Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 06 Tháng 3 2023 20:40

Người đi an giấc, người ở lại bất an

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NGƯỜI ĐI THÌ AN GIẤC, NGƯỜI Ở LẠI BẤT AN


Bất cứ ai, dân tộc nào cũng có văn hóa và tập tục. Có những nét đẹp của văn hóa nhưng cạnh đó có những tập tục, tập quán cần phải thay đổi. Thế nhưng rồi có khi quá cứng ngắt với những tập tục như thế sẽ phát sinh ra những điều xem chừng nguy hại.
Từ xưa, người đồng bào nơi tôi đang sinh sống khi có người qua đời được dân trong làng làm tất cả các việc từ tẩm liệm đến an táng đều theo cung cách của làng. Họ dường như không có đội mai táng cũng như lo hậu sự.


Câu chuyện xem ra đắng lòng khi những ai nghe theo lời dỗ dụ về chuyện an táng. Những người ý thức đủ thì tìm đến Nhà Thờ để nhận áo quan về và tự trong gia đình lo hậu sự. Thế nhưng có những người chạy theo thời đại và theo lời dụ nên gia cảnh thêm khổ.


Một áo quan khi nhận ở Nhà Thờ thì dĩ nhiên sẽ hoàn toàn miễn phí nếu là người có gia cảnh nghèo. Thế nhưng có những người nghèo chạy đến Trại hòm để lo hậu sự cho người thân. Chí phí trọn gói cho chuyện hậu sự ở cái vùng này được tính 20 triệu bạc. Chi phí cho cái áo quan có lẽ cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong gói cước đó.


Với chi phí như vậy, phải nói là một gánh thật nặng cho người ở lại nhưng vì thích chạy theo người Kinh. Với lời ngon ngọt là trước khi chôn cho đi xe hơi chứ không nên cho đi xe cọc cạch. Cho đi xe cọc cạch thì tội người thân nên rồi giao cho trọn gói như thế và được đi xe hơi.


Anh em đùa với tôi : “Hay là Cha Th mở dịch vụ mai táng đi. Mình lấy 15 triệu thôi ! Chi phí đầu tư đâu có bao nhiêu đâu ! Mà làm như thế xong là lời chán !”


Nghe đùa nhưng lòng đau. Muốn làm đó chứ nhưng lực bất tòng tâm và nhìn những đám tang chạy theo dịch vụ an táng trọn gói mà thấy đau lòng. Họ sẽ tiếp tục nghèo khi cứ cố chạy theo xu thế của thời đại.


Và rồi trong những ngày tang lễ, tập tục của người đồng bào thiểu số là giết bò giết heo. Những tập tục này xem chừng ra là phù hợp và theo văn hóa của anh chị em sắc tộc nhưng có khi lại là gánh nặng cho người ở lại.


Mỗi lần nhìn thấy đám tang của người đồng bào tôi lại thấy nao lòng. Biết là văn hóa, biết là tập tục nhưng tưởng nghĩ phải “liệu cơm gắp mắm”. Và hình như người đồng bào không có khái niệm “liệu cơm gắp mắm” là gì cả. Có ở trong nhà cái gi là lôi ra ăn cho bằng hết và không quan tâm đến bữa mai.


Một chuyện nhỏ thấy rõ điều này.


Thứ Sáu, cơm nước tôi đã nấu xong. Có người cho vài quả su hào. Con bé con cầm đến : Ama !


Thì ra là con bé đưa để xào ăn ! Hiểu suy nghĩ của bé nên tôi có nói : “Con ơi ! Cơm đã đủ phần thức ăn rồi. Người ta cho thì mình cũng phải biết để dành chứ ! Bây giờ có làm đi chăng nữa cũng không ăn hết đâu !”


Chúa Nhật, dặn trưa nay ăn canh măng chua cá lóc. Hết hồn khi thấy nửa ký măng chua được cho ra cái thau nhỏ để chuẩn bị nấu. Cũng hết hồn và giải thích : “Con ơi ! Ama mua nửa ký cho rẻ ! Con phải ướm chừng nhà mình bao nhiêu và nấu bấy nhiêu chứ ! Con nấu như thế này là không được !”.


Thật ra não trạng của họ không xấu. Đừng nghĩ họ xấu vì từ xưa đến nay họ là như vậy. Mình sống chung với họ và từ từ giải thích cho họ để họ hiểu rằng ăn cũng cần phải cân nhắc và để dành cho bữa sau nữa. Suy nghĩ của họ thật đơn giản, có bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu thôi chứ có gì đâu. Đã nói là họ không xấu. Điều cần là giúp cho họ suy nghĩ lại.


Chuyện thức ăn là như thế và chuyện văn hóa ma chay của họ là như thế ! Thật sự khó mà thay đổi não trạng của họ.


Một linh mục đàn anh sống dường như gắn bó với họ hơn chục năm ròng rã cũng đành phải bó tay với những suy nghĩ và lối sống của họ. Biết làm sao để thay đổi nếp nghĩ tự lâu đời của họ.


Cứ mỗi lần nghe có người qua đời thì sẽ lại thêm đau đầu nhức óc. Nếu họ ý thức và họ vào Nhà Thờ thì họ sẽ nhẹ gánh nợ nần cho người ở lại. Và, nếu ý thức thì họ sẽ không giết bò hay giết heo theo tập tục vì hoàn cảnh của họ nghèo. Nếu như họ biết được họ còn khó khăn và đủ can đảm chọn lựa thì sẽ không có chuyện mổ bò giết heo.


Vậy đó ! Có khi cuộc sống nghèo tiền nghèo bạc và nghèo luôn cả tri thức nữa. Vì rơi vào cảnh túng quẫn nên có khi họ càng không có lối thoát. Họ cứ nghĩ rằng ai sao tôi vậy và họ không bỏ đi những thói quen, tập tục lâu đời để rồi gánh thêm phần nợ sau khi trong nhà có người thân quá cố !


Mỗi lần đưa tiễn một người trong làng về lòng đất Mẹ, tôi thấy phần người ra đi thì bình an thanh thản. Người ở lại thì lại cứ loay hoay với đống nợ vừa lo tang.


Biết nói sao bây giờ khi cái nghèo nó cứ ôm chầm lấy đời người đau khổ. Biết nói sao giờ khi họ không chịu thay đổi nếp sống và suy nghĩ. Cứ như thế thì cái nghèo sẽ ôm họ mãi suốt đời không buông.


Lm. Anmai, CSsR

Read 164 times Last modified on Thứ tư, 08 Tháng 3 2023 10:59