Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 18 Tháng 2 2023 20:32

Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại, Nỗi bất bình, thu xếp gọn một bên

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại, Nỗi bất bình, thu xếp gọn một bên

Mở đầu ngày mới, đời tu sĩ linh mục hay một số giáo dân yêu thích giờ Kinh Phụng Vụ sẽ bắt đầu ngày mới với giờ kinh Sách và kinh Sáng.

Từ rất lâu, từ ngày chập chững biết đến Kinh Phụng Vụ và cho đến mãi bây giờ, tôi vẫn thích và vẫn ngân nga lời Thánh Thi kinh sáng :

Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại,

Nỗi bất bình, thu xếp gọn một bên,

Lời Thánh Thi này theo đuổi tôi từ ngày ấy cho đến mãi ngày hôm nay. Đơn giản rằng tôi, trong thân phận làm người, nhiều lần nhiều lúc gặp chuyện trái khoáy hay bất bình, tôi vẫn thường dùng những ngôn từ để thóa mạ người nào đó làm tôi bất bình hay khó chịu. Thế nhưng rồi lời Thánh Thi khuyên tôi : Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại.

Tôi suy niệm và thấy cực hay : “Bệnh từ ở miệng mà vào; Họa từ ở miệng ào ào tuôn ra…”.

Thật thế : thói quen trong ăn uống là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ở người Việt Nam. Bệnh từ miệng là những bệnh xuất phát từ việc ăn uống hằng ngày của mỗi chúng ta. Rất nhiều bệnh lây qua đường ăn uống như : tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan A.

Hành vi có nguy cơ bệnh lây từ miệng – miệng cũng rất là phong phú có thể liệt kê thêm ra đây:

- Trà sữa, sinh tố có 1 ống hút mà học sinh cả đám uống cùng.
- Uống bia mời nhau uống chung ly, thậm chí "em uống chỗ nào anh uống đúng vị trí đó!!!!"

- Càng cao tuổi, hoặc đương sự vị trí là “xếp” thì trong bữa tiệc càng được chăm sóc tận tình bằng cách gắp cho, tặng luôn con HP mà không biết.

- Ăn kiểu "tình thương mến thương", ăn nửa đưa nhau nửa ...

Và ta thấy cổ nhân nói rằng: Miệng có thể nhả ra hoa hồng, cũng có thể nhả ra loài cây gai góc xấu xí và để miệng nhả ra hoa hồng, con người có khi cần phải tu cả đời.

Tu khẩu đức thực ra là tu tính khí của bản thân. Khẩu đức có tốt, vận thế mới hanh thông, vận thế hanh thông mới không phải đi đường vòng, thành tựu nhờ đó mà có được một cách dễ dàng thuận lợi.

Trong khi đó, một lời nói thiếu sự suy nghĩ, tứ mã khó đuổi, gây tổn thương cho người, cho mình, vận thế ắt sẽ ngày càng xấu. Những lời không hay tốt nhất đừng nên nói ra, đó chính là sự tu dưỡng mà chúng ta cần phải có.

Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, vì thế không nên nói quá nhiều, đa ngôn tất thất (nói nhiều ắt sẽ có sai sót).

Trong cuốn "Mặc Tử" có ghi chép rằng, học trò của Mặc Tử từng hỏi ông: "Nói nhiều có lợi không?"

Mặc Tử trà lời: "Ếch nhái kêu suốt ngày đêu, kêu nhiều đến mức mỏi miệng nhưng nào có ai nghe chúng kêu. Sáng sớm nay nhìn thấy một con gà trống, mặt trời vừa ló rạng nó liền cất tiếng gáy, cả thiên hạ chấn động, người người lục đục trở dậy.

Vậy kêu nhiều, nói nhiều có gì tốt đẹp? Chỉ vào những lúc hợp lý nhất, ta cất tiếng nói, như vậy lời nói mới có tác dụng mà thôi."

Ví dụ mà Mặc Tử đưa ra đã nhắc nhở chúng ta rằng, trong cuộc sống thực không nên nói nhiều. Những người biết nói chuyện, những người thông mình sẽ chỉ nói những lời thích hợp trong những lúc phù hợp!

Và điều cần thiết mà ta phải lưu ý đó là không nên dùng những lời vô lễ, ác ý để làm tổn thương người khác.

Cổ ngữ nói "đao sang dị một, ác ngữ nan tiêu", ý chỉ vết thương do đao kiếm gây ra có thể sẽ mai một phôi pha nhưng những lời ác ý thì mãi găm sâu trong lòng người khác, chẳng thể nào gạt bỏ, lãng quên một cách dễ dàng.

Những tổn thương trong tâm lý do cái gọi là ác ngôn gây ra luôn luôn đau hơn cả những vết thương trên thể xác.

Và tôi luôn ghi nhớ tâm tình của Thánh Phao lô trong thư của Ngài gửi tín hữu Epheso : Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô. (Ep 4, 29-32).

Và đây cũng là kim chỉ nam mà Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông – Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế mời gọi anh em trong dòng. Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ tới nghĩ lui, tôi lại thấy điều này cực hay. Chính vì thế trong đời sống thường ngày, tôi vẫn tự nhủ và nhắc nhớ lòng tôi để nếu nói thì nói lời tốt đẹp, còn không là tôi im lặng.

Với kinh nghiệm của 50 năm tuổi đời, tôi thấy mình không cần thiết phải giận dữ, phải phẫn nộ, phải to tiếng với ai. Ai sống gần và thân với tôi đều hiểu tôi. Ai mà tôi còn thân nghĩa thì tôi chia sẻ, không là tôi im và tôi chọn lựa thái độ im lặng vì im lặng cho nó lành.

Kinh nghiệm cho tôi thấy ồn ào náo nhiệt, thóa mạ người khác chả mang được lợi ích gì và có khi sinh thêm tội. Chính vì thế, tôi luôn luôn nhắc nhở bản thân tôi :

Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại,

Nỗi bất bình, thu xếp gọn một bên,

Cứ như thế, tôi lẩm bẩm và áp dụng trong ngày sống của tôi. Cùng với câu thánh thi kinh trưa, tôi làm kim chỉ nam cho đời sống của mình :

Xin dập tắt những đam mê tội lỗi,
Lửa giận hờn còn nung nấu tâm can,
Cho bác ái thành mưa sa tưới gội
Lòng chúng con hoa thắm nở bình an.

Lm. Anmai, CSsR

Read 206 times Last modified on Thứ hai, 20 Tháng 2 2023 06:58