Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 19 Tháng 5 2021 12:43

Lễ Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu được thiết lập khi nào

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
LỄ ĐỨC MẸ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU ĐƯỢC THIẾT LẬP KHI NÀO

 

(24 tháng 05 hằng năm)

Lòng tôn kính Đức Maria dưới tước hiệu “Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu” đã có từ lâu trong Giáo hội. Tuy nhiên, Giáo hội chính thức thiết lập lễ kính Đức Mẹ Phù hộ trong phụng vụ vào ngày 24 tháng 05, bắt đầu từ năm 1816, đúng 205 năm trước đây.

GIÁO HỘI TUYÊN XƯNG ĐỨC MARIA, ĐẤNG PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU.

Giờ đây chúng ta tìm hiểu ba sự kiện chính có bàn tay từ mẫu của Mẹ nâng đỡ để Giáo Hội công khai tuyên xưng “Đức Mẹ Là Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu”.

Trước hết là trận hải chiến lừng danh ở vịnh Lê-pan-tê (Rôma), xảy ra ngày 7 tháng 10 năm 1571. Khi đó, quân Thổ đã tiến sâu vào lãnh thổ Hungari, chúng đã làm chủ đảo Rhodes và một phần bờ biển nước Ý, và chúng đang đe dọa cả Châu Âu. Vua của nước Áo, đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Piô V, đã tiến đánh chúng trong vùng biển Hy-lạp, binh sĩ đã xuất trận sau khi rước lễ, và tấn công vào quân địch với tiếng hò la “vạn tuế Mẹ Maria”. Quân Thổ đã bị thua một cách thảm hại, với 40.000 quân địch bị chết chìm và 224 chiếc thuyền bị đắm. Để ghi nhớ ơn trọng đại này, Đức Piô V đã truyền thêm câu “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu” vào kinh cầu Đức Bà. Từ đấy đến nay, chúng ta vẫn đọc “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con”.

Thứ đến, một thế kỷ sau, năm 1683 quân Thổ lại xâm chiếm Châu Âu, và chúng đã đóng quân trước thủ đô Vienna của nước Áo. Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng lúc bấy giờ là Innocentê XI đã đặt vận mệnh thế giới Kitô giáo vào trong tay Đức Mẹ Phù Hộ, bởi vì để chống lại quân Thổ, người công giáo chỉ còn cậy dựa vào đạo quân nhỏ bé của vua Gioan Sobieski nước Ba Lan. Nhờ ơn trên phù hộ, vua Sobieski đã đại thắng quân Thổ. Một trong những tướng lãnh của vua là quận công xứ Baviere đã xin và được phép thành lập tại Munich một hội đạo Đức, lấy tên là hội Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Hội này rất được các tín hữu quý trọng và đã được ban nhiều đặc ân.

Sau cùng, vào những năm đầu của thế kỷ 19, Hoàng đế Napoleon Bonaparte đã bắt giam Đức Thánh Cha Piô VII. Ngài bị giam lỏng ở thành phố Savona nước Ý 5 năm trời. Tại đây, Ngài đến đặt một triều thiên trên tượng “Đức Mẹ của lòng Thương xót” và khấn xin Đức Mẹ “Đấng Phù hộ các giáo hữu” che chở và giải cứu. Đến năm 1812, Ngài bị đưa sang Paris nước Pháp và tiếp tục bị giam giữ tại Fontainbleau. Trong trại giam, hoàng đế Napoleon đã đối xử rất tồi tệ với ngài và ông ta đã dùng nhiều hình thức để lăng nhục Ngài. Ngài không thất vọng, nhưng vẫn tiếp tục tin tưởng vào sự phù trợ của Đức Maria.

Chúa quan phòng đã an bài thật nhiệm mầu. Đến năm 1814, quân đội của Napoleon liên tục bị thất trận và quyền lực của ông bắt đầu suy yếu. Dưới áp lực của dân chúng, Napoleon bắt buộc phải phóng thích Đức Thánh Cha để Ngài trở về Rôma.

Trên con đường trở về Vatican, Ngài dừng chân tại Ancona và đến trước tượng “Nữ vương các thánh”, dâng lên Mẹ một cây phủ việt bằng vàng để tôn vinh quyền lực của Đức Maria, đồng thời diễn bày lòng tri ân Mẹ vì đã giải cứu Ngài. Vì thế, chúng ta thấy trên tượng Đức Mẹ Phù hộ có mũ triều thiên và một phủ việt cầm trên tay. Đức Thánh Cha Piô VII chính thức thiết lập phụng vụ mừng kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu vào ngày 24 tháng 05 hằng năm, đồng thời cũng ghi nhớ ngày Ngài được Đức Mẹ giải thoát và trở về Rôma.

TƯƠNG QUAN GIỮA DON BOSCO VÀ MẸ PHÙ HỘ.

Đây cũng là thời điểm Don Bosco được sinh ra và lớn lên. Ngài luôn cổ xúy lòng yêu mến Đức Mẹ dưới tước hiệu trên. Ngài cũng hằng ghi nhớ sâu đậm giấc mơ 9 tuổi được Chúa trao cho công việc giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh thiếu niện hư hỏng không bằng những cú đấm, cú đá nhưng bằng sự dịu hiền và khôn ngoan. Chúa hứa sẽ trao cho Don Bosco một bà giáo, dười sự hướng dẫn của bà Don Bosco trở nên dịu hiền và khôn ngoan. Chúa Giêsu nói với Ngài: “Ta là Con của Đấng mà mẹ của con đã dạy con chào ba lần trong ngày”. Đó chính là Mẹ Maria hình ảnh một bà giáo, một người Mẹ đã luôn đồng hành và dẫn dắt Ngài trong suốt cuộc đời. Rồi cha Thánh cũng kể thêm một giấc mơ nổi tiếng về con thuyền Giáo hội lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng gió. Tuy nhiên, con thuyền đó đã được gìn giữ an toàn khi được neo chặt vào 2 cột trụ. Cột thứ nhất có Thánh Thể ở trên đỉnh với hàng chữ “Salus Credentium(Ơn cứu độ của những người tin) và trên cột bên kia có Đức Maria với hàng chữ “Auxilium Christianorum’ (Đức Mẹ phù trợ các Kitô hữu). Với những trải nghiệm sâu xa trong cuộc sống, Don Bosco đã nói với các con cái mình: “Cứ tin tưởng vào Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria phù hộ, chúng con sẽ thấy phép lạ là ”. Vời sự khiêm cung, Don Bosco nhìn nhận rằng “Không phải ngài là tác giả của những công trình tuyệt diệu mà các con nhìn thấy. Tác giả chính là Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã tỏ mình cho vị linh mục nghèo hèn này. Chính Mẹ Maria đã thực hiện tất cả”. Don Bosco cũng thành lập một dòng tu nam có tên là Tu hội Thánh Phanxicô Salêsiô (SDB) và một dòng tu nữ có tên là Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ (FMA), và Hội Cộng Tác Viên Salêdiêng

Trong niềm khao khát xây một ngôi thánh đường lớn, đẹp và vĩ đại với tước hiệu “Đức Mẹ Phủ Hộ Các Giáo Hữu”, tháng 12 năm 1862, Cha Thánh quyết định xây dựng một Vương cung Thánh đường dâng kính Mẹ Phù hộ ở Tôrinô. Sáu năm sau, ngôi Thánh đường vĩ đại này đã hoàn tất. Ngày 21 tháng 05 năm 1868, Đức Tổng Giám mục giáo phận Tôrinô đã đến thánh hiến Thánh đường ấy. Don Bosco đã nói với các con cái mình: “Đức Trinh nữ rất thánh, đấng mà chúng ta tôn vinh dưới tước hiệu Mẹ phù hộ đã ra tay can thiệp để bảo vệ đức tin các tín hữu trong những thời điểm khó khăn nhất như tại vịnh Lepanto, tại Vienna, tại Savone hay tại Rôma. Xin Mẹ luôn là Mẹ của Giáo hội, là Mẹ của Tu hội chúng ta, là đấng bảo trợ tất cả các công cuộc mà chúng ta thực hiện để phục vụ giới trẻ”.

Vương Cung Thánh Đường Mẹ Phù Hộ ở Tôrinô trở thành biểu tượng hữu hình về sự hiện diện của Đức Maria trong đời sống của Don Bosco và của Tu Hội Sa-lê-diêng. Đây là nhà thờ “Mẹ” của Gia đình Sa-lê-diêng, là nơi cổ võ và phát triển ơn gọi, cũng như là trung tâm quảng bá đặc sủng của Đấng sáng lập.

Ngày nay, lòng sùng kính Đức Mẹ với tước hiệu “Phù hộ các giáo hữu” đã lan tỏa khắp nơi trong Giáo hội Công giáo. Ngay ở Việt Nam, tại La vang hay tại Trà kiệu, Đức Mẹ cũng đã ra tay can thiệp để che chở giáo dân, và khi hiện ra tại những nơi này, Đức Mẹ cũng mang hình dáng của “Đấng Phù trợ các tín hữu”, một người Mẹ rất nhạy bén trước nhu cầu của con cái như trong tiệc cưới Cana, Mẹ rất tinh tế và nhạy bén trước sự hết riệu của gia chủ. Mẹ đã ra tay phù hộ gia chủ bằng cách kêu cầu quyền năng của Chúa Giê-su. Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ để xin sự phù hộ của Mẹ. Chắc chắn với sự tinh tế và nhạy bén của Mẹ, Mẹ sẽ giúp đỡ và phù hộ cho ta vượt qua được những khó khăn và thiếu thốn. Đồng thời Mẹ sẽ đồng hành và phù hộ ta trên hành trinh cuộc sống và đức tin.

Lm Giuse Hồ Quang Hân,SDB

Read 752 times Last modified on Thứ sáu, 21 Tháng 5 2021 06:41