Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 15 Tháng 3 2021 06:15

Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng.

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TÔI TIN MỘT THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG | Suy Tư Thần Học

 

TMĐP- Hãy thận trọng đừng để ma quỷ làm chúng ta sợ Thiên Chúa, và tự ý lạnh nhạt, tránh xa Ngài. Hãy tỉnh thức để biết ma quỷ không có tình yêu, chúng chỉ có sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn, bất an.

Khởi đầu Kinh Tin Kính của Dân Chúa là mạc khải “Thiên Chúa là Cha toàn năng”, một sự thật về Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa nói với con người. Đây là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Trên nền tảng này, tất cả mầu nhiệm thuộc về Thiên Chúa và con người được xây dựng. Đây cũng là mục tiêu số một ma quỷ luôn tìm cách tiêu diệt, bởi diệt được chân lý nền tảng này, chúng sẽ chiến thắng, khi cắt đứt tương quan Cha – Con giữa Thiên Chúa và loài người, tương quan mà chính Thiên Chúa đã thiết lập và gìn giữ bằng chính máu của Ngôi Lời nhập thể.

1. Thiên Chúa tự mạc khải là người cha nhân hậu:

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa Giavê đã mạc khải mình là Cha của mọi người, như ngôn sứ Malakhi đã viết: “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta” (Ml 2,10). Thiên Chúa còn là Cha của Ítraen như khi truyền cho Môsê nói với Pharaô: “Đức Chúa phán thế này: Con đầu lòng của Ta là Ítraen. Ta đã phán với ngươi: Hãy thả con Ta ra để nó đi thờ phượng Ta. Nhưng ngươi đã từ chối không thả nó đi, thì này chính Ta sẽ giết chết con đầu lòng của ngươi” (Xh 4,22-23).

Người cha Thiên Chúa ấy là “người cha đời đời” ( Is 9,5) và nhân hậu “nuôi dưỡng cô nhi, Đấng bênh đỡ quả phụ … Kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà ở, người tù đầy, Người trả lại tự do, hạnh phúc” (Tv 67,6.7), vì Thiên Chúa là “người cha chạnh lòng thương con cái” (Tv 102,13), và “xót thương chúng như người cha xót thương đứa con phụng dưỡng mình” (Ml 3,17). Ở Thiên Chúa chỉ có tình cha như lời sấm của Nathan về tương quan giữa Thiên Chúa Giavê với Đavít: “Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con … Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó” (2 S 7,14.15).

Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu là dung mạo của Thiên Chúa cha nhân hậu, giàu lòng thương xót. Qua lời nói, việc làm, đời sống, sự chết và sống lại của Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã cho nhân loại không chỉ nghe, thấy mà còn được sống tình cha Thiên Chúa của Ngài, một tình cha vô cùng kỳ diệu khi “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). “Không phải chết, nhưng được sống muôn đời” ở đây chính là “cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa (1 Ga 3,1), vì chỉ là con Thiên Chúa hằng sống, mới khỏi phải chết và được sống đời đời.

Như thế, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa “trong Đức Giêsu, và nhờ Đức Giêsu”, Con Một của Ngài, như thánh Gioan đã khẳng định: “Những ai đón nhận, tức những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”. Cũng thế, “chúng ta được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 12.14), đồng thời chúng ta sẽ “được nên giống như Người” (1 Ga 3,2), vì Người là Trưởng Tử, là anh của chúng ta.

Thánh Phaolô quảng diễn mạc khải nền tảng này trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho chúng ta làm nghiã tử của Người nhờ Đức Giêsu Kitô để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu. Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1,5-7).

Không chỉ là cha, Thiên Chúa còn là người cha nhân hậu chăm nom, nuôi nấng con cái mình; người cha quan phòng biết con mình thiếu gì, cần gì (x. Mt 6,25-34); người cha hay chạnh lòng thương xót và ủi an, ban phần thưởng (x. Mt 5,3-12); người cha rộng lượng tha thứ hết lỗi lầm của con và ban lại cho con mọi vinh dự, gia nghiệp đã đánh mất, như dụ ngôn “người cha nhân hậu” từ miệng Đức Giêsu trong Tin Mừng Luca (x. Lc 15,11-32).

Thực vậy, mạc khải nền tảng của Kitô giáo chính là tương quan Cha – Con giữa Thiên Chúa và con người, nên từ chối mạc khải nền tảng này, đời sống người Kitô hữu sẽ mất hết ý nghĩa, vì tất cả giáo lý của Đức Giêsu đặt trên nền tảng tương quan Cha – Con và xoay quanh trục Tình Cha của Thiên Chúa.

Trong tương quan Cha – Con thiết thân với Thiên Chúa, chúng ta được biết “tình yêu của Thiên Chúa ở nơi chúng ta”, và chúng ta tin vào tình yêu đó, tức tin “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. Và một khi đã tin và sống tình yêu của tương quan Cha Con với Thiên Chúa, chúng ta không còn phải sợ hãi bởi “tình yêu không biết đến sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,16.18). Chẳng thế mà không biết bao nhiêu lần, Đức Giêsu đã trấn an, nhắc nhở các môn đệ Ngài: “Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6,20), “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1).

Tóm lại, khi rời xa cốt lõi giáo lý của Đức Giêsu: Thiên Chúa là Cha toàn năng, nhân hậu, chúng ta sẽ không sống hạnh phúc là con Thiên Chúa, không hưởng đuợc sự ngọt ngào, êm dịu của người con được yêu thương, tha thứ, chăm sóc, giữ gìn bởi người Cha Thiên Chúa vô cùng toàn năng và nhân hậu, để rồi phải sống một đời làm người Kitô hữu bất hạnh, vì hoang mang, sợ hãi Thiên Chúa, khi lầm tưởng cha mình là quan toà khắc nghiệt luôn rình rập những sơ xuất, sai trái, tội lỗi của con cái để lên án, trừng phạt, đọa đầy.

mot-thien-chua

2. Mạc khải “Thiên Chúa -Người Cha nhân hậu” là mục tiêu tấn công dữ dội của ma quỷ.

Như đã trình bày ở trên: tín điều “Thiên Chúa là Cha toàn năng” đã khởi đầu kinh Tin Kính của dân Chúa, và là nền tảng của giáo lý, nên trong kế họach đánh phá đức tin, ma qủy luôn tập trung lực lượng đánh thẳng vào điểm nóng nền tảng này, bởi đập bỏ được nền móng, ngôi nhà sẽ không thể tồn tại, đứng vững.

Chiến thuật đánh phá mục tiêu trọng yếu này được ma qủy dàn dựng rất tinh vi bằng:

a. Làm sai lạc đức công chính, công lý, công minh, công bằng của Thiên Chúa:

Biết con người ai cũng có tội, ma qủy gieo vào lòng người ý tưởng sai lạc về đức công chính, tức công bằng, chính trực, cũng gọi là công lý, công minh của Thiên Chúa khi cắt nghiã đức công chính của Ngài theo phạm trù nhân loại. Ma quỷ đặt Thiên Chúa vào khuôn khổ, thước đo, dung lượng của phàm nhân, và giới hạn đức công chính của Ngài bằng xây tường, rào giậu, khoanh vùng ranh giới, với mục đích biến người Cha nhân hậu với đức công chính “đầy xót thương” của trái tim Thiên Chúa hay chạnh lòng thành ông chủ xét nét, keo kiệt, bóc lột, không ngại cắt lương, đuổi việc, khi không hài lòng về công việc của người làm công.

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đưa ra những hình ảnh ông chủ, như trong dụ ngôn những yến bạc với hình ảnh một ông chủ công minh và nghiêm khắc (x. Mt 25, 14-30), nhưng hình ảnh ông chủ ấy phải được hiểu trong ngữ cảnh đề cao ý thức trách nhiệm và tinh thần làm việc của gia nhân khi được tín nhiệm giao tiền để kinh doanh, làm lời cho chủ, mà không phải hình ảnh đức công minh thương xót của Thiên Chúa đã được Ngài trình bầy trong dụ ngôn thợ làm vườn nho (x. Mt 20,1-16).

Trong dụ ngôn thợ làm vườn nho, ông chủ ngay từ đầu đã khẳng định:ông là gia chủ của vườn nho Nước Trời (x .Mt 20,1), điều không hề có trong dụ ngôn những yến bạc, ở đó, hình ảnh ông chủ hoàn toàn có tính phàm nhân, như lời ông vừa lên án, vừa đay nghiến trách móc: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!” (Mt 25,26-27).

Thái độ của ông chủ của vườn nho Nước Trời cũng rất khác với cung cách của ông chủ trong câu chuyện yến bạc, khi ngay từ sáng sớm đã đích thân ra ngoài đường “mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” (Mt 20,1), chứ không oai vệ cho gọi đầy tớ đến trước khi đi xa, và khi về thì “đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ” (Mt 25,14.19). Điểm khác biệt rất tinh tế giữa hai ông chủ ở đây chính là cách đối xử của chủ với người làm công: một bên thì quan tâm đi tìm, một bên thì lạnh lùng triệu tập.

grape

Nhưng điểm cốt yếu của ông chủ vườn nho Nước Trời là ông đã không từ chối bất cứ ai muốn làm vườn nho cho mình, bằng “trở ra” nhiều lần trong ngày để nhận vào làm cả những người đến xin ở giờ cuối ngày, và điều ngoạn mục chưa bao giờ xẩy ra đã xảy ra, làm ngạc nhiên mọi người, đó là ông đã trả cùng một đồng lương hậu hĩnh cho tất cả các thợ, từ người làm sớm nhất đến người làm muộn nhất, từ người làm đủ tám tiếng, đến người chỉ làm một tiếng. Và đức công minh, công chính, công bình của ông chủ vườn nho Nước Trời đã làm khó chịu những người vào làm trước nhất, và ông đã cắt nghiã cho những người thợ này đức công minh thương xót của ông: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đọat về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20, 13-15).

Tóm lại, đức công chính của người Cha Thiên Chúa là công bình của yêu thương, công lý của lòng thương xót, công minh của bao dung, độ lượng, mà ma qủy luôn tìm cách che giấu, lấp liếm, làm sai lạc, nhất là khơi dậy lòng ghen tức, ganh tỵ trong lòng con người, khi Thiên Chúa biểu hiện đức công minh thương xót của Ngài.

b. Khai thác sự sợ hãi của con người:

dark

Độc kế thứ hai nhằm loại bỏ hình ảnh người cha Thiên Chúa, và cắt đứt tương quan cha – con với Thiên Chúa của ma quỷ thường xử dụng, đó là khai thác sự sợ hãi của con người. Chúng biết con người có nhiều giới hạn, khiếm khuyết, bất toàn, nên hay hoang mang, sợ hãi: vì thấy mình mỏng dòn trước thiên nhiên, con người sợ thiên nhiên; thấy mình không hoàn toàn làm chủ vận mệnh, con người sợ hiện tại, tương lai; thấy mình không đủ sức nắm bắt trọn vẹn các tương quan, con người sợ người khác; thấy mình chênh vênh giữa tội – phúc, cao cả – sa đọa, con người sợ chính mình. Nhưng nỗi sợ được ma quỷ đặc biệt khai thác để đánh gục con người, chính là sợ Thiên Chúa luận tội, lên án, trả thù, trừng phạt, vì Ngài không nhân hậu, từ bi, khoan dung, rộng lượng tha thứ như các môn đệ Ngài ảo tưởng.

Để làm cho con người sợ Thiên Chúa, ma quỷ tìm mọi cách làm méo mó, biến dạng dung mạo người cha nhân hậu của Thiên Chúa trong Tin Mừng, khi làm cho con người không tin vào Lời Thiên Chúa, nhưng tin vào những giải thích sai lạc có chủ đích làm nổi bật tính nặng nề, trầm trọng, hết thuốc chữa của tội lỗi để làm thất vọng người có tội; xóa bỏ hình ảnh người cha Thiên Chúa ngóng trông và sẵn sàng tha thứ cho đứa con phung phá thống hối trở về, bằng những luận cứ giảm thiểu lòng tốt của Thiên Chúa, và khả năng thương xót tội nhân của Ngài, bằng nại đến những đòi hỏi của định chế, cơ cấu, quy ước, lề luật.

Tóm lại, ma quỷ thường lợi dụng những sợ hãi vu vơ, vô căn cớ, và xúi giục chúng ta lấy trái tim ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi của mình làm thước đo tình cha vô cùng sâu thẳm, và cao vời của người cha Thiên Chúa hầu đạt mục đích đẩy chúng ta vào tình trạng hoang mang, bất an, nghi ngờ Thiên Chúa không còn yêu và muốn cứu chúng ta.

Hãy thận trọng đừng để ma quỷ làm chúng ta sợ Thiên Chúa, cha chúng ta và tự ý lạnh nhạt, tránh xa Ngài, nhưng tỉnh thức để biết ma quỷ không có tình yêu, ở chúng chỉ có sợ hãi, và mọi việc chúng làm đều mang đến lo lắng, hoảng loạn, bất an, khác với “tình yêu không biết đến sợ hãi, nhưng loại trừ sợ hãi” (x. 1 Ga 4,18), vì hoa trái của tình yêu là hoan lạc, bình an, hy vọng.

pray

Vì thế, hạnh phúc đích thực của người Kitô hữu là được ở trong tình yêu của người Cha Thiên Chúa như em bé ngủ yên trong vòng tay yêu thương của cha mình. Đó chính là lý do Đức Giêsu đã bảo các môn đệ: Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3), vì trẻ nhỏ hồn nhiên, khiêm tốn, đơn sơ trong tình yêu và tuyệt đối tin tưởng phó thác vào “tình thương toàn năng” của cha, khác với những cõi lòng đã trở nên chai đá vì nghi nan, ngờ vực tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, là người Cha vô cùng nhân hậu, Đấng đã nói với con người: “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã khắc ghi ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15-16).

Quả thực, chiến dịch làm con người sợ Thiên Chúa đang được Satan phát động mạnh mẽ và sâu rộng trong mọi tầng lớp, thành phần, bởi sau những kinh nghiệm cám dỗ, ma quỷ nhận thấy: làm cho con người sợ hãi Thiên Chúa là chiêu cực độc, dễ thực hiện, và mau chóng làm con người tuyệt vọng, vì chỉ cần con người nghi ngờ, không tin Thiên Chúa là Cha toàn năng, nhân hậu, giàu lòng thương xót đã có thể làm cho họ không còn nhận ra Ngài là Thiên Chúa của Đức Giêsu nữa, và thay vào bằng hình ảnh ông chủ hà khắc, quan toà ác độc, là những gì xa lạ với giáo lý đức tin và là nguyên nhân của một đời làm người “có đạo” bất hạnh.

Jorathe Nắng Tím

*Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

Read 532 times Last modified on Thứ ba, 16 Tháng 3 2021 20:52