Tháng 08/2014 Gia đình loan báo Tin mừng: TRƯỜNG HỌC ĐẦU TIÊN
Posted by Ban Biên TậpTháng 08/2014
Gia đình loan báo Tin mừng:
TRƯỜNG HỌC ĐẦU TIÊN
Lời Chúa: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6, 4).
Ý cầu nguyện: Tạ ơn Thiên Chúa đã chọn một gia đình để Đức Giêsu, Ngôi Lời, được sinh ra, được nuôi dạy suốt ba mươi năm cho lớn lên, cho biết hiếu thảo, vâng phục, nên người và nên Con Thiên Chúa.
Bài ca ý lực: Loan Tin Mừng (Ca Vang Tin Mừng tr.96).
1. Quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ
- Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn nơi mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống một đời sống làm người trọn vẹn. Như Công Đồng Vaticanô II đã nhắc lại: "Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được [...] ; gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được"[1]. “Quyền và bổn phận giáo dục con cái là quyền và bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ”.[2]
- Ngoài những đặc điểm ấy, người ta cũng không thể quên rằng yếu tố gốc rễ nhất, có tính cách định tính cho bổn phận giáo dục của cha mẹ, chính là tình phụ tử và tình mẫu tử, tình yêu này được hoàn thành trong công cuộc giáo dục khi nó bổ túc và hoàn thiện trọn vẹn công việc phục vụ sự sống của họ. Như một nguồn mạch, tình yêu thương của cha mẹ trở thành linh hồn và là nguyên tắc gợi hứng và hướng dẫn tất cả hành động giáo dục cụ thể, bằng cách phong phú hóa nó với những giá trị như sự dịu dàng, kiên trì, nhân hậu, phục vụ vô vị lợi, tinh thần hy sinh, là những bông hoa quí báu nhất của tình yêu.
2. Giáo dục theo các giá trị chính yếu của đời người
- Dù phải đương đầu với những khó khăn, mà ngày nay lại thường là những khó khăn to lớn trong trách nhiệm giáo dục con cái, bậc cha mẹ cần phải tin tưởng và can đảm giáo dục con cái họ theo những giá trị chính yếu của đời người. Trẻ em phải lớn lên trong một sự tự do chân chính trước các của cải vật chất, biết chọn một nếp sống giản dị và khắc khổ, vì xác tín mạnh mẽ rằng: "giá trị của con người là do ‘cái mình là’, hơn là do ‘cái mình có’"[3].
- Gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các nhân đức. Việc giáo dục này đòi phải tập bỏ mình, tập phán đoán lành mạnh, tập tự chủ, là những điều kiện để có sự tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết “đặt những gì là vật chất và tự nhiên phụ thuộc những gì thuộc nội tâm và tinh thần”. Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nêu gương tốt cho con cái.[4]
- Gia đình là môi trường tự nhiên để khai tâm cho nhân vị về tình liên đới và về các trách nhiệm trong cộng đồng. Cha mẹ phải dạy con cái biết giữ mình khỏi những nguy hiểm và những sa đọa đang đe dọa xã hội loài người.[5]
- Gia đình là trường học đầu tiên, trường học căn bản về đời sống xã hội. Như một cộng đồng yêu thương, gia đình nhận ra rằng tự hiến mình là qui luật hướng dẫn gia đình và làm cho gia đình tăng trưởng. Sự hiến mình đang làm cho tương quan giữa đôi bạn với nhau được sinh động chính là kiểu mẫu và nguyên tắc cho sự hiến mình cần có giữa anh chị em trong nhà và giữa những thế hệ khác nhau đang cùng sống trong gia đình.
- Việc giáo dục tình yêu như sự tự hiến còn giúp cha mẹ có được những tiền đề cần thiết để cống hiến cho con cái họ một sự giáo dục tính dục rõ ràng và tế nhị. Trước một văn hóa đang biến phần lớn tính dục con người thành tầm thường, cả trong cách diễn giải lẫn trong cách sống thu hẹp và nghèo nàn, cũng như chỉ liên kết tính dục với thể xác và với lạc thú ích kỷ, việc phục vụ giáo dục của cha mẹ phải cương quyết nhắm đến một nền văn hóa tính dục là một sự phong phú của toàn thể ngôi vị. Thật vậy, tính dục là một sự phong phú của toàn thể ngôi vị - thể xác, tình cảm, tâm hồn – và biểu lộ ý nghĩa thâm sâu của nó bằng cách đưa ngôi vị ấy đến chỗ tự hiến trong tình yêu.[6]
3. Những nhà giáo dục đức tin
- Nhờ ân sủng của bí tích Hôn phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái. Cha mẹ khai tâm cho con cái về các mầu nhiệm đức tin ngày từ đầu đời, chính họ là “những sứ giả đầu tiên” (LG 11) của đức tin đối với con cái mình. Lúc chúng còn thơ ấu, cha mẹ phải giúp con hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh. Cách sống của gia đình, chứng từ của đời sống Kitô hữu theo Tin mừng, dạy Giáo lý trong gia đình là bước đi đầu tiên, và bước đi đồng thời và làm phong phú các hình thức giáo dục đức tin khác như ở trường học, giáo xứ, ... Cha mẹ có sứ vụ dạy con cái cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (LG 11). Giáo xứ là cộng đoàn Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt nhất để dạy giáo lý cho con cái và cho cha mẹ chúng[7].
- Gương sống cụ thể, chứng tá sống động của cha mẹ, là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện : chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới đi vào sâu được trong tâm hồn con cái và để lại đó những dấu vết mà các biến cố cuộc sống về sau sẽ không thể xóa nhòa được. Đức giáo hoàng Phaolô VI ngỏ lời với cha mẹ: "Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Ki-tô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu: xưng tội, rước lễ, thêm sức không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Ki-tô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ Đồng Trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình không? Còn anh em hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống của anh em, qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ bằng ít nhiều kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: "Bình an cho nhà này". Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Giáo Hội"[8]
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Giáo dục con cái là một sứ mạng và đặc ân lớn lao của cha mẹ, bởi vì chính họ thực sự đào tạo nên những con người mới, thông truyền cho con cái những giá trị đích thực về nhân bản và đức tin. Anh chị có ý thức điều đó và đã giáo dục con cái như thế nào ? Anh chị quan tâm đến giáo dục những giá trị nhân bản nào nhất nơi con cái?
2. Gợi ý của đức Phaolô VI giúp anh chị có sáng kiến gì giáo dục cầu nguyện, giáo dục đức tin cho con cái?
[1] Cđ. Vatican II, Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, 3.
[2] GLHTCG 2221;x. FC 36.
[3] GS 35.
[4] X. GLHTCG 2223.
[5] X. GLHTCG 2224.
[6] X. FC 37.
[7] X. GLHTCG 2226.
[8] Đ. Phaolô VI, diễn văn buổi tiếp kiến chung 11.08.1976.