... Thường thì họ chuyền tay nhau thực phẩm, thuốc men hay những đồ dùng cần thiết nhưng chiều nay họ không hiểu được khi cầm trên tay dúm tro tàn. Người không có đạo làm sao hiểu được ý nghĩa sâu xa từ dúm tro tàn ấy !
Dúm tro tàn được trung chuyển chiều nay nơi cái làng xa xôi ấy là dấu chỉ của sự trở về, của sự sám hối và nhất là của niềm tin của những người nghèo thiểu số ...
Lòng tin của ngôi làng ấy được khơi lên từ dúm tro tàn mang đầy ý nghĩa ...
Đức tin không tự nhiên mà có ! Đức tin do ân ban của Thiên Chúa và con người đáp trả.
Nhìn lại lịch sử cứu độ, ta bắt gặp sự thử thách xem chừng đến cay nghiệt của Thiên Chúa với con người để nhìn thấy đức tin của con người như thế nào ?
Hẳn ta còn nhớ, và chỉ cần nhớ khuôn mặt lớn của Cựu Ước là Abraham thôi, ta đủ cảm được lòng tin vào Thiên Chúa được tôi luyện như thế nào. Trong Tân Ước, ta bắt gặp hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse, các thánh tông đồ và cả Hội Thánh nữa.
Lần giãn cách thứ 3 này đến với những thành phố lớn như đã là quen lắm rồi. Nhìn lại, ta thấy bớt ai oán hơn như lần đầu hay mới xãy ra đại dịch.
Trong cơn dịch bệnh, phản ứng với Thiên Chúa và với nhau được con người diễn tả thật rõ nét. Người thì tha thiết chạy đến Chúa và làm hòa với nhau nhưng cũng có người lòng chai dạ đá. Những người đó không chỉ thách thức Thiên Chúa mà còn ngày mỗi ngày làm cho cái con virus biến thể mạnh hơn để sát hại người đồng loại.
Với người Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ gặp phải cái Tết cổ truyền chật vật như thế này. Đơn giản là đến thăm nhau cũng là khó và có khi là không thể nếu như ở vùng phong tỏa như bỉ nhân.
Đặc biệt, với người Kitô hữu, chuyện giãn cách xã hội, chuyện phong tỏa xem chừng là điều gì đó mất mát ghê lắm. Họ có thể ăn mì tôm, họ có thể trữ thực phẩm ăn cả tháng nhưng không đến với những Thánh Lễ truyền thống dân tộc, Lễ Chúa Nhật, Lễ Tro hay như Phục Sinh năm ngoái thì là điều chua xót. Đơn giản là lòng đạo đã ăn sâu vào đời sống của người tín hữu bao đời nay. Nay bị giãn cách không đến Thánh Đường như là điều gì đó mất mát.
Với hiện trạng phong tỏa, cách ly, giãn cách ... mỗi người có cái nhìn khác nhau. Bản thân bỉ nhân thì có cái nhìn khác về những ngày đại dịch nhất là về đời sống tôn giáo.
Trong lúc dịch bệnh ngăn cách như thế này, lòng đạo của mỗi người sẽ bộc phát hết sức tự nhiên theo tâm tình cũng tự nhiên thôi.
Thánh Lễ với nghi thức sức tro cử hành trong khuôn phép không quá quy định. Nhẹ nhàng và trầm lắng hơn bao giờ trầm lắng.
Gần giờ cơm trưa, 3 người trong gia đình nhỏ tìm đến để xin được nhận tro.
Nghỉ dậy, một nhóm nhỏ độ 5 người đến xin nhận tro.
Cơm chiều gần đến, lại nhóm nhỏ khác xin nhận tro.
Dĩ nhiên, Lời Chúa của Thứ Tư Lễ Tro được công bố kèm theo lời diễn giải kèm theo. Kế đến là việc nhận tro và lời cầu nguyện.
Điều ngạc nhiên đáng nói là ở cái xóm nhỏ đang bị phong tỏa nơi kia bày tỏ lòng khao khát Chúa hơn ai cả. Bị cách ly, họ tìm mọi cách để có tro xức trên đầu. Nhìn đến hình ảnh dúm tro tàn được chuyền từ đầu cầu bên này sang đầu cầu bên kia mà rơm rớm hai hàng nước mắt.
Họ đơn sơ là như vậy, lòng đạo của họ là như vậy đó. Hình như cái làng đó họ không nói mà họ đã sống, họ đã bày tỏ niềm tin, họ đã khao khát Chúa cách mãnh liệt. Họ cũng chả có lên phây búc, họ cũng chả lên mạng xã hội để nói gì về lòng khao khát của họ đến tìm Chúa ngang qua dúm tro tàn. Họ không ai oán, họ không kêu than, họ chỉ đi tìm và tìm để rồi nhân viên y tế cùng cơ quan chức năng gác ở 2 đầu cầu không hiểu vật phẩm họ trung chuyển.
Như thường lệ thì những người hữu trách chuyển thực phẩm nhưng chiều nay trên tay họ là dúm tro tàn ! Làm sao họ có thể hiểu được ý nghĩa bên trong, bên dưới và bao trùm cả cuộc đời con người ở dúm tro !
Vâng ! Thật thế ! Phận con người chỉ là dúm tro tàn mà thôi. Chính vì thế cùng đích của người Kitô hữu không phải là thế gian này mà là ở đàng trước, ở phía sau cái chết của phận người.
Hình ảnh dúm tro tàn nhắc nhớ về cội nguồn của mỗi người chúng ta để rồi chúng ta cân chỉnh lối sốmg, lời ăn tiếng nói và hành động của mỗi người chúnng ta.
Giữa cơn đại dịch này, mỗi người chúng ta có thời gian, có cơ hội để tìm lại chân đích của kiếp người. Chỉ trong sâu lắng, ta mới có câu trả lời cũng như lời đáp trả về Chúa, về niềm tin tưởng, sự phó thác và quan phòng vào Thiên Chúa mà thôi.
Chiều tối ngày Lễ Tro năm dịch bệnh
Lm. Anmai, CSsR