Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 27 Tháng 3 2024 06:46

Đây là Mình Thầy

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  “ĐÂY LÀ MÌNH THẦY” | Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh, Năm B

Mcenter>


Cao điểm cuộc tử nạn của Đức Giêsu là Ngài đã hiến mình để chuộc tội nhân loại mà Ngài đã chuẩn bị kỹ lưỡng bằng việc rửa chân cho các môn đệ và lời trối trăn “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Tin Mừng Gioan kể lai rất chi tiết việc Đức Giêsu rửa chân các môn đệ: từ hành động “đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” đến phản ứng của môn đệ Phêrô khi ông thưa với Đức Giêsu: “Thầy mà rửa chân cho con sao , không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp:”Nếu Thấy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,4-6.8).

Qua việc rửa chân này, Đức Giêsu dạy các môn đệ, tức những người đi theo Ngài bài học phục vụ: “Anh em gọi Thầy ‘là Thầy, là Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13-14).

Bài học vừa khó vừa dễ: khó nếu phải quỳ xuống rửa chân cho người ngang cơ hoặc thấp cơ hơn mình, khó nếu người mình rửa chân là kẻ thù, là người mình không ưa, không thích, nhưng dễ, nếu rửa chân cho người làm lớn, kẻ có quyền, như vua quan, Đấng Bậc vì ta sợ họ, vì việc rửa chân ấy ít hay nhiều, sớm hay muộn, cách này hay cách khác sẽ có lợi cho ta.

Ở đây, Đức Giêsu không dạy chúng ta rửa chân để thủ lợi, nhưng rửa chân vì khiêm hạ phục vụ vô vị lợi, như chính Ngài đã “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ…” (Mt 20,28).

Bước chuẩn bị tiếp theo là lời trăn trối: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”, vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).

Lời trăn trối của Đức Giêsu không còn là một đề nghị hay khuyên bảo, nhưng là lệnh truyền, mà người muốn đi theo làm môn đệ Ngài dứt khoát không thể bỏ qua, vì gắn liền với căn tính của môn đệ Đức Giêsu. Nói cách khác, không yêu thương nhau, người ta không thể trở thành môn đệ của Đức Giêsu; không yêu thương nhau, không ai có thể thực thi sứ vụ làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu, và Tin Mừng Cứu Độ.

Tuy thế, phục vụ và yêu thương phải dẫn đến chọn lựa sau cùng và tuyệt đỉnh của tình yêu là “hiến mình”, hy sinh chính mạng sống mình vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Đức Giêsu ngay từ buổi đầu gặp gỡ những người muốn đi theo Ngài, đã mời gọi họ phải “từ bỏ mình”, và từ bỏ mình được Ngài coi như điều kiện thứ nhất, quan trọng hơn hết và đứng trước cả điều kiện vác thập giá và đi theo Ngài : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Tại sao vậy?

Vì không bỏ mình, người ta có thể vì danh dự, uy tín, lợi ích cá nhân mà sẵn sàng hy sinh vác thập giá, và chịu khó đi theo Đức Giêsu, bởi trong thực tế, đã có rất nhiều người tự nhận mình là môn đệ Đức Giêsu, và đã gồng mình hy sinh, đã cắn răng vác thập giá nhưng không hy sinh vì Đức Giêsu, không vác thập giá vì Giáo Hội, không chịu thương chịu khó vì người khác mà hy sinh vì mình, gồng mình để tìm cho mình chỗ đứng thần thế, cắn răng chịu thương chịu khó để xây cho mình pháo đài “sự nghiệp”cao cả, lớn lao.

Đòi người môn đệ phải bỏ mình, Đức Giêsu còn đòi họ phải tự hiến mình làm của lễ như Ngài đã “hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28), vì làm môn đệ Đức Giêsu đồng nghĩa với “chết với Ngài” (2 Tm 2,9), trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh để kiện toàn những đau khổ còn thiếu sót nơi thập giá của Ngài như thánh tông đồ dân ngoại đã ao ước : “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).

Vì thế, ngay từ giây phút đầu kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài dọc biển hồ Galilê cho đến phút cuối khi họ được Ngài nhận là bạn hữu thiết thân như cành nho kết hợp với cây nho trong bữa Tiệc Ly, ở đó Đức Giêsu đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: ” Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Mc 22,19), Đức Giêsu đã luôn đặt việc từ bỏ mình là ưu tiên số một, hiến dâng mạng sống mình là điều kiện tất yếu, vì Ngài biết không hiến thân, quên mình, người ta chỉ có thể là môn đệ thời cơ, nửa vời, vụ lợi, mà không thể trở thành môn đệ đích thực như lòng Ngài mong ước.

Chính vì mong ước những người đi theo mình phải luôn sẵn sàng hiến mình, quên mình, mà Đức Giêsu đã ân cần căn dặn: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. “Việc này” là việc hiến mình làm của lễ của Ngài, “việc này” là việc liên lỷ quên mình để có thể yêu thương, phục vụ, vì không quên mình, “cái tôi ích kỷ” sẽ chẳng cho người môn đệ hạnh phúc khi hy sinh cho người khác; không hiến mình, “cái tôi kiêu căng” sẽ chẳng cho người môn đệ niềm vui khi phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.

Ước gì mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta nhớ lại lời trăn trối vô cùng quan trọng của Đức Giêsu: “Đây là là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” để noi gương Chúa quên mình, hiến mình cho tha nhân trong sứ vụ, và trong đời sống thường ngày như Chúa đã hiến mình để cứu chuộc nhân loại, và cứu chuộc mỗi người chúng ta.

Jorathe Nắng Tím

Read 34 times Last modified on Thứ năm, 28 Tháng 3 2024 15:19