Tại sao ngày nay cầu nguyện lại quan trọng đến thế
Posted by Ban Biên TậpĐức tin là ơn Thiên Chúa ban, và con người đón nhận trong tự do. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa tiếp tục nói với con người, Đấng Phục Sinh luôn luôn hiện diện trong lịch sử và trong Bí tích Thánh Thể, và Chúa Thánh Thần luôn luôn lao tác mọi nơi trên thế giới và trong cõi lòng mỗi người. Tuy nhiên, thế giới ngày nay có rất nhiều thách đố cũ và mới.
1. Các thách đố cũ trong khuôn mặt mới
Nếu bạn từng đọc hoặc sẽ đọc một chút về lịch sử Giáo Hội, đặc biệt là 7 Công Đồng đầu tiên, bạn sẽ thấy được sự khó khăn đến mức nào, để có thể diễn tả đức tin trong một ngôn ngữ cụ thể. Ví dụ, đức tin về Một Thiên Chúa Ba Ngôi, “ba trong một”. Bạn có thể đọc một chương trong cuốn sách của Đức Benedicto XVI[1] (đã được dịch sang tiếng Việt), để có thể hình dung ra độ phức tạp của vấn đề. Ví dụ, sự khó khăn trong việc định hình ngôn ngữ, ngay cả việc thổi vào ngôn ngữ những nội hàm mới, và cần phải tạo ra thuật ngữ mới: những từ ngữ “ngôi vị” và “tương quan”, được lấy từ triết học nhưng đã đổi nghĩa để mặc lấy ý nghĩa mới. Khi tìm hiểu, bạn sẽ đụng độ với các nhà triết học, đụng độ với lịch sử, rồi các nhà thần học, và gần đây hơn là các nhà khoa học. Đức tin không bao giờ ở một mình và đứng một mình. Khi đụng đến chiều sâu của thực tại, tức khắc các chuyên ngành khác nhau đều xích lại gần nhau, phải gặp nhau, phải nói với nhau, nhưng khổ nỗi, là thường là rất khó đồng ý với nhau. Người ta không thể dễ dàng nói được rằng: tôi tin, thế là đủ. Người ta cũng không thể nói mạnh rằng: cứ có lý là được, hoặc cứ có chứng cớ là được, hoặc nữa, lịch sử là đủ cho tất cả. Tuy nhiên, trong một rừng các chuyên ngành ấy, ở đây chúng ta chỉ thử phác họa thử thách mà đức tin gặp phải trong ba lãnh vực: ngôn ngữ, cộng đồng, triết học.
a. Về ngôn ngữ
Đức tin không chỉ là chuyện diễn tả một khái niệm cổ xưa trong một loại ngôn ngữ hợp thời. Nếu có ngôn từ, mà không có ý nghĩa, thì đó chỉ là những từ ngữ trống rỗng. Nếu có lời hay ý đẹp, mà không đụng chạm đến con tim, không liên quan đến cuộc sống, thì có lẽ ngôn ngữ ấy chỉ tựa như trò chơi, như cách chơi chữ cho vui. Còn đức tin, đức tin là kinh nghiệm cụ thể trong một mối tương quan sống động với Đấng là Thiên Chúa ở giữa dân của Ngài.
Tuy nhiên, hiện tượng ngôn ngữ ngày nay có thách đố mới. Trong quá khứ, hầu hết mọi người đều đọc chung một số cuốn sách, một số nguồn tài liệu. Phần lớn mọi người cùng đọc chung một số tờ báo, cùng nghe chung một số chương trình phát thanh, cùng xem chung một số chương trình tivi… Ngày nay, có mạng internet, có máy tính, điện thoại thông minh, công nghệ thông tin, AI… Trong hệ thống mới này, mỗi người có thể tiếp cận các nguồn thông tin kiến thức rất khác nhau. Mỗi người mỗi cách.
Điểm tích cực là mỗi người có thể tiếp cận thông tin nhiều chiều và đa dạng, với một thái độ tìm kiếm tìm hiểu rất chủ động và tích cực. Tuy nhiên, điểm tiêu cực là, mỗi người lại tập trung quá vào điều mình thích và vào thế giới quá cá nhân riêng tư. Do đó, không còn thời gian và không gian để biết người khác nữa. Như thế, dần dần từng bước, chúng ta đánh mất không gian chung, đánh mất ngôn ngữ chung, đánh mất cảm thức chung, cảm nhận chung, lối hiểu chung. Hệ quả dễ thấy là, người ta chỉ cùng nhau hiểu một số lĩnh vực chung như công nghệ, kinh tế, chính trị… Trong bối cảnh này, rất khó để có được ngôn ngữ chung và có khó được ngôn ngữ ở chiều sâu, trong khi đây mới chính là điều cần cho ngôn ngữ của đức tin. Bởi vì, nếu chúng ta chỉ nhìn vào bề mặt của thực tại, rất dễ dàng để ta đánh đồng đức tin vào những gì ta thích hoặc ta nghĩ. Chúng ta có thể thấy thực tế là, ngôn ngữ đức tin dường như trở nên già cỗi và xa lạ trong thế giới đương đại.
b. Về tính cộng đồng
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa kêu gọi Abraham để ông trở nên tổ phụ của dòng tộc. Sau đó, Chúa kêu gọi Môsê để ông dẫn dắt dân Chúa. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ để thiết lập Hội Thánh của Người. Như thế, đức tin không bao giờ là đức tin của một cá nhân, nhưng luôn là đức tin của một nhóm, một cộng đồng. Hơn nữa, mục đích của Thiên Chúa là cứu độ tất cả, không loại trừ một ai, không bỏ sót người nào, như được nói đến trong dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15,1-7).
Không thể có cộng đồng xã hội và Giáo Hội, nếu không có gia đình. Bởi vì, trong bối cảnh toàn cầu về lao động, về người nhập cư, về công nghệ, trong bối cảnh chuyển biến nhanh chóng ở mọi quốc gia, thì đời sống gia đình hầu như thay đổi và biến động rất lớn. Không còn dễ để có được gia đình với cha mẹ và con cái cùng sống chung dưới một mái nhà. Không còn dễ cảnh chung chia cuộc sống trong một gia đình. Tỷ lệ ly hôn nhiều nơi vượt quá 50%… Trong bối cảnh phức tạp như thế, thật vô cùng khó để hạt giống đức tin có thể phát triển.
Tuy nhiên, nói như thế, chẳng lẽ đức tin lại có thể dễ phát triển trong môi trường dễ và đơn giản? Không phải thế, vì chẳng khi nào là dễ cả để sống như là một Kitô hữu, cả thời xưa lẫn thời nay[2]. Nhưng đức tin như hạt giống, cần có đất đón nhận, thì hạt giống mới có thể sống và trổ sinh được. Một gia đình lành mạnh thực sự là mảnh đất vô cùng tốt cho đức tin. Đương nhiên, chúng ta không chỉ cần gia đình, mà còn những cộng đoàn lớn hơn, ví như giáo xứ, làng xóm, giáo phận, thành phố, quốc gia…
c. Về triết học đương đại
Cái khó khăn đặc thù trong triết học thời nay là triết học chẳng có gì là đặc thù. Không có những trường phái đặc thù như trong quá khứ. Nói như thế, không phải là ta tiếc nuối quá khứ, hoặc lấy quá khứ làm điểm quy chiếu cho hiện tại. Người ta nói quá nhiều đến từ ngữ “khủng hoảng”: khủng hoảng môi trường, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di dân, khủng hoảng tị nạn, khủng hoảng gia đình, khủng hoảng môi trường lao động, đánh mất cội rễ văn hóa, căn bệnh dửng dưng vô cảm, nỗi cô đơn của thời đại, chiến tranh… Nếu gắn liền với tôn giáo, người ta nói tới sự tục hóa, hoặc dửng dưng về tôn giáo, không còn tha thiết gì đến đức tin.
Khi triết học không có một khuôn mặt cụ thể nào đó như trong quá khứ, thật là khó để biết được, đâu là trường phái mà đức tin cần đối thoại cộng tác. Do đó, có lẽ trong thế giới hiện tại, đức tin trở nên như ánh lửa trong đêm, hoặc như một biển chỉ đường, hoặc như một tia hy vọng trong cuộc sống!
2. Thách thức mới
Giữa nhiều thách thức khác nhau, có một thách thức mới trong thời chúng ta, đó là việc làm cho tôn giáo trở nên một chuyện riêng tư cá nhân và ở những nơi riêng tư mà thôi, chứ không còn hiện diện trong cộng đồng chung nữa. Một cách mạnh mẽ hơn, người ta không còn muốn dành chỗ cho những gì là thánh thiêng nữa, người ta muốn từ chối tất cả những gì là thánh thiêng. Triết gia Gabriel Marcel rất có lý khi phân biệt giữa vấn đề và mầu nhiệm. [3] Ông khẳng định rằng, thế giới bị phân mảnh giữa “một mặt là đầy dẫy những vấn đề, và mặt khác là không muốn dành chỗ cho huyền nhiệm”. Sự loại trừ huyền nhiệm là triệu chứng của xã hội hiện đại, có liên quan đến đặc tính kỹ thuật của thời đại. Người ta chỉ còn quan tâm đến đặc tính kỹ thuật, tức là vấn đề và giải pháp cho vấn đề. Việc phân biệt giữa vấn đề và huyền nhiệm, phụ thuộc vào việc hiểu khái niệm về sự tham dự:
Một vấn đề là điều mà khi ta gặp phải, thì nó hoàn toàn ở trước mặt ta, ta tìm giải pháp và có thể giải quyết vấn đề ấy. Nhưng một huyền nhiệm mà ta gặp phải, ta phải dấn thân mình vào đó, ta phải nhìn huyền nhiệm ấy như một chân trời phân biệt giữa ta và huyền nhiệm, nhưng khi đã dấn thân vào huyền nhiệm, thì chân trời ấy lại mở rộng thêm, và ta hiểu hơn những gì về ý nghĩa và giá trị của huyền nhiệm mà lúc đầu ta hiểu. [4]
Do đó, đứng trước vấn đề, ta có thể tìm giải pháp tương xứng để giải quyết. Nhưng đứng trước huyền nhiệm, ta không thể hiểu được huyền nhiệm nếu ta không tham dự vào huyền nhiệm ấy. Khi ta đã tham dự vào huyền nhiệm, tôi có thể biết hơn và thấy hơn về huyền nhiệm, và huyền nhiệm lại trở nên lớn hơn mà tôi nghĩ lúc đầu. Do đó, chẳng bao giờ ta có thể hiểu một huyền nhiệm theo kiểu hiểu một vấn đề. Thế nhưng, ngày nay, có cám dỗ rất lớn trong việc giản lược tất cả thành những vấn đề để nhìn và phân tích và tìm lối giải quyết.
Khi thấy các môn đệ không thể đuổi thần câm điếc ra khỏi đứa trẻ, cha đứa trẻ thưa với Chúa Giêsu: “Nếu Thầy có thể làm gì đó, xin thương xót và cứu giúp chúng tôi!”. Chúa Giêsu nói với ông: “Tại sao lại nói, nếu có thể…? Tất cả đều có thể đối với kẻ tin!” Ngay lúc ấy, cha đứa trẻ thốt lên: “Lạy Thầy, tôi tin, nhưng xin giúp đức tin yếu đuối của tôi” [5]. Amen.
Tứ Quyết SJ
[1] Joseph Ratzinger, Introduzione al Cristianesimo, (Queriniana 2005), p. 152-166. (Bản dịch tiếng Việt: Đức Tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Phần I, Chương 5, file Pdf có sẵn trên internet).
[2] Joseph Ratzinger, Introduzione al Cristianesimo, (Queriniana 2005), p. 155.
[3] Treanor, Brian and Sweetman, Brendan, “Gabriel (-Honoré) Marcel”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2016 Edition), Edward N. Zalta (ed.), “6. Problem and Mystery”,
<https://plato.stanford.edu/archives/win2016/entries/marcel/>;.
[4] Marcel 1949, Being and Having, translated by Katharine Farrer, Westminster, UK: Dacre Press, p. 117.
[5] Macco 9,14-29. Về đến nhà, các môn đệ hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể đuổi được tên thần ô uế ấy?” Chúa nói với họ: “Loại quỷ đó chỉ có thể đuổi được bằng cầu nguyện mà thôi”.