Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 27 Tháng 8 2020 07:25

Lấy Sách Lễ Khỏi Bàn Thờ Khi Xông Hương

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Lấy Sách Lễ Khỏi Bàn Thờ Khi Xông Hương

 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

HỎI: Vào lúc xông hương lễ vật trong Thánh lễ, một số linh mục nhấn mạnh là phải lấy sách lễ khỏi bàn thờ. Con rất muốn nghe bình luận của cha. – C.L., Kiyinda-Mityana Diocese, Uganda
 
TRẢ LỜI: Thực hành này chắc hẳn phát xuất từ những quy tắc được sử dụng trong hình thức ngoại thường của nghi lễ Rô-ma. Trong nghi lễ này, cách thức xông hương bàn thờ được mô tả rất chi tiết. Mỗi cuốn sách lễ có một đồ hình giải thích cách làm việc đó như thế nào, và cuốn sách lễ năm 1962 thậm chí còn bao gồm một đồ hình cho việc xông hương một bàn thờ biệt lập.

Ví dụ chúng tôi đưa ra bản tóm tắt những mô tả trong cuốn Mô Tả Các Nghi Thức Của Nghi Lễ Rô-ma của Fortescue, O’Connell, và Reid: “Như vậy khi xông hương lễ vật, vị linh mục làm dấu thánh giá trên chúng 3 lần. Sau đó ngài cầm bình hương đi quanh lễ vật hai vòng ngược chiều kim đồng hồ và một vòng theo chiều kim đồng hồ [trong khi đọc lời nguyện nào đó]. Rồi ngài xông hương cây thánh giá bàn thờ bằng ba lần lắc kép bình hương. Nếu có các thánh tích hay ảnh tượng giữa các cây nến thì ngài xông hương chúng; trước tiên là phía bên đọc Tin Mừng của bàn thờ bằng hai lần lắc kép bình hương cho tất cả mà không rời vị trí chính giữa bàn thờ hay không cúi chào. Ngài cũng làm như vậy cho thánh tích hay ảnh tượng phía bên đọc thánh thư (đối diện với bên đọc Tin Mừng).

Sau đó ngài tiếp tục xông hương bàn thờ. […] Ngài bước đi trước bàn thờ sang bên đọc thánh thư và khi bước đi ngài xông hương phía bên này bên trên bàn thờ bằng ba lần lắc đơn bình hương, mỗi lần trước một trong ba cây nến bàn thờ. Tại góc bên phía đọc thành thư, ngài hạ bàn tay xuống và lắc bình hương hai lần dọc theo cạnh bàn thờ, cái lắc trước là thấp, cái lắc sau cao hơn; sau đó ngài trở về giữa bàn thờ với ba lần lắc đơn bình hương dọc theo phía trước bàn thờ và cúi đầu hay bái quỳ. Bây giờ ngài làm y như vậy cho phía bên đọc Tin Mừng; trước tiên là ba lần lắc đơn về phía các cây nến trên bàn thờ, và sau đó hai lần ở cuối bàn thờ bên đọc Tin Mừng.

Sau khi làm như thế, ngài vẫn đứng im ở cuối bàn thờ bên đọc Tin Mừng và xông hương phía trước của bàn thờ ở phía bên cạnh bằng ba lần lắc đơn. Rồi vẫn ở tại góc bàn thờ bên đọc Tin Mừng, ngài hạ thấp bình hương và xông hương phía trước của bàn thờ ba lần phía bên đọc tin Mừng và ba lần phía bên đọc thánh thư, trong khi bước về góc bàn thờ bên đọc thánh thư và bái gối hay cúi đầu khi đi qua giữa bàn thờ và trao bình hương cho thầy phó tế.”

Bởi vì sách lễ sẽ tạo nên một vật cản cho việc thực hiện các hành động nghi thức chính xác này, vị chủ tế hay người xông hương được chỉ thị là tạm thời lấy đi cuốn sách lễ trong khi xông hương.

Mặc dù lý do cho việc lấy đi sách lễ trong trường hợp trên có vẻ rõ ràng mang tính thực tiễn, một số người đề nghị rằng cuốn sách lễ bị chủ động loại trừ khỏi việc xông hương vì các lý do thần học. Những lý do thần học giả định này có lẽ nằm phía sau lý do tại sao một số linh mục tiếp tục nhấn mạnh việc lấy đi sách lễ trong khi dâng lễ vật.
Ví dụ một số linh mục cho rằng cuốn sách lễ không được xông hương bởi vì những lời nguyện của sách lễ chủ yếu là sản phẩm của con người chứ không phải là lời Chúa để được xông hương. Lập luận này quên mất rằng sách lễ hình thức ngoại thường cũng chứa đựng các bài đọc thánh lễ, và việc tách biệt sách bài đọc với sách lễ chủ yếu là sau công đồng Vatican II, mặc dù sách bài đọc rời có vào thời Trung Cổ và một cuốn sách Tin Mừng rời thường được xử dụng cho các lễ trọng thể của giáo hoàng trong suốt lịch sử. Cũng thế, các thẻ đọc ở bàn thờ, có các lời cầu nguyện y như trong sách lễ, không được lấy đi khỏi bàn thờ khi xông hương.

Tóm lại những lý do thần học giả định ấy hơi yếu.
Việc xông hương lễ vật trong hình thức thông thường thì đơn giản hơn nhiều, như được mô tả trong Hướng Dẫn Tổng Quát của Sách Lễ Rô-ma: 139. Khi kết thúc Lời Nguyện Các Tín Hữu, tất cả ngồi, và bài ca dâng lễ bắt đầu (xem số 74). Một người giúp lễ hay thừa tác viên giáo dân khác chuẩn bị khăn thánh, khăn tuyết, chén thánh, khăn palla, và sách lễ trên bàn thờ.

140. Việc tham dự của người tín hữu được bày tỏ bằng việc dâng lễ vật là thích hợp. Lễ vật là bánh và rượu để cử hành bí tích Thánh Thể hay các quà tặng khác cho nhu cầu của Giáo hội và người nghèo. Lễ vật của người tín hữu được linh mục, có người giúp lễ hay thừa tác viên khác, tiếp nhận. Bánh và rượu cho bí tích Thánh Thể được mang đến với vị chủ tế được vị này đặt trên bàn thờ trong khi các lễ vật khác được đặt vào một nơi khác thích hợp.

143. Sau khi đặt chén thánh lên bàn thờ, vị linh mục cúi chào sâu và thầm nói: In spiritu humilitatis (Lạy Chúa, chúng con cầu xin Ngài đón nhận chúng con).

144. Nếu có dùng hương trầm, vị linh mục bỏ một ít vào bình hương, làm phép bình hương mà không nói gì, và xông hương lễ vật, thánh giá và bàn thờ. Một thừa tác viên, đứng ở một bên bàn thờ, xông hương vị chủ tế và sau đó là cộng đoàn …

Việc xông hương

276. Việc xông hương là một cách biểu lộ lòng tôn kính và lời cầu nguyện, như ý nghĩa được nêu trong Thánh Kinh (xem.Tv 140 [141]:2, Kh 8:3).

Có thể dùng hương trầm nếu muốn trong bất cứ hình thức thánh lễ nào:

a. khi đoàn rước tiến vào;

b. vào đầu thánh lễ, để xông hương thánh giá và bàn thờ;

c. khi rước sách Tin Mừng và công bố Tin Mừng;

d. sau khi bánh và chén thánh được đặt lên bàn thờ, để xông hương lễ vật, thánh giá, và bàn thờ cũng như vị chủ tế và cộng đoàn;

e. lúc gương cao Mình Thánh và chén thánh sau khi truyền phép.

277. Sau khi bỏ trầm hương vào bình hương, vị linh mục làm phép bình hương bằng dấu thánh giá mà không nói gì.

Trước và sau một lần xông hương, phải cúi đầu sâu với người hay vật được xông hương, ngoại trừ việc xông hương bàn thờ và các lễ vật để hiến tế trong thánh lễ.

Các thứ sau đây được xông hương bằng ba lần lắc bình hương: Thánh Thể, một thánh tích của Thánh Giá và hình ảnh Chúa được trưng bày để tôn kính công khai, các lễ vật để hiến tế trong thánh lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến Phục Sinh, vị linh mục và cộng đoàn phụng vụ.

Các thứ sau đây được xông hương bằng hai lần lắc bình hương: thánh tích và hình ảnh của các thánh được trưng bày để tôn kính công khai, tuy nhiên chỉ nên làm như thế vào đầu buổi cử hành, sau khi xông hương bàn thờ.

Bàn thờ được xông hương bằng những lần lắc đơn theo cách nhu sau:

a. nếu bàn thờ tách rời khỏi bức tường thì vị linh mục xông hương bàn thờ khi đi xung quanh bàn thờ;

b. nếu bàn thờ không tách rời thì vị linh mục xông hương bàn thờ trước tiên là đi sang phía tay phải rồi sau đó sang phía tay trái. “Vị linh mục xông hương lễ vật bằng ba lần lắc bình hương hay bằng cách lấy bình hương làm dấu thánh giá trên lễ vật trước khi tiếp tục xông hương thánh giá và bàn thờ.”

Như có thể thấy ở trên, không hề có nhắc gì đến việc lấy đi sách lễ khi xông hương lễ vật, và không có lý do thực tiễn hay thần học nào để làm như thế. Việc đó chắc chắn không được thực hiện trong các thánh lễ của giáo hoàng tại Rô-ma.

Vì thế, chúng tôi cho rằng việc lấy sách lễ đi khi xông hương không phải là một thủ tục thích hợp trong hình thức bình thường.

(Bài ngày 18/8/2020 theo đường dẫn: https://zenit.org/2020/08/18/liturgy-qa-removing-the-missal-at-the-incensation/
 

Read 611 times