Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 02 Tháng 3 2023 14:57

Bỏ thì thương-Vương thì tội

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  BỎ THÌ THƯƠNG – VƯƠNG THÌ TỘI

8 giờ tối, chuẩn bị lên giường nghỉ thì một nữ tu quen biết tận miền Tây sông nước gọi. Sơ cũng tầm 70, ở cái tuổi lẽ ra nghỉ ngơi nhưng người nghèo vẫn quấn quanh để Sơ cứ lo cho họ.

Tưởng Sơ có gì đó để chia sẻ cho đồng bào nhưng không ...

Chuyện là Sơ nói hiện tại Sơ đang cưu mang gần hai mươi em thuộc dạng “bầu lỡ” và mẹ bỏ đi luôn sau khi sinh nở. Có người sau khi sinh thì ổn định đem con về nhưng cũng có người để lại. Quân số mà Sơ đang giúp là tầm hai mươi trẻ.

Trong điện thoại, nghe giọng của Sơ trầm buồn : “Cha ơi ! Con có nuôi 1 đứa năm nay học lớp 8. Mẹ nó là người đồng bào. Lỡ mang bầu rồi tụi con đem về cho sinh nở. Từ khi mới lọt lòng. Mẹ nó bỏ đi biền biệt. Tụi con nui nó từ lúc đó cho đến bây giờ. Nó đi học thì đến lớp ngủ. Về nhà thì không giữ kỷ luật. Chuyên gia trèo rào đi chơi luôn !”.

Nghe sơ nói về em là người đồng bào thì hỏi lại sao Sơ biết thì Sơ nói rằng mẹ của em là người đồng bào. Đi làm rồi lỡ có thai và không biết phải tính sao nên đã bỏ lại cho các Sơ nuôi. Sơ nói : “Cha ơi ! Tính khí con bé này nó khác người lắm Cha ! Nó ngang bướng không ai nói nó được hết Sơ ! Có lẽ nó là người đồng bào nên nó vậy !”

Ngưng một lát Sơ nói tiếp : “Cha ! Con nghe trên Cha có nuôi mấy đứa đồng bào trong nhà Cha ! Con cho Cha con bé này để Cha mang về Cha nuôi dùm con nha Cha ! Tụi con ở đây giờ chịu hết nổi rồi Cha ơi ! Cha thương giúp con đi Cha ! Nó quậy quá giờ con không biết làm sao hết Cha ơi !...”.

Nghe Sơ nói vậy, biết nói sao giờ. Đáp lại với Sơ vài lời : “Sơ ơi ! Con hiểu được nỗi vất vả của Sơ ! Bỏ thì thương mà vương thì tội. Ở đây tụi con có nuôi mấy đứa nhưng còn cha còn mẹ. Tụi con cũng không thể nào quản nỗi. Cha mẹ cũng đồng hành để lo thôi ! Thôi thì thêm lời cầu nguyện cho Sơ ! Nếu có cách gì hay để tính thì con sẽ báo lại Sơ nhé ! Sơ ngủ ngon !”.

Chuyện là vậy đó ! Nghe Sơ kể thì thương ghê luôn ! Trường hợp mà mẹ mới sinh bỏ đi như bé này chắc có lẽ không hiếm. Và dĩ nhiên những cơ sở, những mái ấm nhận nuôi những em như thế này thì phải nuôi chứ không còn cách nào khác. Đã nhận nuôi thì nuôi cho trót chứ cho ai bây giờ ! Và nếu may mắn gặp đứa nó biết suy nghĩ thì các trung tâm và các mái ấm nhẹ thở. Ngược lại thì sẽ vất vả như trường hợp của bé này đây.

Thật ra thì nuôi 1 đứa bé không có cha không có mẹ thật khó. Một đứa mà không có cha hay không có mẹ thì đã khó đàng này không cha không mẹ thì khó biết dường nào.

Ai trong cương vị làm cha làm mẹ đều biết và cảm được nỗi khó nhọc dạy con là như thế nào. Khi một đứa trẻ khiếm khuyết cha hay mẹ thì việc giáo dục lại cực khó ! Vấn nạn ngày hôm nay của một số gia đình là hoặc cha hoặc mẹ phải tìm kế sinh nhai để rồi con cái khiếm khuyết sự hiện diện của cha hay của mẹ. Bi thảm nhất là tình trạng ly hôn đang ngày một gia tăng trong xã hội.

Với người thiểu số như bà mẹ của đứa bé mà nữ tu gia đang cưu mang lại là chuyện không hiếm ngày hôm nay. Vì hoàn cảnh gia đình, người đồng bào rời xa gia đình, xa xóm làng đi kiếm sống và rồi chuyện đi một mà về hai hay về ba và không có bố là chuyện không còn là chuyện hiếm nữa. Tình trạng sống chung và ăn ở ngoài hôn nhân bây giờ dường như nơi nào cũng có.

Có trường hợp linh mục về coi xứ cả gần 4 năm nhưng cha nói cha chỉ cử hành đúng 1 lễ hôn phối và cử hành bí tích bình thường. Phần còn lại chỉ là chuẩn hôn phối hay tình trạng hôn phối treo lơ lửng có mà đầy trong giáo xứ.

Trước thực trạng như vậy, dường như không có lối thoát khi thanh niên và giới trẻ ngày hôm nay sống như thế. Họ lao vào những cuộc hôn nhân dạng như bất chấp và không nghe lời bất cứ ai ngăn cản vì thấy trước cuộc hôn nhân đó có vấn đề. Vì ham muốn và thích nên rồi họ cứ lao vào cuộc tình xem chừng ra chóng vánh. Hậu quả để lại là những đứa trẻ bơ vơ không cha hay không mẹ.

Dù cuộc sống phát triển nhưng tình trạng ăn ở với nhau khi vừa mới 16, 17 hay 18 là chuyện xảy ra như người ta nói “chuyện thường ngày ở huyện”. Ở cái tuổi đó thì ăn chưa no lo chưa tới làm sao sinh nở. Thế nhưng rồi cứ ở với nhau thì dĩ nhiên là có con.

Nhìn đứa trẻ ngô nghê mới năm nào học lớp 11 thôi nhưng nghỉ ngang để lấy chồng thật chua xót. Trong khi các bạn cùng lớp vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường thì nay lại mang cái bụng bầu khá lớn. Đứa trẻ trong bụng mẹ sẽ chào đời nhưng rồi cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác trong làng không được sự chăm sóc đầy đủ. Đơn giản là vì cha mẹ của đứa bé đang ở trong bụng mẹ vẫn không làm gì để gọi là có cái để sinh nhai. Tất cả đều thụ thuộc vào ông bà nội hay ông bà ngoại. Ông bà khá giả một chút thì không nói nhưng rồi ông bà cũng vất vưởng đó thôi.

Nhiều khi nhìn thấy tội nhưng đó lại là tự do chọn lựa của họ. Mình ngoài cuộc mình biết nói sao bây giờ. Nhìn lòng quặn đau lắm nhưng họ cứ chọn sống như thế thôi. Vài ba chục năm nữa cuộc đời cứ như thế chứ không bao giờ thay đổi.

Vấn nạn giở khóc giở cười như con bé mà các Sơ đang cưu mang không chỉ là một. Ngày hôm nay còn và còn nhiều lắm những đứa trẻ đang trong tình trạng đó. Và rồi tiếp nối con đường của cha mẹ, những đứa trẻ đó cũng sẽ sinh ra những đứa con giống như cha mẹ nó thôi. Cứ như vậy sản sinh ra những mảnh đời thật chìm nổi.

Lo thì lo đó nhưng có lo được gì đâu ? Xã hội phát triển nhưng còn đó những con người chỉ làm theo điều mình thích và mình muốn. Sự trợ giúp thì có ngần có hạn chứ nào ai có khả năng giúp mãi được đâu. Nhìn những đứa trẻ bơ vơ và chông chênh như thế lòng tôi lại lâng lâng như người không còn suy nghĩ bởi vì nghĩ mãi cũng không ra và cũng chả có giải pháp nào cho những mảnh đời như thế.

Cái mạng tôi còn lo chưa xong chứ ở đó mà lo cho người khác. Những đứa ở gần còn phải chăm chăm chú chú để dạy dỗ và đỡ nâng. Rước đứa trẻ không cha và không mẹ cũng như bướng bỉnh như đứa trẻ Sơ nói thì đời tôi chả biết đi về đâu.

Nghĩ về những đứa trẻ đó thật buồn ! Nó là nỗi đau mà những người cha và người mẹ vô trách nhiệm cũng như chỉ biết sướng cái bản thân mình.

Lm. Anmai, CSsR

Read 121 times Last modified on Thứ sáu, 03 Tháng 3 2023 06:17