ANH KHIẾN TÔI QUÁ THẤT VỌNG!
Ý tưởng manh nha đưa đến đổ vỡ trong hôn nhân.
“Tôi rất hối hận vì đã lấy nhầm người chồng vô tích sự. Một người chồng có cũng như không. Sự hiện diện của anh trong nhà như một bóng ma!”.
Hoặc:
“Lắm lúc tôi như phát điên lên, đầu tôi như nổ tung ra vì không biết làm sao cho vừa lòng vợ tôi. Có quá nhiều bất đồng, xung khắc và khác biệt. Vợ tôi lúc nào cũng kêu ca, phàn nàn, và hình như không bao giờ hài lòng về bất cứ điều gì”.
Nếu những câu nói trên xẩy ra trong các cặp vợ chồng trẻ mới cưới thì có thể cho rằng tuổi trẻ có những phán đoán bất đồng, có những cái tôi to lớn nên muốn được đề cao, được chú ý. Nhưng trái lại, những phàn nàn như vậy lại thường xẩy ra cho những đôi vợ chồng đã sống với nhau 10, 15, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Tệ hại nhất là sau một thời gian bất hòa, đổi lỗi hoặc cãi vã nhau họ đã mang nhau ra tòa ly dị.
Ly dị có gì mà phải nghĩ ngợi. Người ta ly dị đầy cả ra có sao đâu. Không ở được với nhau thì buông tha nhau, cái đó còn làm ích cho người mình không ưa không thích, vì như vậy sẽ dễ dàng, sẽ giải thoát cho cả hai. Những lập luận như vậy thường được nghe thấy trong các cuộc cãi vã, bất hòa giữa vợ chồng. Người ta cứ tưởng nói ra như vậy để cho thỏa cái miệng, cho đỡ tức, hoặc để hù dọa đối phương. Nhưng dưới cái nhìn tâm lý, thì chính những câu nói ấy phát xuất từ những ý tưởng bị dồn nén mà những ý tưởng này nếu không được giải tỏa, không được hỏa giải sẽ là mầm mống ly dị sau này.
Và để có vẻ văn minh, hiểu luật lệ hơn, họ viện dẫn đến những cái mà trong những đơn xin ly dị thường ghi: “Irreconcilable Differences”- Những khác biệt không thể hàn gắn. Đây là một trong những lý do mạnh nhất dẫn đến những cuộc ly dị, và cũng được cho là hợp tình, hợp lý và hợp pháp nhất. Vì Irreconcilable Differences được định nghĩa là “The existence of significant differences between a married couple that are so great and beyond resolution as to make the marriage unworkable, and for which the law permits a Divorce.”
Nhưng thế nào là một cuộc hôn nhân có những khác biệt không thể hàn gắn? Hai người đã bước vào đời sống hôn nhân với những lý do nào. Chẳng phải là họ đã bị thu hút lại với nhau bởi tình yêu, tìm được từ nhau sự hiểu biết, thông cảm, và những quan tâm yêu thương, săn sóc đó sao? Khi làm việc với các đôi vợ chồng trong thời gian tranh cãi và có tư tưởng “hối hận” hoặc “phát điên” lên vì nhau như vậy, một nhà tâm lý kinh nghiệm thường để ý lắng nghe những lời chê trách và những khuyết điểm mà người vợ phê phán, đổ lỗi cho người chồng, hoặc người chồng chê trách, phàn nàn người vợ. Ngoài những trường hợp quá đặc biệt như ngoại tình, có con riêng với người này, người khác, hoặc liên quan đến nghiện ngập, cờ bạc, tù tội... Riêng tôi, câu hỏi mà tôi thường hỏi những người vợ “phàn nàn”, hoặc “hối hận” vì lấy nhầm chồng một số câu hỏi rất căn bản và đơn giản:
-Anh ấy có cờ bạc, nợ nần vì cờ bạc không?
-Anh ấy có rượu chè be bét không?
-Anh ấy có trai gái, bồ bịch không?
-Anh ấy hút sách cần sa, ma túy không?
Hoặc những người chồng lúc nào cũng “phát điên lên” với vợ:
-Chị ấy có bỏ bê việc nhà, không lo cơm nước cho chồng con, không quét dọn, giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ không?
-Chị ấy có se xua, chưng diện, sửa sang trong ngoài, trên dưới không?
-Chị ấy có chua ngoa, mồm loa mép giải, nói hành, nói xấu người khác không?
-Chị ấy có coi thường tôn ty trật tự, bất kính với cha mẹ, ông bà, cô chú bác và coi thường mọi người thân trong gia đình không?
Nếu người vợ hoặc người chồng trả lời KHÔNG cho cả 4 câu hỏi trên tôi cho là họ đã trúng độc đắc. Và lựa chọn của họ rất đúng.
Trong lần trình bày này tôi không muốn đề cập đến những câu trả lời CÓ. Vì chủ đích đề tài hôm nay, người viết muốn gửi một thông điệp đến những người chồng hoặc người vợ mà tôi cho là ngớ ngẩn, sống trong ảo tưởng, ảo giác. Những người vợ, người chồng mà “vợ mình không khen, khen vợ hàng xóm”, hoặc “cỏ nhà hàng xóm xanh hơn cỏ nhà mình”. Đối với những người này dù chồng hoặc vợ của họ không vướng mắc vào bất cứ những cái mà văn hóa, đạo đức Việt Nam đã kể đến trong “Tứ đổ tường” của nam giới hoặc “Tứ đức” của nữ giới, thì họ vẫn không hài lòng và hạnh phúc với chồng hoặc vợ của họ.
Nhưng họ quên rằng khi bước vào đời sống hôn nhân là họ buộc phải chấp nhận sự khác biệt và những giới hạn về thể lý, tâm lý, cá tính của nhau. “Không ai tốt 100% và cũng không ai xấu 100%”. Robert Baden-Powell đã thành công trong việc đào tạo và huấn luyện những thế hệ hướng đạo nhờ vào nguyên tắc này. Sự thành công và hạnh phúc hôn nhân, do đó, là sự thành công và hạnh phúc đến từ việc đón nhận những bất đồng của nhau và giúp nhau mỗi ngày một nên tốt hơn. “Nếu đời cho ta một trái chanh, hãy dùng nó để vắt một ly chanh đường”. Chanh chua, nhưng rất nhiều món ăn lại không thể thiếu chanh. Một tô phở mà không có múi canh thì mất ngon.
Có những người sau một thời gian chung sống, kịp khi có những bất đồng xuất hiện là họ tìm cách trốn chạy. Họ cho rằng mình đã chọn lựa nhầm, và quyết định sai lầm. Nhưng thực tế không phải là vậy mà là họ tự cho mình cái quyền không phải sửa sai gì nhưng chỉ để sửa sai, bắt bẻ, và đòi hỏi người khác. Nghĩ đến những người này, tôi bất chợt nhớ lại một người bạn đã kể lại câu chuyện xẩy ra có liên quan đến lựa chọn mà thông thường ta coi như định mệnh:
“Tôi có sở thích mua những túi xách tay, và một lần tôi đã mua được một cái rất ưng ý. Nhưng tuổi thọ của nó cũng chẳng được bao lâu, vì nó chưa kịp cắt đi giá tiền, nhãn hiệu thì đã được đưa vào trong tủ quần áo. Một hôm thu dọn nhà cửa, tôi đem cho hội từ thiện một số đồ dùng mà tôi không cần dùng đến trong đó có cái túi xách tay này.
Thoáng đi khoảng chừng 5 tháng, giáo xứ tôi tổ chức bán garage sale để gây quĩ cho giáo xứ. Tôi đã rảo quanh một vòng trong khuôn viên nhà thờ và dừng lại ở gian hàng bán những túi xách tay của phụ nữ. Tôi thấy một chiếc túi xách tay đẹp quá, xinh xắn và hợp với nhãn quan của tôi, và tôi đã mua ngay vì sợ có người nhanh tay lấy mất. Giá cả cũng vừa phải chỉ có 50$ trong khi đó giá chính thức của loại túi xách tay này ở thị trường ít nhất cũng là 500$. Tôi rất mừng vì mua được cái túi mình thích mà giá cả lại vừa phải. Tôi cám ơn Chúa rối rít và hí hửng mang về.
Về đến nhà cầm cái túi lên ngắm nghía một lần cho thoải thích, bất giác tôi cảm thấy như quen quen, và hình như giống cái túi mà mình đã cho tổ chức từ thiện trước đây. Nghĩ vậy, tôi mở ra xem bên trong và đúng như mình nghĩ, cái bảng giá tiền và nhãn hiệu mà tôi đã mua nhưng chưa kịp cắt trước đó vẫn còn nguyên bên trong mà người phụ trách từ thiện nào đó cũng chẳng thèm cắt đi khi đem nó ra bán lại để gây quĩ cho nhà thờ.
Rồi chị kết luận: “Cái gì là của mình nó sẽ thuộc về mình. Cái không thuộc về mình thì dù mình có tìm cách chiếm đoạt nó, mãi mãi nó vẫn không là của mình”.
Cái tú xách tay có thể về lại với chủ sau thời gian vuột khỏi tầm tay của chủ, nhưng một người chồng hay một người vợ mà mình đã phũ phàng “vứt bỏ”, sẽ không dễ tìm về với khổ chủ của nó. Và nếu như có trường hợp tìm lại nhau, thì việc này sẽ vô cùng khó khăn, đòi hỏi rất nhiều cố gắng, hy sinh.
Áp dụng thực hành, qua cái nhìn tâm lý trị liệu, mỗi khi ta gặp bất đồng, khó chịu và bực bội với chồng hoặc vợ, xin đừng đổ tất cả mọi tội lỗi lên đầu nhau, cũng đừng nghĩ rằng những khuyết điểm kia là những “bất đồng không thể giải quyết”. Nhưng hãy hỏi mình một câu mà cố Tổng Thống John F. Kennedy đã hỏi nhân dân ông: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, nhưng hãy hỏi bạn đã đóng góp gì cho tổ quốc”. Điều này sẽ nhắc nhở bạn là đừng đòi hỏi chồng hoặc vợ sẽ làm gì cho bạn, nhưng hãy hỏi mình, đã làm gì để nâng đỡ, để chia sẻ, và để cùng sánh bước bên nhau trên con đường hôn nhân hạnh phúc.
Trần Mỹ Duyệt