Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 3 -Từ lòng tin tìm kiếm đến đức tin Kitô
Posted by Ban Biên Tập
TỪ LÒNG TIN TÌM KIẾM ĐẾN ĐỨC TIN KITÔ
Kính chào Lòng Chúa Thương Xót, bài 3
Bận tâm của các Mục tử khi gửi đến cộng đồng Dân Chúa một số lưu ý trong đời sống đức tin là để “đồng hành và giúp sống đức tin một cách đúng đắn theo giáo huấn của Hội thánh”. Một trong những nhắc nhở của các ngài là “phải tránh những thực hành mê tín dị đoan, bói toán, lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi”. Quả tình đây là điều rất đáng quan ngại trong tình cảnh xã hội hiện nay. Năm ngoái tôi có tham gia suy nghĩ về đề tài này qua loạt bài chia sẻ tựa đề “Đức tin, đạo Hiếu và đồng bóng” (https://gpquinhon.org/q/van-hoa/duc-tin-dao-hieu-va-dong-bong-897.html).
Mê tín là tin mà không biết tại sao phải tin như thế, còn đức tin là tin mà biết rõ tại sao mình tin, biết rõ mình tin vào ai.
BỘ PHIM VÀ QUYỂN TÂN ƯỚC BẰNG HÌNH
Khi bắt đầu giúp hai “đạo sĩ” học giáo lý, tôi nhận ra đức tin của hai người rất chênh lệch. Bà Cả nói về Chúa Giêsu với tất cả lòng yêu mến, còn bà Hai rất biết ơn Chúa nhưng có vẻ như chỉ cảm nghiệm về Chúa cách mơ hồ. Hỏi kỹ, thì ra người thứ nhất có lòng tin chính xác vì đã xem đi xem lại hai phim “Cuộc khổ nạn Chúa Kitô” và “Cuộc đời Chúa Giêsu”. Do người thứ hai không có điều kiện xem phim, tôi đưa cho bà quyển “Tân ước bằng hình”. Sau hai tuần, bà đọc xong và đức tin của bà trở thành chính xác không kém bà kia.
Từ kinh nghiệm ấy, khi người thứ ba và người thứ tư tìm đến, tôi đã đưa ngay quyển “Tân ước bằng hình”. Xưa kia, các đạo sĩ tìm được thông tin về vị vua phương Đông ở sách nào tôi không rõ nhưng các cụ già lương dân này nghe biết về Lòng Chúa Thương Xót từ đâu thì tôi rất rõ. Những Youtube trên Internet, những chiếc máy nghe nhỏ, chẳng phải là những dụng cụ quảng cáo công nghệ phép lạ, nhưng là những lời chia sẻ về tình thương bao la của Thiên Chúa.
LÒNG TIN TÌM KIẾM
Có lẽ hầu hết những người lương đến với Lòng Chúa Thương Xót đều đã khởi sự từ một nhu cầu thực tế nào đó của cuộc sống. Thế nhưng chắc hẳn Chúa Giêsu không vì chút “vụ lợi” của họ mà từ chối. Khi người cha của đứa bé bị động kinh, thường xuyên “ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép” tìm đến Chúa, ông thưa Chúa: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.”Đức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.”Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!”Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi!”Nhưng Đức Giêsu cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. (Mc 9,20-27). Chúa Giêsu đã chẳng xua đuổi một lòng tin còn vụ lợi, mà khi ngài đòi hỏi nơi người ấy một lòng tin mạnh thì vẫn chưa phải là lòng tin của những môn đệ đã nhận được đầy ơn Thánh Thần. Thánh Phêrô ở Cv 3,1-10 cũng đã hành sử theo cùng một tinh thần ấy của Chúa: Anh què chỉ mong được bố thí ít tiền, nhưng thánh nhân đã cho anh đứng phắt dậy và bước đi!
Có một người nọ, xuân về, đã chưng lên bàn thờ bốn loại quả: Mãn cầu, dừa, đu đủ và xoài, với ý nghĩa: “cầu vừa đủ xài”. Một người bạn gợi ý anh thêm một loại quả nữa cho đủ “ngũ quả”, nhưng anh nhất định không chịu, bởi lẽ loại quả được đề nghị thêm là “chôm chôm”, chèn vào, sẽ biến ý nguyện thành “cầu chôm vừa đủ xài”, quá trái đạo lý. Anh biết mình vụ lợi nhưng nhất định không chịu trái đạo lý. Cái vụ lợi của anh là vụ lợi của kinh Lạy Cha: “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày!”
Tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, một bà lương dân nọ cầu xin Chúa chữa lành đứa con trai một, rồi nó vẫn cứ chết. Thế nhưng sau đó, bà đi lễ đều mỗi Chúa nhật và tháng nào bà cũng dành ba, bốn ngày về Nhà Bè hành hương kính Lòng Chúa Thương Xót, và đã lãnh bí tích Thánh tẩy tháng 2-2019 tại nhà thờ Sông Hinh.
Một giảng viên đại học có ông bố bị ung thư. Chị gửi cái máy nghe các bài giảng Lòng Chúa Thương Xót cho cụ. Thoạt đầu, cụ không nghe, nhưng rồi đã thích nghe vì càng nghe càng bình an. Cụ được bình an nhưng bệnh ung thư vẫn cứ phát triển. Trong phòng bệnh, vợ cụ cầu Bồ Tát, con gái cụ cầu Chúa, còn bản thân cụ, hết chiều con để cầu Chúa lại chiều vợ để cầu Bồ Tát, đúng là cầu may! Con gái cụ bảo hãy tin vào Chúa để được sống đời đời, nhưng cụ bảo tâm lý mình chưa ổn định. Có lẽ nhiều người sẽ bảo là cụ mê tín, nhưng những người từng nghiên cứu tâm lý đức tin sẽ gọi đó là một lòng tin đang tìm kiếm. Cụ đã tìm và rồi cụ đã gặp. Vào một lúc nguy kịch, cụ đã gật đầu để con gái cụ cử hành bí tích Rửa tội cho cụ.
ĐIỀU ĐƯỢC NGHE RỈ TAI, LÊN MÁI NHÀ RAO GIẢNG
Khi viết bài này, tôi đang giúp tĩnh tâm cho chín anh em dọn mình lãnh chức Phó tế. Một anh em từ huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên cho biết giáo họ của anh chỉ mới khoảng hai trăm giáo dân nhưng khá lạc quan, bà con lương dân xung quanh rủ nhau nghe các bài giảng và tự động chỉ cho nhau cách cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót lúc ba giờ chiều. Những người đã thực hành như thế trước rồi mới kéo nhau đi hành hương, nỡ nào ta có thể bảo rằng họ mê tín? Rõ ràng họ đang tìm kiếm Đấng vẫn ruổi rong tìm kiếm họ!
Tại Tp. Tuy Hòa, cũng ở tỉnh Phú Yên, có một phụ nữ mua những chiếc máy nghe giảng về Lòng Chúa Thương Xót tặng cho những người đau nặng, còn một người đàn ông được chữa lành ung thư nhờ cầu nguyện với Lòng Chúa Thương Xót, đã photocopy hằng trăm tập sách về Lòng Chúa Thương Xót và hơn nữa, đã kiếm hình Lòng Chúa Thương Xót về làm khung, lộng kính thật trang trọng để tặng cho các gia đình. Người ta rỉ tai nhau, giúp nhau biết về Lòng Chúa Thương Xót.
Để tiếp ứng những nỗ lực xây dựng lòng tin tìm kiếm như thế, giữa tháng Năm, tôi đã gửi mua 50 quyển Tân ước bằng hình, tặng cho các tiểu đội Legio Mariae để họ có phương tiện giúp người ta chuyển từ lòng tin tìm kiếm sang đức tin Kitô giáo.
Có lẽ chúng ta cần nói thật chính xác: Những bài giảng về Lòng Chúa Thương Xót ấy đã giúp người ta khẳng định một lòng tin tìm kiếm, rồi sau khi được tìm hiểu kỹ về Chúa Giêsu, họ sẽ gặp được đức tin Kitô giáo. Ước gì ta có thể giúp Chúa một tay trong cuộc ruổi rong xuyên lịch sử!
Này các bạn trẻ, các bạn có thể giúp Chúa một tay chăng? Mỗi người hãy mua một quyển Tân ước bằng hình. Trước khi tặng những bạn hữu người lương có thiện cảm với Chúa hoặc cho họ mượn, bạn nên đọc để ôn lại. Thay vì đọc, bạn cũng có thể lên mạng xem kỹ lại phim “Cuộc đời Chúa Giêsu” và phim “Cuộc khổ nạn của Chúa”. Bạn cần ôn lại để có thể mau mắn trả lời những câu hỏi họ nêu ra, hoặc sẽ tỏ rõ ngay mối đồng cảm của bạn khi họ chia sẻ những cảm nhận của họ. Tôi xin thay lời Chúa Giêsu để cám ơn bạn và mời bạn tìm đọc bài 4: Vận may mới từ Đạo Hiếu.
Lm GP Võ Tá Khánh ( Lm Trăng Thập Tự)