Ông chậm rãi đưa chén trà lên môi, đôi mắt xa xăm, vẻ như chăm chú lắng nghe. Lời người con đầu: “Không được. Ba coi, giờ tóc con cũng sợi đen sợi trắng, ba làm cái việc đó, người ta cười cho”.
Người con thứ hai nói: “Cháu ngoại, cháu nội ba sắp lấy chồng lấy vợ, để tụi nó còn ngẩng mặt với chứ ba”. Thằng Út nửa đùa nửa thật: “Vui chơi… bí mật thì được ba à! Chứ tuổi này, bà ta có muốn, cũng là muốn cái tài sản của ba thôi”. Câu nói của thằng Út, không dưng khiến mắt ông cay cay, cổ họng đắng nghét. Hơn bốn chục năm trước, ông từng thốt ra một lời y chang. Câu nói của thằng Út làm ông nhớ đến một cuốn sách(*) từng đọc, có câu: “Thảo thuận lại sanh con thảo thuận, ngang trái lại sanh con ngang trái. Chẳng tin, hãy xem nước đầu thềm, nhỏ nhỏ giọt giọt không sai dời”. Bất giác ông rùng mình, thấm thía sự trùng hợp đến xót xa.
Cha mất năm ông mười tuổi, em trai lên bảy. Cha để lại cho mấy mẹ con ông một gia nghiệp phải quản lý, tiếp nối, phát huy. Đó là cửa hiệu vải lớn nhất thị xã nơi ông sống bấy giờ. Mẹ ông giỏi giang, biết chèo chống lo toan nên anh em ông có cuộc sống sung túc, chưa một ngày lo nghĩ chuyện mưu sinh.
Mẹ ông xinh đẹp. Bà được nhiều người theo đuổi. Đó là điều duy nhất khiến ông cảm thấy không vui. Một lần, bà đưa người lạ về, giới thiệu là bạn học cũ nhưng lại trao cho nhau những cử chỉ thân mật, ánh nhìn tình tứ. Đang ngồi chung bàn ăn, ông tỏ vẻ khó chịu, bất ngờ đứng phắt dậy rồi vờ quơ tay hất chiếc đĩa rơi xuống đất. Sau độ ấy, người mẹ không cho phép lòng mình được xao động trước ai. Rồi ông lập gia đình, có con. Hôm thôi nôi cháu nội, mẹ ông đến thăm cùng một người khách lạ. Lòng ông thêm lần nữa gợn cảm giác bất an. Đợi khách khứa ra về, mẹ ông không dám nhìn vào mắt ông, nói: “Mẹ với bác đây muốn dọn về chung sống. Các con đều lớn khôn, ổn định, nên mẹ…”. Ông lạnh lùng cắt ngang: “Mẹ, tuổi này sao?”. Bà khóc: “Mẹ đã yêu thương các con và làm tròn bổn phận của người vợ góa. Mẹ chỉ mong quãng đời còn lại có người bạn tâm giao, sớm hôm nương tựa, chia sẻ”. Ông giãy nảy: “Chúng con không chia sẻ gì hết với mẹ à? Con đây, cháu đấy, mẹ còn cần gì?”. Sau câu nói đó, như không giữ được mình, ông tiếp: “Ông ấy yêu thương gì tuổi này, có muốn, cũng là muốn cái tài sản của mẹ thôi!”.
Người đàn ông xa lạ chết sững, rồi lao ra khỏi nhà. Chỉ còn mấy mẹ con, lời xin lỗi muộn màng của ông không ngăn được hành động mẹ ông lấy giấy mực, viết rằng toàn bộ gia sản để lại cho con. Xong đâu đấy, bà bỏ đi, tìm kiếm người đàn ông của mình, người cần và cho bà nhiều điều mà chỉ ở cái tuổi xế chiều mới thấu cảm, không vật chất, tiền tài nào đổi được. Mẹ chọn sống giản dị trong căn nhà đơn sơ của người ấy. Cho đến năm bà mất, ông vẫn không nhận ra căn nhà mộ cao sang mình xây cất cho mẹ chẳng thể nào ấm tình như bó hoa rẻ tiền mà hàng tuần người đàn ông kia mang đến… Giờ nỗi đau ấy, ngờ đâu vận vào ông, với những trống vắng, khát thèm một cử chỉ ân cần, vài lời hỏi han lo lắng hay đơn giản chỉ là cái nắm tay siết nhẹ của ai đó trong căn nhà trống trải chỉ còn có mình ông, kể từ độ vợ ông mất. Ông mong mối tình già vừa chớm nở của mình được các con thuận chịu. Tình yêu của tuổi già là sự dìu đỡ, nương tựa, đơn giản chỉ trao cho nhau ly nước, xoa giúp nhau miếng dầu giữa đêm hôm. Tiếc thay, các con không thể cảm thông, thấu hiểu, giống như ông đã từng.
Ông rời khỏi ghế, chậm rãi đi về phòng rồi mang tờ di chúc ra. Cùng một động thái như mẹ ông trước đây, cho các con tất cả cơ nghiệp, tài sản ngay khi ông còn hiện hữu, ông quyết tâm bỏ ngoài tai lời khuyên can của các con. Tuổi này hay tuổi nào thì con người ta cũng đều mưu cầu hạnh phúc, miễn sao không trái đạo, miễn sao lòng thanh thản. Nhưng, lòng ông từ dạo đó đã không còn thanh thản, cảm giác hối hận với người mẹ đã khuất cứ dày vò. Nỗi đau như giọt nước đầu thềm.
Tuyết Dân
(*): Sách Minh tâm bửu giám