Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 21 Tháng 7 2015 16:33

Định chế hôn nhân gia đình trước sự công phá của một xã hội tục hóa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Định chế hôn nhân gia đình trước sự công phá của một xã hội tục hóa
Những bộ mặt của chủ nghĩa tục hóa
Hơn nửa thế kỷ trước đây, Công Đồng Vatican II chỉ ra những nguy cơ gây ra khủng hoảng cho đời sống gia đình và đe dọa thánh đức của định chế hôn nhân. Lúc bấy giờ, Hội Thánh đã cảnh báo những căn bịnh hiểm nghèo phải khẩn trương chữa trị, như chế độ đa thê, nạn ly dị, kiểu sống buông thả “tự do luyến ái”, chủ nghĩa khoái lạc, những hình thức hạn chế sinh sản…
Ngoài những hiện tượng nói trên, Công Đồng còn chứng tỏ có tầm nhìn ngôn sứ, khi kêu gọi mọi người chú ý đến những tai họa tiềm tàng đối với lẽ tồn vong của các giá trị truyền thống cao quý của hôn nhân và gia đình. Những tai họa đáng sợ đó – theo lời dạy của Hội Thánh – tựa những dị chứng tật bịnh đang chờ cơ hội thuận tiện là bùng phát, một khi các loại vi trùng cực độc chứa trong vỏ bọc mỹ miều của giấc mơ kinh tế và chính trị, kèm theo lời hứa hẹn ngọt ngào của một thế giới xây trên nền văn minh được khoa học và kỹ thuật chống lưng.
Những gì đang xảy ra đầu thế kỷ XXI nầy chứng minh tính “tiên tri” của tài liệu “Vui Mừng Và Hy Vọng”, do Chúa Thánh Thần soi dẫn các vị chủ chăn trong Hội Thánh, hun đúc thành một chiếc la bàn vô cùng thiết yếu cho gia đình nhân loại đi vào chuyến hành trình đầy phong ba bão táp.
Theo mức độ độc hại hủy diệt các giá trị gia đình truyền thống, cũng như theo tầm ảnh hưởng rộng lớn và sâu xa vào cộng đồng nhân loại, có thể lần lượt điểm mặt chỉ tên các tai họa đang câu kết với nhau để công phá mái ấm của con người.
Trước hết là hiện tượng toàn cầu hóa. Được hậu thuẫn với tiến bộ vượt bực của kỹ thuật truyền thông và tin học, ý tưởng thu gọn thế giới thành một ngôi làng nhỏ đã được thực hiện. Tuy nhiên, không phải mọi người chỉ đón nhận những phúc lợi từ công cuộc toàn cầu hóa, họ cũng phải mặc nhiên lãnh lấy trọn gói toàn cầu hóa với những yếu tố rất tiêu cực, thậm chí rất độc hại, về cả hai lãnh vực vật chất và tinh thần. Do đó, bên cạnh toàn cầu hóa thành quả khoa học, kỹ thuật chẳng hạn, lại có toàn cầu hóa tội ác và các thứ tệ nạn xã hội.    
Toàn cầu hóa là một cuộc đối đầu không cân sức, không công bằng, không thương xót, không tình người, giữa một bên là nhóm thiểu số nhà giàu, là câu lạc bộ quy tụ các siêu cuờng kinh tế, chính trị, và quân sự – cả văn hóa cũng được huy động như loại “quyền lực mềm”, tăng thêm hiệu năng áp đảo đối phương – và bên kia là khối đa số nhà nghèo, bao gồm các dân tộc – tuy không nhứt thiết còn sống trong tình trạng bán khai về văn hóa; ngược lại, một số trong họ còn đạt tới một truyền thống nhân văn và tâm linh vượt xa kẻ xâm lăng thống trị họ – nhưng rõ ràng suy yếu về kinh tế, lạc hậu về chính trị, và không có điều kiện phát triển tiềm năng khoa học, kỹ thuật.
Toàn cầu hóa chẳng khác gì cơn đại hồng thủy đổ ập xuống trên nhân loại, khiến cho không ít cá nhân và tập thể, hoặc do không lường trước tầm nghiêm trọng của “con dao hai lưỡi” nầy, hoặc do thiếu phòng ngự trước những góc độ tiêu cực của nó, đã chịu nhiều tổn thất nặng nề, không dễ gì một sớm một chiều mà có thể hồi phục.
Trên nguyên tắc, toàn cầu hóa cho hai đối tác cơ hội bình đẳng trong tiến trình trao đổi các giá trị đời sống kinh tế, chính trị, và văn hóa. Nhưng trong thực tế, ai giàu hơn và mạnh hơn thường áp đặt các giá trị riêng của họ trên người nghèo hơn và yếu hơn. Thay vì khuyến khích dân chủ, tự do đúng nghĩa, toàn cầu hóa rốt cục trở thành công cụ hữu hiệu trong tay thế lực ác tà, để truyền bá và thực hiện chủ nghĩa đế quốc văn hóa trên những dân tộc nghèo và kém phát triển.
Vũ khí đáng sợ của thứ chủ nghĩa đế quốc văn hóa nói trên chính là triết lý kinh tế thị trường. Đây là quan niệm về kinh tế thị trường:
Kinh tế thị trường được xây dựng trên tương quan giữa cung và cầu, rất ít chịu, hoặc hoàn toàn không chịu, quyền kiểm soát của chính phủ. Một thị trường hoàn toàn tự do là hình thức lý tưởng của kinh tế thị trường, trong đó kẻ mua và người bán được tự do giao dịch theo giá cả do hai bên thỏa thuận, không bị nhà nước can thiệp bằng chính sách thuế, trợ giá hoặc định hướng.[1]
Mặt nổi của kinh tế thị trường có vẻ là một cơ hội thuận lợi cho mọi người, mọi quốc gia tham dự vào công cuộc sản xuất và buôn bán hàng hóa một cách thoải mái, tự do, không bị nhà nưóc chi phối, khống chế. Nhưng tiềm ẩn bên dưới lớp áo bọc đường ngọt ngào đó lại là liều thuốc đắng – không hiếm khi là liều thuốc độc. Điều mọi người đều nhận thấy phi lý là sao có thể giữ tương quan kinh tế bình đẳng giữa hai đối tác bất bình đẳng về nhiều phương diện: vốn liếng đầu tư, trình độ khoa học và kỹ thuật, tay nghề của công nhân.
Điều đáng sợ hơn nữa là chủ trương loại bỏ vai trò trọng tài của chính quyền trong việc điều tiết vận hành hợp pháp và hợp đạo lý của hoạt động kinh tế. Vấn đề vô hiệu hóa trách nhiệm của nhà nước là lo cho quốc thái dân an càng đặc biệt nguy hại, nếu đó là một chính quyền được bầu ra một cách tự do và dân chủ để phục vụ và bảo vệ quyền lợi người dân. Một khi đã khống chế được chính quyền, những cá nhân hoặc phe nhóm lợi ích sẽ lập tức trở thành một thứ siêu chính quyền, chi phối tất cả nền kinh tế quốc dân, quyết định chính sách kinh tế của một quốc gia, thậm chí của khu vực, hay của thế giới.
Trong cơn hồng thủy toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, thân phận người dân thường, mặc dầu chiếm đa số, trở thành người không có tiếng nói, không có chỗ đứng ngay giữa quê hương, đất nước của mình.
Kinh tế thị trường, tuy có một số ưu thế như khuyến khích mọi đối tác vào cuộc chơi kinh tế hào hứng, sòng phẳng thuận mua vừa bán, song ai cũng thấy rõ và thấy trước ai được thụ hưởng lợi ích ưu đãi hơn ai.  
Một khi không còn bị khống chế trong khuôn khổ luật pháp và được hướng dẫn nhờ các giá trị đạo đức nhân bản, toàn cầu hóa và kinh tế thị trường mau chóng hiện nguyên hình là cặp quái thú tàn phá những giá trị ngàn đời của nhân loại.
Gia đình: Nạn nhân trực tiếp của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường
Toàn cầu hóa vượt qua mọi rào chắn của gia đình, đưa thẳng vào tận phòng ngủ của từng người mọi thứ thông tin thượng vàng hạ cám, truyền bá mọi loại giá trị vàng thau lẫn lộn, không chịu bất kỳ ai chịu trách nhiệm hướng dẫn, phê phán, hạn chế hay ngăn chận.
Bị tác động tiêu cực nặng nề nhất là giới thanh thiếu niên. Do chưa bắt rễ sâu trong mảnh đất lịch sử, văn hóa và tâm linh của quê hương và dân tộc mình, họ dễ dàng tin là con đường tiến bộ nhanh chóng đến thành tựu và hạnh phúc cho thế hệ hôm nay nhất thiết phải xây trên khuôn mẫu – như được tuyên truyền khá bài bản và ồn ào trên mọi phương tiện thông tin kỹ thuật cao – chủ nghĩa thụ hưởng tối đa, không giới hạn, không vùng cấm được đạo đức truyền thống hay tôn giáo quy định.
Chạy theo cuộc đua nước rút của nếp sống lúc nào cũng bận rộn và căng thẳng với lẽ sống còn – hầu như chủ yếu là về mặt tiện nghi vật chất – của bản thân và gia đình, rốt cục không mấy ai còn có thời gian và tâm sức để chăm lo cho phương diện nhân bản và tâm linh của gia đình và thậm chí của chính mình.
Trong thời buổi hiện nay, không còn là vấn đề cá biệt khi xuất hiện hình ảnh gia đình thường xuyên và dài hạn có một chinh phu hoặc chinh phụ – hay cả hai – không phải vì chiến tranh quy điển mà vì mặt trận ác liệt của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường. Hệ lụy tất nhiên của bất kỳ cuộc chiến nào là vô số thương vong và tổn thất. Nhân loại đang hình thành một thế hệ “mồ côi vì toàn cầu hóa và kinh tế thị trường”, những con người thiếu vắng trong những năm tháng định hình[2] vai trò của người cha hay người mẹ, thậm chí của cả cha mẹ.
Cạnh tranh với mô hình hôn nhân và gia đình truyền thống – có vẻ con số càng ngày càng thu hẹp – mô hình hôn nhân gia đình dựa theo ưu thế của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường đang to tiếng và hành động áp đảo, giương cao bản thiết kế các giá trị mới về tình yêu vợ chồng và các tương quan giữa các thành viên trong gia đình. Các ý niệm như “chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn”, “hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, “sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”, “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”, không còn rụt rè trong ngôn ngữ đời thường, nhưng đã chễm chệ ngồi vào ghế chủ tọa trong pháp đình,[3] và được trang trọng trải thảm đỏ đón rước như biểu tượng của một cường quốc kinh tế, một dân tộc dẫn đầu các giá trị văn minh, dân chủ và tự do.[4]
Tương tự như khi tiếp thị một sản phẩm mới nhiều công dụng hơn, chất lượng cao hơn so với sản phẩm cũ – cộng với tâm lý vọng ngoại và chuộng hàng hiệu – thì ai cũng có thể đoán trước một cách chuẩn xác lựa chọn của người tiêu dùng. Do đó, mọi người sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy thiên hạ hăm hở chạy theo sản phẩm hôn nhân và gia đình của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường.
Ở một mức độ nhất định, toàn cầu hóa và kinh tế thị trường đã thành công khi đẩy quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ra khỏi vị trí độc tôn, biến những cụm từ cổ kính ấy thành hàm hồ, dị nghĩa, và đôi khi còn mang tính cợt nhã nữa.
Trả lại cho hôn nhân và gia đình giá trị cao quý nguyên thủy   
Để có thể lĩnh hội trọn vẹn ý nghĩa cao cả và giá trị vô cùng quan trọng của định chế hôn nhân-gia đình đối với lẽ tồn vong của loài người, cần phải học hỏi vấn đề nầy trong ánh sáng của niềm tin Ki-tô Giáo, nơi chương trình kỳ diệu Thiên Chúa đã và còn đang tiếp tực thực hiện vì Tình Thương đặc biệt dành cho con người.
Chương trình kỳ diệu đó – nhiệm cục – được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nơi hai giai đoạn: sáng tạo và cứu độ.
A/ Định chế hôn nhân và gia đình trong nhiệm cục sáng tạo
a- Sáng kiến của Thiên Chúa
Sách Sáng Thế cho biết công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa chỉ hoàn tất khi Người làm nên con người, là người nam và người nữ, giống hình ảnh Thiên Chúa, và ban cho họ thẩm quyền truyền sinh để bảo tồn tình trạng hiện hữu của hình ảnh thần linh tôn quý đó trong vũ trụ nầy.[5]
b- Định chế do Thiên Chúa thiết lập
Thiên Chúa đích thân tác hợp đôi nam nữ đầu tiên thành vợ chồng, ban cho họ quy chế hôn nhân bền vững, hiệp nhứt hai con người trong một tình yêu thủy chung và mạnh mẽ hơn cả tình yêu cha mẹ.[6]
c- Thiên chức hôn nhân và gia đình
Định Chế Hôn Nhân xứng đáng đón nhận Sứ Mạng lưu truyền Một Nhân Vị – Ngôi Vị Con Người – mang Phẩm Giá Tôn Quý là Hình Ảnh của Thiên Chúa Tình Thương.[7]
d- Đặc tính nhất phu nhất phụ
Ngay từ tạo thiên lập địa, Thiên Chúa thiết định chế độ hôn nhân một vợ một chồng.[8]
e- Gia đình: Xã hội tự nhiên nguyên thủy
Gia Đình xây dựng trên nền tảng Định Chế Hôn Nhân trở thành Cộng Đoàn Nhân Vị, là mô hình xã hội tự nhiên do Thiên Chúa thành lập.[9]
f- Bi Kịch Tội Lỗi
Hội Thánh thừa lịnh Chúa Ki-tô không ngại cũng không sợ hãi khi chỉ cho mọi người thấy tội lỗi chính là nguyên nhân gây ra bao đau khổ thể lý cũng như tâm linh trong cuộc đời mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.[10]
h- Tính Bất Biến Của Định Chế Hôn Nhân Và Gia Đình
Tuy có gây thảm họa cho gia đình nhân loại, làm xuống cấp giá trị Hôn Nhân và Gia Đình[11], nhưng tội lỗi không thể phá hủy Định Chế Hôn Nhân và Gia Đình.[12]
B- Định Chế Hôn Nhân Và Gia Đình Trong Nhiệm Cục Cứu Độ
Công cuộc cứu nhân độ thế của Chúa Ki-tô không chỉ nhắm đến việc giải thoát từng cá nhân con người, nhưng còn để cứu vớt toàn thể gia đình nhân loại.
a- Hôn Nhân Ki-tô Giáo
Chúa Ki-tô xuống trần gian đón nhận ơn gọi làm người trong khung cảnh Định Chế Hôn Nhân-Gia Đình.[13] Chúa Ki-tô cứu chữa và nâng cấp Định Chế Hôn Nhân-Gia Đình thành Bí Tích diễn tả tình yêu vĩ đại giữa Chúa và Hội Thánh.[14]
b- Ơn Gọi Hôn Nhân
Định Chế Hôn nhân-Gia Đình Ki-tô Giáo có giá trị Một Ơn Gọi, qua đó con người bước vào Hiệp Thông với Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi.[15]
Thách Đố Bảo Vệ Hôn Nhân Và Gia Đình
Chưa bao giờ trong lịch sử văn minh của loài người – kể cả lịch sử của Ki-tô Giáo – các giá trị truyền thống của gia đình như hôn nhân (việc tác hợp giữa một người nam và một người nữ), tình yêu thủy chung giữa vợ chồng (tính bất khả phân ly), và lòng quảng đại đối với việc truyền sinh, đang bị công phá, bào mòn và hủy hoại bởi “thù trong giặc ngoài.” “Thù trong” có ý nói tình trạng thiếu sót và đánh mất ý thức trách nhiệm về ơn gọi hôn nhân – gia đình của các đôi vợ chồng. “Giặc ngoài” rõ ràng muốn vạch mặt chỉ tên các khuynh hướng tục hóa, vị kỷ, thụ hưởng đang điên cuồng càn quét các định chế xã hội truyền thống.
Xác định thực tại hôn nhân-gia đình là thành phần bất khả chuẩn chước trong trọn gói ơn gọi làm người do Thiên Chúa ban cho nhân loại , chắc chắn giúp cho nỗ lực của Ki-tô hữu chúng ta bảo vệ và phát triển ơn gọi cao quý nầy được thành công mỹ mãn.
Linh Mục P.X. Nguyễn Văn Nhất, O.P.
(Tập san Công Lý Hòa Bình số 15, Giáng Sinh 2014)
————————
[1] Trích trang mạng I Investopedia.
[2] Cụm từ “formative years” để nói về tính cách quyết định của thời gian thơ ấu được dưỡng dục trong gia đình đối với tương lai một con người.
[3] Xin coi “Luật Hôn Nhân và Gia Đình”, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, 2014.
[4] Đại Sứ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đương nhiệm tại Việt Nam, Ông Ted Osius, có chồng và 1 con.
[5] Xin coi St 1:27-28.
[6] Xin coi St 2:20-25.
[7] Xin coi St 1:28.
[8] Xin coi Mt 19:4-6.
[9] Xin coi “Giáo Huấn Xã Hội”, các số 209, 210.
[10] Xin coi “Giáo Huấn Xã Hội”, các số 115-119; Rm 5:12; “Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, số 386; 2 Tm 4:2.
[11] Xin coi “Vui Mừng Và Hy Vọng”, số 47.
[12] Xin coi St 3: 8-23; 9:1.7; “Lời Chúc Lành Hôn Phối” trong sách Lễ Rô-ma.
[13] Xin coi Mt 1:18-25; 19:1-9; “Giáo Huấn Xã Hội”, số 210.
[14] Xin coi “Vui Mừng Và Hy Vọng”, các số 48-52; “Giáo huấn Xã Hội”, các số 215-220.
[15] Xin coi “Vui Mừng Và Hy Vọng”, số 48.
Nguồn: Giáo phận Hải Phòng

 

Read 1202 times Last modified on Thứ tư, 22 Tháng 7 2015 16:45