Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 6. Giáo xứ: Cộng đoàn Hội thánh hiệp nhất với nhau trong Lòng Thương Xót
Posted by Ban Biên TậpNăm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn
– Gợi ý mục vụ –
Đề tài 6. Giáo xứ: Cộng đoàn Hội thánh hiệp nhất với nhau trong Lòng Thương Xót
“Họ luôn luôn hiệp thông với nhau” (Cv 2,42)
Lạy Cha Chí Thánh, Đấng Toàn Năng, Đấng Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
1. Gặp gỡ “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4)
– “Hội Thánh sống thật khi tuyên xưng lòng thương xót, thuộc tính đáng yêu quý nhất của Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc, khi Hội Thánh dẫn con người đến nguồn của lòng thương xót của Ngài, Hội Thánh vừa là người nhận vừa là người trao... Vì tội lỗi đang hoành hành trên thế gian nên Thiên Chúa đã ban Người Con Một, Thiên Chúa là Tình yêu không thể mạc khải gì khác ngoài lòng thương xót...” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Dives in misericordia). Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh – Chết – Phục sinh, “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3), chính là hiện thân của Lòng Thương Xót vô cùng.
– “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (ĐGH Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 17-03-2013). Dung mạo hay thương xót của Thiên Chúa trong Năm thánh về Lòng Thương Xót sắp tới, đặc biệt được Phúc âm Luca, “nhà văn mô tả nét dịu hiền của Chúa Kitô” (scriba mansuetudini Christi), mô tả trong các dụ ngôn đồng tiền đánh mất, con chiên đi lạc, dụ ngôn người Cha đầy lòng thương xót.
– Việc đón nhận lòng thương xót của Chúa đòi hỏi chúng ta phải thú nhận tội lỗi của mình: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính, sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,8-9). Và đồng thời đòi hỏi sự tín thác, vì “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). “Cần phải trở về tòa cáo giải, nơi cử hành bí tích Hòa giải, nơi chúng ta “thường trú”, để tín hữu thấy được lòng thương xót, lời khuyên nhủ và an ủi, cảm nhận được Tình yêu và Lòng Thương Xót Chúa hiện diện, bên cạnh sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể” (ĐGH Bênêđictô XVI, Huấn từ cho các tham dự viên khóa họp XXI của Tòa Ân Giải Tối Cao). Thánh thiện trước tiên là ý thức bản thân như một tội nhân (th. Gioan Thánh Giá). Chính khi ý thức mình là tội nhân, đó là bước đầu cho việc thay đổi và chấp nhận hoán cải nhờ Lòng Thương Xót của Chúa.
2. Thực thi lòng thương xót
– “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót. Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau.”[1] Ngay từ Cựu ước đã có những chỉ thị pháp lý đủ mọi loại như: năm tha nợ, cấm cho vay lấy lãi và cầm cố, nghĩa vụ đóng thuế thập phân, trả lương mỗi ngày, quyền được mót ở ruộng lúa và vườn nho. Những việc đó đáp lại lời khuyên: “Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo. Nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em trong miền đất của anh em” (Đnl 15,11). Chúa Giêsu biến những lời này thành của Người: “Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (Ga 12,8). Nói như thế, không có nghĩa là Người làm giảm nhẹ đi lời tiên tri xưa: “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy người cùng khổ” (Am 8,6), nhưng Người mời gọi chúng ta nhận biết sự hiện diện của Người nơi những người nghèo là anh em của Người (cf. Mt 25,40).[2]
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, cũng đã bày tỏ: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Hội Thánh hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm”. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã dành nhiều ưu ái hơn cho những người gặp cảnh khốn cùng, không bao giờ ngưng an ủi, bảo vệ và giải thoát những người đó, bằng vô số công việc bác ái (caritas), những việc này là cần thiết mọi lúc và mọi nơi.[3] Cách đặc biệt, trong khi chăm sóc mục vụ gia đình, “trước tiên, cần phải chăm sóc những người bị thương tích. Hội thánh là Mẹ, Hội thánh phải đi trên con đường của lòng thương xót và tìm cách diễn tả lòng thương xót của Chúa cho mọi người”.[4]
– Ý nghĩa và các việc làm của lòng thương xót: Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ là những việc từ thiện về tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Các việc từ thiện về phương diện vật chất gồm có, ví dụ như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết (cf. Mt 25,31-46).
– Sự khốn cùng của con người biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau: cùng cực về của cải vật chất, bị đàn áp chịu bất công, bệnh tật thể chất và tâm thần, sau cùng là cái chết. Tất cả những sự khốn cùng này của con người là dấu chỉ của một sự khốn cùng thâm sâu hơn: thiếu vắng Thiên Chúa. Đó là tình trạng yếu đuối nguyên thủy, trong đó con người đang sống, sau khi con người phạm tội đầu tiên. Đó cũng là dấu chỉ cho thấy con người rất cần ơn cứu độ. Những nỗi khốn cùng đó lôi kéo lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ, đã muốn mang lấy xác phàm tội lụy với những nỗi khốn cùng đó, khi Người đồng hóa mình với ‘những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây’ (Mt 25,40.45).
“Ngợi ca lòng thương xót Chúa đã ban tặng con /
Hỡi trái tim từ nhân, con tín thác nơi Ngài /
Chiều đồi núi Canvê năm nào Ngài chết treo thân, /
Thập tự Ngài đã hiến dâng máu đào để cứu chuộc con./
Và dòng suối yêu thương chan hòa từ trái tim thâu tuôn tràn
tẩy xóa đi bao lỗi tội tái sinh đời con” (Lời bài hát).
Câu hỏi thảo luận
1. Hội thánh có thể biểu lộ dung mạo lòng thương xót Chúa như thế nào, qua những hình thức nào tại địa phương mình?
2. Anh chị có thể chia sẻ một kinh nghiệm hoán cải do gặp gỡ lòng thương xót của Chúa ở trong gia đình, hay cộng đoàn giáo xứ hay giáo họ mình hay không?
3. Cộng đoàn nhỏ hay nhóm của anh chị sống sự hiệp nhất như thế nào xuyên qua cùng hiệp công phục vụ trong việc bác ái, đồng hành với những anh chị em, hay gia đình gặp cảnh khốn cùng?
–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] ĐGH Phanxicô, Kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015.
[2] cf. GLHTCG 2449.
[3] cf. GLHTCG 2448.
[4] ĐGH Phanxicô, trả lời phỏng vấn trên chuyến trở về từ Đại hội Giới trẻ 2013.
Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn