Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 28 Tháng 4 2017 14:22

Những điều bạn làm chứng tỏ bạn đang khinh thường chồng bạn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Những điều bạn làm chứng tỏ bạn đang khinh thường chồng bạn


Trong những trao đổi với các cặp vợ chồng, nhất là các cặp vợ chồng trẻ, những câu nói mà người ta thường nghe nhất từ phía các bà, các cô, đó là:
-Chỉ cần nhìn thấy mặt ông ấy là tôi đã nổi điên lên rồi!
-Người gì mà không ưa được tí nào!
-Bây giờ tôi phải sống với ông ấy là vì mấy đứa con.
-Tôi đang chờ mấy đứa con lớn rồi tôi sẽ chia tay ông ấy.
Chính vì nghĩ như vậy, nên trong đời thường, hằng ngày rất nhiều ông chồng đã trở nên một thứ đáng ghét, đáng khinh bỉ, và đáng phải vứt bỏ trước mặt các bà vợ.
Những bà vợ này đã cư xử và hành động rất bất công, và thiếu tôn trọng nhân vị, nhân phẩm, tư cách của người mà họ gọi là chồng.
Tiếc thay, trong xã hội hôm nay, nhiều phụ nữ đã hành động như vậy và họ coi đó là một thách thức đổi mới, một nét đẹp của bình quyền, và của văn minh tiến bộ. Trước khi bàn về những hậu quả tiêu cực của quan niệm và lối sống này, chúng ta thử tìm hiểu xem những gì các phụ nữ này thường nói, thường làm mà qua đó họ tỏ ra khinh bỉ, hạ nhục chồng của họ.
Theo Kimberly Wagner, tác giả cuốn Fierce Women, và là khách mời của chương trình phát thanh Revive Our Hearts, cũng như thường xuyên đóng góp bài vở cho trang nhà True Woman blog, có ít nhất 10 cách mà người vợ thường dùng để nhục mạ, khinh thường, và coi rẻ chồng:

1. Sửa lỗi, la lối chồng giữa công chúng.

Đây là một hình thức khiến người đàn ông phải khó chịu nhất, mất mặt nhất. Nhưng ngược lại, đối với nhiều người vợ thì đây lại là hành động mà họ cho là hữu hiệu, có khả năng làm cho người chồng phải suy nghĩ lại, phải sửa mình, phải thay đổi hoặc phải khá hơn.
Tâm lý nam giới coi việc bị mất mặt trước đám đông, giữa quần chúng là một xỉ nhục rất lớn. Ca dao Việt Nam có câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Ý chỉ sự hơn thua dù chỉ một chút giữa đám đông cũng ảnh hưởng hoặc đem lại hãnh diện của người đàn ông.
Người vợ khôn ngoan và muốn chinh phục chồng phải tránh tuyệt đối cung cách hành xử này, vì sẽ không bao giờ họ đạt được mục đích là thấy chồng họ khá hơn khi họ tiếp tục đối xử với chồng họ nơi công cộng như vậy.
Những người vợ này cần nhớ và áp dụng câu ca dao khác của Việt Nam , đó là: “Xấu thiếp hổ chàng”, nhưng “xấu chàng hổ ai?”
Phản ứng tiêu cực đến với họ trước, người ngoài sẽ nhìn họ với con mắt khinh bỉ, ngờ vực vì cho rằng đây là thứ đàn bà thiếu tế nhị, thiếu giáo dục, không biết kính trọng chồng con.

2. Lặp đi, lặp lại những lỗi lầm quá khứ của chồng.

Tâm lý hành xử thông thường của nữ giới là, “tha mà không quên”. Tâm lý sống này ở một khía cạnh khác cũng có thể giúp người vợ tránh đi cho chồng những khuyết điểm năng được lập đi, lập lại, đặc biệt đối với tâm lý “loáng thoáng” của nam giới.
Nhưng việc người vợ thường xuyên nhắc lại những lỗi lầm quá khứ chỉ làm cho người chồng cảm thấy nhụt nhuệ khí và khó chịu hơn là giúp sửa sai, cải thiện vấn đề.
Làm gì mà cứ phải nhắc đi, nhắc lại cùng một lỗi lầm?
Không lẽ trong quá khứ, người chồng không có những điểm tích cực đáng được khích lệ và nhắc đến sao? Nếu nhắc đến một lỗi lầm quá khứ, thì một cách công bằng, cũng phải nhắc lại một điều tốt của quá khứ của chồng.
Không làm được như vậy, tốt nhất là đừng nhắc lại những lỗi lầm quá khứ của nhau, vì như vậy chỉ tạo thêm những kỷ niệm, những hình ảnh không tốt về nhau.

3. Coi thường chồng vì không bằng mình.

Chồng bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thương bạn hơn nếu khi từ sở hoặc từ văn phòng về đến nhà được bạn đón tiếp bằng một nụ hôn, hoặc bằng một lời thăm hỏi.
Ở trong hoàn cảnh hiện nay khi cả hai đều phải đi làm, đôi khi người vợ phải làm việc vất vả hơn chồng, nhiều lương hơn chồng, học thức hơn chồng, địa vị hơn chồng. Nhưng dù là thế, người vợ tốt cũng không vì vậy mà coi nhẹ những giá trị hy sinh của chồng.
Ngược lại, hãy khích lệ chồng tiến lên và thăng hoa cuộc sống: “Sau lưng người đàn ông thành công luôn có bóng dáng người phụ nữ.”
Nếu không tỏ ra quan tâm đến những vất vả, nỗ lực và thành quả của chồng, ít ra cũng không nên so sánh giữa mình với chồng rồi coi thường chồng. Hãy tự coi mình có vinh dự được cùng chồng xây dựng hạnh phúc hơn là so sánh thiệt hơn.
Ca dao có câu: “Người đàn ông xây nhà, người đàn bà xây tổ ấm”.
Hãy biến căn nhà thành tổ ấm yêu thương để người chồng còn mong mỏi trở về sau mỗi ngày dài làm việc vất vả.

4. Xem chồng như người bạn gái của mình.

Chồng bạn có thể là một nhà bình luận, một bác sỹ, một nha sỹ, một luật sư, một nhà kinh doanh, một nhà văn, một thi sỹ, một người hâm mộ thể thao, một người có cái nhìn khoa học. Nhưng phần đông nam giới thường không thích mua sắm, ăn hàng, hoặc dành hàng giờ ở các tiệm quần áo, mỹ phẩm, sửa sắc đẹp, hoặc các viện thẩm mỹ.
Do đó, đừng hy vọng hay kỳ vọng ở chồng bạn những cách biểu lộ tình cảm đầy tính lãng mạn, những ý kiến làm sao để làm đẹp, hoặc có thể nói chuyện với bạn hàng giờ như những người bạn gái khác của bạn.
Hãy chấp nhận chồng bạn như một người đàn ông, một người đàn ông đúng nghĩa nhưng yêu bạn, và hãy dành những chuyện liên quan đến phụ nữ cho đám bạn đàn bà, con gái của bạn.

5. Đòi hỏi chồng phải đọc được ý muốn mình.

Thói quen thông thường của hai kẻ yêu nhau là luôn luôn muốn chiều ý nhau, muốn đẹp lòng nhau, và muốn tạo cho nhau những bất ngờ. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải đọc được ý muốn của nhau, và phải làm những gì mà mình muốn nhưng không nói ra.
Đàn ông vốn không tinh ý và tế nhị về nhiều vấn đề tỷ mỷ, đặc biệt là những chuyện liên quan đến phái nữ, nên tốt nhất bạn phải cho chồng mình biết bạn muốn gì và cần gì. Điều này có thể làm giảm bớt đi đôi chút những cử chỉ nũng nựu, hoặc tình cảm mong được vuốt ve, nhưng nó giúp giải quyết được nhiều hiểu lầm có thể làm mất lòng nhau.
Dĩ nhiên, khi bạn cho chồng mình biết nhu cầu và ý muốn của mình bạn cũng có thể dùng một hình thức nào đó để thách thức sự suy đoán của chồng, và như vậy vẫn giữ được những khía cạnh ngạc nhiên mà không làm cho người chồng rơi vào tình trạng là không biết vợ mình muốn gì.

6. Không đối xử với chồng như với các con.

Nhiều người vẫn thường hay nói về chồng: “Tôi có thằng con trai lớn”, hoặc nói về vợ: “Con gái lớn của tôi”. Nói như vậy để vui đùa một đôi khi thì được, nhưng suy nghĩ và đối xử với chồng như đối xử với con trai, hoặc đối xử với vợ như con gái là một tư tưởng và hành động rất sai lầm.
Người đàn ông có thể quên sót điều này, điều khác làm bạn khó chịu. Tuy nhiên, đây không phải là lối so sánh hoặc khó chịu như bạn thường có đối với con. Cùng một lỗi như nhau nhưng đòi buộc bạn phải có cung cách và lối diễn tả cảm xúc khác nhau giữa chồng và con.
Khi bạn nói năng với chồng bạn bằng một giọng điệu hay thái độ như bạn nói với con mình, thì đó là một điều tỏ ra bạn coi thường hoặc không kính trọng chồng. Nói năng và đối xử như vậy có thể coi như một lỗi lầm đáng trách.

7. Đợi khi vào giường mới cãi vã.

“Không được ôm giận hờn mà ngủ”. Nguyên tắc của hạnh phúc, của kết nối tình thân giữa vợ chồng là sự hòa thuận, thương yêu. Cái giường là chiếc nôi của hạnh phúc lứa đôi. Do đó làm cho cái nôi hạnh phúc trở nên chiến trường gây tang thương, biến giấc ngủ an bình thành một giấc mộng kinh hoàng là một lầm lẫn rất lớn trong đời sống vợ chồng.
Bạn sẽ là người phải đau khổ, phải trằn trọc, mất ngủ khi bạn đem những khó khăn trong ngày vào giường để chỉ trích, bắt bẻ chồng.
Bởi vì chẳng bao lâu những cuộc đối thoại kiểu này sẽ trở thành tranh cãi, và vô tình bạn đã tự tạo cho mình một đêm mất ngủ hết sức vô lý, cũng như làm cho chồng bạn chẳng còn hứng thú gì khi nằm bên cạnh bạn.

8. So sánh chồng mình với người khác.

Nếu la lối, sửa sai chồng trước mặt người khác nơi công cộng là một trọng tội đối với người vợ, thì việc so sánh chồng mình với chồng người khác, so sánh chồng mình với người này, người khác cũng kể như một trọng tội thứ hai trong tương quan vợ chồng.
Khuyến khích chồng vươn lên trong xã hội, trong công ăn việc làm, trong học vấn, trong các công tác xã hội là điều tốt và cần thiết, nhưng so sánh chồng với người khác là việc không bao giờ nên làm của một người vợ hiểu biết. Việc làm này sẽ khiến cho người chồng cảm thấy bị tổn thương và xúc phạm. Nó chỉ làm cho chồng thêm chán nản và buông xuôi.
Mỗi người có một cuộc sống, một hoàn cảnh, một ơn gọi. Người vợ tốt và hiểu biết nên khuyên chồng chăm chút vào cuộc sống, hoàn cảnh và ơn gọi, và làm tốt với cuộc sống đó.
Đừng bao giờ “chồng mình không khen, lại đi khen chồng hàng xóm”.

9. Đối xử với chồng bằng thái độ câm mín.

“Cả tuần nay tôi không thèm nói chuyện với ông ấy”,
hoặc “tôi mà ghét là tôi không thèm nói năng gì cả tháng luôn. Kệ thây muốn làm gì thì làm”.
Đó là những tâm sự của mấy người vợ tự cho mình cương quyết và có bản lãnh. Họ nghĩ rằng làm vậy là chồng họ sẽ nể, sẽ sợ, hoặc sẽ phải van lậy họ.
Sự nhầm lẫn này thật đáng tiếc và đáng trách!
Bạn làm gì khi bạn muốn tâm sự với một người mà người ấy không thèm nói gì với bạn? Sẽ đi tìm người khác. Đây là một tâm lý sống rất bình thường. Hoặc bạn làm gì khi bạn muốn có sự hòa hoãn với một người mà người đó không chìa bàn tay cho bạn nắm. Và bạn cũng sẽ đi tìm người có bàn tay sẵn sàng giơ ra cho bạn. Nếu may mắn bạn gặp được những người bạn tốt, những bàn tay biết chia sẻ, giúp đỡ. Nhưng nếu không may thì đây là khởi đầu cho những rắc rối sau này.
Theo tâm lý học, trong thời gian câm nín ấy người khổ không phải là chồng mà là chính bạn. Bạn nên học và sống với lời nguyện của Thánh Phansicô: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. Chồng bạn đâu phải là kẻ thù của bạn, vậy tại sao bạn không tha thứ và mở rộng lòng mình để đón lấy sự bình an nhờ biết tha thứ.

10. Dùng sinh lý làm khí giới.

“Mỗi lần mà tôi giận là cả tháng tôi cho ông ta ăn chay luôn”. Đây là cách diễn tả thông thường của giới phụ nữ về sinh lý trong hôn nhân.
Phần đông, phụ nữ vẫn dùng sinh lý như một khí giới để ăn thua với chồng. Nhưng những phụ nữ này lại quên mất lời dậy của Thánh Phaolô: “Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng. Vợ chồng đừng từ chối nhau… kẻo Satan lợi dụng để cám dỗ” (1 Cor 7:4-5).
Theo tinh thần Kitô giáo, thì hôn nhân là một bí tích, và những hành động liên quan đến hôn nhân kể cả việc ân ái vợ chồng đều được coi là thánh thiện.
Người vợ khôn ngoan, yêu thương chồng mình không nên để chồng phải khát, phải đói, kể cả sự đói khát về tình yêu và sinh lý.
Còn Satan lợi dụng để cám dỗ như thế nào thì không cần phải dùng đến trí khôn hoặc suy luận nhiều, một người với hiểu biết thông thường cũng đủ hiểu rằng ngoài kia có hằng trăm, ngàn những dịp đang chờ đợi chồng mình, và những sa ngã cũng rất dễ dàng xẩy ra.
Chỉ có một điều là sau khi sa ngã thì chuyện gì sẽ xẩy ra trong gia đình?!

Kết luận:

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói này rất chính đáng để nhắn nhủ các người vợ đang phải chiến đấu với những cám dỗ coi thường chồng mình.
Các bà, các cô nên hãnh diễn về thiên chức làm vợ và làm mẹ vì đó là hai thiên chức cao cả nhất mà Thượng Đế ban cho giới phụ nữ.
Để hoàn thành hai thiên chức này, Ngài đã để trong lồng ngực của phụ nữ một trái tim rất tinh tế, rất nhậy cảm và rất dễ xúc động với mọi cảnh ngộ của cuộc sống, nhất là tình yêu.
Hãy để trái tim ấy đập những nhịp đập yêu thương, và từ đó cảm biến, chuyển hóa trái tim người chồng của bạn.
hánh Augustine đã khuyên bạn: “hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”, như vậy nếu có tình yêu và sự tương kính thì lo gì mà bạn không có một người chồng tuyệt vời!

Trần Mỹ Duyệt

Read 937 times Last modified on Chủ nhật, 30 Tháng 4 2017 07:30