Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 04 Tháng 10 2013 16:11

Sự dữ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sự dữ

 

 Dẫn Nhập:

Thiên Chúa, Ngài  là Đấng sáng tạo nên thế giới và con người. Con người là một sản phẩm do Thiên Chúa nặn lên và giống Ngài, con người là thụ tạo duy nhất được nên giống hình ảnh Thiên Chúa với linh hồn bất tử, được mời gọi cộng tác vào công trình tạo dựng và cai quản vũ trụ. Không những con người có trí tuệ và ý chí tự do theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng còn được mời gọi kết hợp với Thiên Chúa bằng sự hiểu biết và yêu mến, được tham dự vào tình bằng hữu của Ngài, một thế giới không có bóng tối và đau khổ, một thế giới hòa bình và hạnh phúc, thế giới gần gũi và kết bạn thân mật với Thiên Chúa. Là một hữu thể có tự do, và có trách nhiệm, con người sống dưới nhan Thiên Chúa ý thức về điều đó.

Do đâu có tội lỗi? Do đâu phát sinh ra sự dữ? Chính con người đánh mất tình trạng thân mật với Thiên Chúa, muốn độc lập khỏi Ngài, tự tiện định đoạt điều lành điều dữ, nhưng Thiên Chúa vẫn giữ ý định cứu chuộc bất chấp tội lỗi của con người.

1.Tuyệt đối mà nói Thiên Chúa có thể ngăn chặn sự dữ:

Thiên Chúa hằng hữu, là Đấng Toàn Thiện, Toàn Năng, Ngài có thể ngăn sự dữ không cho phép chúng xảy ra như trong trình thật sáng tạo, và các sách Thánh Vịnh đã nói:

“Một lời Chúa phán làm ra chín Tầng trời,

một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú….

Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,

Người ra lệnh truyền tất cả được dựng nên” (Tv 32,6.9)

Hơn thế nữa, tình yêu của Ngài được vẽ lên như bức tranh tuyệt đẹp: là Đấng nhân hậu, Đấng sáng tạo nên mọi sự thật tốt đẹp! Cũng Thánh Tôma Aquinô đã nói: “Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra, trừ phi một sự thiện nào đó lớn hơn”, Không hoàn hảo ngay từ đầu nhưng ở trong tiến trình lên đường, tiến triển. Do vậy,  bước đi con người là những bước tiệm tiến hướng về sự toàn hảo, theo một tiến trình hướng về nguồn cội của mọi điều thiện hảo phát xuất từ nơi Thiên Chúa theo như ý Người muốn.

2.Phải chăng Thiên Chúa Ngài bất lực trước sự dữ?

“Phải, Thiên Chúa Ngài có thể bất lực, nhưng không phải trước sự dữ, nhưng là trước tự do con người” (Chân Phước Gioan Phaolô II).  Vì yêu, Ngài tôn trọng tự do con người, Ngài trở thành bất lực tận cùng, “yêu đến cùng” (Ga13,1). Sự thật khách quan có thể nói, sở dĩ sự dữ vẫn tồn tại trong thế giới, vì chính nó làm nổi bật tình thương của Chúa, “để biến sự dữ thành sự lành” (St Agustino), “nhằm đạt đến sự lành lớn hơn” (St Tôma Aquinô). Trong Kinh Thánh Cựu Ước Giuse nói với anh em: “…sự dữ mà các anh định làm cho tôi, ý định của Thiên Chúa đã chuyển thành sự lành để cứu  sống một dân đông đảo” (St 45,8; 50,20). Ngay cả đến việc con người chối bỏ và hạ sát Con Thiên Chúa …nhưng ‘tình yêu mạnh hơn sự chết’ Thiên Chúa đã rút ra được sự lành lớn nhất: tất cả chúng ta được cứu chuộc. Ôi, tội hồng phúc! Thiên Chúa Ngài rút ra đường thẳng trên những nét công muôn hình vạn trạng của con người. Tuy nhiên Sách Giáo Lý nói tiếp: Không vì thế cái xấu trở thành cái tốt được.

Cho phép sự dữ xảy ra cho ta biết Thiên Chúa có quyền kiểm soát sự dữ. Và như thế, sự cho phép của Thiên Chúa, không theo cách một bạo chúa muốn chứng tỏ quyền uy của mình. Theo Thánh Tôma, Thiên Chúa cho phép thụ tạo hành động theo bản chất riêng mà Ngài ban tặng cho mỗi loài. Con người có đủ mọi điều kiện hoạt động theo lý trí và ý chí tự do, thụ tạo có thể tác động lẫn nhau theo bản tính mỗi loài, vật này để lại những dấu ấn tốt trên vật khác theo bản chất và quy luật riêng của chúng đúng như Thiên Chúa cho phép, ví dụ: khi con hổ vồ con nai…là con nai, đó là sự dữ đối với nó, còn con hổ đó lại là một khẳng định đến tuổi trưởng thành, khẳng định khả năng thích nghi với môi trường và điều kiện sống, khả năng sinh tồn. Và, nếu như những loài khủng long trên trái dất không bị tuyệt chủng, thử hỏi như thế con người và những sinh vật khác có sống được không?! Do đó, Thiên Chúa mở ra khả năng thụ tạo có thể thất bại khi thực hiện nguyên nhân tính của mình, Ngài không can thiệp vào những thất bại, vì tôn trọng tự do hay quy luật của chúng, bởi Ngài là nguyên nhân đệ nhất của tạo vật. Tuy nhiên, Ngài không muốn giữ độc quyền vai trò nguyên nhân tính của mình. Ngài chia sẻ nguyên nhân tính cho thụ tạo. Từ đó thụ tạo trở thành nguyên nhân đệ nhị đối với nhau.

3.Công bằng của Thiên Chúa là gì?

Thiên Chúa, Ngài không can thiệp để thụ tạo trở mình đẹp hơn hoàn hảo hơn theo quy luật tự nhiên, cũng như đem lại sự hài hòa tầm mức của thế giới, cũng như thể hiện nguyên nhân đệ nhị theo bản chất của chúng. Nếu sự dữ nào có thể xảy ra mà Thiên Chúa cũng ra tay ngăn chặn thì sự thật mà nói, cuộc ống không còn ý nghĩa, con người sống không khát khao, không cố gắng, cũng không hy vọng là gì nữa. Và sự can thiệp như thế, khiến cho thế giới không còn khả năng tiên liệu, khoa học không còn cơ may phát triển, một sự can thiệp tương tự trong lãnh vực đạo đức, luân lý khiến cho thế giới không còn những thách đố phải vượt qua những tính cách luân lý, không còn cơ hội phát triển, tình thương không còn môi trường bộc lộ, không còn chỗ cho những tâm hồn tự hiến cao cả. Với niềm tin Kitô giáo chúng ta khiêm tốn nhưng xác tín cách chân thành nhưng mạnh mẽ: “Thiên Chúa cho đau khổ tồn tại…để con người thi thố tình thương cho nhau”. Vâng, chúng ta không lạ gì khi Thánh Tôma viết: “Nếu sự ác hoàn toàn bị loại trừ khỏi thụ tạo, do sự can thiệp của Thiên Chúa thì bao điều thiện hảo không còn cơ may trở thành hiện thực”. Thiên Chúa có  thể ban một trái tim hoàn hảo, và còn hơn thế nữa!  Thiết tưởng, không có hình phạt con người không nỗ lực hướng về sự thiện thì làm sao “Lửa thử vàng gian nan thử đức”!? Phải chăng quyết định không đồng ý, Thiên Chúa ngỏ lời với con người tình yêu của Ngài, giống như đúa con nhỏ vòi vĩnh, khóc thét lên để chơi con dao sắc bén, là một người mẹ không bao giờ bà chiều theo ý muốn đó của người con, vì  bà biết chắc chắn con nhỏ của bà sẽ gặp tai nạn rủi ro không tốt. Thiên Chúa cũng vậy, “Ngài biết con cần gì, trước khi con cầu xin”. Quả thật, nền đạo đức bình dân chúng ta tâm niệm: “ý Chúa luôn đẹp, cho ai người biết dẹp ý riêng”. Bên cạnh những con người khép kín trong tình yêu chính mình đến hủy diệt thế giới, thì chính Thiên Chúa luôn có mặt bên những conn người đang gặp đau khổ. Quyền năng của Ngài biểu lộ qua việc Ngài tự ý chấp nhận đau khổ, tình yêu đích thực bằng hy tế, hy sinh, bằng chính chấp nhận trong tự do, một tình yêu không loại trừ đau khổ, không lảng tránh, không chạy trốn dù vẫn có những sợ hãi tột cùng (x.Lc22,44), không chùn bước dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, tự hạ chung chia trong kiếp sống con người, nên giống với con người mọi sự, chỉ trừ tội lỗi. Nếu Thiên Chúa không hấp hối trên thập giá thì sự thật về Thiên Chúa tình yêu sẽ chẳng bao giờ thật cả. Hành động “điên” vì yêu chính là câu trả lời cho ta: hiểu và cảm nhận Thiên Chúa đang đau khổ với chúng ta và trong chúng ta. Ngài tự đặt mình vào địa vị chúng ta để liên đới với chúng ta trong mọi sự, chia sẻ nhân tính để nói với chúng ta rằng: Ngài không phạm lầm lỗi khi tạo dựng nên chúng ta. Để mỗi chúng ta cùng nói với bản tuyên ngôn nhân quyền Mahattan: “Chúng tôi sẽ trả cho Caesar cái gì thuộc về Caesar trọn vẹn, khôn phàn nàn. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi không trả cho Caesar cái gì thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ đòi lại một điều gì khi Ngài đã cho đi, Ngài tìm mọi cách để lôi kéo, để giải thoát con người khỏi những vụn vặt, quan trọng hóa những cái nhỏ nhặt, chia sẻ tình yêu sung mãn của Ngài để giúp con người sống hạnh phúc, sống hiệp thông với Thiên Chúa, dù gian truân, đau khổ, hiểm nguy…hỏa ngục vẫn có đó nhưng là trống rỗng, nơi chỉ dành diêng cho những người quyết liệt từ chối cuộc sống hạnh phúc, hy vọng.

Tạm Kết:

Tóm lại, sự dữ vật lý và luân lý xem ra đan xen với nhau, ít có sự độc lập, nhiều sự ác vật lý phát sinh do hành vi sai trái của con người ngày nay thường diễn ra trong lãnh vực môi sinh. Đàng khác, khi đối diện với sự ác luân lý phát sinh từ ác ý của lòng người, nhưng con người thường níu kéo Thiên Chúa vào cuộc, quy trách nhiệm cho Ngài. Thậm chí đi đến phủ nhận sự hiện diện của Ngài. Quả thật, được chia sẻ nguyên nhân tính là một quà tặng cao cả của Thiên Chúa, một ân ban nhưng không, đặc biệt phẩm giá con người được nâng cao khi thể hiện ý chí tự do của mình với tất cả ý nghĩa của mình như thế nào phần còn lại là của con người .

Hủ Tíu ( Người con giáo xứ)

 

Tài liệu tham khảo

1. Công Đồng Vaticano II, Gaudium et Spes, số 12-27

2. Sách Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước

3. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, SECTIO PRIMA VOCATIO HOMINIS: VITA IN SPIRITU, nxb Tôn Giáo, 2010.

4. Lm Gioan Baotixita Nguyễn Đăng Trực, Lý Học về Thượng Đế, Giáo trình dành cho học viên ban triết học (đã được cập nhật), Trung tâm học vấn Đa Minh.

 

5. Marc Donze, Sự Hiện Diện Khiêm Hạ, Tủ sách đại kết, 1995.

Read 1843 times Last modified on Thứ bảy, 05 Tháng 10 2013 22:29