Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 29 Tháng 3 2024 07:06

Đức tin Tông Truyền

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ĐỨC TIN TÔNG TRUYỀN | Suy Niệm Tin Mừng Lễ Phục Sinh, Năm B


TMĐP- Người công giáo chúng ta cần tỉnh táo khôn ngoan để không trêch bước, lạc đường đức tin, khi bỏ quên tính Tông Truyền của Đức Tin, bởi chỉ có Truyền Thống Tông Đồ mới bảo đảm sự xác thực, toàn vẹn và tinh tuyền của chân lý Đức Tin, kho tàng Mặc Khải…

Tín hữu công giáo là người thừa hưởng trọn vẹn niềm tin của các thánh Tông Đồ, tức Nhóm Mười Hai môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Các vị là những người đã được Đức Giêsu đích thân kêu gọi để đi theo, ở với Ngài và làm chứng về Ngài trước muôn dân, như thánh tông đồ trưởng Phêrô đã nói trước nhiều người ở nhà ông Cônêliô: “Chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ chết và kẻ sống ” (Cv 10,39-42).

Lời công bố của tông đồ trưởng Phêrô là lời tuyên xưng đức tin tông truyền mà người tín hữu công giáo chúng ta phải ghi lòng tạc dạ, nghĩa là chúng ta tin điều các tông đồ đã tin, tin vào lời chứng của các vị, vì các vị có đủ yếu tố, điều kiện, lý chứng khả tín, đáng cho chúng ta tin.

Riêng về biến cố phục sinh của Đức Giêsu, là nền tảng của đức tin Kitô, như thánh Phaolô đã quả quyết: “Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Mà nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 10 14. 17), thì các Tông Đồ là những nhân chứng trực tiếp, sống động đã làm chứng “Chúa đã sống lại thật như lời Người đã phán hứa”.

Trước hết, Tin Mừng Gioan thuật lại buổi sáng phục sinh, khi bà Maria Mácđala đến mộ lúc trời còn tối và thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. “Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến” (Ga 20,2), tức tông đồ Gioan. Hai tông đồ này cùng chạy và tông đồ Gioan nhường cho tông đồ trưởng Phêrô vào trong mộ trước, còn ông vào sau. Cả hai đã “thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,6). Cả hai đã thấy và đã tin, đồng thời nhớ lại lời Đức Giêsu đã báo trước với các vị: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).

Tin Mừng Luca cũng kể lại sự việc Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trong Nhóm Mười Hai trên đường từ Giêrusalem về Emmau.

Sở dĩ chúng ta có thể quả quyết hai môn đệ này thuộc Nhóm Mười Hai Tông Đồ, vì ngay sau khi nhận ra Đức Giêsu lúc “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30), cả hai đã ” đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một, và các bạn hữu đang tụ họp ở đó. Những người này bảo hai ông : “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24,33-35).

Sở dĩ Nhóm Mười Hai được gọi là Nhóm Mười Một trong những ngày này, vì không còn kể tên ông Giuđa Ítcariốt, người đã bán Đức Giêsu.

Cả hai Tin Mừng Luca và Gioan đều kể về biến cố Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông Đồ. “Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”, và cho các ông xem tay chân và cạnh sườn Người (Lc 24,36-37.39 ; Ga 20,19-20). Tin Mừng Mátthêu và Máccô ngoài trình thuật về sự kiện Đức Giêsu phục sinh hiện ra với Nhóm Mười Một và sai các ông đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), cùng lời hứa “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), còn kể lại chi tiết việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra với bà Mácđala và các phụ nữ khác khi họ ra viếng mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần (x. Mc 16,1-11; Mt 28,9-10), và nhấn mạnh lời Đức Giêsu sai các bà về báo cho các Tông Đồ (x. Mt 28,10; Mc 16,7. 10)

Tin Mừng Gioan còn kể về lần thứ hai Đức Giêsu phục sinh hiện ra với Nhóm Mười Một ở cùng nơi Ngài đã hiện ra lần trước, và thời điểm là tám ngày sau. Hôm ấy có tông đồ Tôma, người đã vắng mặt khi Đức Giêsu hiện ra lần đầu, và nhất định ông không tin lời chứng của các anh em: “Chúng tôi đã được thây Chúa!” (Ga 20,25).

Cũng như lần đầu, Đức Giêsu ban Bình An cho các ông, và nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những người không thấy mà tin!” (Ga 20,27-29).

Nếu ba Tin Mừng nhất lãm đặt trọng tâm vào sứ vụ loan báo Tin Mừng trong trình thuật về lần hiện ra sau cùng của Đức Giêsu phục sinh với các Tông Đồ, thì Tin Mừng Gioan khi kể về lần hiện ra sau chót với Nhóm Mười Một ở Biển Hồ Tibêria đã làm nổi bật sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của các Tông Đồ, đặc biệt vai trò lãnh đạo tông đồ đoàn của Phêrô , khi Đức Giêsu trao phó chiên con, chiên mẹ của Ngài cho Phêrô chăm sóc (x. Ga 21, 15-17).

Và thánh sử Gioan đã kết luận: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,324-25). Cũng như trước đó thánh nhân đã viết: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được chép trong sách này. Còn những điều được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31).

Một lần nữa, chúng ta xác tín đức tin của chúng ta là đức tin đã được Tông Đồ trưởng Phêrô tuyên xưng, và niềm tin vào Đức Giêsu Kitô phục sinh của chúng ta được vững chắc xây trên lời chứng của các Tông Đồ là những nhân chứng sống động, trực tiếp đã tận mắt được thấy, được nghe, được ở cùng, ăn cùng với Đức Giêsu, và được Ngài yêu thương, đích thân dạy dỗ, huấn luyện, trao sứ vụ làm chứng về Ngài, và sai đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho muôn dân muôn nước, khắp nơi, mọi thời cho đến tận thế.

Giữa một thế giới của truyền thông văn minh, hiện đại, và đứng trước nhiều niềm tin khác nhau từ nhiều nguồn mới lạ được tới tấp đề nghị, và ráo riết mời chào dưới nhiều hình thức, người công giáo chúng ta cần tỉnh táo khôn ngoan để không trêch bước, lạc đường đức tin, khi bỏ quên tính Tông Truyền của Đức Tin, bởi chỉ có Truyền Thống Tông Đồ mới bảo đảm sự xác thực, toàn vẹn và tinh tuyền của chân lý Đức Tin, kho tàng Mặc Khải

Xin Đức Kitô phục sinh ban Bình An cho chúng ta và gìn giữ Giáo Hội của Ngài. Alléluia!

Jorathe Nắng Tím

Read 45 times Last modified on Chủ nhật, 31 Tháng 3 2024 07:39