Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 25 Tháng 7 2015 15:42

Lời khôn ngoan - Nghệ thuật làm dâu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lời khôn ngoan - nghệ thuật làm dâu
 
Khởi đầu sách truyện Bà Ruth: R 1, 1. 3-6. 14b-16. 22
Khi các quan án cầm quyền, thì dưới thời một quan án kia, trong xứ xảy ra nạn đói kém. Có một người thành Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa, đem vợ và hai con sang cư ngụ trong miền Môab.
Và Elimêlech, chồng bà Nôêmi, qua đời, để bà lại với hai con. Hai con bà cưới hai thiếu nữ Môab làm vợ: một tên là Orpha, còn người kia tên là Ruth. Họ chung sống ở đó được mười năm, thì cả hai người chồng là Mahalon và Kêlion cũng qua đời, còn lại mình bà Nôêmi không chồng con. Bấy giờ bà Nôêmi cùng với hai nàng dâu định bỏ đất Môab trở về quê hương, vì nghe nói Chúa thương dân Người, và ban cho họ lương thực.
Bà Orpha hôn mẹ chồng và ở lại đó. Còn bà Ruth thì đi theo mẹ chồng. Bà Nôêmi bảo bà Ruth rằng: “Kìa, chị dâu con đã ở lại với dân mình và các thần minh của họ, con hãy ở lại với chị con”. Bà Ruth thưa lại rằng: “Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con cũng đi theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”.
Vậy bà Nôêmi cùng nàng dâu người Môab là bà Ruth, từ nơi di cư trở về thành Bêlem, vào đầu mùa gặt lúa.
***
Làm dâu là chuyện đã quá xưa nhưng lại chưa bao giờ trở nên cũ kĩ và lỗi thời, song có lẽ cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì việc làm dâu không những trở nên nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng không thể thiếu những biến tướng rất khó lường trong đó. Theo truyền thống chung của hầu hết các dân tộc và tôn giáo trên thế giới, thì khi một người con gái đã được cha mẹ gả chồng, thì lập tức cô ấy trở thành người một nhà với nhà chồng và cách nghiễm nhiên thoát ly khỏi tình nghĩa gia đình với nơi vốn sinh ra và dưỡng dục mình nên người. Nghĩa là, cả cô gái và cha mẹ ruột của mình phải chấp nhận một thực tại mới, thực tại "ta không thuộc về nhau" nữa, và vì vậy trong lễ đưa dâu, nhiều bà mẹ và cô dâu mới sụt sùi khóc vì sự chia ly sắp tới, đành rằng việc cô gái về thăm lại gia đình là việc bình thường, nhưng đó không còn là quyền chọn lựa của cô và càng không là mệnh lệnh của cha mẹ sinh ra mình nữa, nhưng là ở nơi người chồng và cha mẹ chồng của nàng.
Theo ngôn ngữ biểu tượng, thì người phụ nữ được ví như là linh hồn, là trăng, và là nước; còn người đàn ông được ví như là xác thân và là đất. Thế nên, khi thành hôn với nhau cả hài trở nên một là vì linh hồn đã tìm thấy cái xác phù hợp với nó, còn mảnh đất kia đã gặp thấy mạch nước ngọt ngào vun tưới. Vì vậy, cũng như linh hồn ta chịu sự chi phối rất lớn từ thân xác thế nào, thì người con gái đi lấy chồng chịu sự chi phối của người chồng ấy như vậy. Cuộc sống của cô trước đây dù có là gì, nhưng mọi thứ sẽ là một khúc quanh mới kể từ khi nàng lấy chồng. Và chúng ta cần biết, gần như chỉ có linh hồn chịu đựng thân xác, dù nó có tàn bạo và dã man cách mấy, thì linh hồn ấy vẫn cứ kiên trung đợi chờ ngày cái thân xác này hoàn lương, vì nó biết rằng nó cần cái thân xác này để sống trọn sứ mạng của nó tại trần gian, và sự cứu rỗi của nó hệ tại ở việc cái xác này biết thẩm thấu và biết hoà nhịp, còn không thì cả xác và hồn sẽ hư đi. Cũng thế, một thân xác chỉ hưởng trọn vẹn nguồn ơn cứu độ khi nó biết rõ ràng nó đang làm một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cao cả với chính linh hồn của nó, song không phải linh hồn nào cũng đủ mạnh mẽ để làm cho thân xác được mạnh theo, nên chính vì thế mà thân xác cũng khổ đau nhiều khi vì cái linh hồn yếu đuối mà nó đang cưu mang. Vì thế mà đời sống vợ chồng là một cuộc sống hỗ tương hai chiều rất kì diệu và tuyệt vời, không bên nào quan trọng hơn bên nào, song đòi buộc hai bên phải vâng phục và tôn trọng lẫn nhau.
Thế nhưng ta thấy, ngày nay người ta nhân danh cái gọi là tự do, nhân danh sự bình đẳng, nhân danh tình yêu, nhân danh sự tiến bộ văn minh, mà nhiều người làm bậc cha mẹ, sau khi đã quyết định gả con gái mình, thì họ vẫn muốn làm chủ trên cuộc sống của cô con gái mình như ngày nàng chưa hề nhà chồng, thậm chí họ làm chủ luôn cả gia đình chồng, vì họ cho rằng họ có quyền đó vì điều tốt lành cho con gái họ. Thế nên, họ thậm chí làm bảo kê vững chắc cho cô con gái mình đến mức thậm chí xúi gịuc con gái mình hỗn với chồng, hỗn cả với cha mẹ chồng, và dù thế nào thì gia đình họ vẫn giang rộng vòng tay để đón lấy cô con gái trở về để núp bóng, và là cái cớ để họ xúi giục con đề đơn ly hôn và mạnh mẽ chấp nhận đơn ly hôn. Còn các cô gái, vì sự ương ngạnh, vì thiếu khiêm tốn, vì thiếu hiểu biết, vì chữ hiếu hão huyền và mộng tưởng, và vì hèn kém nên đã không coi trong gia đình nhà chồng, vâng phục chồng như lời Thánh Kinh đã truyền dạy, mà không chỉ Thánh Kinh, mọi nền văn hoá và tôn giáo trên thế giới đều mời gọi người con gái phải biết phục tùng chồng.
Hai chữ "bình đẳng" mà con người đang bám vào để nhân danh nó mà họ vùng lên chống lại chồng vì một sự bất công nào đó trong bậc vợ chồng, thật ra là sự bình đẳng theo phương thức toán học, chứ không theo bình diện tinh thần. Nghĩa là A phải bằng B bởi dấu "= " thì mời gọi là bình đẳng, còn nếu có sự lệch đi thì họ gọi đó là bất bình đẳng, hay toán học gọi là bất đẳng thức. Trong khi đó, trong phương diện tinh thần, sự bình đẳng không hệ tại ở chuyện bằng và giống nhau trong mọi đại lượng có tương quan, song là lợi thế của mỗi giới được bảo vệ và tôn trọng cách trọn vẹn. Ví dụ, người phụ nữ có thiên chức làm mẹ, đó là quyền của cô mà người đàn ông không thể vì đó mà cảm thấy bất công và đòi cho bằng được. Từ đây, ta thấy sự bình đẳng bị hiểu lệch ở cả nhiều phía, sự tự do bị bóp méo, tình mẫu tử và phụ tử bị lệch lạc, mà đã sinh ra biết bao nhiêu vụ ly hôn và chia lìa không đáng có, mà nhiều phần do bởi cha mẹ của hai bên đã can thiệp quá sâu vào đời sống của đôi bạn. Còn xét về phận làm dâu thì cô gái đã chưa bao giờ có ý thức được thế nào là dâu, như trong bài đọc từ sách truyện bà Ruth ở trên.
Bà Nôêmi có hai cô con dâu tên là Orpha và Ruth. Cả hai cô này đều mất chồng, và về nguyên tắc thì hôn nhân ấy không còn ý nghĩa, và thậm chí hai cô cũng có thể hoàn toàn không cần phải đi theo bà mẹ chồng. Và ở đây ta thấy hai nàng dâu với hai thái độ cư xử: Orpha hôn mẹ chồng và ở lại đất quê hương mình, còn Ruth thì quyết đi theo mẹ chồng với lời minh xác mạnh mẽ, "Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con cũng đi theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con". Điều này trái ngược hoàn toàn với cách nghĩ của các nàng dâu ngoan hiền và đầy hiểu biết ngày nay, họ luôn tin và nghĩ rằng mẹ chồng không phải là mẹ đẻ và không có lý do gì để nghe theo nhà chồng nếu điều đó là vô lý và bất công. Nên hễ có chuyện gì thì họ lập tức đùng đùng mạnh mẽ khăn gói lên đường về với nhà mẹ đẻ mình để được bao che. Nhưng đó chưa bao giờ là một việc làm đúng đắn, mà chỉ thuần là việc của trẻ lên ba, còn bố mẹ nàng vui vẻ đón nhận và thậm chí xúi bậy thì cũng chỉ là những đứa trẻ đầu bạc đang chơi với một đứa trẻ lên ba không hơn không kém. Trong khi, cách hành xử đúng nhất là phải từ trong tim xem gia đình chồng là gia đình mình như cách nghĩ của bà Ruth và biết bao nhiêu bà mẹ tuyệt vời khác trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Vì chưng, Chúa đã để cho nàng tự do và sự hiểu biết để minh xét trước khi quyết định thành hôn và về làm dâu, nên không thể có chuyện coi đó như một trò đùa để thử thách chính mình và để dạy bảo người khác được.
Thế nên, nếu một cô gái đã đi lấy chồng mà thường xuyên hở tí chuyện mà về gia đình mình hoặc bỏ đi, đó là một sai phạm rất lớn xét trên mọi bình diện. Vì vậy, tốt nhất hãy tập cho mình thật trưởng thành trong cách nghĩ và nếp sống, trong đời sống tinh thần để có thể chu toàn vai trò làm dâu của mình, còn nếu không, thì xin đừng bước vào bậc sống vợ chồng mà hãy chọn một con đường khác phù hợp hơn. Cũng thế, các bậc làm cha mẹ cũng hãy hiểu rằng, khi đưa ra một lời khuyên dạy kiểu giang hồ và con nít, lệch lạc về đạo đức cho con cái mà để dẫn đến những đổ vỡ và ly tán, thì các vị là người chịu trách nhiệm đó rất lớn trước mặt Thiên Chúa và cả con cháu mình không phải chỉ ở đời này mà cả đời sau. Đồng thời, cũng đừng đồng thuận gả con nếu cảm thấy bất ổn và vẫn muốn bám víu vào người con gái của mình. Vậy hãy là những người cha mẹ có trái tim nóng và có cái đầu lạnh, để dù có thương con nhưng không vì đó mà để cho tình thương ấy hạ gục mình và cả con cái trong hành trình sống của nó.
Joseph C. Pham
(muoianhsang) 

 

Read 1444 times Last modified on Thứ hai, 27 Tháng 7 2015 16:07