Print this page
Thứ năm, 14 Tháng 5 2020 07:14

Linh mục Nguyễn Văn Vinh: Người viết hợp xướng và nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Linh mục Nguyễn Văn Vinh: Người viết hợp xướng và nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam


TS NGUYỄN BÁCH
Trong số những nhạc sĩ có sáng tác hợp xướng hoặc được coi như hợp xướng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam, Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là người duy nhất được đào tạo chính quy, bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Paris.

linh-muc-nguyen-van-vinh

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh, 1912-1971
Người duy nhất được đào tạo chính quy, bài bản
Chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào về thời điểm sáng tác ra bài thánh ca Từ vực sâu (ý Thánh vịnh 129, De profundis, tên gốc là Ở dưới vực sâu), chỉ nghe Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nghĩa tử của Cha Vinh cho biết bản thánh ca này đã từng được viết tại Pháp để chuẩn bị đón tiếp phái đoàn Việt Nam sang dự hội nghị Fontainebleau vào năm 1946.

Đây là một tác phẩm hợp xướng đúng nghĩa với phần điệp khúc 4 bè có kiểu liên kết hợp âm rất lạ so với âm nhạc truyền thống châu Âu và phần phiên khúc hai bè.

Gọi là đúng nghĩa còn bởi vì ngay từ nhịp đầu tiên, tác giả đã sử dụng bè cantus firmus (bè giai điệu ổn định, thường là giọng Baryton hay Tenor) của lối sáng tác motet (một loại thánh ca đa âm thời Phục hưng) để diễn ca từ Thân lạy Gia-vi.

Còn trong toàn bài là kiểu xây dựng giai điệu nhiều bè không dùng vạch nhịp, đặc điểm chính của âm nhạc Phục hưng. Một bản hợp xướng không dài nhưng đầy chất học thuật. Như vậy, chắc chắn tác phẩm này phải được viết trước năm 1946.

Ở bài viết Từ hai bài thánh ca Giáng sinh Việt đầu tiên (Tạp chí Đồng Hành số 27), chúng tôi có đề cập đến sáng tác Nửa đêm mừng Chúa ra đời (Linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt) ra đời khoảng trước năm 1913 và có thể coi là “bài thánh ca hợp xướng Giáng sinh hoàn toàn Việt Nam đầu tiên”.

Thế nhưng, xét về đặc điểm của thể loại nhạc hợp xướng thì chưa thể gọi đó là một bản hợp xướng đích thực. Trong khi đó, những sáng tác vốn được coi là “thành quả sáng giá nhất của âm nhạc Việt Nam thời kỳ 1945 – 1954” (Âm nhạc Việt Nam – Tiến trình và thành tựu, Viện Âm nhạc, 2000) và thường được trình diễn theo kiểu hợp xướng thì chỉ là những ca khúc được soạn thêm phần hát 2, 3 bè ở điệp khúc như Chiến sĩ Sông Lô (Nguyễn Đình Phúc, 1947), Du kích Sông Thao (Đỗ Nhuận, 1948).

Cũng theo các tác giả của công trình trên, “Năm 1948 là thời điểm ra đời của ba tác phẩm giống nhau về quy mô và phương thức diễn xướng: Đông Nam Á châu, Ngọn cờ dân chủ của Lưu Hữu Phước và Trường chinh ca của Lương Ngọc Trác. Đứng về đặc điểm thể loại thì dường như đây là những bản hợp xướng đích thực, loại hợp xướng chia bè, chia nhánh trong âm nhạc 1945 – 1954” (Sđd, tr. 240).

Như vậy, các bản hợp xướng này chắc chắn ra đời sau Ở dưới vực sâu của Cha Vinh và có những giới hạn về học thuật nên chỉ “dường như là những bản hợp xướng đích thực”, như trường hợp của Nửa đêm mừng Chúa ra đời ở khoảng 30 năm trước.

Tuy không phải là người Việt Nam đầu tiên vào học ở Học viện âm nhạc quốc gia Paris (Conservatoire de Paris) như Thái Thị Lang (1932 – 1935), nhưng Linh mục – Nhạc sĩ Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh đã tốt nghiệp Khoa Sáng tác, Hòa âm đồng thời học về violin và piano tại đây vào năm 1944.

Như vậy, trong số những nhạc sĩ có sáng tác hợp xướng hoặc “được coi như hợp xướng” đầu tiên của âm nhạc Việt Nam, Cha Vinh là người duy nhất được đào tạo chính quy, bài bản. Với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc sâu đậm, Cha Vinh đã trở về quê hương sau khi tốt nghiệp. Đây là lúc ra đời những bản hợp xướng Công giáo bất hủ khác của cha.

Xứng đáng được coi là bản cantata đầu tiên của âm nhạc Việt Nam
Mở đường phúc thật là tác phẩm hợp xướng lớn nhất trong số khoảng 50 sáng tác thánh ca do Cha Vinh viết hoặc hòa âm và được nhắc đến nhiều sau Ở dưới vực sâu của Cha Vinh.

Sáng tác này gồm nhiều phần, xứng đáng được coi là bản cantata đầu tiên của âm nhạc Việt Nam, chỉ khác là không có phần nhạc đi kèm (cantata là một hình thức thanh nhạc lớn, gồm nhiều chương, giới chuyên môn thường gọi là “đại hợp xướng”).

Nội dung của tác phẩm này khá lớn, đề cập đến cả lịch sử cứu độ nhưng với Chúa Giêsu là trung tâm như The Messiah của G. F. Haendel. Nhưng điểm độc đáo của Mở đường phúc thật là sự đối nghịch giữa Lòng Chúa thương xót và lòng kiêu ngạo “vỗ bụng rốn giời là đây” của con người.

Trong một cuộc rước kiệu Thánh Thể được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1958, Cha Vinh đã cho tập và trình diễn nhiều bài thánh ca trong đó có Mở đường phúc thật.

Theo Nhạc sĩ Trần Văn Luân, nghệ sĩ đệm đàn organ hiện nay của Nhà thờ lớn Hà Nội (cha
của anh, nhạc sĩ Trần Văn Bính, cùng thời với cha Vinh và cùng là con thiêng liêng của “cố
Hương”, tức linh mục Depaulis), tuy lúc đó anh mới khoảng bốn, năm tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày tập và trình diễn Mở đường phúc thật với ban hợp xướng khoảng 200 người.

Hơn 60 năm qua, tác phẩm này vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó bởi lúa và cỏ lùng vẫn còn tồn tại. Về nghệ thuật âm nhạc, trong Mở đường phúc thật, Cha Vinh đã phối hợp nhiều thủ pháp sáng tác khác nhau với cách viết đa âm để giải quyết vấn đề dấu giọng, một trở ngại của tiếng Việt trong âm nhạc nhiều bè.

Hai-cot-linh-muc-nguyen-van-Vinh-1
Tác giả Nguyễn Bách viếng hài cốt Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh tại Nhà thờ Ngọc Lũ, Hà Nam, quê hương của Cha.
Những sáng tác hợp xướng khác của Cha Vinh cũng rất giá trị tuy không có quy mô lớn vì được viết để sử dụng trong phụng vụ:

*Tận hiến (thơ: Phan Sang, nhạc: Nguyễn Văn Vinh) là một bản chorale lớn (dài 60 nhịp) không theo hình thức chorale truyền thống (32 nhịp, 4 câu theo cấu trúc AABA), không theo luật câu nhạc cân phương và gồm nhiều hợp âm át phụ (secondary dominant) dẫn đến nhiều dấu hóa bất thường và nhiều lần chuyển thể nhưng rất tự nhiên và dân tộc tính.
*Lạy Cha có phần điệp khúc hợp xướng như một motet nhỏ với bè cantus firmus được giao cho giọng Bass.
*Tâm tôi vang một khúc ca là một bản hợp xướng có phần hòa âm đậm nét dân tộc bằng cách sử dụng những hợp âm treo (sus4, sus2, hợp âm 7 với quãng 6 treo), là một thủ pháp sáng tác mà những nhạc sĩ khí nhạc Việt Nam sau này hay dùng tới.
*Lạy Nữ Vương Thiên đàng (sáng tác: Hùng Lân, hòa âm: Nguyễn Văn Vinh) là hợp xướng 3 bè với thủ pháp tạo tiếng vang vọng (echo) “Alleluia” ở cuối câu, do bè nam đảm nhiệm.
Khi về nước sau thời gian du học, Cha Vinh không chỉ hoạt động sáng tác riêng mà còn giúp đỡ, cộng tác với nhiều nhạc sĩ Công giáo khác. Đặc biệt, cùng với nhạc sĩ Hùng Lân, Cha Vinh đã viết vở tôn giáo nhạc kịch David.

Đây là vở nhạc kịch đầu tiên của âm nhạc Việt Nam (không với nghĩa “opera” của châu Âu). Trong số bạn đồng nghiệp, “học trò của cha” có nhiều người đã trở thành những nhạc sĩ Công giáo hàng đầu, những người thầy âm nhạc cho nhiều thế hệ nhạc sĩ sau này. Nếu gọi là Cha Vinh “thầy của các thầy âm nhạc” có lẽ không gì là quá đáng.

Về Ngọc Lũ viếng di cốt Cha Vinh
Khi viết bài này, chúng tôi tìm đến Nhà thờ Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), nơi vị linh mục nhạc sĩ tài năng sinh ra. Nơi đây có bàn thờ lưu giữ một phần thi hài của Cha Vinh.
Chuyến đi không dự tính trước nên chúng tôi không được gặp Cha sở Giuse Nguyễn Cường Khang. Qua trao đổi với ngài trên điện thoại, chúng tôi được biết thêm, từ năm 1992, hài cốt của Cha Vinh được chuyển từ trại giam Cổng Trời (Hà Giang) về lưu giữ tại Đại chủng viện Hà Nội. Đến ngày 2-6-2019 hài cốt được chuyển vào Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.
Trước đó, khi cải táng, một phần ít ỏi di cốt của Cha Vinh được đặt trong một quan tài kính tại gầm bàn thờ bên trái của nhà thờ Ngọc Lũ.
Cuộc đời trần thế của Linh mục – Nhạc sĩ Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh kết thúc ở Cổng Trời để “mở đường phúc Nước Trời” cho nhiều thế hệ.
TS NGUYỄN BÁCH

https://donghanhonline.com/linh-muc-nguyen-van-vinh-nguoi-viet-hop-xuong-va-nhac-kich-dau-tien-cua-viet-nam/

 

Read 1042 times Last modified on Thứ sáu, 15 Tháng 5 2020 17:19

Latest from Ban Biên Tập

Related items