Print this page
Thứ hai, 07 Tháng 9 2020 19:28

Văn hóa sự chết, văn hóa sự sống

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  VĂN HOÁ SỰ CHẾT, VĂN HOÁ SỰ SỐNG

 

“Ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật là thú vị khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về một nền văn hoá sự chết và một nền văn hoá sự sống. Bài đọc thứ nhất nói đến việc để tang người chết, nói đến Chiên Vượt Qua; Chúa Giêsu trong Tin Mừng cũng nói đến việc giết chết hay là cứu sống.

Qua thư Côrintô, Thánh Phaolô nói đến nền văn hoá sự chết khi ngài lên án kẻ sống vô luân, lấy vợ cha mình; vậy mà giáo hữu của ngài vẫn không xấu hổ. Ngài nói, “Thế mà anh em còn lên mặt kiêu căng, đáng lẽ anh em phải để tang mà loại trừ khỏi anh em con người đã làm chuyện đó”; ngài gọi cách sống của họ là những gì thuộc men cũ, men gian tà độc ác; và với thẩm quyền, ngài trao người đó cho Satan. Phaolô còn nói đến một nền văn hoá sự sống khi nói đến bột mới làm nên bánh không men; nói đến sự cứu thoát, “Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng lễ không phải với men cũ, cũng không phải với men gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men, tinh tuyền và chân chính”. Thánh Vịnh đáp ca là một lời cầu nguyện của những ai đi theo nền văn hoá sự sống, họ khẩn xin Thiên Chúa dẫn đi trong công chính, “Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh”. Thánh Vịnh 5 cũng đưa ra một loạt các hình ảnh đối xứng giữa ác và thiện, chết và sống; kẻ độc dữ, người tìm Chúa; đứa bất nhân, kẻ yêu mến danh Người.

Đặc biệt với bài Tin Mừng, trình thuật kể chuyện những người biệt phái và luật sĩ rình xem Chúa Giêsu có chữa lành người có cánh tay khô bại trong ngày Sabbat không; qua đó, sự đối lập của hai nền văn hoá này thật rõ rệt. Những người biệt phái, đại diện cho nền văn hoá sự chết đã tức giận vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat; đang khi Chúa Giêsu, đại diện cho nền văn hoá sự sống coi việc chữa lành cũng là “thánh” như việc giữ ngày Sabbat, Ngài không đợi người có cánh tay khô bại mở miệng cầu xin, nhưng gọi anh ra đứng giữa và chữa anh lành. Ngài nói, “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?”. Với Chúa Giêsu, một khi lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa cần được thể hiện thì thời gian và không gian không bao giờ là vấn đề của Ngài. Ngài cứu chữa người đau ốm, bệnh hoạn tật nguyền, nghĩa là cứu sống tất cả những ai cần đến Ngài bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Ngài chữa lành họ ngày Sabbat, ngày lễ, ngày thường; Ngài chữa trong đền thờ, giữa hội đường hoặc giữa ngã ba đường. Với Ngài, yêu thương đi trước lề luật; yêu thương luôn luôn là ưu tiên và đó là nền văn hoá sự sống.

Tuần đầu tiên làm nhiệm vụ, viên cảnh sát trẻ Milton nhận một cuộc gọi cho biết có một vụ ăn cắp giày. Đến nơi, Milton giữ một cô bé 12 tuổi và đôi giày giá 2 dollars. Trong dòng nước mắt, cô bé cho biết cô bé lấy cắp cho đứa em năm tuổi nhân ngày sinh nhật. Thương cảm, Milton cùng cô bé về thăm gia đình em. Đó là một căn nhà nhỏ trống trơn của một đôi vợ chồng nghèo với năm đứa nhỏ, “Chẳng có đồ ăn, thức uống gì trong nhà”. Sau đó, anh vội đi mua bốn chiếc bánh pizza lớn đem về cho lũ trẻ. Đó là những ngày tháng 2/2017; anh còn quay lại thăm gia đình cô bé nhiều lần, khi thì đưa đồ ăn, khi thì trao áo xống. Anh muốn giúp đỡ, hướng cho cô bé đi đúng đường. Không lâu, chỉ huy của Milton gặp anh. Khác với những gì anh suy nghĩ, phòng cảnh sát Atlanta cho biết đã điều tra và quyết định sẽ cùng anh giúp đỡ gia đình ấy. Với sự trợ giúp của phòng cảnh sát, gia đình cô bé đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khắp nước Mỹ. Cách thức viên cảnh sát trẻ giải quyết vụ việc cho thấy, anh có mặt ở đây không chỉ để thực thi luật, nhưng còn đi xa hơn, làm cho tươi mới và cứu sống nhân cách của những con người. Milton đã sống một nền văn hoá sự sống.

Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ, tôi đang theo nền văn hoá nào. Ghen tương, đố kỵ, nghi ngờ, rình rập, sống trong bóng tối, mê đắm trong tội lỗi; hay tôi đang yêu mến, quảng đại, cứu sống, sống trong ánh sáng, thanh trong và hồn nhiên.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, Thầy Dạy Khát Khao, xin dạy con biết khát khao những gì Chúa khát khao; điều Chúa khát khao luôn luôn là sự sống cho con và con ra đi, làm cho người khác sống”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 294 times Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 9 2020 06:32

Latest from Ban Biên Tập