi tiếng của Hy Lạp rồi sau khi tốt nghiệp các ngài cùng về quê sống chung với nhau trong một tu viện.
Điểm chung cuối cùng rất đáng chúng ta cảm phục là các ngài đã cùng đứng chung trong một trận tuyến khi phải đối đầu với bè rối Ariô để bảo vệ niềm tin trong sáng đối với Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc toàn thể nhân loại chúng ta.
Dù rằng tính khí mỗi người khác nhau, nhưng các ngài đã sống hết sức nghĩa thiết đối với nhau theo gương vị mục tử nhân hậu hiền lành là Thầy Giêsu chí thánh.
Basiliô có tài lãnh đạo, có óc tổ chức, chỉ huy và điều khiển. Còn Grêgôriô Nazianzênô lại thích chiêm niêm, sống âm thầm và là một tu sĩ sáng ngời các nhân đức.
Cả hai vị thánh đều được chọn làm Giám mục cai quản Giáo Hội.
Thánh Basiliô được đặt làm Giám mục Caesarea Mazaca thuộc vùng Capadocia, Tiểu Á năm 370. Ngài là một mục tử can trường, đầy dũng khí và hiên ngang. Nhờ lòng dũng cảm, lời giảng dạy và nhờ sự tài khéo khéo khi giao tiếp với mọi người mà Ngài đã đem lại chỗ đứng vững chắc cho Giáo Hội thời đó. Dưới sự dẫn dắt của Ngài, thần quyến và thế quyền đã có chỗ đứng riêng tránh được những sự phiền toái làm ảnh hưởng đến tính trong sáng của Tin Mừng. Ngài hết sức lo cho những người nghèo để họ được sống đúng với phẩm giá của mình cũng như bảo vệ họ luôn được đứng vững trong niềm tin trong sáng của Chúa và Giáo Hội.
Ngài đã viết nhiều bài luận về Chúa Thánh Thần, phát triển nền thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài cố gắng rất nhiều trong việc hàn gắn những chia rẽ trong Giáo hội.
Trong Giáo Hội Công giáo Rôma, Ngài được công nhận là Tiến sĩ Hội thánh năm 1568 do Đức Giáo hoàng Piô V.
Thánh Grêgôriô Nazianzênô được tấn phong Giám mục Sasime năm 371, và vào năm 380, thánh nhân được cử làm Giám mục Constantinople giữa lúc bè rối Ariô đang hoành hành gây nên nhiều khó khăn cho Giáo Hội. Nhờ tài hùng biện và sự thánh thiện của Ngài, mà Ngài đã chinh phục được mọi người, đem lại sự bình an cho Giáo Hội lúc đó. Người ta đã phong tặng cho thánh nhân một cái tên hết sức thân thương: “Cha của những kẻ khốn cùng”.
Thánh Basiliô qua đời ngày 01/1/379 và thánh Grêgôriô Nazianzênô tạ thế ngày 25/1/390.
“Ông là ai?” là lời chất vấn của một số tư tế và thầy Lêvi về con người và sứ mạng của Gioan Tiền Hô. Xem ra, dù là những người thông thạo lề luật và mong chờ lời hứa cứu độ, nhưng dường như, các vị thế giá Do Thái này vẫn để cho mình được lôi kéo, từ cách sống khắc khổ đến lời rao giảng kêu gọi hoán cải của Gioan, vốn đang thu hút bao người đến với ông để đón nhận phép rửa sám hối trong nước sông Giođan.
Nhưng sẽ chỉ là cuộc tìm kiếm nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ, nếu không để bản thân được dấn thân nhập cuộc, không đưa đến một sự hoán cải hay dọn đường cụ thể nào cho Đấng Messia ngự đến. Điều mà sau này, cũng chính các nhà lãnh đạo tôn giáo đã bày tỏ động cơ đón nhận một cách rõ ràng, khi bị Chúa Giêsu chất vấn về phép rửa của Gioan Tẩy Giả: "Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri" (Mt 21,25-26). Ngược lại, nhìn vào Gioan Tẩy Giả, đấng dọn đường và công khai giới thiệu tư cách Chiên Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, nhất là trong cảnh tù đày, ông đã tiếp tục để mình được chất vấn về con người và sứ vụ của Đấng mà ngài dọn đường: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác nữa?” (Mt 11,3). Lời đáp trả cho sự chất vấn này, đã chẳng giúp Gioan thêm xác quyết, can đảm đến cùng cho sứ mạng tiền hô, làm chứng cho sự thật bằng cả mạng sống mình.
“Giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết” (Ga 1,26). Đó cũng là lời chất vấn cho các môn đệ của Chúa, khi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu. Chất vấn để mỗi người có thể phản tỉnh, lượng giá, hầu học biết cách đụng chạm và cảm thấu sự hiện diện của Giêsu Hài Nhi ở giữa cuộc sống đời thường hôm nay. Mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa trong Hài Nhi Giêsu bé nhỏ, với đôi bàn tay luôn mở ra: một mặt, như chờ mong sự tự do để yêu thương, chở che từ mọi tâm hồn rộng mở của con người; mặt khác, chính đôi tay mở ra để có thể ôm lấy tất cả phận người, nhất là những anh chị em trong hoàn cảnh nghèo khó, bị bỏ quên bên lề xã hội, những người nguội lạnh hoặc chưa nhận biết đức tin. Ngôi Hai Thiên Chúa ở giữa chúng ta, thế mà biết bao lần chúng ta đã chưa nhận ra và đón rước Người!
Thánh Gioan Tẩy giả đóng một vai trò trung tâm trong việc giới thiệu Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu sẽ đến. Thánh Gioan đã chứng tỏ mình là một chứng nhân can đảm và có hiệu quả. Ngài có nhân cách mạnh mẽ và là người sống theo nguyên tắc. Ngài không sống theo một lối sống thoải mái, không sống trong cung điện, nhưng sống nơi sa mạc. Lối sống của ngài, cũng như sự chính trực của cá nhân ngài, đã bổ sung thêm niềm tin tưởng cho những lời nói của ngài. Ngài là một gương mẫu sống động cho điều mà ngài rao giảng. Và khi đã hoàn tất nhiệm vụ của mình, ngài bước sang một bên để nhường lối cho Chúa Giêsu.
Đối với nhiều người trong thế giới ngày nay, Chúa Giêsu đã trở nên một khuôn mặt rất mờ nhạt và xa cách cũng một phần do bởi lối sống của Kitô hữu chúng ta. Những lời trong bài Tin Mừng hôm nay đúng từng chữ một “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Chúa Giêsu vẫn còn cần đến những chứng nhân, đó là những người có thể làm cho Chúa Giêsu hiện diện cách rõ nét bằng đời sống gương mẫu tốt lành của mình để người khác nhận ra Thiên Chúa một cách có hiệu quả.
Chúng ta không thể làm chứng cho ánh sáng, nếu chúng ta sống trong tối tăm. Chúng ta phải sống trong ánh sáng. Một đời sống gương mẫu tốt đẹp là một lời chứng mạnh mẽ và có hiệu quả, và tự thân, đó là một lời loan báo Tin Mừng. Khi người ta không còn thực hành đạo trong cuộc sống nữa, thì họ đã không còn là chứng nhân loan báo Tin Mừng. Nhưng khi việc thực hành đạo đưa dẫn đến những hành động cụ thể, thì người ta đã thực hành được một lời chứng rất có hiệu quả. Không có một lời chứng nào đến được với những người cùng thời của chúng ta một cách đầy sức thuyết phục, cho bằng lời chứng của những người thực hiện những lời giảng dạy của Chúa Giêsu.
Thật thế, nếu không có lời chứng của các Kitô hữu, thì gương mặt của Chúa Giêsu, vốn đã bị mờ nhạt, sẽ tiếp tục lu mờ trong thế giới của chúng ta. Người sẽ tiếp tục ở giữa chúng ta, dù chúng ta không biết và không nhận ra, và tâm hồn con người vẫn sẽ bị tan nát, người ta sẽ còn bị cầm tù trong cảnh tối tăm, và Tin mừng sẽ không được rao giảng cho người nghèo.
Và rồi chúng ta thấy đây không phải là một trách nhiệm chỉ dành cho cá nhân người Kitô hữu, mà còn dành cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu nữa. Khi là thành viên của một cộng đồng nâng đỡ nhau, thì việc làm chứng cho Chúa Giêsu sẽ dễ dàng hơn. Xin Chúa thêm ơn để mỗi người chúng ta sống làm chứng cho Chúa bằng đời sống chứng tá của mỗi chúng ta.
Huệ Minh