Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 10 Tháng 6 2019 17:24

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (10/6) tới CN Lễ Chúa Ba Ngôi (16/6)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (10/6) tới CN Lễ Chúa Ba Ngôi (16/6)

Lm Giuse BCD,SJ

I.Tin Mừng Mt 5:1-12 (Thứ 2, X-TN)

(Thứ Hai Tuần X Thường Niên)

 

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:
3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Phúc Âm khá quen thuộc, đó là bài "Tám Mối Phúc Thật" - một trong những bài giảng trên núi của Đức Giê-su. Bài Phúc Âm này được rất nhiều nhà Thần học chú giải theo những phương thế khác nhau. Phần bạn, khi đọc bài này, bạn có thể tự chọn lựa cho mình một phương pháp cầu nguyện mà bạn thích, chẳng hạn như "Lectio Divina", hoặc suy niệm một câu đánh động bạn nhất, hoặc chiêm niệm toàn bộ đoạn văn và tìm kiếm thông điệp mà Chúa muốn gửi tới bạn.

Nếu bạn dùng phương pháp chiêm niệm để cầu nguyện, bạn có thể đặt khung cảnh của bài này bằng cách tưởng tượng Đức Giê-su đang ở trên một ngọn đồi cao, chỗ đất bằng, xung quanh được bao phủ bởi các dãy núi, để tiếng Người giảng dạy được vang vọng nhờ các vách núi phản thanh, v.v. Có nhiều người đang ngồi và đứng để lắng nghe giáo huấn mới mẻ và "khó hiểu" của Đức Giê-su.

Bạn xin ơn gì cho giờ cầu nguyện này? Có thể là ơn được hiểu rõ hơn về các mối phúc, ơn sống các mối phúc của Chúa cách thiết thực, ơn yêu mến và tin tưởng vào Chúa để có thể thực thi giáo huấn của Người hầu đạt được các mối phúc mà Người hứa ban.

Tin Mừng Mát-thêu thuật lại tám mối phúc, còn TM Luca thuật lại bốn mối phúc và bốn mối họa. Như thế, chúng ta có thể suy diễn rằng những ai không đạt được các mối phúc ấy thì tựa như đang sống trong tai họa. Nói như thế có phần bi quan và tạo thêm áp lực cho những ai đang lắng nghe Lời Chúa. Thế nhưng, thực tế là vậy. Lời Chúa luôn thách đố người nghe.

Bạn thử xét lại cuộc sống mình để nghiệm xem bạn đạt được mấy mối phúc? Nói cách khác, bạn đang có mối phúc nào? Đâu là những thách đố trong lòng bạn? Phải chăng bạn đang sầu khổ vì sự giàu có của mình? Phải chăng bạn đang vui mừng vì sống trong nghèo khó? Nếu là thế, tôi e rằng lời giảng dạy của Chúa thiếu thuyết phục! Tuy nhiên, không nên hiểu Lời Chúa chỉ theo nghĩa đen, mà nên tìm hiểu xem Chúa muốn nói gì với chúng ta, Chúa muốn chúng ta làm gì và sống thế nào để đạt tới cõi phúc đích thực. Phải chăng "phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ" có ý muốn nói rằng chúng ta phải đặt trọn tâm hồn và thể xác vào bàn tay yêu thương và quan phòng của Chúa? Dù tôi đang giàu có hay nghèo khó, điều đó không quan trọng cho bằng tôi tín thác đời mình cho Chúa, tôi luôn bám vào Chúa, tôi không nên cậy dựa vào sức riêng của mình để rồi tự cao tự đại, chối bỏ sự hiện diện của Chúa nơi con người tôi?

Tóm lại, phải chăng các mối phúc "nghèo khó", "hiền lành", "sầu khổ", "công chính", "xót thương người", v.v. đều xuất phát từ những tâm hồn luôn tin yêu và hy vọng nơi Chúa, sẵn sàng chịu thiệt thòi ở đời này để được hưởng sự bù đắp về sau trong Nước Chúa, sẵn sàng lãnh nhận những áp bức và nhục nhằn để tâm hồn được gần gũi Chúa, để kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được nên trọn vẹn?

Những lời giáo huấn của Đức Giê-su trở nên bất biến, an ủi và cảm hóa lòng người, có phải đến từ chính kinh nghiệm cuộc sống của Người, từ những cảm nghiệm thiêng liêng sâu xa khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, từ sự thần bí - nếm trước mọi khổ đau, nhục nhằn và bắt bớ - của một con người luôn cầu nguyện và kết hiệp với Chúa Cha?

Bạn hãy chiêm ngắm Đức Giê-su và từng lời giảng dạy của Người, tâm sự với Người những gì đang diễn ra trong trí lòng của bạn. Bạn hãy hỏi Chúa về những giằng co, thách đố... trong tâm trí bạn khi lắng nghe Lời của Người, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Mt 10:7-13 (Thánh Barnabas Tông Đồ, 11/6)


(Thứ Ba Tuần X Thường Niên)

7 Khi ấy, Chúa Giêsu dặn các môn đệ rằng: "Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.9 Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng.10 Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
11 "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.12 Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Ba-na-ba Tông đồ. Trong Bài Đọc 1 chúng ta được nghe một vài chi tiết về thánh nhân và công việc cũng như ơn gọi của ngài. Bài Tin Mừng thì thuật lại lời căn dặn của Đức Giê-su đối với các môn đệ trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Đây là bài TM quen thuộc chúng ta vẫn được nghe mỗi khi Giáo hội mừng kính lễ của các vị thánh Tông đồ. Dẫu quen thuộc nhưng vì là Lời Chúa nên luôn mới mẻ và chứa đựng nhiều thông điệp thiêng liêng cao quý.

Hôm nay tôi muốn gợi ý một điểm duy nhất trong toàn bộ đoạn TM của ngày lễ mừng kính thánh Ba-na-ba, đó là câu "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy" (Mt 10:8).

Ơn gọi làm Tông đồ của Chúa, của Giáo Hội có phải là một ơn gọi nhưng không do ân sủng Chúa ban tặng cho những ai được Người mời gọi? Để trả lời câu hỏi này, tôi thiết nghĩ mỗi người chúng ta cần quay lại thước phim về cuộc đời ơn gọi làm con cái Chúa của mỗi người chúng ta.

Bạn được lãnh nhận Phép Rửa Tội, Phép Mình Thánh Chúa và Phép Thêm Sức khi nào? Từ khi được sinh ra cho đến giây phút hiện tại bạn có ý thức về ơn gọi của mình không? Bạn có nghe thấy tiếng Chúa mời gọi trở nên tông đồ của Chúa bao giờ chưa? Ơn gọi của bạn hiện nay là gì? Bạn sống ơn gọi ấy như thế nào? Phải chăng chỉ có các Tu sĩ, Linh mục, Giám mục mới là những tông đồ của Chúa?

Các Bí tích Rửa Tội, Mình Thánh Chúa và Thêm Sức đều đến từ ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nghĩa là chúng ta được Ba Ngôi Thiên Chúa cho không ơn sủng phong phú của Người để chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, anh em của Đức Giê-su và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Bí tích Thêm Sức giúp chúng ta có đủ sức mạnh của Chúa Thánh Thần để ra đi loan báo TM cho những ai chưa nhận biết Chúa, làm chứng về Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Vì thế, lời giáo huấn của Chúa Giê-su - "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy" - là lời mời gọi chúng ta đáp trả lại tình yêu vô biên của Chúa cách vô điều kiện.

Bạn thân mến, Lời Chúa hôm nay có thôi thúc lương tâm và con tim bạn mạnh mẽ làm chứng nhân cho Người không, có nhắc nhớ bạn về ơn gọi tông đồ của Chúa phù hợp với khả năng và chức vụ của bạn không? Bạn cần làm gì để đáp trả ơn huệ Chúa ban [cho bạn] cách thiết thực nhất?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III,Tin Mừng Mt 5:17-19 (Thứ 4, X-TN)

(Thứ Tư Tuần X Thường Niên)

17 Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời."

Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta tiếp tục nghe một đoạn trong Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su. Đoạn Tin Mừng Mt 5:17-19 thuật lại lời mời gọi chu toàn Giới Luật Thiên Chúa của Đức Giê-su.

Nhiều người vẫn lầm tưởng Đức Giê-su muốn phá bỏ luật cũ để xây dựng luật mới, hoặc bất tuân luật cũ đề cao luật mới, hoặc xem thường (vi phạm) luật cũ để làm một cuộc cách mạng xây dựng luật mới. Không phải thế! Đức Giê-su vẫn yêu mến lề luật nhưng với một thái độ mới, khác với thái độ giả hình của các kinh sư và người Pha-ri-sêu.

Thái độ tuân hành lề luật của Đức Giê-su phát xuất từ một con tim chân thành và cởi mở. Chính vì thế, với thái độ này, Đức Giê-su dường như khai mở cho mọi người một con đường mới, một lề luật mới, đó chính là luật yêu thương.

Nếu con người thực tâm yêu mến Thiên Chúa, con người sẽ chu toàn lề luật trong tự do và an vui. Nói đúng hơn, khi con người yêu mến Thiên Chúa, lề luật chỉ còn là những dòng chữ vô tri vô giác vô thưởng vô phạt.

Nếu con người yêu thương nhau, các giới luật trở nên những văn bản lịch sử. Bởi lẽ, nếu cuộc sống con người trở nên an bình, tự do, vui vẻ, thư thái..., lề luật tồn tại để làm gì?! Luật pháp chỉ dành cho những ai không tuân thủ nó mà thôi.

Bạn thân mến, bạn có cảm thấy cuộc sống đức tin của mình bị nặng nề bởi những luật lệ không? Đâu là nguyên do dẫn tới điều này? Bạn cần làm gì để thoát khỏi những nặng nề ấy? Bạn giữ các giới luật để làm gì? Tại sao bạn tuân thủ luật pháp Thiên Chúa truyền qua miệng các ngôn sứ, qua Đức Giê-su và qua Giáo Hội?

Bạn hãy xin Chúa ban ơn yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân hết lòng hết linh hồn hết trí khôn để bạn không còn phải lo lắng trong việc chu toàn các giới luật của Thiên Chúa, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Mt 5:20-26 (Thứ 5, X-TN)

(Thứ Năm Tuần X Thường Niên)

20 Bấy giờ Chúa Giêsu nói: "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay khuyên chúng ta hãy ăn ở công chính, một sự công chính cao hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, nghĩa là một sự công chính được nội tâm hóa, được kết hiệp với Đức Giê-su và sự công chính của Người, chứ không phải là sự công chính mang tính bề ngoài hoặc vọng hình thức.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý, lời giảng dạy của Đức Giê-su trong đoạn TM hôm nay thiên về mối tương quan chiều ngang (giữa con người với con người) hơn là mối tương quan chiều dọc (giữa con người với Thiên Chúa): chớ giết người, đừng giận cũng đừng mắng nhiếc anh chị em xung quanh, mau làm hòa với nhau... Đây cũng là lời nhắc nhớ khá căn bản trong đời sống đức tin của chúng ta: thực thi giới luật yêu thương. Yêu thương anh em chính là yêu mến Thiên Chúa.

Bạn thân mến, chúng ta vẫn thường nghe Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su. Thế nhưng, Bài Giảng ấy không dễ gì được nội tâm hóa trong đời sống đức tin thường ngày của chúng ta. Tại sao chúng ta cảm thấy khó thực thi Lời Chúa? Tại sao chúng ta thường làm sai với những giáo huấn của Chúa? Phải chăng chúng ta cũng giống các kinh sư và người Pha-ri-sêu chỉ biết giữ đạo bề ngoài, chuộng hình thức và đặt cái tôi của mình lên trên mọi sự?

Bạn sẽ xin ơn gì cho giờ cầu nguyện này? Ơn sống kết hiệp sâu xa hơn với Chúa? Ơn biết đón nhận Lời Chúa như khí cụ thiêng liêng giúp chúng ta chỉnh đốn lại đời sống đức tin của mình? Ơn nội tâm hóa các giới luật của Chúa, dù phải trả nhiều giá đắt như chịu nhục nhằn, hy sinh, đau khổ, thiệt thòi, cô đơn, bị bách hại và vu khống?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 5:27-32 (Thứ 6, X-TN)

(Thứ Sáu Tuần X Thường Niên)

"Thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục" (Mt 5:30).

Bạn thân mến,

Lời dạy của Chúa Giê-su trong đoạn TM hôm nay dường như là một sự kiện-toàn Giới Răn thứ Sáu trong Mười Điều Răn của Cựu Ước và lời giảng dạy còn vươn xa tới khía cạnh nhạy cảm của Hôn Nhân Ki-tô giáo: "Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5:28), "Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình" (Mt 5:32).

Trong xã hội hôm nay, có vẻ như khá nhiều người phạm phải Điều Răn Thứ Sáu. Và vì nhiều người mắc sai phạm, nên có khi nó bị xem thường. Nếu nhìn theo con mắt của các "kinh sư và người Pha-ri-sêu", có thể nhiều người sẽ vùng lên làm cách mạng để xóa bỏ hoặc viết lại Điều Răn này. Tuy nhiên, với một người có chiều sâu nội tâm hoặc thực lòng yêu mến Thiên Chúa, Điều Răn Thứ Sáu không có gì đáng ngại hoặc gây mặc cảm tội lỗi cho con người. Bởi vì, tiên vàn Đức Giê-su muốn con người vượt lên trên lề luật với một con tim hướng về Chân Thiện Mỹ.

Thể xác con người cũng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Như thế, hà cớ gì chúng ta phải trừng phạt bản thân bằng cách tự hủy một phần thân thể? Tôi không tin Đức Giê-su muốn chúng ta làm như thế. Tôi thiết nghĩ Đức Giê-su muốn chúng ta hiểu rằng linh hồn con người thì bất tử và linh hồn con người phải đối diện trước thiên tòa, dù cho xác thân đã hư nát. Tâm hồn con người luôn khát khao sự bình an, niềm vui và tự do, cũng như hướng về cõi phúc đích thực. Vì thế, thân xác là vật cản làm cho tâm hồn mất tự do và niềm an vui. Giữa hai điều xấu, chúng ta nên chọn điều ít xấu hơn. Do đó, "thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục" (Mt 5:30) để giữ trọn đức thanh khiết trong cuộc sống làm con cái Chúa là hành vi khôn ngoan và thánh thiện.

Các nhà tâm sinh lý nói rằng sau khi con người tắt thở mười lăm phút (15'), nhu cầu tính dục mới thực sự mất hẳn. Bạn nghĩ sao về những cám dỗ trong đời sống khiết tịnh của mình? Bạn có cảm thấy việc giữ mình thanh sạch là một thách đố lớn không? Làm thế nào có thể giữ tâm hồn được trong trắng?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 5:33-37 (Thứ 7, X-TN)

(Thứ Bảy Tuần X Thường Niên)

33 Khi ấy, Chúa Giêsu giảng dạy rằng: "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa.34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa.35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả.36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được.37 Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ. "

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta hãy giữ trọn lời đoan nguyện với Thiên Chúa, nghĩa là hãy giữ các giới luật của Người khi chúng ta làm con cái của Người và giữ những lời đã đoan nguyện cùng Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay làm tôi nhớ lại lời khuyên của các nhà linh đạo đối với những người đang trong kỳ tĩnh tâm. Thời gian tĩnh tâm là thời gian đẹp nhất của đời người, thời gian người ta được giũ bỏ bụi trần để toàn tâm toàn ý gắn bó với Chúa, nghỉ ngơi với Người. Vì lẽ đó, người tĩnh tâm thường sống tron trạng thái sốt sắng và dễ dàng đưa ra các quyết định mới, hướng đi mới, hành động mới... cho đời sống thiêng liêng của mình. Chính vì điều này, ma quỷ thường lợi dụng thời cơ để thúc đẩy người tĩnh tâm đưa ra các quyết tâm thật "cao cả" và "thánh thiện", chẳng hạn như sẽ đi tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, xưng tội hằng tháng, bỏ rượu bia, bỏ cờ bạc, bỏ la cà ở các quán cà-phê hoặc quán billiard hoặc quán games online, v.v.. Thế rồi, một thời gian ngắn hoặc dài sau kỳ tĩnh tâm ấy, họ không thể hoặc chưa thể thực hiện được các quyết tâm "chính đáng", "thánh thiện"... ấy, họ cảm thấy có lỗi với Chúa, bội nghĩa vong ân với Chúa và bất toàn trong mọi sự, dẫn tới việc bỏ tham dự Thánh Lễ, thiếu sốt mến trong các việc thiêng liêng, không còn muốn đi tĩnh tâm hoặc tham gia các sinh hoạt trong cộng đoàn, v.v.. Điều này khá giống với lời nhắc nhớ của Đức Giê-su trong cuối đoạn TM hôm nay: "Hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ " (Mt 5:37).

Khi đoan hứa cùng Thiên Chúa, không nên thề hứa bất cứ điều gì vượt quá khả năng thực thi của mình. Cũng không nên đoan hứa mà không có sự xác chuẩn của Chúa, nghĩa là chỉ biết cậy dựa vào bản thân của mình.

Bạn thân mến, bạn có kinh nghiệm nào giống như thế chưa? Bạn có cảm thấy có lỗi với Chúa khi không thể thực hiện lời thề hứa với Chúa bao giờ chưa? Bạn sẽ thoát ra khỏi tình trạng này như thế nào?

Bạn hãy xin Chúa soi sáng cho bạn hiểu điều Chúa mong muốn nơi bạn nhất, điều Chúa chờ đợi nơi bạn phù hợp với khả năng Chúa ban cho bạn.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Ga 16:12-15 (CHÚA BA NGÔI, CN XI-TN Năm C)

(CHÚA NHẬT Tuần XI Thường Niên C)

12 Bấy giờ, Chúa Giêsu nói: "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em."

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội tôn kính Chúa Ba Ngôi và mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống đức tin của mình. Bạn kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi ra sao?

Nếu bạn cầu nguyện với Bài Tin Mừng, bạn có thể dùng câu "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người [Thần Khí sự thật] lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16:15) để cầu nguyện, chiêm ngắm dung nhan của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bạn hãy chiêm ngắm và tưởng tượng trong tâm trí hình ảnh của các Ngài để cảm nếm bề trong sự hiện diện của các Ngài trong cuộc đời bạn. Để có thể đạt được ước muốn này, bạn hãy xin Chúa ban cho bạn được ơn hiểu biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi hơn, để yêu mến Ngài hơn và sẵn sàng bước theo con đường Ngài muốn bạn đi.

Ngày từ lúc khởi đầu sứ vụ cứu chuộc, Ba Ngôi Thiên Chúa đã trở nên Một để hành động và mang tin vui đến cho nhân loại, đó là mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm cứu thế. Thiên Chúa sai Con Một xuống trần gian, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, ẩn mình trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Kế đến, suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giê-su không ngừng mặc khải cho mọi người biết về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Hoạt động của Chúa Giê-su trở nên hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúa Giê-su nói rằng ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha. Tuy nhiên, Chúa Giê-su lại không nói rõ cho chúng ta biết hình dạng của Chúa Thánh Thần cụ thể ra sao. Chúa thường nói về Chúa Thánh Thần qua một số ngôn từ ẩn dụ như "Thần Khí sự thật", "Đấng bảo hộ", hoặc Kinh Thánh minh họa hình ảnh Chúa Thánh Thần như "lửa", "gió", "bồ câu" v.v.. Như thế, thật khó để hình dung khuôn mặt cụ thể của Chúa Thánh Thần! Chúng ta phải làm gì để có thể hiểu biết hơn về Chúa Thánh Thần, để yêu mến Người hơn và tích cực cộng tác với Người trong mọi sự?

Chúng ta hãy quay trở lại với lời mặc khải của Đức Giê-su về Thánh Thần trong đoạn Lời Chúa hôm nay: "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người [Thần Khí sự thật] lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16:15). Chúa Thánh Thần lấy những gì của Chúa Giê-su để loan báo tin mừng. Cái gì là của Chúa Giê-su? Lời giáo huấn? Các phép lạ? Sự sống lại? Tất cả những điều này sẽ xảy ra khi nào? Có phải khi chúng ta hướng tâm hồn lên Chúa? Có phải khi chúng ta dành một vài khoảng thời gian tĩnh lặng, riêng tư để ở lại với Chúa? Có phải là những giây phút chúng ta làm những việc thiện vì lòng yêu mến Chúa, vì muốn bắt chước Người? Có phải khi chúng ta bừng cháy ngọn lửa tin yêu Chúa trong tâm hồn?

Bạn có thể có những cách thức cầu nguyện và đi vào cầu nguyện khác với tôi. Bạn có thể có những điểm cầu nguyện khác với tôi. Bạn có thể dùng các phương tiện để cầu nguyện khác với tôi. Tất cả điều này đều tốt cả, và nó như bằng chứng cho thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong chúng ta và muốn chúng ta trở nên MỘT từ những sự khác biệt giống như sự tồn tại và sự hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa vậy.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD,SJ

Read 9575 times Last modified on Thứ hai, 10 Tháng 6 2019 17:44