Tháng mười một- Gia đình loan báo Tin mừng: Xây Dựng và Phát triển Xã hội
Posted by Ban Biên TậpTháng mười một
Gia đình loan báo Tin mừng:
Xây Dựng và Phát triển Xã hội
Lời Chúa: [Hãy dâng lời cầu nguyện cho những người cầm quyền] “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tm 2,1-2).
Ý cầu nguyện: Xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho những người cầm quyền để họ, qua việc bảo vệ và thăng tiến các gia đình như tế bào của xã hội, dẫn đưa dân tộc đến bến bờ bình an và hạnh phúc.
Bài ca ý lực: Ba Ngọn Nến Lung Linh (Ngọc Lễ).
1. Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội
- “Đấng Tạo hóa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người” nên gia đình trở thành “tế bào đầu tiên và sống động của xã hội”.[1] Gia đình là một xã hội tự nhiên, trong đó, người nam và người nữ được kêu gọi trao hiến bản thân trong tình yêu và trao tặng sự sống[2]. Chính từ giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên học tập các đức tính xã hội, vốn là linh hồn cho sinh hoạt và phát triển xã hội.
- Kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm của đời sống hằng ngày của gia đình, tạo nên phần thiết yếu và nền tảng mà gia đình đóng góp được cho xã hội. Các tương quan trong gia đình được sống và nuôi dưỡng bằng luật “cho không”. Trong gia đình, người ta học ý thức phẩm giá của nhân vị và kính trọng nhân vị như là nguồn giá trị duy nhất, cụ thể qua thái độ tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại, phục vụ vô vị lợi, tương trợ,... nhưng trên cơ sở biết kính trọng và công bằng. Từ đó các tương quan cộng đồng được mở rộng. Như thế, gia đình giúp kiến tạo thế giới, mang lại một cuộc sống thực sự nhân đạo, cách riêng bảo tồn và thông truyền lại các nhân đức và các giá trị[3]. Gia đình là “nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp đỡ nhau trở nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội”.[4]
- Bốn nguyên tắc giúp phát triển đời sống xã hội ngay từ trong gia đình:
1. Thời gian lớn hơn không gian.
2. Hiệp nhất lớn hơn xung đột
3. Thực tế lớn hơn ý tưởng
4. Toàn thể lớn hơn thành phần.
(X. ĐTC Phanxicô, Evangelii Gaudium, 222-237).
2. Vai trò xã hội và chính trị của Gia đình
- Vai trò xã hội của gia đình không thể chỉ giới hạn vào việc truyền sinh và giáo dục. Gia đình, cách riêng tư hay kết thành hiệp hội, có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng cho người nghèo, cho những người mà các tổ chưc từ thiện và cứu tế công không thể lo hết được. “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).
- Gia đình cần mở lòng chăm chú lắng nghe tiếng kêu xin của người nghèo (x. Xh 3,7-8.10; Tl 3,15; Đnl 15,9) và đáp lại (Mc 6,37), bằng cách:
. loại trừ các cơ cấu tạo ra đói nghèo;
. cổ võ sự phát triển toàn diện của người nghèo;
. làm những việc nhỏ hàng ngày liên đới với người nghèo;
. tạo một tư duy mới: ưu tư cho cộng đồng trước, cho công ích hơn tư hữu. (X. ĐTC Phanxicô, EG, 186-216).
- Vai trò xã hội của gia đình còn được mời gọi diễn tả dưới hình thức can thiệp chính trị. Chính các gia đình là những kẻ đầu tiên phải làm sao để các luật lệ và cơ chế của Nhà nước không những đừng làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận của gia đình, nhưng còn nâng đỡ và bảo vệ chúng một cách tích cực. Gia đình là người đi đầu của “chính sách gia đình”, và phải lãnh lấy trách nhiệm biến đổi xã hội; nếu không chính gia đình sẽ là nạn nhân đầu tiên của những điều xấu vì đã thụ động lãnh đạm đứng nhìn.[5]
3. Xã hội phục vụ Gia đình
- Tương quan chặt chẽ giữa gia đình và xã hội còn theo chiều ngược lại: xã hội không được thiếu sót trong bổn phận nền tảng của nó là tôn trọng và thăng tiến gia đình. “Gia đình phải được giúp đỡ và bảo vệ bằng những biện pháp xã hội thích hợp. Nơi nào các gia đình không đủ khả năng chu toàn các nhiệm vụ của mình, thì các tổ chức xã hội khác có bổn phận trợ giúp các gia đình đó và nâng đỡ thể chế gia đình. Theo nguyên tắc bổ trợ (subsidiarity) những cộng đồng lớn hơn phải lưu ý để không tiếm quyền các gia đình đó, cũng không xen vào đời sống của họ”[6]. Chắc chắn gia đình và xã hội có những vai trò bổ sung cho nhau trong việc bảo vệ và thăng tiến công ích cho hết mọi người và cho con người toàn diện. Nhưng phải nhận rằng gia đình là “một xã hội được hưởng một quyền lợi riêng biệt và ưu tiên”[7].
- Cộng đồng chính trị có bổn phận tôn trọng, trợ giúp và nhất là bảo đảm cho gia đình có được các quyền sau đây:
- Quyền tự do lập gia đình, quyền sinh con cái và giáo dục chúng theo những xác tín luân lí và tôn giáo của mình;
- Quyền bảo toàn sự bền vững của dây liên kết phu thê và thể chế gia đình;
- Quyền tự do tuyên xưng đức tin, lưu truyền và giáo dục đức tin cho con cái bằng những phương tiện và thể chế cần thiết;
- Quyền tư hữu, tự do kinh doanh, có việc làm, có nhà ở, quyền di cư;
- Quyền được chăm sóc y tế, trợ cấp tuổi già, phụ cấp gia đình, theo thể chế của quốc gia;
- Quyền được bảo vệ an ninh và cuộc sống lành mạnh, nhất là tránh các nguy cơ như xì ke ma túy, sự khiêu dâm, thói nghiện rượu, v.v...
- Quyền tự do liên kết với các gia đình khác để lập các hiệp hội và như thế, được có đại diện trước các quyền bính dân sự.[8]
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
1. Gia đình làm thế nào để góp phần phát triển xã hội và đời sống công dân trong tình hình hiện nay ?
2. Gia đình không chỉ phục vụ xã hội, mà xã hội cũng phải làm hết sức để thăng tiến phúc lợi cho gia đình. Xã hội phải làm thế nào để củng cố gia đình ?
3. Nếu gia đình anh chị được mời gọi góp ý, để giúp xã hội tạo điều kiện thăng tiến gia đình thì anh chị ưu tiên góp ý điều gì ?
[1] X. AA, 11. X. FC 42.
[2] X. GLHTCG 2207.
[3] X. FC 43,
[4] GS 52.
[5] X. FC 44; GS 30. Nghi vấn: Ví dụ, luật cho phép “hôn nhân” đồng giới và nhận con nuôi; hoặc như luật cho phép “mang thai hộ”,... sẽ ảnh hưởng lên gia đình truyền thống như thế nào?
[6] GLHTCG 2209.
[7] X. FC 45.
[8] GLHTCG 2211; X. FC46