Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 23 Tháng 7 2019 09:22

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (22/7) tới CN XVII-TN Năm C (28/7)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (22/7) tới CN XVII-TN Năm C (28/7)

 

Lm Giuse BCD, SJ


I.Tin Mừng Ga 20:1.11-18 (Thánh Maria Mađalêna, 22/7)

(Thứ Hai sauTuần XVI Thường Niên)

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (11) Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, (12) thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Ðức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. (13) Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" (14) Nói xong, bà quay lại và thấy Ðức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Ðức Giêsu. (15)Ðức Giêsu nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về". (16) Ðức Giêsu gọi bà: "Maria!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: "Rápbuni!" (nghĩa là 'lạy Thầy'). (17) Ðức Giêsu bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em'". (18) Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội cử hành lễ kính thánh Maria Mađalêna. Nhớ về thánh nữ giúp tôi cảm nghiệm nhiều hơn về lòng Chúa xót thuơng bản thân mình và cảm nhận nghĩa vụ phải làm chứng cho lòng thương xót Chúa như gương thánh nhân.

Thánh nữ Mađalêna từng bị gán mác là một kẻ tội lỗi, nhưng được Chúa xót thương tha thứ mọi tội lỗi cho bà, để rồi bà trung thành theo Chúa đến hơi thở cuối cùng. Khi Chúa bị treo trên thập giá, bà đứng dưới chân Người. Khi Chúa nằm trong mộ đá, bà ở bên ngoài chầu chực, khóc thương. Khi đến ngày Chúa sống lại như lời tiên báo, bà là người đi gặp Chúa đầu tiên. Nhờ lòng trung tín của bà, Chúa đã ban cho bà một đặc ân cao quý là được gặp Đấng Phục Sinh đầu tiên. Chúa gọi đích danh bà như thể mời gọi bà hãy nhận ra Đấng mà bà đang tìm kiếm, tựa như khi chúng ta thấy một người thân quen nhưng lâu ngày không gặp, chúng ta sẽ gọi đích danh người ấy với hy vọng người ấy nhận ra chúng ta ngay. Bà đã nhận ra và vui mừng sống niềm tin vào Đấng bà đã gửi gắm trót cuộc đời. Bà được trao sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ, nên bà được mệnh danh là "tông đồ của các tông đồ", "đỉnh của đỉnh". Có lẽ đây cũng chính là lý do Giáo Hội nâng ngày lễ nhớ thánh nhân thành ngày lễ kính, ngang hàng với lễ kính các thánh Tông đồ.

Từ một phụ nữ tầm thường, nhưng nhờ lòng thương xót Chúa, thánh Mađalêna đã trở nên nhân chứng vĩnh cửu cho Chúa Phục Sinh, nâng cao giá trị của người phụ nữ trong việc cộng tác vào công trình tái tạo và cứu chuộc còn dang dở của Thầy Chí Thánh. Còn bạn thì sao? Bạn có nhận ra Chúa thương xót bạn, gọi đích danh bạn làm môn đệ của Người? Bạn có nhận ra Chúa đã sống lại trong cung lòng của bạn và mạnh mẽ lên đường truyền giáo, san sẻ niềm vui Tin Mừng trong tâm hồn bạn cho người khác không?

Chúc bạn cầu nguyện sốt mến!


II.Tin Mừng Mt 12:46-50 (23/7, Lễ nhớ Thánh Brigitta)

(Thứ Ba sau Tuần XVI Thường Niên)

(46) Khi ấy, Đức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. (47) Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy". (48) Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" (49) Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. (50) Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi".

Bạn thân mến,

Với bài Tin Mừng hôm nay, tôi muốn gợi ý với các bạn cầu nguyện theo phương pháp chiêm niệm để chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Maria và nhận ra vai trò và ảnh hưởng của Mẹ trong đời sống đức tin của chúng ta.

a. Đặt Khung Cảnh:

Có rất đông người đang vây quanh Đức Giêsu để nghe Ngài giảng dạy. Đức Mẹ và nhiều người thân của Đức Giêsu đến gặp Ngài.

b. Ơn Xin:

Xin cho được nên giống Đức Maria, nghĩa là luôn biết lắng nghe và thi hành ý Chúa, nhờ đó có thể giữ tâm hồn là Đền Thờ Chúa Thánh Thần luôn được trong sạch.

c. Chiêm Niệm:

Tại sao Mẹ Maria và anh em bà con của Đức Giêsu đến tìm gặp Ngài?

Chúng ta có thể quay trở lại với những sự kiện xảy ra trước đoạn Phúc Âm Mt 12:46-50, đó là sự chống đối mạnh mẽ của người Pharisêu, thậm chí họ tìm cách giết Đức Giêsu và xem Ngài như một quỷ vương Bê-en-dê-bun khi người không tuân thủ luật giữ ngày Sabát như việc các môn đệ của Ngài bứt lúa ăn ngày Sabát, chữa người bị bại tay trong ngày Sabát...

Có lẽ khi thấy Đức Giêsu đang đối diện với những nguy hiểm đe dọa tới tính mạng, Mẹ Maria và những người bà con thân thuộc sốt ruột đi tìm Ngài để bảo vệ Ngài chăng.

Mọi người chưa kịp làm gì thì đã nghe tiếng ngợi khen vang vọng: "Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?" Chúa Giêsu tận dụng cơ hội đám đông để khẳng định Giáo huấn của Ngài đến từ Thánh Ý Thiên Chúa: "phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi" (Mt 12:50).

Nếu so sánh câu nói trên của Chúa Giêsu với Phúc Âm Luca, chúng ta sẽ thấy có một khác biệt nho nhỏ, trong khi Phúc Âm của thánh Mátthêu thì ghi lại tương tự như Phúc Âm của thánh Máccô (x. Mc 3:35). Thánh Luca viết rằng: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8:21). Câu nói này của Đức Giêsu trong Phúc Âm Luca như để giải thích cho người đọc hiểu rõ hơn "ý muốn của Thiên Chúa" là "nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành". Tuy nhiên, bối cảnh câu nói này không diễn tả rõ ràng nguyên nhân câu nói khẳng khái của Chúa như trong Phúc Âm Mátthêu. Tóm lại, cả hai câu nói của Đức Giêsu trong Phúc Âm Luca và Mátthêu đều bổ túc cho nhau.

Đức Giêsu đang gặp phải nhiều chống đối đe dọa đến tính mạng từ những con người chưa hiểu thánh ý Thiên Chúa là gì. Vì thế, họ sẵn sàng hành động trái ý Thiên Chúa. Họ không phải là anh em của Đức Giêsu! Bên cạnh đó, Đức Giêsu cũng muốn bày tỏ cho mọi người biết rằng Mẹ của Ngài là một người luôn biết thi hành ý muốn của Thiên Chúa (Mt 12:50). Nói cách khác, Mẹ Maria là người luôn biết lắng nghe Lời Chúa và thực hành Lời ấy trong cuộc sống hằng ngày (x. Lc 2:19, 2:52, 8:21, 11:28). Hơn thế nữa, Mẹ Maria chính là ánh sao sáng dẫn đường cho chúng ta trong những giờ phút ở trong sa mạc với Chúa, để nhờ đó chúng ta có thể dâng mình hoàn toàn cho Chúa, tín thác vào Ngài, đem Chúa đến cho những ai chưa nhận biết Ngài và cho những người chúng ta gặp gỡ.

Tâm sự với Chúa

Lạy Chúa Giêsu,
Con vừa kết thúc những giây phút ở trong sa mạc với Chúa.
Tuy đó chỉ là những phút giây vắn vỏi,
nhưng con tin Chúa đã đồng hành và chỉ dạy con nhiều điều;
con được biết sự thật về con và về Chúa từ Lời Ngài;
con được Thánh Thể nuôi dưỡng;
con được nhận ra tình hiệp thông và liên đới trong cộng đoàn,
con được Chúa thúc đẩy sống đức ái và tinh thần truyền giáo.
Tuy con vừa kết thúc một hành trình bước đi trong sa mạc
với những giây phút khắc khoải và lo âu, buồn sầu và an ủi,
hạnh phúc và khổ đau, thách đố và tin tưởng,
nhưng con xác tín rằng đó là một khởi đầu mới
cho một hành trình mới,
một con đường mới, một sứ mạng mới.
Xin Chúa ban thêm lòng tin, sức mạnh,
niềm hy vọng và lòng yêu mến Chúa trong con,
để con có thể vững vàng
bước chân ra đi sống một cuộc đời mới
theo lời mời gọi tha thiết của Ngài,
và theo gương Mẹ Maria,
dâng con người con cho Chúa và cho sứ mạng của Ngài. Amen.

III.Tin Mừng Mt 13:1-9 (Thứ 4, XVI-TN)

(Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên)

(1) Hôm ấy, Ðức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. (2) Có đám đông lớn tụ họp bên Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì đứng trên bờ. (3) Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: "Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. (4) Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. (5) Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; (6) nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. (7) Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. (8) Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. (9) Ai có tai thì nghe".

Bạn thân mến,

Kể từ Mt 13, chúng ta sẽ được nghe nhiều dụ ngôn của Đức Giê-su. Bài Tin Mừng hôm nay, dụ ngôn "Người Gieo Giống", là dụ ngôn đầu tiên trong số các dụ ngôn Đức Giê-su dùng để giảng dạy dân chúng. Bởi vì có một số người không hiểu những lời mặc khải và lời giảng dạy của Chúa, nên Đức Giê-su phải dùng dụ ngôn để giúp họ dễ hiểu và dễ tiếp nhận lời Người hơn.

Để hiểu phần nào dụ ngôn Người Gieo Giống, chúng ta hãy quay về với đặc thù của nước Do Thái, đó là một đất nước có nhiều núi đá, đường đi có nhiều sỏi đá trộn lẫn đất cát. Vì thế, khi gieo giống, người nông dân dễ gieo vãi hạt giống lẫn lộn trên những mảnh đất khác nhau, như Chúa Giê-su đã kể cho chúng ta nghe rằng người gieo giống đi gieo giống thì có những hạt rơi bên vệ đường, có những hạt rơi trên sỏi đá, có những hạt rơi vào bụi gai và có những hạt rơi trên đất tốt (Mt 13:4-8).

Khi cầu nguyện với bài này, chúng ta có thể dùng thời gian để phản tỉnh lại cuộc sống đức tin và ơn gọi của mình, xem thử mình là hạt giống đang sống ở đâu (bụi gai, vệ đường, sỏi đá...)? Khi đi gieo giống, nếu gieo nhầm mảnh đất không tốt, chúng ta phải làm gì để giúp những hạt giống ấy được lớn lên và sinh hoa trái tốt tươi? Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta được sống trong mảnh đất tốt để sinh hoa trái dâng lên Chúa và giúp những hạt giống khác cũng được trổ sinh hoa trái.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Mt 20:20-28 (Thánh Giacôbê Tông đồ, 25/7)

(Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên)

(20) Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Ðức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. (21) Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy". (22) Ðức Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi". (23) Ðức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được". (24) Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. (25) Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. (26)Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. (27) Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. (28) Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người".

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng chúng ta sẽ cầu nguyện phác họa cho chúng ta thấy chân dung con người của thánh Gia-cô-bê Tông Đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù hình ảnh về ngài trong đoạn Lời Chúa Mt 20:20-28 là một con người hám lợi vọng danh, nhưng cuộc đời ngài về sau (sau khi Chúa lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống) lại ứng nghiệm lời tiên báo của Đức Giê-su về sứ mạng của ngài: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được" (Mt 20:23).

Khi chiêm niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta để ý hai chi tiết rất thường xảy ra trong đời sống Giáo Hội và trong tâm trí của mỗi người chúng ta: động cơ của lời cầu xin hoặc ước nguyện, và phản ứng của các môn đệ khác trước ước nguyện của hai anh em Gia-cô-bê và Gioan (TM Mát-thêu không nói rõ tên của hai anh em, nhưng đọc TM Mác-cô chúng ta biết họ là ai (x. Mc 3:17)).

Động cơ lời cầu xin của ông Gia-cô-bê hoàn toàn có tính trần tục. Các ông chưa hiểu gì nhiều về sứ mạng của Thầy Giê-su, nên bận tâm và suy nghĩ nhiều về vinh quang trần thế. Nhờ đó, các ông được Thầy của mình nhắc nhớ và mặc khải cho biết sứ mạng của Thầy và của bản thân hai anh em ông. Tuy lời cầu xin của các ông mang tính trần tục và chẳng thấy tương lai, nhưng hai ông không bỏ Thầy Giê-su và vẫn bước theo Người. Bằng chứng là thánh Gia-cô-bê đã chịu tử đạo bởi án lệnh chém đầu của Vua Hê-rô-đê (x. Cv 12:1-2) và là thánh Tông Đồ tử đạo đầu tiên.

Phản ứng của các môn đệ là sự ghen tỵ và bực tức. Với phản ứng này, chúng ta có thể nhận ra rằng các môn đệ khác cũng có tư tưởng chẳng khác gì hai anh em Gia-cô-bê và Gioan. Rất trần tục. Rất con người. Dường như hai em này muốn qua mặt Phê-rô vì Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan là những người thân tín của Thầy Giê-su (Thầy Giê-su làm điều gì quan trọng cũng đều cho ba người này đi theo (x. Mt 26:36, Lc 5:35-42, Mc 9:8-10)). Tin Mừng Mát-thêu thuật lại cho chúng ta biết lời cầu xin của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an qua trung gian người mẹ, vì thế, sự ghen tỵ và bực tức của các môn đệ khác vơi bớt đi; còn Tin Mừng Mác-cô (10:35-40) thuật lại rằng hai anh em này đã trực tiếp xin Đức Giê-su cho họ được ngồi bên tả và bên hữu của Người khi Người được vinh quang, do đó rất có thể sự ghen tỵ và bực tức của các môn đệ khác càng mạnh mẽ hơn.

Phản ứng của Thầy Giê-su khá nhẫn nại và bao dung. Người không trách mắng nặng nề hai ông và các môn đệ khác về sự trần tục của họ, vì họ đã theo Người và sống với Người nhiều ngày tháng nhưng chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Người, ngược lại Người khuyên các ông thay đổi cách suy nghĩ và hành động sao cho xứng hợp với cuộc đời và sứ mạng của người môn đệ, đó là tinh thần phục vụ trong khiêm hạ, đơn sơ và nhỏ bé. Đây chính là phần thưởng lớn lao cho họ, được ngồi bên tả và bên hữu của Thầy Giê-su, khi Người được vinh quang.

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, đặc biệt là ngày Lễ Mừng Kính Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ, bạn được đánh động điều gì nhất nơi thánh nhân và sứ mạng của ngài? Lời Chúa nói gì với bạn và có liên quan gì đến đời sống đức tin và ơn gọi làm môn đệ Chúa của bạn? Lời cầu xin và khát vọng của bạn trước Chúa ra sao, trần tục hay thiêng liêng? Bạn phản ứng ra sao trước những khát khao của người khác, trước thành công của người xung quanh? Cách phản ứng của Chúa và lời khuyên dạy của Người có giúp bạn được lớn lên hơn trong đời phục vụ và ơn gọi làm môn đệ của Chúa không?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 13:18-23 (26/7, Lễ nhớ thánh Gioakim và Anna)

(Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên)

(18) Bấy giờ, Đức Giêsu giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống cho các môn đệ rằng "Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. (19) Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. (20) Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. (21) Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. (22) Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. (23) Còn kẻ được gieo vào đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thí tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục".

Bạn thân mến,

Vào ngày thứ Tư vừa qua, chúng ta nghe đoạn đầu của TM Mát-thêu nói về dụ ngôn Người Gieo Giống. Hôm nay chúng ta nghe Chúa Giê-su giải thích rõ ràng về dụ ngôn này.

Hạt được gieo bên vệ đường là những người nghe Lời Chúa nhưng không hiểu, nên bị quỷ dữ đến cướp đi. Nghe rao giảng Lời Chúa mà không hiểu, có phải là lỗi của người nghe? Nếu là lỗi của họ, thì đâu là nguyên do? Phải chăng là do họ thiếu chân thành khi lắng nghe nên khi nghe xong, Lời Chúa không thấm nhuần vào tâm trí họ; vì thế, họ như những hạt giống được gieo bên vệ đường?

Hạt được gieo nơi sỏi đá là những người nghe Lời Chúa liền đón nhận, nhưng chỉ nhất thời. Như thế, những người này tựa như những kẻ có đạo mà chẳng giữ đạo, là "Ki-tô hữu" nhưng lại có đức tin yếu ớt, vì thiếu đời sống Bí tích, lười biếng tham dự Thánh Lễ, đọc kinh và cầu nguyện. Cho nên, khi gặp gian nan, họ bị chao đảo, sa ngã, bỏ đạo, chối Chúa... và lạc mất niềm tin.

Hạt được gieo vào bụi gai là người lo lắng sự đời, đam mê danh vọng, tiền bạc, lợi lộc... nên Lời Chúa không thể lớn lên trong tâm hồn. Chúa Giê-su ví sự lo lắng và vinh hoa phú quý ở đời như bụi gai.

Hạt được gieo trên đất tốt là người biết cộng tác với ơn Chúa, chuyên cần lắng nghe và thực thi Lời Chúa bằng con tim chân thành, nên họ trở nên những Ki-tô hữu tốt lành, thánh thiện và là chứng tá cho Tin Mừng của Chúa. Nhờ đó, họ không những sống hạnh phúc nhưng còn giúp người khác cũng được sống hạnh phúc như họ.

Bạn thân mến, trong giờ cầu nguyện này, bạn hãy suy xét lại bản thân mình xem bạn là hạt giống được gieo ở đâu? Tại sao cuộc sống đức tin không sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa mong ước? Từ đó, bạn xin Chúa giúp bạn được sống trong mảnh đất tốt và sinh hoa trái dồi dào, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 13:24-30 (Thứ 7, XVI-TN)

(Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên)

(24) Khi ấy, Ðức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: "Nước Trời thì ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Ðầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?" (28) Ông đáp: "kẻ thù đã làm đó!" Ðầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra nhặt đi không?" (29) Ông đáp: Ðừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi".

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay kể về dụ ngôn Cỏ Lùng của Chúa. Chúa Giê-su ví Nước Trời như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Nước Trời là nơi chứa chan sự tốt lành. Ruộng chính là thế giới chúng ta đang sống. Trong thế giới này, thuở ban đầu chỉ có những hạt giống tốt; thế nhưng, khi sự dữ xuất hiện và với thời gian vần xoay đã làm cho nó mọc lên cỏ lùng, làm hại lúa tốt. Điều nổi bật trong dụ ngôn này là sự kiên nhẫn của chủ ruộng lúa.

Phát hiện cỏ lùng đang trộn lẫn trong ruộng lúa, chủ ruộng nhẫn nại chờ đợi để lúa lớn lên, dễ phân biệt với cỏ lùng, rồi cắt bỏ cỏ lùng đem đi đốt. Vấn đề là tại sao chủ ruộng lại kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi lúa chín, lúc đó mới xử lý cỏ lùng? Bởi lẽ cỏ lùng tự bản chất mãi mãi là cỏ lùng, cho dù thời gian biến đổi. Lúa thì mãi là lúa, nhưng khi lúa còn non thì lúa rất giống cỏ lùng, nếu không kiên nhẫn đợi chờ đến mùa gặt, e rằng sẽ có nhiều lúa non bị chết oan.

Như thế, lúa non cũng tựa cỏ lùng, khó phân biệt. Trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, có nhiều lúa non nhìn giống cỏ lùng. Có nhiều người nhìn bề ngoài thì tốt nhưng bên trong thì đầy rẫy những sự xấu xa. Có nhiều người nhìn bề ngoài thì xấu hoặc lỡ phạm phải một sai lầm nhỏ, liền bị phán xét là người xấu. Vì thế, cổ nhân có câu "họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm" (vẽ con hổ có thể vẽ hình dáng bên ngoài nhưng khó vẽ xương cốt của hổ; đối với con người cũng vậy, biết người có thể biết bề ngoài nhưng khó biết tâm địa của họ).

Chúa kiên nhẫn với chúng ta. Có thể hiện nay chúng ta là lúa non đang rất giống cỏ lùng. Làm thế nào để qua thời gian năm tháng, khi lớn lên, chúng ta không phải là cỏ lùng, nhưng là lúa tốt?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết kiên nhẫn với chính mình như chính Chúa đã kiên nhẫn với chúng ta, nhờ đó chúng ta cộng tác với ơn Chúa để canh tân bản thân, hoán cải liên tục, hầu trở nên những hạt lúa tốt được cất vào kho lẫm của chủ ruộng.


Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

ViI.Tin Mừng Lc 11:1-13 (CN XVII-TN Năm C)

(CHÚA NHẬT Tuần XVII Thường Niên C)

1) Có một lần Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông gioan đã dạy môn đệ của ông". (2) Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Ðại Cha mau đến,
(3) Xin Cha cho chúng con ngày nào có lượng thực ngày ấy;
(4) Xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ".
Người bạn quấy rầy
(5) Người còn nói với các ông: "Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, (6) vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả"; (7) mà người kia từ trong nhà lại đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được". (8) Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện. Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. (10) Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (11) Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? (12) Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? (13) Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?".


Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần: phần đầu là Kinh Lạy Cha, phần sau là lời giải thích của Chúa cho lời kinh này.

Kinh Lạy Cha theo TM Luca hơi khác Kinh Lạy Cha theo TM Mát-thêu. Kinh Lạy Cha của Mát-thêu được chia làm bảy phần: ba phần đầu quy hướng về Thiên Chúa và bốn phần sau quy hướng về con người. Còn Kinh Lạy Cha theo Luca chỉ gồm có năm phần: hai phần quy về Thiên Chúa và ba phần quy về con người. Tuy nhiên, TM Luca thêm phần giải thích sau Kinh Lạy Cha. Và theo tôi nghĩ, phần giải thích này khá quan trọng và có ý nghĩa lớn lao trong đời sống cầu nguyện của người Ki-tô hữu.

Thánh Luca giải thích rằng năng lực cầu nguyện của chúng ta đến từ Chúa Thánh Thần: "Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?" (Lc 11:13) và khuyến khích chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa, vì "hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho" (Lc 11:10) như Thánh Phao-lô đã từng nói: "Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả " (Rm 8:26).

Như thế, trong đời sống cầu nguyện, vai trò của Chúa Thánh Thần khá quan trọng. Người mới bắt đầu đời sống cầu nguyện không chỉ cần được hướng dẫn và đồng hành bởi người có kinh nghiệm cầu nguyện, nhưng còn cần Chúa Thánh Thần, biết đặt mình để Người dẫn dắt và chỉ dạy cầu nguyện sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. Người cầu nguyện luôn được Thiên Chúa ban Thánh Thần để trợ giúp và kết hiệp với Người.

Bạn thân mến, khi cầu nguyện, bạn có để Chúa Thánh Thần dẫn dắt không? Bạn có nhận thấy Chúa Thánh Thần giúp bạn cầu nguyện không? Bạn có tin rằng những gì bạn cầu nguyện cùng Thiên Chúa đều được Người lắng nghe và ban ơn không? Bạn cảm nhận điều gì khi cầu nguyện với Kinh Lạy Cha? Bạn đọc Kinh Lạy Cha với thái độ ra sao?

Để minh họa cho việc cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, người viết xin được gửi tới quý bạn đọc một câu chuyện nhỏ về Thánh Phanxicô Asissi. Số là, một hôm trên đường về lại cộng đoàn tu viện, thánh Phanxicô nói với người bạn đồng hành rằng "từ giờ tới lúc về đến nhà, chúng ta thử thi xem ai Lần Chuỗi được nhiều hơn, được không?" và bạn của ngài đồng ý. Cả hai cùng giữ thinh lặng, sốt sắng lần chuỗi Mân Côi. Khi về tới cổng nhà, bạn đồng hành hỏi thánh Phanxicô: "Anh lần được bao nhiêu chuỗi rồi? Tôi đã lần xong cả chuỗi." Thánh Phanxicô đáp: "Anh thắng rồi. Tôi vẫn chưa đọc xong Kinh Lạy Cha".

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng và đạt được những gì Thiên Chúa mong muốn nơi bạn!

 

 

Lm Giuse BCD, SJ

Read 9433 times