Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 25 Tháng 8 2019 11:47

Con đường sự sống

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG


Chắc không ít người ngỡ ngàng khi Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết là con đường dẫn tới sự sống đích thực và vĩnh cửu là con đường: “Vào qua cửa hẹp.” Và ai biết tìm kiếm và chiến đấu để vào qua cửa hẹp thì được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đó là điều Chúa Giêsu quả quyết cho tất cả chúng ta. Vấn đề không phải là có bao nhiêu người được cứu độ vì “Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở”; cũng không phải là chuyện ai được tiền định để hưởng sự sống đòi đời “Không phải gọi Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào Nước Trời đâu!” Nhưng vấn đề là làm sao tìm thấy “con đường hẹp” và “vào qua cửa hẹp” cách anh hùng và trung tín.

Vấn đề đặt ra: “cửa hẹp là cửa nào?” Làm sao để có thể tiến bước trong con đường mà cửa hẹp dẫn đưa qua?

Khi nói “Hãy phấn đấu vào qua cửa hẹp", chắc chắn Chúa Giêsu không nói đến vấn đề rộng hẹp theo nghĩa vật chất, nhưng mang nghĩa tinh thần và thiêng liêng. Nhìn vào chính cuộc sống và chọn lựa của Chúa Giêsu, ta có thể thấy được một vài đặc tính của con đường hẹp:

Con đường hẹp là con đường của sự từ bỏ: từ bỏ những gì đi ngược lại với phẩm giá và lương tâm của con người dù nó có lợi lộc nhiều đến mấy đi nữa! Từ bỏ những quyến luyến hay việc tôn thờ lệch lạc như thần tài, bói toán, sắc dục ...

Con đường hẹp là con đường của hy sinh: sẵn sàng chịu mất giờ, mất công sức, mất tiền của vì hạnh phúc của anh chị em mình; vui lòng nhường nhịn với những tranh chấp nhỏ nhen vì muốn gây tinh thần hoà thuận với mọi người...

Con đường hẹp là con đường của yêu thương và tha thứ: con đường của tình yêu và tha thứ là con đường đẹp nhất, nhưng cũng là con đường nhiều chông gai nhất. Bởi lẽ, yêu thương vô vị lợi là cúi mình xuống tận cùng để nâng người khác lên, là sẵn sàng nhận lãnh lấy những chỉ trích, những hiểu lầm của người khác. Cái chết nhục nhằn của Chúa Giêsu trên Thập giá đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Con đường hẹp là con đường vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa trong cuộc đời ta thường rất khác với ý ta muốn. Chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời ta cũng có nghĩa là chấp nhận bỏ mình, trở nên không không để Chúa tự do hành động trong đời ta, và ta sẵn sàng bước theo Chúa trên những con đường mới lạ, gập ghềnh và chẳng mấy ai đi! Nhưng Chúa sẽ đưa ta vào con đường huyền nhiệm của yêu thương và sự sống.

Tóm lại con đường hẹp là con đường Thập giá mà Đức Giêsu đã đi. Nhưng xem chừng, con đường hẹp như thế này không mấy hấp dẫn đối với nhiều người hôm nay, nhất là khi cuộc sống của họ đã quá đầy đủ và giàu sang! Theo lẽ thường, ai cũng thích bước đi trên con đường rộng rãi, phẳng phiu và dễ dãi. Đó là con đường tự do để hưởng thụ, tự do làm những gì mình thích bất chấp hậu quả.

Trong Tin mừng theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh với mọi người rằng: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó” (Mt 7,13). Chúa để cho chúng ta tự do để chọn lấy cho mình một con đường. Trước mắt chúng ta luôn có hai con đường mở ra: con đường hẹp với những hy sinh, chịu đựng, nhịn nhục nhau vì yêu và một con đường rộng thênh thang với đầy dẫy sự hưởng thụ và hấp lực trần gian.

Có một câu chuyện rất hay sau đây tôi xin được kể như một kết thúc: "Một thanh niên giàu có than phiền với bạn: "Người ta không thích tôi. Họ cho rằng tôi ích kỷ và keo kiệt. Nhưng tôi đã hứa là sau khi tôi qua đời, tôi tặng tất cả những gì tôi có cho một tổ chức từ thiện."

Bạn anh nói: "Ồ, câu chuyện của bạn làm tôi liên tưởng đến cuộc trò chuyện giữa Bò và Heo. Heo đến phàn nàn với bò: 'Người ta luôn nói tốt về bạn. Vâng, điều đó là sự thật, vì bạn cho họ sữa. Nhưng họ nhận nơi tôi nhiều hơn: dăm bông, thịt muối, mỡ và có khi họ nấu cả chân tôi. Chẳng ai giống tôi. Nhưng đối với họ, tôi chỉ là một con lợn, một con lợn để làm thịt. Tại sao thế?'

Bò suy nghĩ một lát và nói: 'Có lẽ điều đó đúng. Nhưng bạn chỉ cho thịt khi bạn chết rồi; còn tôi, tôi cho sữa ngay lúc tôi còn sống."

Sưu tầm

Read 661 times Last modified on Thứ hai, 26 Tháng 8 2019 17:20