Print this page
Thứ bảy, 11 Tháng 4 2020 08:24

Suy tư cùng em một cái nhìn về quá khứ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy tư cùng em một cái nhìn về quá khứ

 

Em!

Em nhắn tin than thở với tôi rằng: mặc dù cuộc sống của em giờ khá hạnh phúc, nhưng em luôn ân hận về những lỗi lầm trong quá khứ! Chưa kịp hỏi thì em đã tâm sự: em sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy hạnh phúc, mặc dù ba má rất thương em, nhưng em đã làm rất nhiều việc xấu đối với chính bản thân em, với gia đình và với xã hội. Em nhiều lần đã cảm thấy rất mặc cảm và không muốn sống nữa, nhưng em cố gắng sống để làm vui lòng ba má. Không chỉ riêng em, mà còn đó rất nhiều mảnh đời giống như em, họ đang ân hận về quá khứ của mình, về những gì mình đáng phải làm nhưng mình đã không làm.
Em tắt máy rồi mà tôi còn thao thức mãi, nghĩ về em, về hoàn cảnh của em, về những gì em chia sẻ, và về chính tôi nữa, rồi chìm dần vào giấc ngủ. Trong giờ suy niệm sáng nay về cái chết đau thương của Đức Ki-tô, tôi chợt nghĩ về em và muốn viết cho em đôi dòng.

Em ah,

Ai trong chúng ta cũng có một quá khứ với những vui buồn, tốt xấu đan xen vào nhau và đó là kỉ niệm để nhớ, để nói về. Nhưng rồi tất cả chúng ta phải trưởng thành lên vì “không một cây nào trồng vào lòng đất 10, 20, 30 năm mà vẫn như cũ.” Khi nói về quá khứ, ta thường ân hận về những sự việc đã xảy ra, những việc chúng ta đã không làm hay làm không đúng. Tôi nhớ một trong những bài kiểm tra về tâm lý trước khi chịu chức, nhà tâm lý hỏi: “Nếu được phép thay đổi một trong những điều xấu đã xảy ra trong quá khứ, anh muốn thay đổi điều nào?” Suy nghĩ giây lát và tôi trả lời: “Tôi quyết định không thay đổi điều nào hết.” Bởi vì nếu thay đổi một điều dù nhỏ nhặt ở trong quá khứ, thì chắc chắn một điều sẽ không có tôi hiện tại như tôi chính là. Và tôi tin rằng em cũng như tôi, chúng ta không muốn thay đổi quá khứ, vì dù rằng nó đau thương, nhưng chính nhờ nó mà tôi và em là những con người như hiện tại chúng ta là.
Trong suốt Tuần thánh này chúng ta đã nghe lập đi lập lại cái tên Giu-đa Iscariot – một tông đồ phản bội. Ông cũng có một quá khứ, là một người có khuynh hướng đam mê tiền bạc và sử dụng đồng tiền cho những mục đích không chính đáng. Ông đã toan tính bán Thầy mình với 30 đồng bạc và ông đã chỉ điểm Thầy mình bằng một nụ hôn không có tình yêu. Nhưng khi nhìn thấy Thầy mình bị đem đi đóng đinh, ông đã ân hận, ném trả 30 đồng bạc vào trong đền thờ, và ông ra đi tự vẫn. Không một lối thoát nào dành cho ông. Một gương mặt khác cũng được nhắc đến nhiều lần trong Tuần Thánh là Phê-rô. Ông cũng có một quá khứ ‘oai hùng’ khi ông tuyên xưng Thầy mình là Đấng Thiên Sai, ông được chính Thầy mình giao cho chìa khóa Nước Trời, nhưng cũng chính ông là người can gián Thầy mình lên Giê-ru-sa-lem để chịu tử nạn, cũng chính ông là người đã thề hứa sẽ không chối bỏ Thầy mình. Nhưng những gì chúng ta thấy đã hoàn toàn ngược lại, chính ông đã chối Chúa ba lần. Nhưng khi nhìn thấy Thầy mình bị điệu đi và tiếng gà gáy, ông đã ăn năn khóc lóc. Chính cả hai hành động ‘bán Thầy’ và ‘chối Thầy’ đều là điều xấu, nhưng nó cũng nằm trong kế hoạch cứu độ yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta và Thiên Chúa cho chúng ta sự tự do để chọn lựa trở nên tốt hơn hay xấu đi.
Như thế,

Điều xấu là do con người chọn lựa làm cho nhau và làm cho Chúa, nhưng Người dùng chính điều xấu này để cho chúng ta nhận ra lòng thương xót vô biên của Ngài. Trước tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta không phải là con người hoàn toàn xấu xa, nhưng được bao bọc bởi sự tha thứ và được mời gọi để biến đổi trở nên giống Đấng đã yêu ta. Chính nhờ ân sủng ấy, con người mới được biến đổi trong đời sống luân lý và hy vọng đạt tới “hồng phúc” cứu độ viên mãn. Nhìn ngắm Giuđa, chúng ta được mời gọi nhận ra sự nghiêm trọng nơi tội của ông và nhận ra tội của chúng ta ở mức độ nào đó, nhưng không phải để lên án Giuđa hay chính mình, nhưng như thánh Gioan nói, chính là để “nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa thì lớn hơn tội của chúng ta.” Mối tương quan giữa tội lỗi và lòng thương xót giúp chúng ta hiểu được giá trị của giá máu cứu độ mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh. Đây chính là lý do khiến tội A-đam trở thành “tội hồng phúc”. Mầu nhiệm Cứu Chuộc được biểu đạt rõ nét nhất trước tình trạng yếu đuối, dễ sa ngã của con người. Tội của anh và của em cũng sẽ trở nên “hồng phúc”, nếu như mỗi người chúng ta để cho mạch nước của lòng Chúa xót thương chảy qua cuộc đời mình. Nhìn như thế, chúng ta thấy quá khứ tội lỗi của chúng ta là một bước quan trọng để cho ân sủng và tình yêu thương của Thiên Chúa được tỏ lộ qua đời sống của chúng ta. Chúng ta có niềm tin như thế khi Thánh Phaolô quả quyết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” Nhưng để cho cuộc đời của chúng ta trở nên “hồng phúc”, thì ân sủng phải vạch trần tội lỗi nhằm biến đổi con tim chúng ta và làm cho chúng ta “nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
Những ước mong em có một khoảng lặng tâm linh trong Tuần Thánh và Phục Sinh này để nhận ra những mầu nhiệm của ân sủng được “chôn vùi” trong quá khứ tội lỗi của mình. Chúc em có những ngày Tuần Thánh và Phục Sinh tràn đầy ân sủng và tình yêu của Đấng đã chết cho anh và cho em.

Fr. Anfu Tran

P.s: Một bài hát của một người em – Hoa Mặt Trời – nói về vì quá yêu chúng ta mà Chúa đã mang lấy đau thương và tận cùng là cái chết cho chính chúng ta.
https://www.youtube.com/watch
Và bên cạnh là bản nhạc của Nguyễn Quang Minh và Fr. Antonio Tran nói lên cách chúng ta nhìn nhận ra lỗi lầm và công trình cứu độ ân sủng của Chúa. Sorry anh Nguyễn Quang Minh là em nó làm bản nhạc mà quên tên anh, vì vội post cho ngày thứ 6 nên em sẽ edit lại ngay khi có bản mới.

Read 662 times Last modified on Chủ nhật, 12 Tháng 4 2020 18:37

Latest from Ban Biên Tập