Có một thực tế là xã hội hiện đại mang đến nhiều thách thức hơn cho gia đình. Trước đây, người phụ nữ chủ yếu làm công việc nội trợ, sống dựa vào đàn ông, vì vậy dù bị chồng đối xử bất công, gia trưởng, thậm chí bạo lực, họ vẫn cố chịu đựng, không dám ly hôn.
Ông bà xưa có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Hôn nhân muốn tồn tại lâu dài thì khi có vấn đề nảy sinh, người trong cuộc cần ngồi lại, bình tĩnh, biết tha thứ và chờ đợi nhau
Trao đổi với chúng tôi về những nguyên nhân dẫn đến ly hôn ngày càng nhiều ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng, thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt, Phó chánh Tòa Dân sự TAND TPHCM, cho rằng có muôn vàn lý do khiến hôn nhân tan vỡ nhưng trước hết phải nói đến việc quyết định kết hôn. Không hiểu nhau về tính cách, hoàn cảnh gia đình, công việc; không chuẩn bị đầy đủ để thích ứng với cuộc sống chung; không hòa hợp tâm sinh lý… vẫn kết hôn nên dễ dẫn đến chia tay vì không hợp.
Càng hiện đại càng thách thức
Có một thực tế là xã hội hiện đại mang đến nhiều thách thức hơn cho gia đình. Trước đây, người phụ nữ chủ yếu làm công việc nội trợ, sống dựa vào đàn ông, vì vậy dù bị chồng đối xử bất công, gia trưởng, thậm chí bạo lực, họ vẫn cố chịu đựng, không dám ly hôn. Khi xã hội phát triển, người phụ nữ bước ra khỏi góc bếp, tham gia vào các lĩnh vực trong xã hội, thậm chí nhiều người còn đảm nhiệm những trọng trách. Quyền của phụ nữ về kinh tế cũng đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định người vợ cùng đứng tên với người chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở và tài sản; Luật Bình đẳng giới chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, Luật Phòng chống bạo lực gia đình chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2008… Vì vậy, mối quan hệ vợ chồng ngày nay có sự bình đẳng và dân chủ hơn.
Tuy nhiên, nam giới chưa nhận thức hoặc nhận thức còn chậm, có thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ. Không ít người xem việc chăm sóc gia đình, nhà cửa là “việc đàn bà”, còn họ thì vô tư nhậu nhẹt, bồ bịch… Trong khi đó, người phụ nữ có tri thức, văn hóa, kinh tế… sẽ không dễ chấp nhận những ông chồng bạo lực, ngoại tình, thiếu trách nhiệm... Những điều đó có thể dẫn tới sự rạn vỡ trong mối quan hệ vợ chồng.
Theo các chuyên gia tâm lý, hôn nhân ở bất kỳ tuổi nào cũng có nguy cơ dẫn đến ly hôn. Với tuổi trẻ, việc quá đề cao “cái tôi”, thiếu kỹ năng điều chỉnh thói quen, hành vi của bản thân để có thể hòa hợp với bạn đời dễ dẫn đến mâu thuẫn và xung đột. Với những cặp vợ chồng lớn tuổi, sau rất nhiều năm chung sống vẫn đòi ly hôn, ngoài yếu tố mâu thuẫn đã tồn tại từ lâu (nhưng vì con cái, họ cố chịu đựng nhau, bây giờ ly hôn như là một sự giải phóng) thì sự thành đạt, giàu có, sự khác biệt về tâm sinh lý cũng khiến người đàn ông vẫn còn tràn đầy sự ham muốn nhất quyết ly hôn người vợ… già.
Dẫu là nguyên nhân nào, giải quyết những vụ án ly hôn luôn khiến thẩm phán phải trăn trở, trĩu nặng ưu tư. Xét ở một khía cạnh tích cực, ly hôn được xem là cần thiết, giúp giải phóng một số người ra khỏi sự ràng buộc khi cuộc sống hôn nhân không đạt được mục đích hạnh phúc. Thế nhưng, ly hôn để lại nhiều hệ lụy với người trong cuộc và người thân của họ, nhất là con cái. “Còn hy vọng, chúng tôi vẫn cố gắng tìm mọi cách hòa giải, vạn bất đắc dĩ mới phải giải quyết cho họ ly hôn. Chỉ mong sao họ chia tay nhưng không nói xấu, làm tổn thương nhau là tốt rồi’’- thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt tâm sự.
Sống hết lòng với nhau
Theo thẩm phán Đặng Thị Tuyết Hải, Phó Chánh án TAND quận 10 - TPHCM, hôn nhân muốn tồn tại lâu dài cần có một chữ nhẫn. Hai người được sinh ra và nuôi dưỡng ở hai hoàn cảnh gia đình khác nhau tất nhiên thói quen, tính cách, ứng xử… cũng khác nhau. Để có thể sống hòa hợp và hạnh phúc, đòi hỏi người trong cuộc phải biết chấp nhận, chịu đựng những mặt chưa tốt của bạn đời; phải có sự thấu hiểu, yêu thương, quan hệ mật thiết với nhau. Khi có vấn đề nảy sinh, hãy ngồi lại, bình tĩnh, biết tha thứ và chờ đợi nhau. Ông bà xưa đã có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.
Một điều cần quan tâm nữa là hãy xem tình yêu đối với vợ/chồng như là một tín ngưỡng, nói như ông bà ta là “đạo vợ chồng”. Có như vậy mới thấy bình an trong tâm hồn, đủ niềm tin, sức mạnh bỏ qua những điều chưa hài lòng về nhau, cùng vượt qua những thăng trầm trong cuộc đời. Nếu xem tình yêu như nghĩa vụ hoặc xem chuyện có vợ, có chồng như là việc sở hữu một người thì khó giữ được nhau.
Ở đời, cái gì mới cũng tốt nhưng vợ chồng mới chưa hẳn đã hay. Tuy nhiên, một khi không thể sống cùng nhau, hãy ứng xử có văn hóa. Đừng trút hận thù lên đầu con trẻ cũng đừng cố níu kéo vì sĩ diện hoặc cho bõ ghét. Hôn nhân tồn tại trên giấy tờ mà không có tình yêu thì chỉ làm đau khổ thêm cho nhau. “Cuộc đời sắc sắc không không, thôi thì hãy sống hết lòng với nhau”- thẩm phán Đặng Thị Tuyết Hải nói.
Tố Tâm (Theo Người Lao Động)