Tháng 05/2014
Gia đình :
CỘNG ĐOÀN ĐỐI THOẠI
Lời Chúa: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). X. Ep 5, 21-33.
Ý cầu nguyện: Xin cho cả gia đình yêu thương nhau, biết cởi mở chia sẻ, tâm sự để ngày càng hiểu biết thông cảm nhau hơn, nên một cộng đoàn đối thoại với Chúa, với nhau, với mọi người.
Bài ca ý lực: Tôi theo một người (Lời Cho Cuộc Sống (tr.100))
1. Gia đình là cộng đoàn đối thoại với Thiên Chúa
- Để có thể tham dự vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh, gia đình vốn là hội thánh tại gia trước hết phải trở thành cộng đoàn đối thoại với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô. Thật vậy, để là hội thánh và thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng và phục vụ con người, gia đình trước hết phải được kết hợp mật thiết với Đức Kitô như cành nho gắn kết với cây nho, để nhờ đó mà được múc lấy sức sống thần linh và từ đó hòa nhập vào Hội Thánh dân tư tế. Được bén rễ và dưỡng nuôi từ bí tích Hôn phối, gia đình không ngừng được sống nhờ Chúa Giêsu, và được Người mời gọi và lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua đời sống bí tích, qua việc dâng hiến đời mình và nhờ cầu nguyện.[1] Khi ấy gia đình mới là hình ảnh và làm cho sự Hiệp thông vô hình của Ba Ngôi thần linh thành hiện thực lịch sử.
2. Sự khác biệt trong Gia đình
- Đôi bạn, là những nhân vật chủ chốt vì gia đình dựa trên nền tảng hôn phối của họ, rất khác nhau : về giới tính, tính tình, tính cách, về văn hóa, có thể khác cả về tôn giáo tín ngưỡng. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, đôi bạn gặp gỡ rồi yêu nhau và muốn xây dựng gia đình với nhau thường có nguồn gốc văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, sắc tộc ... khác nhau.
a. Khác biệt về văn hóa: văn hóa khác biệt do nguồn gốc địa phương, ngôn ngữ, sắc tộc khác biệt, hoặc trình độ học thức khác biệt. Khác biệt có thể gây hiểu lầm, sinh ra căng thẳng xung đột khi sống chung. Không hiểu biết những hành vi thuộc đặc thù văn hóa của tha nhân nhưng đồng thời ta thường vẫn có những ý nghĩ, xét đoán, và phản ứng theo những ý nghĩ, định kiến của riêng ta, làm sai lệch tầm nhìn, và dễ tạo nên thương tổn cho nhau. Vì thế, mọi người cần tìm hiểu qua đối thoại chân thành, cởi mở, tin tưởng và kính trọng nhau. Không được xem văn hóa này cao trọng hơn còn văn hóa kia thấp kém hơn, vì mọi văn hóa là một phiên bản khác biệt của một văn hóa nhân loại chung và nhân dạng các nền văn hóa cũng không ngừng tương tác và thay đổi. Điều quan trọng không phải là bỏ đi một văn hóa để đón nhận một văn hóa khác, nhưng là: sự khác biệt làm cho nhau thêm phong phú để cùng xây dựng một điều gì mới mẻ.
«Này anh, điều anh khác với tôi không làm tổn hại tôi nhưng làm tôi thêm phong phú.» (Antoine de Saint-Exupéry)
b. Khác biệt về tôn giáo: Đời sống chung thân mật trong tình yêu thương của gia đình cũng có thể là một cuộc đối thoại liên tôn giữa những thành viên khác tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình, hoặc với các gia đình khác trong gia tộc và trong cộng đồng xã hội. Một nguyên tắc phải được tôn trọng: “trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm”[2]. Đối thoại còn là gì hơn nữa chứ không chỉ đơn giản là sự khoan dung giữa những người khác biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Đối với người Kitô hữu, tin rằng Đức Giêsu Kitô là «Sự thật» (Ga 14,6) có nghĩa là chấp nhận cùng đồng hành với tha nhân, nhất là với “thân nhân” của mình, lại cũng là người khác niềm tin với mình để có thể hiểu biết chính xác hơn, sâu xa hơn “sự thật” này là gì. Đối thoại liên tôn trong gia đình thường đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bĩ có thể cho đến cuối cuộc đời, cố gắng “hợp nhất trong những điều thiết yếu, tự do trong những điểm còn nghi ngờ, bác ái trong tất cả mọi sự”[3].
c. Khác biệt về giới tính: “Mỗi người, nam cũng như nữ, phải nhận biết và chấp nhận căn tính giới tính của mình. Sự khác biệt và bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh hướng đến lợi ích của hôn nhân và phát triển đời sống gia đình. Sự hòa hợp của đôi vợ chồng và của xã hội tùy thuộc phần nào vào việc hai bên nam nữ bổ túc, đáp ứng và nâng đỡ lẫn nhau”[4].
3. Gia đình là cộng đoàn đối thoại với nhau
- Gia đình là cộng đoàn sự sống thân mật và yêu thương hợp nhất giữa các thành viên khác biệt: vợ với chồng, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu chắt, anh chị em, dâu và rễ. Trong đó sự hợp nhất giữa vợ chồng là nền tảng rất quan trọng cho sự hợp nhất trong gia đình, trong các tương quan còn lại trong gia đình. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Yêu thương là hợp nhất trong khác biệt. Để được như thế họ phải hiểu biết và tôn trọng những cái giống nhau và cả những điều khác nhau, mà trước hết là phải đối thoại với nhau cởi mở và chân thành trong tin tưởng và yêu thương. Muốn thế, vợ chồng phải dành thời gian riêng cho nhau, dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng, âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, như ông bà ta khi xưa nói: “vợ chồng tương kính như tân”.
- Cộng đoàn đối thoại còn là cộng đoàn biết chia sẻ những việc cụ thể chung của gia đình:
1. Ăn ở : chia sẻ việc nhà cửa, bếp núc, bàn bạc trong tương quan với cha mẹ anh em hai bên nội ngoại, xóm giềng, chịu chung trách nhiệm mọi việc.
2. Tài chánh : Chia sẻ được mọi chi và tiêu: có thể công khai những món tiền lớn và tiền nhỏ.
3. Việc con cái: cùng đón nhận đứa con chào đời, chia sẻ việc nuôi và cùng nhau giáo dục con cái, trao đổi thống nhất việc giáo dục con cái, nhất là cùng dạy con biết Chúa.
4. Chuyện vợ chồng : Có thể chia sẻ thực lòng với nhau những giai đoạn khó khăn và nhu cầu thầm kín. Học phương pháp kế hoạch gia đình theo tự nhiên, trước hết phải là kĩ năng giúp vợ chồng sống hạnh phúc nhờ hiểu để biết chia sẻ. Tiết dục định kỳ cũng như những phương pháp điều hòa sinh sản đặt nền tảng trên việc tự quan sát và sử dụng những thời gian không thể thụ thai: đều phù hợp với các tiêu chuẩn khách quan của luân lí. Những phương pháp này tôn trọng thân thể của vợ chồng, khuyến khích họ âu yếm và giúp nhau hướng đến tự do chân chính[5].
5. Cầu nguyện : Đọc kinh chung là có thể thổ lộ với Chúa cùng tâm tư. Nền tảng của hiệp thông vợ chồng chính là Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể.
6. Không giấu nhau chuyện gì : thống nhất với nhau từ đầu, điều gì làm mà không dám nói cho nhau biết tập ý thức không làm.
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
Gia đình tôi có Chúa hiện diện trong đối thoại gia đình hay không?
Giữa vợ chồng, giữa cha/mẹ và con còn có điều gì chưa thể chia sẻ, trao đổi, tâm sự không?
Khi đối thoại chúng tôi có tôn trọng sự dị biệt chính đáng của nhau, có thực sự quan tâm muốn chia sẻ và nâng đỡ nhau vì yêu thương hay không?
.......................................................
[1] FC 55.
[2] CĐ Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae 2.
[3] GS 92.
[4] GLHTCG 2333.
[5] GLHTCG 2370; X. ĐGH Phaolô VI, Tđ. Humanae Vitae 16.
nguồn: http://www.ubmvgiadinh.org/